Các đặc sản phơi khô rợn người hút khách ở miền Tây
Sản phẩm khô từ các loài như rắn, thằn lằn, nhái, thòi lòi, cá lau kính, tắc kè… có giá bình dân cho đến nửa triệu đồng mỗi kg đang là mặt hàng đắt khách ở các tỉnh miền Tây.
Để làm ra sản phẩm khô rắn, người dân phải chọn những con rắn tươi sống được lột da lấy thịt. Bình quân cứ 10 kg rắn sống cho ra 4 kg khô rắn.
Trun, bông súng, rắn râu và rắn nước là những loại rắn được người dân dùng làm khô tương đối nhiều do có giá rẻ và xuất hiện nhiều vào mùa lũ.
Ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất khô rắn ở Châu Đốc, An Giang cho biết: Vào mùa lũ lượng rắn nhiều, công ty sản xuất mỗi ngày từ 40 đến 50 kg khô rắn. Giá hiện tại cho mỗi kg khô rắn dao động từ 350.000 đến 500.000 đồng (tùy vào loại rắn). Thường vào dịp tết, khô rắn tiêu thụ mạnh nhất trong năm, đa phần dùng làm quà biếu.
Khô chuột đồng nổi tiếng nhất ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Hiện giá bán mỗi kg khô chuột từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg. Ngoài món khô chuột đồng nổi tiếng nơi đây, còn có món mắm chuột là món khoái khẩu của nhiều dân nhậu ở miền Tây. Tuy nhiên mắm chuột chưa phổ biến rộng rải bán ra thị trường, đa phần người dân tự làm phục vụ cho gia đình.
Thằn lằn sống ở trong nhà cũng được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 – 3 nắng, sau đó xào với các gia vị trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây.
Mấy năm gần đây tắc kè trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người, vì loài này được cho là giúp tăng cường sinh lực và bồi bổ cho sức khỏe.
Video đang HOT
Ông Năm Nhàn, ở huyện Tịnh Biên, An Giang chuyên làm khô tắc kè bán cho biết, thường 3 kg tắc kè sống cho ra 1 kg khô tắc kè. Giá bán mỗi con tắc kè khô như vậy dao động từ 45.000 đến 50.000 đồng.
Khô nhái còn gọi là “vũ nữ chân dài” nổi tiếng ở vùng Bảy Núi, An Giang là một loại khô được chế biến từ con nhái cơm bắt ngoài thiên nhiên. Nhái cơm là loài động vật hoang dã thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng hoặc dưới chân núi, nhiều nhất là mùa mưa. Anh Lê Thanh Dũng, một người chuyên săn nhái cho biết, khô nhái xuất phát đầu tiên từ nước bạn Campuchia đưa sang. Sau đó, bà con vùng Bảy Núi làm theo và phát triển ra cả làng với gần 50 hộ sản xuất khô nhái cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL.
Bình quân cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một ký khô. Giá nhái khô hiện giờ khoảng 300.000 đến 350.000 đồng/kg, còn vào dịp tết lên 650.000 đồng/kg mà không có hàng để bán. Chị Nguyễn Thị Tươi, một người chuyên sản xuất mặt hàng này ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cho biết, muốn cho khô nhái đạt chất lượng cao phải ướp nhái với tiêu, ớt, muối cho thấm đều trước khi phơi 2 – 3 nắng.
Khô cá lau kính giá 150.000 đồng/kg lần đầu tiên có mặt ở nhà hàng tại Cần Thơ. Vì cá lau kính là loài ngoại lai, ít ai ăn thậm chí tiêu diệt chúng nên xuất hiện khá nhiều trong thiên nhiên. Tuy vậy, đến thời điểm này, cá lau kính lại trở thành đặc sản ở đất Tây Đô khi được người dân xẻ thịt, đem đi phơi khô.
Tương tự, trước đây, cá thòi lòi biển ở vùng bán đảo Cà Mau ít ai ăn, vì có mùi tanh. Từ khi thịt cá này đem đi làm khô, giá trị tăng lên gấp 3 đến 4 lần. Bình quân 4 kg cá thòi lòi biển cho ra 1 kg khô, bán giá từ 400.000 đến 450.000 đồng/kg. Địa bàn tiêu thụ mạnh nhất của loại đặc sản này là TP.HCM và Cần Thơ.
Theo Ngọc Trinh (Zing.vn)
Kỳ bí thòi lòi - quái ngư vùng nước lợ
Sống lấm lem với bùn nhưng không tanh, thịt ngọt, sớ dai, đấy chính là sự hoà quyện mặn nồng của quái ngư nước lợ thòi lòi.
Thợ bẫy thòi lòi ở vùng rừng đước của đảo Long Sơn, Vũng Tàu - Ảnh: Nguyễn Đình
Mắt lồi thao láo, ngó trước nghiêng sau, khi phi thân trên mặt sình lầy, lúc lướt phăng mặt nước, leo cây ác liệt, hiếu chiến như đấu sĩ... đấy chỉ là những miêu tả cơ bản khi nói về loài lưỡng cư có tên gọi rất tượng hình: thòi lòi - món ngon khoái khẩu vùng đầm lầy nước lợ.
