Các chương trình đột phá tại TPHCM: Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 7 chương trình đột phá nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển của TP nhanh, bền vững. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn, thậm chí vướng cơ chế chung (dù đã có Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù) nên khiến việc triển khai các chương trình chống ngập, giảm tải ùn tắc giao thông hay chỉnh trang đô thị trên địa bàn TPHCM đều đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch.
Chưa biết đến khi nào người dân TPHCM mới hết phải bì bõm lội nước. Ảnh: MINH QUÂN
“Nút thắt về vốn” khiến phát triển hạ tầng, đô thị ỳ ạch
Đối với Chương trình giảm ngập nước, đến nay, TPHCM đã giải quyết được 22/37 tuyến đường chính ngập do mưa (đạt 59,46%) và hoàn thành 1.358/179 tuyến đường, hẻm ngập (đạt 758%) so với chi tiêu giai đoạn 2015-2020. Nhìn vào kết quả thì thấy khả quan nhưng thực tế, nhiều tuyến đường đã được đầu tư chống ngập hàng trăm tỉ đồng nhưng ngập vẫn hoàn ngập như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Đỗ Xuân Hợp (quận 9)…, khiến người dân nghi ngờ năng lực chống ngập của TP.
Đối với các tuyến đường ngập do triều, chỉ tiêu giai đoạn 2015-2018 sẽ giải quyết 9 tuyến đường nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 4/9 tuyến. Theo trung tâm chống ngập nước TPHCM, khó khăn lớn nhất do các dự án vướng về vốn, không hoàn thành đúng tiến độ. Đơn cử như dự án kiểm soát triều do ngập (giai đoạn 1) có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào 30.4.2018, song do chậm giải ngân nên phải kéo dài tiến độ, dự kiến đến giữa năm 2019.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành 7 nhà máy xử lý nước thải, các chương trình nạo vét, khơi thông luồng kênh rạch, cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước cũng được dự báo không đạt được chỉ tiêu do nguồn lực của TPHCM không đủ đầu tư, việc kêu gọi xã hội hóa còn nhiều khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, cơ chế.
Cụ thể, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TPHCM giai đoạn 2015-2018, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách TP, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ. Theo Trung tâm chống ngập nước thành phố, các dự án đều đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là kinh phí.
Không chỉ chống ngập, tình trạng “đói” vốn cũng là nút thắt lớn đối với ngành giao thông TPHCM hiện nay. Trong giai đoạn 2015-2020, TP có tổng cộng 172 dự án với mức đầu tư 320.000 tỉ đồng. Nhu cầu để thực hiện được các chỉ tiêu, các dự án ưu tiên theo kế hoạch từ nay đến 2020 cần khoảng 284.000 tỉ đồng nhưng thành phố chưa biết tìm đâu ra. Sở GTVT TPHCM, cho rằng nếu tiếp tục thực hiện theo phương thức cũ, dự báo cuối năm 2020 sẽ không hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Hiện nguồn vốn ngân sách TP phân bổ cho giao thông TP còn thấp, chỉ khoảng 35% so với nhu cầu đặt ra trong kế hoạch ban đầu. Các dự án ODA, thu hút đầu tư BOT, BT gặp nhiều khó khăn do hạn chế điều kiện vay, thủ tục… Ngoài việc gặp khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng quá lớn (chiếm tỉ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục cũng là điểm nghẽn lớn trong quá trình triển khai các dự án.
Tương tự, trong giai đoạn 2015-2020, TPHCM phải cơ bản hoàn tất di dời gần 22.000 căn nhà ven và trên kênh, rạch. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án và sự hợp tác từ phía người dân… Đến nay mới có khoảng 500 căn nhà được di dời. Thống kê của ngành xây dựng cũng cho thấy, số tiền cần cho bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư cải tạo và di dời nhà ven kênh cũng lên đến 50.000 tỉ đồng.
