Các chi tiết gây chú ý nhất phiên tòa Vũ “nhôm” và 2 cựu Thứ trưởng
Sau 3 ngày xét xử, TAND thành phố Hà Nội đã ra bản án tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và 4 bị cáo, những người từng là sĩ quan cấp cao của Công an. Trong 3 ngày diễn ra phiên tòa đã có những chi tiết rất đáng chú ý.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (ảnh TTXVN).
1. Trong suốt quá trình khai tại tòa bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (lợi dụng thâu tóm đất công). Bị cáo luôn nói mình làm đúng theo các quy định. Tuy nhiên khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Vũ cho biết: Qua phiên tòa, được đại diện Viện Kiểm sát phân tích, trình bày, thấy đúng là bị cáo sai và không dám chối tội, đổ tội cho cấp trên. “Trong việc này, bị cáo rất ân hận và chính việc này đã liên lụy, ảnh hưởng đến các vị lãnh đạo Bộ Công an”, bị cáo Vũ nói.
Bị cáo Bùi Văn Thành (ảnh chụp qua màn hình).
2. Tại phiên tòa bị cáo Bùi Văn Thành (từng là tướng, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) chỉ khai báo ngắn gọn. Ông nhận trách nhiệm ngay từ đầu. Trong lời nói sau cùng, ông đã có những lời gan ruột. Ông nói việc phải đứng trước tòa với tư cách là bị cáo đó là hình phạt nặng nhất. “Trong 3 ngày diễn ra phiên tòa, tôi thấy phiên tòa diễn ra công khai, rõ ràng. Những điều lo lắng của tôi đã được giải tỏa và tôi tự thành tâm nhận thấy sai phạm trước tòa”, bị cáo Thành nói.
Bị cáo Trần Việt Tân (áo trong màu sáng, ảnh TTXVN).
2. Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Việt Tân (từng là tướng, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) đã có đề nghị rất đáng chú ý. “Tôi đề nghị chủ tọa phiên tòa xem những câu hỏi nào liên quan trực tiếp đến vụ án thì tiếp tục còn những vấn đề liên quan đến tổ chức, mạng lưới, quy chế hoạt động của tình báo là bí mật”, bị cáo Trần Việt Tân nói.
Sau khi nghe đề nghị trên, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị này.
4. Trong phần đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư và các bị cáo, đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội, giữ quyền công tố tại tòa đã chia sẻ cơ quan công tố cùng điều tra viên rất khó khăn trong đánh giá chứng cứ vì đây là vụ án nhạy cảm, nhiều quy định thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Video đang HOT
“Chúng tôi là người tiến hành tố tụng nên buộc phải đọc xem hành vi đó có sai hay không. Chúng tôi đồng tình với bị cáo Trần Việt Tân là phải phân định rõ đúng sai nhưng cũng phải đảm bảo bí mật nhà nước, bí mật quốc gia. Chúng tôi sẽ cố gắng để không đề cập đến những cái mang tính chất liên quan đến bí mật nhà nước, nhưng buộc phải nói để làm rõ hành vi của các bị cáo”, vị đại diện Viện Kiểm sát nói.
5. Trong phần bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ, vị luật sư của bị cáo này cho biết: Vợ của bị cáo Vũ đang mắc bệnh hiểm nghèo, bị cáo Vũ là lao động chính trong gia đình. Ông cũng nêu ra những thành tích của thân chủ như việc làm từ thiện, được bằng khen, kỷ niệm chương… để đề nghị tòa ra bản án hợp lý cho bị cáo Vũ.
Theo Danviet
Cựu tướng, tá công an "bất chấp để lộ thân phận tình báo để ủng hộ Vũ nhôm"
Đại diện VKS khi đối đáp với các luật sư đã cho rằng 2 bị cáo Tuấn và Bách đã bất chấp việc để lộ thân phận tình báo để ủng hộ Vũ nhôm.
