Các cuộc chiến pháp lý quốc tế về biển đảo – Kỳ 1
Trên thế giới có rất nhiều vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo trong đó các quốc gia liên quan lựa chọn hình thức giải quyết hòa bình là đưa nhau ra tòa án quốc tế, thay vì tranh giành bằng vũ lực. Một số vụ đã đạt được kết quả “ngọt ngào” khi hai bên cùng đạt được lợi ích về chủ quyền và kinh tế.
Một số vụ vẫn trong quá trình tố tụng, nhưng các bên vẫn thỏa mãn nuôi hy vọng, bởi ít ra họ không phải đau đầu và tốn nguồn lực cho các cuộc gây hấn, xung đột. Dưới đây là một số vụ kiện cáo liên quan đến chủ quyền biển đảo trên thế giới đã được giải quyết hoặc đang diễn ra.
Kỳ 1: Malaysia – Singapore: Đôi bên cùng thắng cuộc
Hai nước láng giềng Malaysia và Singapore đã vướng vào cuộc tranh chấp các đảo ở lối vào phía tây của eo biển Singapore từ năm 1979. Mãi đến năm 2008, cuộc tranh chấp mới được giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), một phán quyết mà cả hai nước cùng hài lòng. Vụ tranh chấp cũng cho thấy vai trò của ICJ quan trọng như thế nào trong giải quyết xung đột quốc tế.
Sơ đồ vị trí các hòn đảo tranh chấp giữa Malaysia và Singapore.
Cụm đảo tranh chấp gồm 3 hòn đảo chính có tên Pedra Branca (trước đó có tên là Pulau Batu Puteh và hiện giờ được Malaysia gọi là Batu Puteh), Middle Rocks và South Ledge. Điều đáng chú ý trong vụ này là Singapore và Malaysia từng là “người cùng nhà”. Singapore giành được độc lập năm 1959, sau đó gia nhập Liên bang Malaysia, rồi lại tách ra. Khi là “người cùng nhà”, các hòn đảo này không có người ở và không ai quan tâm đến chúng. Khi đã “ra ở riêng”, từ năm 1979, Malaysia và Singapore đều đòi chủ quyền đối với ba hòn đảo trên.
Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm ngày 21/12/1979 khi Cơ quan Bản đồ Quốc gia Malaysia phát hành một bản đồ mang tên “ Ranh giới lãnh hải và thềm lục địa của Malaysia”, trong đó đưa Pedra Branca vào trong lãnh hải của nước này. Singapore bác bỏ bản đồ này trong công hàm ngoại giao ngày 14/2/1980 và đề nghị Malaysia sửa bản đồ. Do không thể giải quyết tranh chấp qua trao đổi thư từ và đàm phán liên chính phủ trong năm 1993 và 1994, nên hai bên đã nhất trí đưa tranh chấp ra ICJ.
Sau khi nhận đơn kiện của Singapore năm 2003, ICJ đã ra phán quyết vào ngày 23/5/2008. Trong 16 thẩm phán, có 12 thẩm phán bỏ phiếu đồng ý rằng chủ quyền đảo Pedra Branca thuộc về Singapore. 15 thẩm phán nhất trí trao chủ quyền đảo Middle Rocks cho Malaysia và đảo South Ledge thuộc về quốc gia có vùng lãnh thổ trên biển bao trùm đảo này.
Video đang HOT
Ngọn hải đăng Horsburgh.
