Các CLB ở Việt Nam quản lý chặt cầu thủ mùa World Cup
Lo lắng nạn cá độ bóng đá quốc tế sẽ ‘phá nát’ đội bóng của mình, lãnh đạo và HLV các CLB tại Việt Nam (bao gồm V-League, hạng Nhất, Nhì…) đã lên phương án phòng chống bằng những cách thức khác nhau.
Nhờ công an giám sát điện thoại
Trong mùa World Cup, V-League vẫn diễn ra – Ảnh: Khả Hòa
Mới đây, trong cuộc làm việc giữa mùa giải 2014, đại diện của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công An (C45) đã đưa ra khuyến cáo, sắp đến mùa World Cup 2014, tất cả các CLB phải có kế hoạch quản lý cầu thủ thật chặt để tránh nạn cá độ. Ý kiến này đã được các đội bóng tuân thủ nghiêm túc.
Ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB Hà Nội T&T nói: “Chúng tôi tiến hành giáo dục cầu thủ thường xuyên và càng sát sao hơn ở mùa World Cup. CLB cũng nghiêm cấm cầu thủ giao du, liên lạc dưới mọi hình thức với dân cá độ bên ngoài. Nếu ai có biểu hiện khác lạ trong sinh hoạt cũng sẽ bị hỏi thăm ngay.
Tuy nhiên, lãnh đạo CLB rất tin tưởng vào cầu thủ và ở đội của tôi tuyệt đối không xảy ra tình trạng cá độ bóng đá cả quốc nội lẫn quốc tế”.
HLV Mai Đức Chung nói: “Vụ án đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá tại CLB Ninh Bình dẫn đến 9 cầu thủ bị khởi tố trong đó 3 người bị bắt đang là sự kiện thời sự của bóng đá Việt Nam và là bài học đắt giá cho tất cả các CLB về quản lý cầu thủ.
Chúng tôi cũng rất lo ngại khi C45 thông báo nạn cá độ bóng đá tại Việt Nam đã, đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì thế, trong một tháng World Cup, Thanh Hóa sẽ có những biện pháp quản lý cầu thủ chặt hơn. Đặc biệt, số máy điện thoại của cả Ban huấn luyện lẫn các cầu thủ đều được đặt dưới sự giám sát của công an Thanh Hóa. Đây là một trong những cách giúp CLB Thanh Hóa tránh được nạn cá độ”.
Cấm bật ti vi ban đêm
Hầu hết các trận đấu của World Cup đều diễn ra vào giờ “hiểm” với giới cầu thủ (đêm hoặc rạng sáng). Tuyển thủ Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T), Trương Đình Luật (Bình Dương) cho biết, đội bóng của mình yêu cầu cầu thủ không xem các trận đấu được truyền trực tiếp để giữ gìn sức khỏe và cũng nhằm tránh tham gia cá độ.
Ông Đinh Cao Nghĩa – HLV CLB Than Quảng Ninh nói: “Đội bóng của tôi vừa lên hạng nên không dám lơ là việc tập luyện trong thời gian tạm nghỉ. Chúng tôi bắt buộc cầu thủ phải thực hiện đúng nội quy đề ra là đi ngủ đúng giờ để đảm bảo thể lực. Với những trận đấu diễn ra sớm, có thể các cầu thủ được xem nhưng các trận đấu vào những khung giờ bất tiện thì thôi.
Video đang HOT
Bản thân tôi cũng thường xuyên cảnh báo cầu thủ không được dính dáng đến tiêu cực để hủy hoại cả danh dự và sự nghiệp. Tôi cho rằng, cầu thủ cũng biết sợ nên họ không dại gì nhúng chàm”.
Về phía CLB SHB.Đà Nẵng, giám đốc điều hành Bùi Xuân Hòa cho hay: “Ở những mùa World Cup trước đây, lãnh đạo các CLB, trong đó có Đà Nẵng khá vất vả vì các CLB được nghỉ những một tháng nên rất khó kiểm soát do cầu thủ được trở về gia đình.
World Cup năm nay, các đội bóng được tạm nghỉ V-League trong thời gian ngắn hơn, chỉ 2 tuần và vẫn phải tập luyện chuẩn bị cho lượt đấu tiếp theo nên việc kiểm soát có dễ dàng hơn”.