Đại diện VKS đối đáp tại phiên toà sáng nay
Sáng 30/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) cùng các cựu tướng, tá công an về 2 tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mở đầu phiên làm việc, đại diện VKS đối đáp với phần bào chữa của các luật sư về phần liên quan đến yếu tố tư lợi cá nhân.
Sai ngay từ đầu, khi lập công ty bình phong
Trước hết, đại diện VKS chia sẻ cơ quan công tố cùng điều tra viên rất khó khăn trong đánh giá chứng cứ vì đây là việc nhạy cảm, nhiều quy định thuộc danh mục bí mật nhà nước. "Chúng tôi là người tiến hành tố tụng nên buộc phải đọc xem hành vi đó có sai hay không. Chúng tôi đồng tình với bị cáo Trần Việt Tân là phải phân định rõ đúng sai nhưng cũng phải đảm bảo bí mật nhà nước, bí mật quốc gia. Chúng tôi sẽ cố gắng để không đề cập đến những cái mang tính chất liên quan đến bí mật nhà nước, nhưng buộc phải nói để làm rõ hành vi của các bị cáo" - đại diện VKS nói.
Đại diện cơ quan giữ quyền công tố khẳng định, động cơ, mục đích gắn với hành vi khách quan của các bị cáo và các hành vi này được thực hiện ngay từ đầu, ngay từ khi tuyển bị cáo Phan Văn Anh Vũ vào ngành, ngay từ khi thành lập công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.
Theo lập luận của VKS, hành vi này có thể coi là sai trái ngay từ đầu vì theo quy định của ngành thì công ty này không đúng ngay phần khi vốn góp. "Nếu công ty hoàn toàn vốn của tư nhân thì phải hoạt động kiểu khác, còn nếu công ty có vốn Nhà nước gồm 20% của tổng cục V và 10% của Công an Đà Nẵng thì phải quản lý theo luật khác. Nhưng ở đây, mọi hoạt động kinh doanh đều do bị cáo Vũ điều hành, quyết định, còn các vị không biết lỗ lãi thế nào, báo cáo tài chính hàng năm là bao nhiêu" - đại diện VKS lập luận.
Ông nhắc lại lời bào chữa của bị cáo Phan Văn Anh Vũ khi cho rằng phần tỷ lệ vốn góp chỉ là ban đầu ghi như thế, nhưng VKS cho rằng đây là nguỵ biện, vì theo Luật DN, các thành viên tham gia góp vốn phải nộp phần vốn góp đã cam kết nhưng trong nhiều năm điều này vẫn không thay đổi.
Kể cả sau đó khi thành lập Công ty Nova Bắc Nam 79, Vũ nhôm vẫn bỏ vốn góp và vẫn không có đồng nào của Nhà nước.
Đại diện cơ quan công tố cho rằng, 2 công ty bình phong này 100% vốn của bị cáo Vũ, tức là sở hữu tư nhân, mà đã là sở hữu tư nhân thì toàn bộ tài sản và quyền về tài sản do Vũ toàn quyền quyết định. "Tổng cục V hay Bộ Công an không có một đồng nào trong 2 công ty này, nên sai ngay từ đầu từ thành lập công ty đến khi góp vốn. Vì sai ngay từ đầu nên các văn bản đề nghị hỗ trợ cũng là sai. Đồng tình là các văn bản tuy có một phần đề nghị với các Bộ, ban ngành của Đà Nẵng và TP.HCM, đồng ý là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành phải ủng hộ hoạt động nghiệp vụ của Bộ Công an, nhưng ủng hộ phải theo quy định của pháp luật" - đại diện VKS nêu quan điểm.
Vị này cũng nhắc đến việc một số vị quan chức đã ủng hộ, hỗ trợ trái phép cho Phan Văn Anh Vũ để biến nhà, đất công sản thành nhà riêng, và đã khởi tố 3 vụ án tại Đà Nẵng và TP.HCM, trong đó khởi tố bị can với cả nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng và TP.HCM vì liên quan tới Phan Văn Anh Vũ.
