Các cuộc chiến pháp lý quốc tế về biển đảo – Kỳ 2
Colombia và Nicaragua đã vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hơn 10 năm quanh chủ quyền của đảo San Andres và Providencia ở biển Caribe và vùng biển xung quanh quần đảo này. Kể từ lúc nhận đơn kiện Colombia của Nicaragua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã mất tới 11 năm mới đưa ra phán quyết cuối cùng.
Nguồn gốc tranh chấp
Kể từ khi Nicaragua giành độc lập năm 1821, Colombia đã chiếm quyền sở hữu đảo San Andres và Providencia cùng toàn bộ quần đảo San Andres. Ngoài ra, Colombia cũng tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng bờ biển Mosquito ở biển Caribe của Nicaragua. Điều này đã bị Nicaragua phản đối ngay từ đầu.
Vị trí các đảo tranh chấp giữa Nicaragua và Colombia trên bản đồ.
Năm 1924, Mỹ chiếm đóng Nicaragua cả về mặt quân sự và chính trị. Lợi dụng điểm này, chính phủ Colombia đã áp dụng chiến thuật mới: Thỏa thuận ngầm với Mỹ để buộc Nicaragua phải từ bỏ chủ quyền. Trong khi đó, Mỹ không những muốn cải thiện quan hệ với Colombia vốn đã bị hủy hoại nghiêm trọng sau sự kiện liên quan đến Panama, mà chính Mỹ cũng có lợi ích kinh tế trong vụ việc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Andrew Mellon lúc đó đang kêu gọi Colombia gia hạn thỏa thuận nhượng quyền thăm dò dầu khí và thúc đẩy các thỏa thuận khác về đánh bắt cá và hàng hải đang bị trì hoãn. Trong khi đó, ông Mellon không còn hi vọng có thể “xơ múi” được lợi ích kinh tế từ Nicaragua do nước này bảo hộ kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất một giải pháp mà Mỹ cho là “công bằng” để hóa giải tranh chấp giữa Colombia và Nicaragua: bờ biển Mosquito thuộc về Nicaragua và quần đảo San Andres thuộc về Colombia.
Vụ tranh chấp vẫn rơi vào bế tắc cho đến năm 1928, Mỹ đã buộc Nicaragua phải ký một thỏa thuận mà Mỹ đã bàn thảo trước với Colombia. Thỏa thuận này hoàn toàn theo đề xuất của Colombia. Trong tình cảnh bị Mỹ chiếm đóng, Nicaragua không thể làm gì để phản đối Mỹ vi phạm luật pháp và hiến pháp của Nicaragua. Hiệp ước Mỹ đưa ra mang tên Bárcenas Meneses Esguerra, được Nicaragua và Colombia ký ngày 24/3/1928.
Phiên tòa xử vụ tranh chấp Nicaragua và Colombia tại ICJ, Hà Lan
Video đang HOT
Cái mà Mỹ gọi là hiệp ước chỉ có hai điều: Colombia công nhận chủ quyền của Nicaragua với bờ biển Mosquito và Nicaragua công nhận chủ quyền của Colombia với đảo San Andres và Providencia cùng các đảo lớn nhỏ quan trọng khác trong quần đảo San Andres.
Dư luận Nicaragua phản đối mạnh mẽ việc ký kết hiệp ước, mạnh đến nỗi Mỹ không thể tìm cách cho hiệp ước thông qua ở Nicaragua. Mãi đến ngày 6/3/1930, hai năm sau đó, hiệp ước mới được thông qua khi Mỹ đe dọa, ép buộc quốc hội và chính phủ Nicaragua.
Tuy nhiên, Colombia vẫn không hài lòng với những gì đạt được trong hiệp ước năm 1928, nên tiếp tục đòi hỏi chủ quyền vùng biển của Nicaragua. Trong bước tiếp theo, Colombia đã đơn phương áp đặt lãnh hải với Nicaragua, tước hầu hết thềm lục địa và vùng biển lân cận của nước này.
Hậu quả của việc Colombia lấn biển của Nicaragua là số vụ va chạm giữa tàu cá Nicaragua và tàu chiến Colombia tăng theo cấp số nhân. Điều này càng khiến dân chúng Nicaragua bất bình với Colombia.
