Các CLB V-League ‘thiết quân luật’ từ đại bản doanh
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo và hành động quyết liệt, cấp thời.
Bóng đá không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh bởi những quy định đó. Dứt khoát vào lúc này, việc làm cấp thiết nhất, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn từ chính mỗi đội bóng ở vào giai đoạn mới trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không được tụ tập quá 20 người, ngoài những địa điểm đặc thù như công sở hay bệnh viện. Quy định mới trong công tác chống dịch Covid-19 sẽ liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng.
Điều này cũng dễ hiểu vì đại bản doanh của từng CLB thường có số lượng thành viên trên 30 người cũng ăn ở, tập luyện và sinh hoạt chung. Vấn đề ở có thể giải quyết được khi đảm bảo số lượng 2 người trong 1 phòng của các CLB. Còn chuyện ăn uống và tập luyện buộc lòng phải có giải pháp phù hợp, thậm chí là hủy bỏ việc cho các cầu thủ tập chung với nhau.
Gần như hầu hết các CLB ( Sài Gòn, Hà Nội, HAGL, Hà Tĩnh, TP.HCM, Than Quảng Ninh, Bình Dương…) đã cho cầu thủ nghỉ tập với nhau. Yêu cầu các thành viên thực hiện nghiêm túc những quy định của cơ quan chức năng.
Các cầu thủ sẽ tự chia làm nhóm nhỏ vài ba người hoặc tự “cách ly” để tập cá nhân. Họ được lệnh “bế quan tỏa cảng” nơi đại bản doanh, không tiếp xúc với bên ngoài, nhằm tối ưu sự an toàn cho bản thân cũng như đội bóng. Những vấn đề này được giải quyết ổn thỏa dựa trên điều kiện tập luyện, ăn ở của mỗi đội bóng.
Trưởng đoàn kiêm GĐĐH CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh cho biết đội bóng đã bắt đầu thực hiện “cách ly” khi trở về từ Hà Nội sau trận đấu ở vòng 2 LS V-League 2020: “Sau khi trở về, các cầu thủ được yêu cầu hạn chế ra khỏi CLB nếu không được sự đồng ý từ Ban huấn luyện.
HAGL là một trong những CLB có chính sách quản lý cầu thủ chặt chẽ nhất LS V-League 2020. Ảnh: HAGL
Việc kiểm tra y tế luôn được thực hiện hằng ngày. Trung tâm TDTT Hàm Rồng đã tạm thời đóng cửa. Nhân viên, công nhân cũng như mọi thành viên đội bóng và học viên mỗi khi ra vào đều phải qua chốt chặn, kiểm soát y tế ngay từ cổng.
Nhìn chung khi thực hiện quyết liệt các biện pháp như thế, mọi chuyện đều ổn định trong hơn 2 tuần vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ theo đúng những quy định trong thời gian sắp tới”.
Trong khi đó, với Hà Tĩnh, HLV Phạm Minh Đức cho biết: “Hiện cầu thủ đang cấm trại tại khách sạn nơi đội đóng quân. Do khách sạn chúng tôi ở thời gian qua đã không nhận khách lưu trú nên khá an toàn.
Chúng tôi không cho các cầu thủ về địa phương, về gia đình trong thời gian này, bởi vì, như vậy sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh, tất cả đều ở tại chỗ và chia nhóm nhỏ đảm bảo đúng quy định để duy trì việc tập luyện”.
Theo HLV Nguyễn Thanh Sơn, B.Bình Dương hiện nay đang đóng quân ở khu đô thị mới của tỉnh nhà nên độ an toàn, sự an tâm cũng cao hơn nhờ sự tách biệt đó: “Chúng tôi tập trung ở một khu riêng biệt nên những ngày qua đã tiến hành cấm trại, điều này chẳng khác gì tự cách ly.
Còn hôm nay, khi thực hiện lệnh không tập trung đông người, có lẽ việc tập luyện của đội sẽ không tiến hành, thay vào đó các cầu thủ có khả năng sẽ chia thành nhóm nhỏ rèn thể lực để duy trì phong độ. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế vẫn luôn sẵn sàng để kiểm tra sức khỏe của các cầu thủ”.
Khi trái bóng V-league chưa hẹn ngày lăn trở lại, đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc những quy định phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn mới, các CLB đã có những động thái quyết liệt trên tinh thần đảm bảo việc chống dịch được ưu tiên cao hơn chuyên môn.