Về mục đích vụ lợi của bị cáo, đại diện VKS cho rằng, việc thành lập công ty, ra các văn bản trái pháp luật hỗ trợ Phan Văn Anh Vũ thực hiện các dự án thì cái tư lợi của bị cáo thể hiện rõ nhất ở khu đất 319 Lê Duẩn, Đà Nẵng và dự án công viên An Đồn cũ, lúc đầu nói phục vụ hoạt động nghiệp vụ của Bộ Công an nhưng ngay sau đó đã chuyển sang tên cá nhân, rồi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Phan Văn Anh Vũ. "Đây rõ ràng là chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp. Không thể có chuyện đó được" - đại diện VKS nói.
Đại diện VKS này cũng thẳng thắn nêu quan điểm, toàn bộ công ty Bắc Nam 79 là sở hữu tư nhân, kể cả không chuyển tên sang cho Phan Văn Anh Vũ cũng vẫn là tư lợi, chẳng qua chuyển sang là có mục đích riêng của bị cáo.
Về vấn đề đồng phạm hay không đồng phạm, đại diện VKS cho rằng, bản thân bị cáo Vũ là người trực tiếp nắm bắt tình hình xem chỗ nào có dự án nhà đất công sản có thể mua được, bị cáo có báo cáo với lãnh đạo cấp trên là Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách xin thực hiện dự án.
Ví dụ như 319 Lê Duẩn Đà Nẵng có văn bản gửi Tổng cục V và Đà Nẵng mục đích sử dụng vào nghiệp vụ của ngành công an.
Với các dự án khác, nếu bình thường bị cáo Tuấn và Bách chỉ soạn thảo một công văn gửi các Bộ, ngành, thì tại sao dự án 15 Thi Sách, TP.HCM lại có 7 văn bản của ngành công an, rồi dự án số 8 Nguyễn Trung Trực có 6 công văn? Theo VKS, đây là động cơ, mục đích đồng thuận với nhau.
Thậm chí, hai bị cáo Tuấn và Bách còn bất chấp việc để lộ thân phận tình báo, lộ tổ chức của cơ quan công an. Điều này được khẳng định bằng bản án đã được toà Hà Nội tuyên trước đó về tội Làm lộ bí mật Nhà nước liên quan các bị cáo này.
"Động cơ thể hiện rất rõ, bất chấp bí mật quốc gia làm các văn bản gửi các Sở, ngành. Động cơ sau đó là gì? Đó là xảy ra vụ án mà chúng ta phải ngồi đây xem xét tội phạm của các bị cáo, đó là đồng phạm. Toàn bộ việc hưởng lợi của bị cáo Vũ, Vũ nói không chuyển Tổng cục V hay cho bị cáo Tuấn và Bách đồng nào, thì rõ ràng toàn bộ Vũ được hưởng nên nhận định vai trò của Vũ nặng nhất là phù hợp" - đại diện cơ quan công tố lập luận.
Nhiều luật sư cho rằng cách tính thiệt hại của cơ quan điều tra và VKS khác nhau, chỉ là định giá chứ không xác định thiệt hại, đại diện VKS cho rằng định giá đã được quy định trong Luật, việc định giá là hoàn toàn khách quan, không chịu sức ép nào cả mà theo đúng quy định của pháp luật. "Chúng tôi lấy đây là căn cứ để xác định thiệt hại, còn việc xác định thiệt hại giữa cơ quan điều tra và VKS khác nhau là việc bình thường" - vị này nói.
VKS khẳng định đã xem xét từ tập thể lãnh đạo đến phối hợp với cơ quan điều tra, thống nhất việc xác định thiệt hại, cân nhắc nhiều và đi đến kết luận, tài sản Nhà nước bị xâm hại cho đến tận bây giờ, thậm chí đến nay vẫn bị thoát ly quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước, từ lúc các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, mà hành vi phạm tội của các bị cáo kéo dài, có vụ kéo dài 8 năm.
