Các công ty dược Mỹ mất 24 tỷ USD trong 20 phút họp báo của ông Trump
Những chỉ trích của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về tình trạng giá thuốc cao và lách thuế đã khiến cổ phiếu của các ông lớn ngành dược Mỹ mất giá mạnh, vốn hóa thị trường bốc hơi gần 25 tỷ USD chỉ trong vòng 20 phút.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)
Sau các tập đoàn máy bay và ô tô, đến lượt các công ty dược của Mỹ trở thành “nạn nhân” sau những chỉ trích của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Trong cuộc họp báo đầu tiên vào hôm qua kể từ khi đắc cử, ông Trump nói: “Họ là những kẻ giết người. Ngành dược có rất nhiều nhà vận động hành lang và cũng có nhiều quyền lực. Sắp tới chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều tỷ USD”. Ông Trump cũng phàn nàn về việc giá thuốc quá cao và tình trạng các ông lớn ngành dược của Mỹ lách thuế.
Sau bình luận này của ông Trump, cổ phiếu của các 9 công ty dược lớn nhất trên sàn chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 24,6 tỷ USD chỉ trong vòng 20 phút. Các công ty này gồm Johnson & Johnson, Pfizer, Merck, Amgen, AbbVie, Bristol-Myers Squibb, Gilead, Celgene, và Eli Lilly.
Hồi đầu tháng này, vốn hóa của tập đoàn ô tô Toyota của Nhật cũng mất hơn 1,2 tỷ USD sau khi ông Trump cảnh báo sẽ áp mức thuế cao vào các sản phẩm của hãng nếu như họ triển khai kế hoạch xây cơ sở mới ở Mexico. Trước đó, vốn hóa của tập đoàn chế tạo vũ khí lừng danh Lockheed Martin cũng “bốc hơi” hơn 4 tỷ USD chỉ vì một bình luận của ông Trump rằng chi phí cho chương trình tiêm kích tàng hình F-35 mà hãng phụ trách là quá đắt và đang “ngoài tầm kiểm soát”.
Minh Phương
Theo Fortune
Video đang HOT
Ra mặt quảng bá cho doanh nghiệp, Trump khơi tranh cãi gay gắt
Hành động kêu gọi mọi người mua sản phẩm của một công ty ủng hộ mình đã khiến ông Trump hứng nhiều chỉ trích từ dư luận Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa có một động thái gây tranh cãi, khi đăng lên mạng xã hội lời kêu gọi 19,6 triệu người ủng hộ ông mua các sản phẩm của L.L. Bean, công ty đã tài trợ số tiền lớn trong chiến dịch tranh cử của ông, theo Washington Post.
"Cảm ơn Linda Bean của L.L. Bean vì sự ủng hộ và lòng dũng cảm lớn lao. Mọi người giờ đây sẽ càng ủng hộ bà hơn. Hãy mua sản phẩm của L.L. Bean", ông Trump viết trên Twitter ngày 12/1, thu hút hơn 62.000 lượt thích.
Dòng tweet trên được ông Trump viết ra một tuần sau khi hãng AP đưa tin bà Linda Bean đã đóng góp tới 60.000 USD cho quỹ Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử, dù theo quy định, các cá nhân chỉ được đóng góp tối đa 5.000 USD.
Hậu quả là phong trào Grab Your Wallet phản đối ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ tẩy chay sản phẩm của L.L. Bean và đòi loại bỏ bà Linda Bean khỏi hội đồng quản trị của công ty này.
Đến ngày 12/1, bà Bean trả lời phỏng vấn trên kênh Fox and Friends, cáo buộc rằng các nhóm chống Trump đang "hăm dọa" các doanh nghiệp Mỹ, gọi nỗ lực tẩy chay sản phẩm công ty bà là "phi Mỹ" và là hành động mang tính bắt nạt. "Tôi sẽ không chịu lùi bước. Tôi không bao giờ lùi bước", bà Bean tuyên bố.
Hành động ủng hộ công khai của ông Trump đối với bà Bean cũng như lời kêu gọi mọi người mua sản phẩm của công ty L.L. Bean đã làm dấy lên làn sóng lo ngại trong dư luận Mỹ, bởi ông Trump không còn là một doanh nhân và sẽ trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ trong chưa đầy 10 ngày tới.
