Các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Donald Trump
Donald Trump gây dựng đế chế kinh doanh có nhiều thành công nhưng cũng đi kèm cả thất bại và trở thành ngôi sao truyền hình trước khi đắc cử tổng thống Mỹ.
Ngày 14/6/1946, Donald Trump chào đời tại thành phố Queens, New York, là con thứ 4 trong gia đình. Cha Donald Trump, ông Fred, là một nhà đầu tư bất động sản giàu có.
Vì tính cách hiếu động và ngang bướng, cậu bé Trump bị cha gửi đến học tại một trường quân sự nội trú rồi tốt nghiệp Trường Kinh tế Wharton, Đại học Pennsylvania, năm 1968. Ông sau đó tham gia công việc kinh doanh của gia đình. Ảnh: Facebook
Không để tâm tới thị trường ở thành phố Queens, Donald Trump nhắm tới miếng bánh lớn hơn là khu Manhattan. Năm 1978, giao dịch có giá trị lớn đầu tiên của Trump tại đây trở thành hiện thực, một phần nhờ các mối quan hệ chính trị cũng như khoản vay một triệu USD từ công ty của ông Fred Trump.
Năm 1983, tòa tháp Trump, biểu tượng cho sự giàu có và uy quyền của đế chế Trump, được hoàn thành. Ảnh: CNN
Ngày 22/10/1987, Trump phát biểu tại Câu lạc bộ Rotary ở thành phố Portsmouth, bang New Hampshire, đặt ra câu hỏi vì sao Mỹ phải cung cấp hỗ trợ quân sự cho các đồng minh giàu mạnh như Nhật Bản hay Arab Saudi. Giới quan sát đánh giá đây là khởi đầu cho hàng thập kỷ dạo chơi với chính trị của Donald Trump. Ảnh: Politico
Tháng 10/1987, Trump xuất bản cuốn hồi ký mang tên “The Art of the Deal”. Cuốn sách đã góp phần xây dựng cho ông danh tiếng một doanh nhân đầy bản lĩnh và khôn ngoan. Nó lọt vào danh sách những tác phẩm bán chạy nhất do New York Times thống kê và bình chọn trong suốt 48 tuần. Ảnh: SBS
Video đang HOT
Năm 1991, Trump lần đầu tiên nộp đơn xin phá sản vì kinh doanh thua lỗ tại sòng bài tỷ đô Trump Taj Mahal ở thành phố Atlantic, chỉ một năm sau khi khai trương. Nhằm cứu vãn tình hình, ông bán đi chiếc du thuyền Trump Princess và hãng hàng không Trump Shuttle. Ảnh: Wiki
Ngày 8/1/2004, ông Trump lần đầu tiên ra mắt với tư cách ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế “Người Tập sự” (The Apprentice). Chương trình khắc họa chân dung một Donald Trump rất đời thường và đầy nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh. Qua đó, thế hệ trẻ ở Mỹ biết đến ông nhiều hơn. Ảnh: NYTimes
Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống tại tháp Trump ở Manhattan ngày 16/6/2015. Ảnh: National Journal
Ngày 3/5/2016, ông Trump trở thành ứng viên còn lại duy nhất của đảng Cộng hòa trên đường đua vào Nhà Trắng bởi thượng nghị sĩ Ted Cruz tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử sau thất bại tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ bang Indiana. Ảnh: Washington Post
Ngày 21/7/2016, đảng Cộng hòa chính thức bầu Donald Trump làm ứng viên đại diện tranh cử tổng thống Mỹ. Ảnh: New York Times
Ngày 8/11, ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đánh bại đối thủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Phương Vũ
Theo VNE
Bên trong pháo đài cô độc của Trump sau bê bối rò rỉ video
Tháp Trump, một tòa công trình chọc trời, hào nhoáng, nằm ngay khu trung tâm Manhattan, New York, lâu nay vẫn được xem là thánh điện quyền uy của Donald Trump.
Ông Donald Trump tại văn phòng làm việc thuộc tòa Tháp Trump, New York. Ảnh:Washington Post
Tuy nhiên, tòa tháp đặc biệt ấy từ chiều ngày 7/10 bỗng chốc biến thành một pháo đài cô độc, nơi mà chủ nhân của nó, ông Donald Trump, đang ngày càng bị xa lánh bởi chính những người bạn Cộng hòa, theo New York Times.
Nhà tài phiệt New York đã được yêu cầu không tới dự một buổi họp mặt đảng vào chiều 8/10 ở Wisconsin. Tại đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul D. Ryan cùng một số quan chức chính phủ uy tín khác đã thay phiên lên sân khấu, chỉ trích mạnh mẽ ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa Donald Trump, đến nỗi người ta có cảm tưởng ông giống hệt một học sinh cá biệt bị cô lập. Thế nên, gần như cả ngày 7 và 8/10, ông chỉ ở yên trong nhà, một căn hộ áp mái sang trọng trên tầng 66 tòa Tháp Trump.
Thỉnh thoảng, những cố vấn, trợ lý thân cận đến gặp Trump với mục đích chính là giúp ông chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton diễn ra tối 9/10. Nhưng thay vào đó, họ dành hầu hết thời gian bàn cách khắc phục những hậu quả sau vụ bê bối rò rỉ đoạn video từ năm 2005 mà Trump khoe khoang chuyện sờ soạng phụ nữ.