Trong phán quyết của mình, ICJ nhất trí với luận cứ của Malaysia rằng vương quốc Johor là nước đầu tiên có chủ quyền với đảo Pedra Branca, bác bỏ lý lẽ của Singapore khi tuyên bố đây là hòn đảo vô thừa nhận trong những năm 1840, cho đến khi Anh chiếm quyền sở hữu hợp pháp của hòn đảo để xây dựng một ngọn hải đăng. Johor đã là một nước có chủ quyền thuộc Đông Nam Á kể từ năm 1512 là một sự thật không tranh cãi. Do Pedra Branca luôn bị coi là một chướng ngại vật với tàu thuyền ở eo biển Singapore – tuyến đường giao thương quan trọng đông – tây giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông, nên không thể có chuyện hòn đảo không bị người dân địa phương phát hiện. Do đó, đảo Pedra Branca nằm trong phạm vi địa lý chung của vương quốc Johor. Hơn nữa, trong quá trình tồn tại của vương quốc Johor, không có bằng chứng nào cho thấy có nước khác tuyên bố chủ quyền với các đảo ở eo biển Singapore. Kể cả khi người Anh xây ngọn hải đăng Horsburgh trên đảo Pedra Branca, ICJ vẫn cho rằng đảo thuộc chủ quyền của Johor, nay thuộc Malaysia.
Sau khi xác định được Pedra Branca thuộc Malaysia, ICJ tiếp tục xác định xem Malaysia tiếp tục duy trì chủ quyền với hòn đảo này hay là đã chuyển chủ quyền cho Singapore. Để xác định được điều này, ICJ đã nghiên cứu cuộc trao đổi thư từ năm 1953 giữa Thư ký thuộc địa ở Singapore và chính quyền Johor.
Cụ thể, ngày 12/6/1953, Thư ký thuộc địa Singapore đã viết thư cho viên cố vấn người Anh của Quốc vương Johor, hỏi thông tin về tình trạng của đảo Pedra Branca nhằm xác định ranh giới lãnh hải của thuộc địa. Trong bức thư phúc đáp đề ngày 21/9/1953, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Johor trả lời rằng chính phủ Johor không tuyên bố chủ quyền của hòn đảo này.
ICJ cho rằng cuộc trao đổi thư từ kể trên đóng một vai trò trọng tâm để xác định quan điểm của hai bên trong tranh chấp chủ quyền với đảo Pedra Branca. Tòa kết luận rằng bức thư trả lời của chính quyền Johor cho thấy từ năm 1953, Johor coi rằng mình không có chủ quyền với hòn đảo.
Bước tiếp theo, ICJ xem xét cách ứng xử của các bên sau năm 1953 đối với hòn đảo. Tòa thấy rằng Singapore có bốn loại hoạt động thể hiện quyền làm chủ hòn đảo gồm: điều tra vụ đắm tàu diễn ra trong vùng biển quanh Pedra Branca; cấp phép cho quan chức Malaysia thăm hòn đảo và khảo sát vùng biển xung quanh; xây dựng thiết bị liên lạc quân sự trên đảo năm 1977; và đề xuất kế hoạch cải tạo mở rộng đảo. Tòa cũng lưu ý rằng Malaysia đã không phản ứng với hành xử của Singapore.
Do đó, ICJ phán quyết rằng đến năm 1980 – khi cuộc tranh chấp chủ quyền hòn đảo diễn ra căng thẳng cực điểm – thì chủ quyền hòn đảo Pedra Branca đã được chuyển cho Singapore từ trước đó rồi. Do đó, hòn đảo này thuộc về Singapore.
Về tranh chấp đảo Middle Rocks và South Ledge, ICJ nhận thấy rằng tình huống cụ thể khiến tòa quyết định trao đảo Pedra Branca cho Singapore không thể áp dụng với trường hợp đảo Middle Rocks. Do đó, chủ quyền Middle Rocks thuộc về Malaysia do nó từng thuộc về vương quốc Johor.
Còn đối với South Ledge, ICJ cho rằng nó nằm trong lãnh hải chồng lấn giữa Malaysia và Singapore. Do ICJ không có thẩm phân định đường ranh giới lãnh hải trong khu vực, nên ICJ chỉ phán quyết rằng South Ledge nằm trong lãnh hải của nước nào thì thuộc về nước đó.