Nhiều người dùng Twitter gọi ông Trump là "nhân viên quảng cáo" cho L.L. Bean, kêu gọi Ủy ban Đạo đức ra tay can thiệp, thậm chí tuyên bố sẽ vứt bỏ các sản phẩm của công ty này trong nhà mình sau lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử. "Thử hình dung nếu Obama dùng Twitter để chỉ trích hay ca ngợi công ty nào đó xem. Hành động này sẽ bị coi là sự can thiệp của chính quyền", người dùng Jordan Uhl viết.
Dòng tweet gây tranh cãi của ông Trump. Ảnh: Twitter
Katherine DeCelles, giáo sư chuyên về đạo đức kinh doanh tại Đại học Harvard, cho rằng trong lịch sử chưa từng có lãnh đạo Nhà Trắng nào sử dụng vị thế của mình để ủng hộ một sản phẩm, hàng hóa nào đó.
"Đây là điều chưa từng có tiền lệ", bà nói. "Chưa có bất cứ nhà lãnh đạo nào của Mỹ lên tiếng thể hiện sự ủng hộ hay chống lại những công ty cụ thể".
Luật pháp Mỹ cấm các viên chức liên bang ủng hộ các công ty tư nhân. Dù tổng thống được miễn trừ khỏi quy định này và tổng thống đắc cử không phải là viên chức liên bang, những hành động ủng hộ doanh nghiệp một cách công khai như vậy bị hạn chế tại văn phòng quyền lực nhất đất nước.
Năm 2009, khi một công ty sản xuất áo mưa sử dụng ảnh của Tổng thống Obama cho một chiến dịch quảng cáo, Ben LaBolt, phát ngôn viên chính phủ, tuyên bố Nhà Trắng "từ lâu duy trì chính sách không ủng hộ việc sử dụng tên tuổi, hình ảnh của tổng thống cho mục đích thương mại".
Amanda Schreyer, luật sư về quảng cáo ở Boston, cho rằng dòng tweet của ông Trump không hề vi phạm điều luật nào của Mỹ, ông chỉ đơn giản là đang thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Ông chỉ có thể bị kiện nếu cung cấp thông tin sai về doanh nghiệp và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
"Đó chỉ là một hình thức thể hiện tồi", Schreyer nói. Nữ luật sư này cũng thừa nhận rằng tổng thống đắc cử không nên có hành động ủng hộ hay chống lại bất cứ doanh nghiệp tư nhân nào.
Thế nhưng kể từ khi đắc cử, ông Trump đã thường xuyên ca ngợi hoặc chỉ trích các công ty tư nhân. Tháng trước, ông chê trách công ty sản xuất điều hòa Carrier vì di chuyển nhà máy sản xuất từ bang Indiana sang Mexico. Ông cũng chê trách nhiều hãng sản xuất ôtô vì xây dựng nhà máy ở nước ngoài, cũng như hãng Boeing vì chi phí chế tạo chuyên cơ Air Force One quá đắt đỏ.
Linda Bean, người thừa kế công ty L.L. Bean. Ảnh: Reuters
Những dòng tweet của ông ngay sau đó đã ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp bị nhắm vào. Trong khi Carrier buộc phải thỏa hiệp và giữ lại 50% dây chuyền sản xuất ở nước Mỹ, lượng người đề cập đến công ty L.L. Bean trên mạng đã tăng vọt 990% kể từ hôm thứ tư, theo nhà phân tích dữ liệu Kellan Terry tại Brandwwatch.
David Mayer, giáo sư về lãnh đạo và đạo đức kinh doanh tại Đại học Michigan, cho rằng việc chúng ta muốn tưởng thưởng cho những người thể hiện lòng trung thành là xu hướng hoàn toàn tự nhiên. Nhưng hành động kiểu "có đi có lại" như vậy của Tổng thống đắc cử Trump có thể gây rắc rối cho thị trường tự do, tạo ra ưu đãi cho những doanh nhân biết làm hài lòng nhà lãnh đạo đất nước.
"Bạn hưởng lợi từ chính phủ vì đã ủng hộ họ", Mayor nói. "Và khi điều đó xảy ra, bạn có thể trở nên ngần ngại trong việc chỉ trích chính phủ".
Trí Dũng
Theo VNE
Chó cưng nhà Obama cắn khách đến chơi Nhà Trắng Chú chó tên Sunny của Tổng thống Barack Obama cắn một thiếu nữ đến chơi Nhà Trắng, để lại vết rách trên má cô gái này. Cô gái bị chú chó Sunny cắn. Ảnh: TMZ. Thiếu nữ 18 tuổi, tên không được tiết lộ, định vuốt ve Sunny, giống chó Bồ Đào Nha, khi cô thăm Nhà Trắng thì bị nó cắn, TMZ...