Video đang HOT
Thay đổi phương thức triển khai các chương trình
Tại hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X diễn ra trong 3 ngày (4-6.7), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn thừa nhận 7 chương trình đột phá của thành phố trong hơn 2 năm qua có 3 khó khăn nổi bật: Thiếu vốn; Giải phóng mặt bằng chậm; Kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trách nhiệm tham gia thực hiện các chương trình của người dân chưa đảm bảo.
Phân tích sâu hơn về hạn chế thứ 3, ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng về kết quả xử lý tình trạng lấn chiếm cống thoát nước, cửa xả trong thời gian qua đạt kết quả rất thấp. Cụ thể, sau 2,5 năm, từ 75 địa điểm lấn chiếm kênh rạch giảm xuống còn 59 điểm. Lấn chiếm cửa xả từ 59 giảm xuống còn 46. Lấn chiếm tuyến cống từ 398 vị trí, giải quyết còn 361 vị trí. “Những việc này dường như không lớn lắm nhưng 2,5 năm giải quyết được rất ít. Trách nhiệm người dân tham gia rất lớn” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Để khắc phục những hạn chế trong 7 chương trình đột phá, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần thay đổi phương thức triển khai các chương trình. Theo đó, mỗi chương trình phải có chủ tịch hoặc một phó chủ tịch UBND TP phụ trách, Thường vụ Thành ủy cũng phân công người tham gia.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, phải ứng dụng công nghệ mới trong từng chương trình đột phá. Chẳng hạn để giảm kẹt xe, ngoài các giải pháp cứng về cầu đường thì các giải pháp mềm là thực hiện điều tiết thông minh, nhà giữ xe thông minh trên toàn TP cũng rất cần thiết. Ngoài ra, thành phố phải đảm bảo, ưu tiên vốn vào các chương trình trọng điểm, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa một cách quyết liệt. Song song đó, là giải pháp nâng cao vai trò của người dân tham gia vào các chương trình đột phá. “Muốn không ngập nước, tắc kênh rạch thì phải vận động người dân không xả rác” – ông Nguyễn Thiện Nhân – dẫn chứng.
MINH QUÂN
Theo Laodong
Chính sách đặc thù chưa thỏa mãn nhu cầu đột phá của TPHCM?
Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM, Nghị quyết 54 chưa thực sự thỏa mãn để thành phố phát triển đột phá vì quy định quá cụ thể, vẫn là "vòng kim cô". Ông cho rằng thành phố nên khai thác, tích hợp nghị quyết vào từng chương trình đột phá cụ thể như thu hút nhân tài, giảm ngập...
Ngày 6/7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ ba với phiên thảo luận tại hội trường.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh - cho rằng chương trình chỉnh trang đô thị gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo kế hoạch, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2018. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư.
Hội nghị dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM
Bà Hà kiến nghị cần phải đánh giá lại tất cả các dự án đã nêu trong chương trình như tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai các dự án tới đâu, khả năng triển khai nguồn vốn của thành phố như thế nào...
Theo đó, thành phố cần xác định ưu tiên dự án nào có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2018-2019, dự án nào có thể hoàn thành thủ tục, dự án khởi công cuối nhiệm kỳ này, như thế mới có thể hoàn thành một số dự án.
Cũng theo bà Hà, khi dự án chậm thì có sự đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa địa phương với sở, ngành. Do đó, bà đề nghị phải có quy trình kiểm tra để xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi triển khai dự án.
"Phải mạnh dạn phân công một sở, ngành chủ trì dự án. Khi mời họp thì lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải đi. Như thế thì dự án mới triển khai đồng bộ và đánh giá được trách nhiệm", bà Hà nói.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TP, cho rằng hội nghị giữa nhiệm kỳ mà đánh giá cho một nhiệm kỳ của đại hội thì rất khó vì một nhiệm kỳ dài 5 năm có nhiều điều xảy ra.
Theo ông, 7 chương trình đột phá chắc vĩnh viễn chỉ sơ kết chứ không bao giờ tổng kết vì tổng kết thì phải hoàn thành. Trong khi thành phố khó hoàn thành các chương trình này và vẫn tiếp tục làm.