Sau khi phán quyết của ICJ được công bố năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Rais Yatim đã miêu tả quyết định của ICJ là khiến đôi bên cùng thắng cuộc và cam kết hai nước sẽ tiếp tục quan hệ song phương. Phó Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak coi phán quyết là quyết định cân bằng vì Malaysia cũng thành công một phần trong tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Singapore S. Jayakumar nói: “Chúng tôi hài lòng với phán quyết vì tòa án đã trao chủ quyền đảo Pedra Branca cho chúng tôi”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng hài lòng về kết quả vụ kiện và bình luận thêm rằng đưa tranh chấp ra ICJ là cách thức hiệu quả để Malaysia và Singapore vừa giải quyết được bất đồng vừa duy trì được mối quan hệ hữu hảo.
Pedra Branca là đảo granite nhỏ cách phía đông Singapore 46 km, và cách phía nam Johor (Malaysia) 14,3 km, nơi eo biển Singapore tiếp xúc với Biển Đông. Gần đảo này có đảo Middle Rocks cách phía nam Pedra Branca 1,1 km và South Ledge cách Pedra Branca 4,1 km về phía tây nam và chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.
Đón đọc kỳ tới: Nicaragua – Colombia: Chiến thắng không thuộc về kẻ mạnh
Theo Thùy Dương
Báo tin tức
Hải quân Hàn Quốc bắn cảnh cáo tàu tuần tra Triều Tiên
Một tàu hải quân Hàn Quốc đã phải bắn cảnh cáo sau khi hai tàu tuần tra bờ biển của Triều Tiên vượt qua ranh giới hải phận tranh chấp trên biển Hoàng Hải vào sáng nay (25/4).
Sự việc này diễn ra đúng trước thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Seoul trong 2 ngày (25 - 26/4).
Trả lời hãng tin AFP, quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai tàu tuần tra bờ biển của Triều Tiên vốn làm nhiệm vụ canh gác giám sát các tàu cá hoạt động tại khu vực bên phải đường ranh giới, đã vượt qua hải phận của Hàn Quốc "một hải lý về phía nam".
Vụ đấu pháo tại vùng biển tranh chấp phía tây trên biển Hoàng Hải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 31/3
Hành động xâm phạm lãnh hải của Triều Tiên đã buộc một tàu Hải quân Hàn Quốc bắn vài phát đạn cảnh cáo. Sau đó, hai tàu Triều Tiên đã quay trở lại vùng biên giới quốc gia.
Theo quan chức Hàn Quốc, khi xâm phạm lãnh hải của Seoul, khả năng tàu tuần tra Triều Tiên đang đuổi theo một vài tàu bắt cua của Trung Quốc hoạt động trái phép trong khu vực lãnh hải của quốc gia cô lập.
"Hoặc khả năng Triều Tiên đang muốn thử mức độ cảnh giác của quân đội Hàn Quốc", quan chức này nói thêm.
Phía Triều Tiên đã không chính thức công nhận ranh giới hải phận trên biển Hoàng Hải vốn được lực lượng quân đội Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu, vạch ra sau cuộc nội chiến (1950 - 1953).
Cuộc nội chiến giữa hai miền Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình. Do đó, về cơ bản, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong giai đoạn chiến tranh.
Mặc dù, việc các tàu tuần tra bờ biển Triều Tiên xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc đã xảy ra không ít lần song sự việc ngày hôm nay lại diễn ra đúng thời điểm hết sức nhạy cảm trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Seoul.
Ngoài ra, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng không ngừng gia tăng sau những lo ngại về việc Bình Nhưỡng sắp tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư sau các năm 2006, 2009 và 2013.
Theo Infonet
Ukraina cáo buộc Nga đặt mìn tại Crimea Chính quyền ở Kiev cho hay quân đội Nga đã đặt chất nổ tại ranh giới giữa Ukraina và Crimea, đồng thời chiếm một kho mìn của nước này để làm căn cứ huấn luyện. "Kiev quan ngại sâu sắc về việc Nga đặt mìn ở một số nơi thuộc lãnh thổ Ukraina như tại ranh giới giữa Ukraina và bán đảo Crimea...