Cấm trại cầu thủ để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài. Yêu cầu những cầu thủ được cho phép về gia đình trước đó phải ở lại tại chỗ, không di chuyển đi đâu. Những ngoại binh thuê nhà riêng bên ngoài được yêu cầu tránh việc tiếp xúc với bạn bè, đồng hương hay đi mua sắm.
Suy cho cùng, vào thời điểm này, thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch tại mỗi đội bóng mới chính là vấn đề cần kíp không chỉ của mỗi CLB, mà còn có cả những chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ từ chính VFF, VPF để đảm bảo an toàn mọi thứ.
Các đội bóng đang chịu quá nhiều thiệt thòi về cả chuyên môn lẫn tài chính, nhưng điều quan trọng là các CLB đã tuân thủ chuyện chống dịch hơn chuyện đá bóng vào lúc này. Vì thế, đừng nên lạc lõng bàn chuyện đá hay không đá, mà nên dành thời gian, sức lực và tâm trí cho chuyện chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.
Trần Tuấn
Kịch bản được báo trước
Trước khi LĐBĐ Việt Nam (VFF), đơn vị tổ chức V-League (VPF) cùng 14 đội dự giải họp hôm nay, 31/3, số phận V-League đã như chỉ mành treo chuông.
TP.HCM của Công Phượng (trái) chỉ phải chuyên tâm đá AFC Cup nếu V-League bị hủy. Ảnh: VFF.
Cứu cánh duy nhất, cũng là khả dĩ nhất cho V-League là để các đội chơi tập trung ở phía Bắc đã không được số đông đồng thuận.
Chỉ có 6 đội đồng ý, 3 đội phản đối (Nam Định, Bình Dương, Quảng Nam), 3 đội bỏ phiếu trắng, còn HAGL không tham gia. Với tỷ lệ như vậy, thật khó để các bên đi đến một kết luận chung để tổ chức đá V-League trở lại, trong buổi họp trực tuyến.
Thực tế, hướng đi dự kiến của V-League là cách tốt nhất có thể lúc này. Nhiều giải đấu bị hoãn vì Covid-19 hoành hành, trong đó có Ngoại hạng Anh, đều tính tới và gần như thống nhất với lựa chọn đá tập trung để hoàn tất giải đấu.
Tuy nhiên, vị thế của các nước châu Âu khác Việt Nam. Đa phần các giải đấu đã đi được hơn hai phần ba chặng đường, và vì thế, họ đều có tâm lý định đoạt mùa giải. Bên cạnh đó, miếng bánh bản quyền truyền hình và tiền thưởng cũng là động lực để họ thêm quyết tâm.
V-League rất khác. Trái bóng của giải mới lăn hai vòng và động lực tiền thưởng vốn dĩ không phải đích ngắm của phần đông CLB Việt Nam, những người vẫn sống như thời bao cấp, nghĩa là dựa hoàn toàn vào ngân sách địa phương hoặc tiền túi các ông bầu. Doanh thu bán vé, bản quyền truyền hình hoặc hợp đồng quảng cáo gần như không đáng kể.
Ngay từ xuất phát điểm, 14 CLB V-League đã không cùng hướng nhìn, đó là đá cho xong giải đấu. Bởi vậy, mỗi khi có đề xuất nào, rất khó để được số đông ủng hộ.
Cũng phải nói thêm rằng cái hẹn mà VPF định ra khi phác thảo phương án đá tập trung ở miền Bắc - chậm nhất khởi tranh ngày 1/5 - là quá gấp. Trong một tháng tới, người dân chưa chắc đã ổn định cuộc sống sau Covid-19, thì nói gì tới bóng đá.
Không hành động gì lúc này, đồng nghĩa với việc V-League mùa 2020 sẽ đi tới hồi cáo chung. Ban tổ chức và VFF không thể xếp mùa giải, vốn kéo dài trong khoảng 7 tháng, xuống còn 5 tháng để còn thời gian cho các đội tuyển tập trung.
Hủy mùa giải, vì thế, xem ra lại là phương án vẹn toàn lúc này. Nếu rơi vào tình huống ấy, các đội sẽ giảm được ít nhất 50% quỹ lương vì cầu thủ không thi đấu. Các nhà tài trợ cũng vui vẻ nhận lại số tiền đền bù, vì thực tế nó chưa được chi bao nhiêu.
HỒNG PHÚC
Xoay xở tập luyện chờ V-League Từ ngày 28-3, mọi đội bóng ở V-League và Hạng nhất đều đã ngưng tập luyện theo lệnh cấm tập trung trên 20 người của Thủ tướng Chính phủ Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 28-3, tạm dừng tất cả sự kiện tập trung trên 20 người. Quy định này ảnh hưởng lập tức với bóng đá Việt...