Ông Hòa nhấn mạnh: “Tuy nhiên, chúng tôi không thể chủ quan. CLB yêu cầu các cầu thủ phải tắt tivi ban đêm, không được xem bất kỳ trận nào phát trực tiếp mà có thể xem phát lại vào ban ngày. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, “vẽ” ra những “viễn cảnh” u ám mà cá độ bóng đá đem lại.
Đặc biệt, đội bóng còn đề nghị mỗi thành viên kiểm soát lẫn nhau trong tập luyện, sinh hoạt hàng ngày. Nếu phát hiện cầu thủ nào có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho lãnh đạo CLB, nhằm kịp thời tìm hiểu, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Theo VNE
Chấn động: FIFA nghi ngờ World Cup có bán độ
Báo New York Times vừa gây chấn động làng bóng đá thế giới khi tung ra một loạt phóng sự điều tra, với những bằng chứng tuyệt mật cho thấy rất có khả năng nhiều trận đấu tại World Cup 2010 đã được "mua đứt", và điều tương tự có thể tái diễn tại World Cup 2014.
Dưới đây là bản lược dịch phóng sự điều tra từ New York Times, với tiêu đề phần một: "Bóng ma móc ngoặc phủ lên World Cup". Tham gia vào cuộc điều tra, ngoài các phóng viên của New York Times, còn có Declan Hill, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất thế giới về mảng điều tra gian lận trong bóng đá, từng xâm nhập các ổ mua bán tỷ số lớn nhất châu Á.
Bản hợp đồng bí ẩn
Một ngày Hè 2010, một người đàn ông bước vào một ngân hàng tại Johanessburg. Ông ta xách theo một chiếc túi chất đầy tiền giấy 100 USD. Số tiền lớn tới mức sau khi giao dịch xong, giám đốc ngân hàng đã hoan hỉ tặng vị khách sộp một đồng vàng lưu niệm có in hình Nelson Mandela.
Đó là Ibrahim Chaibou, một trọng tài cấp FIFA. Trước đó ít ngày, ông ta vừa điều khiển trận đấu giao hữu tiền World Cup giữa Nam Phi và Guatemala. Trong trận đấu đó, Chaibou thổi hai quả penalty vì lỗi chơi bóng trong vòng cấm dù không cầu thủ nào để bóng chạm tay. Và ít ngày sau đó, ông ta có 100.000 USD để gửi ngân hàng.
Ibrahim Chaibou
Chaibou đã được chọn cầm còi trong trận đấu đó bởi một công ty đóng tại Singapore, mang tên Football 4U International. Theo một báo cáo an ninh mật của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, mà tờ New York Times đang nắm trong tay, thì công ty đó là "tiền đồn" của một tập đoàn mua bán tỷ số. Tại sao công ty đó lại có quyền bố trí trọng tài trong một trận đấu cấp ĐTQG? Nghi vấn hướng về cả những quan chức cao cấp nhất của LĐBĐ Nam Phi.
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 4/2010. Một người đàn ông tự xưng là Mohammad bước vào LĐBĐ Nam Phi ở Johannesburg, mang theo một lá thư. Lá thư đề nghị cung cấp miễn phí trọng tài cho các trận giao hữu của đội tuyển Nam Phi. Công ty Football 4U sẽ chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại và thù lao cho các trọng tài nhằm "xây dựng quan hệ với Liên đoàn".
Lá thư đó được ký bởi Wilson Raj Perumal, một giám đốc của Football 4U. Và rất "tình cờ" là Wilson Raj Perumal lại là một trong những tay cò móc ngoặc tỷ số nổi tiếng nhất thế giới. Hắn vừa thụ án tù tại Phần Lan vì hàng loạt tội danh liên quan đến các vụ mua bán tỷ số tại châu Âu.
Wilson Raj Perumal trước tòa án Phần Lan
Các quan chức LĐBĐ Nam Phi ban đầu cảm thấy rất ngạc nhiên với đề nghị hào phóng này. Nhưng sau đó, Perumal xuất hiện trên sân khấu. Với một vài động tác của tay trùm này, những hợp đồng thỏa thuận được ký kết. Trọng tài Ibrahim Chaibou sẽ bắt trận Nam Phi-Guatemala.