"Cải cách thủ tục hành chính chưa hoàn thành. Sắp xếp lại bộ máy cũng chưa xong, đào tạo nguồn nhân lực chưa xong, ngập nước cũng đang giải quyết, năm nào tới mưa lại bàn. Có thể các chương trình có nhiều bước tiến nhưng chỉ sơ kết thôi. Vì vậy, nên chăng đổi tên thành 7 chương trình trọng tâm", ông Giao nói.
Theo ông Giao, đột phá là phải giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định, phải vượt qua rào cản để làm được việc. Còn chương trình trọng tâm thì có thể làm nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
Vấn đề khai thác nghị quyết 54 của Quốc hội được xem là giải pháp quan trọng để thành phố phát triển đột phá
Bên cạnh đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố mang lại niềm phấn khởi chung cho thành phố nhưng bản thân ông chưa thấy thỏa mãn. Bởi lẽ, nghị quyết quy định có rộng hơn trước nhưng quá cụ thể. "Cảm giác "vòng kim cô" mở rộng nhưng vẫn là "vòng kim cô". Cá nhân tôi thấy không thỏa mãn lắm", ông Giao nói.
Ông Giao đưa ra dẫn chứng, thành phố có nhiều biện pháp thu hút nhân tài để phát triển nguồn nhân lực nhưng vẫn bị Trung ương quy định mức lương tối đa. Mà thủ tục để được hưởng lương đó cũng rất "trần ai".
Theo ông, đúng ra không nên hạn chế lương. Tùy theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị mà người ta thu hút nhân tài. Kinh phí chi như thế nào thì sẽ báo chứ không nên quy định mức tối đa.
Một dẫn chứng khác là trường Đại học Hoa Sen bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo bác vì không đúng quy định của Bộ.
"Nếu cần thiết bổ nhiệm thì thành phố có quyền bổ nhiệm không? Nếu ông này xứng đáng được bổ nhiệm thì với cơ chế đặc thù thành phố được bổ nhiệm hay vẫn theo quy định của bộ?", ông Giao đặt vấn đề.
Trong lĩnh vực chống ngập, GS Giao cho biết vừa qua có một đơn vị trình bày phương án chống ngập, trong đó phải sửa miệng cống. Tuy nhiên, miệng cống do Bộ Xây dựng quy định thống nhất và các địa phương áp dụng.
"Nếu cần thay đổi miệng cống thì đưa ra Bộ Xây dựng. Nhưng có khi ra đó thì lại nghiên cứu vài năm. Vậy với cơ chế đặc thù thành phố có quyền quyết định hay không? - GS Giao nói.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng thành phố phải lồng cơ chế đặc thù vào từng chương trình đột phá, từng việc cụ thể mới khai thác được quyền lợi từ nghị quyết 54.
Theo ông, hiện có rất nhiều vấn đề vướng mắc thành phố đã thấy rõ nhưng không đưa ra giải pháp quyết liệt hoặc làm nửa vời, không tới nơi tới chốn.
"Chúng ta không giải quyết quyết liệt, làm nửa vời rồi để đó, hay là chờ Trung ương đồng ý mới thực hiện tiếp. Cái này nên khai thác Nghị quyết 54. Chúng ta có cơ chế đặc thù nên có quyền trong một số việc cụ thể chứ không phải chỉ những việc mà trong Nghị quyết nêu", ông Giao nói.
Theo ông, để thành phố phát triển đột phá thì từng người, từng ngành cố gắng nhưng nhân tố quan trọng nhất, nhân tố dẫn đầu là chính quyền phải sáng suốt, mạnh dạn, quyết liệt thì mới làm được.
Quốc Anh
Theo Dantri
Thực hiện 7 chương trình đột phá, TPHCM vướng 3 khó khăn nổi bật Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 khó khăn nổi bật của thành phố khi thực hiện 7 chương trình đột phá là thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trách nhiệm tham gia của người dân. Ngày 4/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 tổ...