"Thiệt hại tại dự án nhà đất 15 Thi Sách là 6,7 tỷ đồng, đó là việc thất thoát từ 7 văn bản của Bộ Công an, TP.HCM chấp thuận cho Vũ là Chủ tịch của Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 thuê dự án 15 Thi Sách. Đây là việc làm sai của UBND TP.HCM, xuất phát từ văn bản của Bộ Công an và người được lợi là Vũ nhôm nên vẫn tính thiệt hại. Liên quan dự án này đã khởi tố 1 cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín" - đại diện VKS cho biết.
Vị này cũng khẳng định, khi tiến hành quyền công tố, phía VKS đã xem xét nhiều khía cạnh, truy tố các bị cáo tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn là đã có phần vận dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. "Nếu chỉ tính riêng 2 dự án nhà đất 319 Lê Duẩn và đất công viên An Đồn cũ thậm chí còn có yếu tố chiếm đoạt. Tuy nhiên xem xét tổng thể, chúng tôi đã vận dụng nguyên tắc có lợi và truy tố các bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn" - đại diện VKS nói.
"Sốt sắng" hỗ trợ cho Vũ "nhôm" bất chấp quy định của pháp luật
Một đại diện khác của VKS tiếp tục đối đáp với các luật sư và cho rằng, bị cáo Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách là cổ đông tham gia Bắc Nam 79 nên mọi hoạt động của công ty hai bị cáo Tuấn, Bách buộc phải biết. Kết quả đầu tư đều có báo cáo trực tiếp với hai bị cáo. Hai bị cáo không thể nói không biết.
"Mọi hoạt động các dự án dù không có hoạt động nghiệp vụ nhưng mỗi khi Vũ yêu cầu, các bị cáo đều sốt sắng soạn các văn bản trái luật để hỗ trợ Vũ. Đây là hỗ trợ vô điều kiện, bất chấp cả vi phạm pháp luật, miễn là hỗ trợ cho Vũ và các công ty bình phong hưởng các đặc ân. Hành vi của các bị cáo là cố ý" - đại diện VKS nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, vị này cho rằng cơ quan truy tố xác định vai trò đồng phạm với hai bị cáo là giúp sức, giúp sức tích cực là có cơ sở.
Với bị cáo Trần Việt Tân, VKS cho rằng không cần thiết tranh luận nhiều vì hành vi của bị cáo đã được chỉ ra, phân tích kỹ trong cáo trạng, bản luận tội. Bản thân bị cáo đã tự nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu, tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra.
Theo đại diện cơ quan công tố, việc các bị cáo ký văn bản tác động tới chính quyền địa phương để doanh nghiệp hưởng vị trí đất vàng dù mục đích gì cũng không phù hợp quy định. Doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật, anh tạo cơ hội cho doanh nghiệp này sẽ làm mất cơ hội cho doanh nghiệp khác, ảnh hưởng sự cạnh tranh công bằng lành mạnh.
"Nó không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm mất uy tín, niềm tin. Các bị cáo cả đời phấn đấu, công hiến mà phút chốc như vậy. Việc cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố tội Thiếu trách nhiệm hoàn toàn có căn cứ" - đại diện VKS nêu quan điểm.
Việc luật sư đề nghị tuyên bị cáo vô tội, theo đại diện VKS là một biểu hiện "vô cảm", bởi dư luận ngoài kia đang rất bức xúc với những nhóm lợi ích, vì hậu quả của vụ án là gây mất niềm tin. Và đường lối xử lý với các bị cáo đã được xem xét, cân nhắc tất cả các vấn đề để đưa ra cách giải quyết có lợi cho các bị cáo.
Theo Anh Thư (Báo Giao thông)
Tòa đang tuyên án hai cựu Thứ trưởng Công an và Vũ "nhôm" 15 giờ chiều nay (30.1), sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và đồng phạm. Thẩm phán, chủ tọa Trương Việt Toàn thay mặt Hội đồng xét xử tuyên án (ảnh chụp qua màn hình). Trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã nêu lại phần đại diện Viện...