Để phản đối Colombia, chính phủ Nicaragua đã liên tục cấp quyền thăm dò dầu ngoài kinh tuyến thứ 82 – vị trí mà Colombia coi là lãnh hải của Nicaragua – cho các tập đoàn dầu khí Union Oil năm 1964, cho Mobil Oil năm 1966, cho Shell năm 1965 và cho Chevron năm 1967.
Sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa hai nước xảy ra năm 1969. Trong chính sách bành trướng của mình, Colombia đã ký một hiệp ước mới mang tên Saccio Vázquez Carrizosa với Mỹ ngày 8/9/1972. Theo đó, Mỹ nhượng quyền sở hữu đảo Roncador, Serrana và Quitasueno cho Colombia. Hiệp ước này là cú đòn chính trị giáng vào chính phủ độc tài của Tổng thống Somoza lúc bấy giờ vì ông này vốn là đại diện trung thành cho lợi ích của Mỹ ở Nicaragua. Nhờ quá trình vận động hành lang mạnh mẽ ở quốc hội Mỹ, ông Somoza đã tìm cách thuyết phục Thượng viện Mỹ không thông qua hiệp ước này.
Chính lúc này, cuộc cách mạng Sandinistan nổ ra, xóa nhòa cuộc tranh cãi giữa hai nước. Sau cách mạng, năm 1980, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã tuyên bố hiệp ước ký với Colombia là không có giá trị, quyết định đưa Colombia ra tòa án ICJ ở La Haye để nhờ phân định tranh chấp các đảo nói trên. Nicaragua đưa ra hai luận điểm: Thứ nhất, đảo San Andres, Providencia, Santa Catalina và toàn bộ quần đảo San Andres thuộc thềm lục địa của Nicaragua; thứ hai, hiệp định với Colombia được ký trong khi Nicaragua bị quân đội nước ngoài chiếm đóng.
Trong khi đó, luận cứ của Colombia là: Hiệp ước được phê chuẩn lần cuối năm 1930, khi đó quân đội Mỹ đã trên đường rút khỏi Nicaragua và do vậy, hiệp ước có giá trị.
11 năm phân xử
Suốt 11 năm, ICJ đã nghiên cứu vụ Nicaragua kiện Colombia. Đến ngày 19/11/2012, tòa mới ra phán quyết, tuyên bố các hòn đảo thuộc chủ quyền Colombia nhưng không công nhận ranh giới lãnh hải mà Colombia từng áp đặt cho Nicaragua.
Phán quyết này có nghĩa là Nicaragua có quyền mở rộng lãnh hải tới 200 hải lý, có chủ quyền với toàn bộ phần biển diện tích 75.000 km2 từng nằm dưới quyền kiểm soát của Colombia. Nhờ vậy, Nicaragua có quyền đánh bắt cá và thăm dò dầu ở khu vực này.
Sau phán quyến, hai hòn đảo nhỏ của Colombia là Quitasueno và Serrana bị cô lập trên vùng biển. Chúng nằm trọn trong vùng biển mới được mở rộng của Nicaragua.
Nicaragua ăn mừng phán quyết bằng cách cử ngay tàu thuyền ra tuần tra vùng biển mới. Tổng thống Daniel Ortega tuyên bố “Hải quân Nicaragua đã xác lập chủ quyền trong toàn bộ vùng lãnh thổ”.
Tuy nhiên, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos không đầu hàng trước phán quyết. Ông từ chối rút hải quân ra khỏi vùng biển đó và cho rằng phán quyết là “sai lầm, bỏ sót, vượt quyền hạn và thiếu nhất quán đến mức không thể chấp nhận”. Ngày 28/11, ông Santos đã tuyên bố rút khỏi hiệp định Bogota được ký kết tại chính thủ đô của Colombia năm 1948, theo đó, các nước châu Mỹ nhất trí giải quyết tranh chấp hòa bình thông qua ICJ.
Mục đích của Tổng thống Santos được cho là nhằm thu hút cử tri trong nước khi ông tìm cách tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Santos cho rằng phán quyết đi ngược với hiến pháp Colombia, tuy nhiên, điều này không hợp lý vì không có hiến pháp nào có thể đứng trên luật pháp quốc tế. Công ước Vienna về các hiệp ước nêu rõ rằng điều khoản của hiến pháp không thể là lý do để phớt lờ các nghị quyết quốc tế.