Đôi lúc, ông mở mạng xã hội Twitter, đăng lại bài viết từ một tài khoản được cho là của người phụ nữ cách đây nhiều năm tố cáo cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chồng bà Hillary, vì hành vi hiếp dâm.
Trump gọi cho vài phóng viên nhưng gương mặt thiếu vắng niềm thích thú thường thấy. Ông liên tục mở tivi để xem các bản tin trên CNN, kênh truyền hình mà Trump cho rằng luôn đưa tin không công bằng về ông. Dù vậy, ông vẫn chuyển tới nó nhiều nhất và buồn rầu mỗi lần thấy các quan chức đảng Cộng hòa, từng người một, lên án mình.
Theo hai nguồn giấu tên am hiểu vấn đề, Trump đã bị chấn động bởi đoạn video do Washington Post đăng tải ngày 7/10, quay lúc ông nhắc đến chuyện sàm sỡ, quan hệ với phụ nữ khi chuẩn bị ghi hình chương trình Access Hollywood hồi tháng 9/2005.
Trump được khuyên phải tỏ ra khiêm nhường và ông dường như cũng cảm thấy vậy khi đưa ra đoạn video xin lỗi sáng sớm ngày 8/10. Nhưng Trump lại tiếp tục hứng chỉ trích vì kết thúc thông báo bằng cách đào sâu bê bối nhà Clinton và không xin lỗi người vợ hiện tại Melania.
Đối với nhà tài phiệt New York, những lời chỉ trích chỉ như một sự khẳng định rằng bất kể Trump nói hay làm điều gì, chúng cũng không thể giúp ông xóa bỏ những thù địch hướng về phía mình, một nguồn tin cho biết.
Bên ngoài Tháp Trump. Ảnh: Reuters
Bên trong Tháp Trump ngày 8/10, hàng loạt kế hoạch hành động được thảo luận. Ông Trump và các cố vấn cân nhắc tổ chức một cuộc phỏng vấn trên truyền hình chung với bà Melania. Ý tưởng bắt nguồn từ sự việc hồi năm 1992, vợ chồng Clinton cùng xuất hiện trong chương trình "60 phút" của đài CBS sau khi người mẫu, diễn viên Gennifer Flowers tuyên bố cô có mối quan hệ tình cảm với ông Clinton.
Kế hoạch tổ chức cuộc phỏng vấn nhanh chóng được thông qua, bất chấp việc bà Trump không hề thích thú vì phải xuất hiện trước ống kính camera. Nhưng Nancy O'Dell, người từng dẫn chương trình "Access Hollywood", bỗng đăng một thông báo lên án kịch liệt những bình luận của Trump trong video. Sau đó, nhiều đoạn ghi âm Trump nói chuyện thô lỗ, dung tục về phụ nữ tiếp tục xuất hiện trên truyền hình, lần này là trong chương trình "The Howard Stern Show". Ý tưởng tổ chức cuộc phỏng vấn lập tức bị dẹp sang một bên.
Nhóm hỗ trợ Trump tập hợp tại căn hộ áp mái lúc bấy giờ gồm Jared Kushner, con rể ông, con trai cả Donald Jr., Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, cựu thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani cùng chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus.
Christie và Priebus nói với Trump rằng tình thế với các thành viên khác thuộc đảng Cộng hòa đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Một số cố vấn quả quyết rằng tấn công vào bê bối ngoại tình của ông Bill Clinton sẽ là chìa khóa giúp nội bộ đảng gắn kết trở lại.
Bà Trump và những thành viên khác trong gia đình lên kế hoạch đi cùng ông tới buổi tranh luận như một cách để khích lệ tinh thần.
Nhưng nguồn động viên lớn nhất đối với Trump lúc bấy giờ lại đến từ một nhóm nhỏ người ủng hộ đang giơ cao các tấm biểu ngữ cổ vũ ông bên ngoài Tháp Trump. Những người ủng hộ ông xô xát với người qua đường, trong đó có một phụ nữ. Người này nói với một phụ nữ khác trong nhóm ủng hộ Trump rằng cô nên trở về với "chiếc xe kéo" của mình đi.
Trump không thể đứng im khi chứng kiến cảnh tượng đó. Gần 17h, ông rời khỏi "thánh địa" tầng áp mái, băng qua dãy hành lang lát đá cẩm thạch. Phía sau, con trai ông và quản lý chiến dịch Kellyanne Conway luôn bám sát.
Trump bước xuống đường, làm giật mình những người ủng hộ đang tập trung trước tòa nhà. Đám đông hò hét, vươn tay ra để chạm vào áo vest của ông. Trump cứ thế hòa mình vào dòng người hâm mộ cuồng nhiệt.
Trump giơ nắm đấm lên không trung, nở nụ cười. Trông ông như trẻ ra vài tuổi. Ông đứng đó khoảng 5 phút. Trước khi ông quay trở vào bên trong, một phóng viên hét lớn, hỏi Trump rằng liệu ông có tiếp tục ở lại cuộc đua vào Nhà Trắng hay không.
"100%", Trump đáp ngắn gọn. Ông quay lưng lại, vỗ tay như để cổ vũ đám đông và cũng là để cổ vũ chính mình.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump có thể lách qua cửa hẹp nhờ chiến thắng ở Florida Việc giành chiến thắng ở bang chiến trường quan trọng này là tiền đề để tỷ phú Mỹ có thể tiếp tục giấc mơ tiến vào Nhà Trắng. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ từ đảng Cộng hòa Donald Trump đang so kè rất quyết liệt...