Khi được hỏi, Leslie Sedibe, nguyên tổng thư ký LĐBĐ Nam Phi, người đã đặt bút ký hợp đồng với phía Perumal, nổi giận. Ông nói rằng chỉ đơn giản là mình đã bị lừa, và nghi ngờ của FIFA là"nhảm nhí, đáng vứt vào toilet".
Các vị vua Kelong
Trong hồi ký của Perumal, được viết khi tay này ngồi tù, người ta thấy được quá trình mua một trọng tài rất dễ dàng. Họ đề nghị trả từ 60.000 đến 75.000 USD cho mỗi trận đấu mà tổ trọng tài của Ibrahim Chaibou dàn xếp kết quả.
"Tôi có thể làm được" - Chaibou trả lời thành khẩn - "Thưa các vị vua Kelong". Kelong là tiếng lóng của Malaysia dành cho việc dàn xếp tỷ số.
Nhưng việc dàn xếp một trận đấu không đơn giản là mua trọng tài. Còn một đội ngũ giám sát của các liên đoàn luôn theo dõi. Một trong số các tay "kỳ đà cản mũi" là Steve Goddard, trưởng bộ phận trọng tài của LĐBĐ Nam Phi. Goddard là người đầu tiên đưa ra nghi vấn về hợp đồng cung cấp miễn phí trọng tài của phía Singapore, và từng được Perumal đề nghị trả 3.500 USD cho xuôi, nhưng ông từ chối. Hợp đồng sau đó vẫn được ký, và Goddard đã liên tục theo dõi các trận đấu của Nam Phi với một thái độ ngờ vực cao.
Một quả penalty "tưởng tượng" trong trận Nam Phi-Guatemala
Sau trận Nam Phi-Guatemala, khi trọng tài Chaibou liên tục thổi những quả penalty tưởng tượng, Goddard đã nhận ra vấn đề. Và tới trận đấu sau, Nam Phi gặp Đan Mạch, ông quyết định rằng mình phải hành động.
Ông yêu cầu Matthew Dyer, một trọng tài nổi tiếng của Nam Phi, chuẩn bị sẵn sàng. Sẽ là rất không hay khi một trọng tài lại thổi trận đấu có ĐTQG nước mình. Nhưng Goddard cảm thấy ông không thể chần chừ được nữa.
Chỉ vài phút trước khi trận Nam Phi - Đan Mạch bắt đầu, Goddard tiến tới phía Chaibou, lúc này đang đứng trong đường hầm chuẩn bị dẫn hai đội ra sân. "Tôi loại ông khỏi trận này. Ông lên khán đài ngồi với tôi" - Goddard nói, rồi ra hiệu cho Dyer tiến ra.
Một email mà Perumal gửi cho Goddard, có danh sách các trận mà hắn muốn "cầm còi"
Trùm Perumal phát điên. Trận đấu đó kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về phía Nam Phi, trong khi hắn cần từ 3 bàn thắng trở lên. Một triệu USD đã tan theo mây khói. "Thằng Goddard đó là một rắc rối lớn" - Perumal tức tối.
Perumal đến gặp Goddard, dọa kiện ông vì phá vỡ hợp đồng với Football 4U. Nhưng cách dùng từ của hắn khiến cho người nghe buộc phải hiểu vấn đề. Sau khi giới thiệu tên, ông vua Kelong nói: "Lần này, ông đã đi quá xa rồi đấy, và, (hắng giọng) ông biết đấy, chúng tôi sẽ loại bỏ ông".
Một quan chức của LĐBĐ Nam Phi, Ace Kika, biết chuyện. Và ông quyết định rằng để "cứu mạng Goddard", trận đấu tiếp theo diễn ra trên đất Nam Phi, giữa đội tuyển Nigeria và CHDCND Triều Tiên, họ sẽ để Football 4U tiếp tục bố trí trọng tài. Họ đành phải thỏa hiệp."Điều đó đã giữ đầu tôi trên cổ" - Goddard thở phào.
Theo VNE
Bi kịch cử nhân đá bóng Phan Anh Tuấn Sự nghiệp đang lên với hợp đồng hai năm mới ký với Ninh Bình nhưng tiền đạo quê Hà Nam bất ngờ bị bắt tạm giam. Trưa 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam cầu thủ Phan Anh Tuấn về tội đánh bạc tại AFC Cup. Trước...