Thòi lòi trở nên phổ biến trong thực đơn lai rai của tín đồ ăn nhậu cỡ độ chục năm trở lại. Với ngoại hình kỳ dị như một con quái thú đầm lầy, và cũng không dễ đánh bắt, do vậy thòi lòi ngày xưa không mấy được ưa chuộng và hiển nhiên không có trong danh sách yến tiệc hải sản phủ phê của cư dân miệt sông nước.
Rồi đến một hôm khi rượu còn mồi cạn, nghía ra đầm lầy thấy thòi lòi đang giương vây gầm ghè, cấu xé tranh giành lãnh thổ và bạn tình của nhau, món mồi nhậu thòi lòi nướng mộc hiện nguyên hình, ngon không kể xiết.
Khoan bàn đến món thòi lòi nướng trui hay nướng muối ớt, mà hãy đề cập đến chuyện gian nan đưa con cá này từ đầm lầy lên bàn nhậu. Ấy là bởi tập tính con cá khó chịu này cứ nửa nước nửa sình, nên không có "cửa" bủa lưới, chuyện giăng câu cũng quá xá trần ai. Muốn tóm gọn Thòi Lòi, cách duy nhất là đánh bẫy.
Bẫy thòi lòi đơn giản với một ống lưới dài độ 50 - 70cm, miệng lưới có đường kính độ 20cm, thuôn nhỏ dần đến cuống lưới. Khi nước cạn, thòi lòi đào hang trú ẩn, miệng hang có hình tròn rộng như cái tộ lớn xâm xấp nước.
Dân săn thòi lòi dựa vào vết bùn nơi miệng hang là xác định được "báu vật" còn đang nằm trong đó, chỉ việc úp ống lưới vào, khi thòi lòi chui ra sẽ chạy tuột xuống cuống lưới đến lúc bí đường, vòng ngược lại tự cuộn luôn mình vào lưới. Việc đơn giản còn lại chỉ việc xách ống lưới mang thòi lòi về nhà, đợi giờ "lên đĩa".
Việc chế biến thòi lòi thật mộc mạc, chân thành, không diêm dúa đến độ phải "tắm nước sôi - bôi nước hoa" với các công đoạn đánh vẩy, làm lông, tẩm ướp gia vị như những món ngon cá mú miền sông nước khác.
Thòi lòi cứ để nguyên con, nướng mộc cũng gọn, hay sang chảnh hơn cứ việc thêm chút muối ớt, khía qua thân mình vài lát để khi nướng vị mặn cay của muối ớt thấm sâu vào thớ thịt.
Thòi lòi bơi nhảy với tốc độ như một vận động viên điền kinh, nên giống quái ngư này không có mỡ, thịt chắc như lực sĩ cử tạ, đem nướng cho đến khi da cháy sém, từng sớ thịt trắng bông nở ra, món ngon thòi lòi lúc ấy chính thức sẵn sàng.
Sống lấm lem với bùn nhưng không tanh, thịt ngọt, sớ dai, đấy chính là sự hoà quyện mặn nồng của quái ngư nước lợ thòi lòi. Miếng cá còn đượm thơm hơi lửa, chấm cùng chút nước mắm nhĩ dằm ớt chỉ thiên, luôn khiến những bữa tiệc rượu thêm phần thịnh soạn.
Thòi lòi nướng có thể ăn kèm với dưa leo, rau răm. Món ngon khác của thòi lòi ấy là đem chế biến nồi lẩu lá giang, xì xụp chan chan húp húp giữa những ngày mưa gió. Gắp con thòi lòi mà rưng rưng cảm động bởi quái ngư ngoại hình xấu xí không xứng tầm ngôi hậu ngôi phi, nhưng phong vị đầy gợi thèm, ăn chưa xong đã nhớ.
Cùng xem những hình ảnh độc đáo về thú đi săn cá thòi lòi ở vùng rừng đước của đảo Long Sơn, Vũng Tàu:
Việc chế biến thòi lòi thật mộc mạc, chân thành, không diêm dúa đến độ phải "tắm nước sôi - bôi nước hoa", mà chỉ cần thêm chút muối ớt, khía qua thân mình vài lát - Ảnh: Nguyễn Đình
Thòi lòi đào hang trú ẩn với miệng hang có hình tròn tròn như cái tộ lớn - Ảnh: Nguyễn Đình
Dụng cụ bẫy thòi lòi - Ảnh: Nguyễn Đình
Chân dung quái ngư thòi lòi vùng nước lợ - Ảnh: Nguyễn Đình
Chiến lợi phẩm của một buổi săn thòi lòi - Ảnh: Nguyễn Đình
Nguyễn Đình (thực hiện)
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
[Chế biến] - Chim cút rán ngũ vị hương Thịt chim thơm phức, vàng ươm, dùng làm món nhắm hoặc ăn cùng cơm nóng đều ngon tuyệt cú mèo. Nguyên liệu: - 1kg chim cút - Ngũ vị hương, mật ong, dầu hào, tỏi, đường, muối, giấm, hạt tiêu, xì dầu - Cà chua, hành tây, rau xà lách ăn kèm. Cách làm: Bước 1: - Chim cút mua về rửa sạch...