Các Đại biểu quốc hội tranh luận về Luật Biểu tình
Chiều 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là có nên sớm ban hành Luật Biểu tình hay không. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, Luật Biểu tình cần sớm được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội xem xét ban hành.
Ông Đinh Xuân Thảo nói: “Chính phủ đã thống nhất đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Biểu tình. Cá nhân tôi thấy nên sớm có luật này. Với tình hình hiện nay, nếu không có luật, lực lượng công an sẽ rất vất vả. Tôi thấy một số dự luật trong chương trình chưa thực sự cấp bách có thể lùi lại để ưu tiên Luật Biểu tình trước”.
ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) hoàn toàn đồng tình: “Nên có Luật Biểu tình với những quy định cụ thể. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, sẽ không thể tiếp tục xảy ra những cuộc biểu tình trái pháp luật”. ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cũng nhất trí: “Cần có Luật Biểu tình để tránh việc kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu như vừa xảy ra. Tôi đề nghị xem xét Luật Biểu tình càng sớm càng tốt để quản lý được trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện người dân thể hiện được quan điểm của mình”.
ĐB Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT-TT (Hà Nội) nêu ý kiến: “Chúng ta không ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân khi có những gì ở biên giới, nhưng phải đề nghị thực hiện đúng theo pháp luật. Hiện nay, đã có văn bản pháp luật nữa để vận dụng cho hoạt động này, đó là Nghị định số 38/NĐ-CP. Tất nhiên nếu có Luật Biểu tình sẽ thuận lợi hơn. Còn khi chưa có Luật Biểu tình, chúng ta thực hiện theo Nghị định 38/NĐ-CP.”
Người dân xuống đường tuần hành phản đối hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc
Tại tổ TP HCM, nhiều đại biểu có chung đề nghị đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Vừa qua, trước tình hình Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam, người dân có nhu cầu biểu tình, nhưng chúng ta lại chưa có khung pháp lý cho hoạt động này. Vì chưa có Luật nên lúng túng, gây ra bất cập. Đây là một ví dụ hết sức điển hình”.
Video đang HOT
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc xây dựng pháp luật có thể huy động sự đóng góp của các ngành, các giới chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào Chính phủ. “Tôi cho rằng Hội Luật gia, Luật sư sẽ sẵn sàng đóng góp công sức vào việc xây dựng Luật Biểu tình”, ông nói.
Nhìn vấn đề ở góc độ khác, ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng, xem xét Luật Biểu tình lúc này là chưa hợp. “Nếu như có Luật Biểu tình thì vừa rồi không phải chỉ có Bình Dương, Vũng Áng mà còn nhiều nơi biểu tình. Ai sẽ quản lý, quân đội hay công an? Quốc hội bỏ luật này ra tôi đồng tình rất cao. Ý kiến đề xuất của một số ĐB tôi cũng không đồng tình, vì Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay chưa cần thiết” – ông Lê Hiền Vân nói.
ĐB Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cũng không đồng tình: “Luật Biểu tình trong tình hình hiện nay không nên đưa ra. Biểu tình quy định trên giấy nhưng thực tế diễn ra thế nào ai kiểm soát được…”.
Theo ANTD
Chưa có Luật Biểu tình, nhân dân khó thể hiện lòng yêu nước?
Nhắc lại các vụ gây rối ở Vũng Áng và Bình Dương, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, do chưa có Luật Biểu tình nên nhân dân khó thể hiện lòng yêu nước. Một số khác lại cho rằng nếu có luật rồi, sự việc càng phức tạp hơn.
Chiều ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội... Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cho rằng hiện nay nước ta chưa cần có Luật Biểu tình.
Không có luật, dân khó biểu hiện lòng yêu nước?
Phát biểu tại tổ Nghệ An, đại biểu Phạm Văn Quý cho rằng, cần có Luật Biểu tình để tránh tình trạng diễn ra như thời gian vừa qua, đám đông công nhân bị kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu. Đại biểu Quý đề nghị Quốc hội sớm xem xét Luật Biểu tình vì luật này ngoài việc quản lý được an ninh trật tự còn tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm của mình.
Người Việt tại Áo biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. (Ảnh: Đức Vũ)
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, nếu có quy định chặt chẽ trong Luật Biểu tình thì khó có thể xảy ra những vụ việc có hậu quả như vừa qua. Do vậy, đại biểu Hiền nhận định Luật Biểu tình ra đời là cần thiết.
Đại biểu Phan Đình Trạc (đoàn Nghệ An) cho rằng nếu không có luật thì ít ra cũng phải có Pháp lệnh Biểu tình rồi sau đó nâng dần lên.
Tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu tranh luận việc nên hay không nên đưa ra Luật Biểu tình trong thời điểm này. Từ tình hình thực tiễn những ngày qua trên cả nước, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng cần sớm có Luật Biểu tình. "Tình hình biển Đông thời gian qua, người dân muốn biểu hiện lòng yêu nước cũng khó vì chưa có cơ sở pháp lý nào, lực lượng công an cũng vất vả theo", ông Thảo nói.
Chưa cần thiết có Luật Biểu tình
Mang quan điểm thời điểm này chưa cần thiết có Luật Biểu tình, đại biểu Lê Hiền Vân (đoàn Hà Nội) nói: "Tôi đồng tình rất cao với việc Quốc hội bỏ luật này ra khỏi chương trình. Vì có thể nói Luật Biểu tình lúc này là chưa hợp. Ý kiến đề xuất của các đại biểu tôi cũng không đồng tình vì Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay chưa cần thiết".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Cũng quay trở lại vấn đề ở Bình Dương, Vũng Áng (Hà Tĩnh), đại biểu Vân cho rằng nếu có Luật Biểu tình thì sẽ còn nhiều nơi xảy ra hiện tượng gây rối. Đại biểu cũng băn khoăn với việc công an, quân đội hay cả hệ thống chính trị cùng quản lý biểu tình. Đại biểu Vân lấy ngay ví dụ từ Thái Lan, hệ thống chính trị rất khủng hoảng vì một phe ủng hộ Chính phủ, một phe chống Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh cũng nhận định, trong tình hình hiện nay không nên đưa ra Luật Biểu tình. "Biểu tình có thể quy định trên giấy tờ như biểu ngữ làm sao, đi đứng thế nào... Nhưng khi hàng nghìn người ra đường, họ rút từ trong người ra biểu ngữ khác, lúc đó ai cấm được, còn lời người dân nói từ miệng ra ai kiểm soát được?", đại biểu Thanh bày tỏ băn khoăn.
Trước các ý kiến khác nhau ở tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phân tích rõ thêm vấn đề. Ông Son cho rằng, trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, người dân đã bức xúc, biểu lộ tình cảm, trách nhiệm qua việc tuần hành tự phát trên đường phố, đó là hành động thể hiện lòng yêu nước. "Chúng ta không có quyền ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân, nhưng tất cả phải hoạt động theo pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng nhu cầu cuộc sống cần có Luật Biểu tình, nhưng chương trình Quốc hội kỳ này đã có khá nhiều luật. Nếu cố gắng xây dựng Luật Biểu tình cũng được nhưng chất lượng không cao. Khi chưa có Luật Biểu tình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng có thể thực hiện theo Nghị định 38 (năm 2005).
"Nếu có Luật Biểu tình chỉ là ở mức cao hơn Nghị định, còn nội dung cũng không ngoài việc bảo vệ trật tự nơi công cộng và thể hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Quang Phong
Theo Dantri
Cho ý kiến sửa đổi quy định lấy phiếu tín nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tiếp tục phiên họp thứ 27, tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đáng chú ý, tuần...