Một lý do nữa khiến ông Santos bác bỏ phán quyết của ICJ là nó vi phạm quyền của những người dân sống trên đảo Quitasueno và Serrana. Tuy nhiên, Tổng thống Nicaragua đã nêu rõ rằng ông sẽ cho phép ngư dân trên hai đảo nói trên của Colombia đánh bắt cá trong vùng biển của Nicaragua để sinh sống. Còn nếu muốn đánh bắt cá quy mô lớn phải xin phép chính phủ Nicaragua.
Phía Nicaragua cho rằng Tổng thống Colombia đã được cố vấn những đường đi nước bước sai lầm và hi vọng ông có thể suy ngẫm và thay đổi quan điểm vì hành động này chỉ làm tổn hại đến Colombia.
Đón đọc kỳ tới: Anh – Mauritius: Cuộc chiến giành giật quần đảo Chagos
Theo Thùy Dương
Báo tin tức
Căng thẳng Ukraine: Hải quân Nga tập trận ầm ầm gần Mỹ
Tàu Hải quân Nga đang tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Nicaragua và Honduras tại vùng biển Caribe.
Tờ RIA Novosti của Nga cho hay ngày 29/4, hạm đội phương Bắc và lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán ma túy của Nga đang tham gia cuộc tập trận chung mang tên Storm-2014 với Hải quân Nicaragua và Honduras tại vùng biển Caribe. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ đưa 600 binh sỹ đến các nước Đông Âu diễn tập liên quan đến tình hình căng thẳng tại Ukraine.
Tham gia tập trận có tàu hải quân và cảnh sát biển của 3 quốc gia là Nga, Nicaragua và Honduras, trong đó Hạm đội phương Bắc của Nga đã cử tàu trinh sát CCB-175 mang tên Victor Leonov, tàu kéo cứu hộ CB-131 mang tên Nikolai Chiker với độ giãn nước 7.000 tấn, và lực lượng tàu chống ma túy. Nicaragua và Honduras cử tàu hải quân, lực lượng chống buôn lậu ma túy, cảnh sát biển...
Ảnh minh họa.
Phát ngôn viên Hạm đội phương Bắc cho biết: "Nhiệm vụ chính của cuộc diễn tập là thực hiện các biện pháp chung để khống chế các nhóm vận chuyển ma túy, cắt đứt tuyến cung cấp ma túy hoạt động trên vùng nước của các nước Mỹ La tinh". Theo đó, lực lượng tham gia diễn tập đã thực hiện khoa mục giám sát tàu thuyền trong khu vực, khống chế tàu thuyền nghi ngờ, tổ chức lực lượng kiểm tra và bắt giữ.
Cũng theo tuyên bố phát ngôn viên Hạm đội phương Bắc, Hải quân Nga sẽ mở rộng hoạt động của mình ra các vùng biển thế giới, không giới hạn phạm vi hoạt động như thi sau khi Liên Xô tan vỡ, đặc biệt trong thời gian tới Hải quân Nga sẽ tăng cường lực lượng lớn ở khu vực vùng biển Địa Trung Hải.
Biển Caribe.
Một trong những hướng cũng được chú trọng trong thời gian tới là phát triển lực lượng hải quân tại khu vực Bắc Cực. Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo thành lập một hệ thống căn cứ tàu mặt nước và tàu ngầm thế hệ mới ở khu vực Bắc Cực nằm trong lãnh thổ Nga, song song với đó, Nga sẽ tăng cường kiểm soát các đường biên giới khu vực này. Để thực hiện nhiệm vụ này, chính quyền Nga đang xem xét chương trình tài chính phát triển khu vực Bắc Cực đến năm 2017, cũng như thành lập Cơ quan thực thi chính sách Nga tại Bắc Cực.
Theo VNE
Nicaragua hoãn xây kênh đào 40 tỷ USD Công việc xây dựng một kênh đào tại Nicaragua nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã bị trì hoãn một năm và sẽ không bắt đầu cho tới năm 2015. Kênh đài xuyên Nicaragua dự kiến sẽ dài gấp 3 kênh đào Panama. Người đứng đầu ban quản lý kênh đào xuyên Nicaragua, ông Manuel Coronel Kautz, cho hay cần nhiều...