Các chất bổ dưỡng trong trà
Khuyến cáo của các nhà y học về việc uống trà hàng ngày để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe là xác đáng.
Trà có tên khoa học là Camellia sinensis, thuộc họ chè (Theaceae). Đây là loại thực vật có từ Trung Quốc và người ta đã biết dùng trà từ 2.500 năm trước Công nguyên. Có ba loại trà:
1. Trà đen: là trà được chế biến cho lên men rồi sấy khô.
2. Trà xanh: là trà tươi không cho lên men, tuy nhiên, vẫn có chế biến bằng cách sao trà trên chảo gang nóng 70-800 C trong vòng vài phút để diệt các enzym có trong lá và búp trà.
3. Trà ô long: là trà cho lên men nửa chừng.
Trong ba thứ, tốt nhất là trà xanh, vì được giữ nguyên bản chất thiên nhiên của lá tươi, một số hợp chất thiên nhiên không bị quá trình lên men phân hủy. Tuy nhiên, nếu dùng trà đen đều đặn mỗi ngày, vẫn tốt cho sức khỏe. Trong trà có chứa các chất sau:
Video đang HOT
Tanin: chiếm 20 %, còn gọi là chất chát. Tanin làm giảm sự hấp thu sắt, vì vậy, không nên uống thuốc bổ có chứa chất sắt chung với trà, và người bị thiếu sắt thì không nên uống nước trà.
Caffein: còn gọi là théin, chiếm tỷ lệ 1,5% – 5%. Đây là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Nhờ có caffein, khi uống trà ta cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn hơn. Cũng vì thế mà một số người sẽ bị mất ngủ hoặc tim đập nhanh. Lượng caffein có trong trà thật ra không gây hại cho sức khỏe, nhưng vì có thể có ảnh hưởng đến giấc ngủ nên tốt nhất không uống trà vào buổi chiều tối.
Các chất bổ dưỡng: như vitamine B1, B2 và các hợp chất có tên gọi chung là bioflavanoid (có tác dụng chống oxy hóa), giúp vô hiệu hóa các gốc tự do, nhờ vậy sẽ bảo vệ tế bào, bảo vệ mô, bảo vệ mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể. Phân tích cho thấy, một tách nước trà chứa khoảng 200mg bioflavonoid. Nếu uống ba tách trà mỗi ngày, sau ba tuần, lượng chất chống oxy hóa này có trong máu sẽ tăng 25%. Như vậy, khuyến cáo của các nhà y học về việc uống trà hằng ngày để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe là xác đáng.
Fluor: trong trà có chứa nhiều nguyên tố fluor với lượng cao (một tách trà chứa khoảng 0,3 microgram flour). Vì vậy, uống trà hằng ngày sẽ giúp bảo vệ răng, làm chắc men răng.
Điều cần ghi nhận nữa là khi uống trà, ta sẽ bù được lượng nước mất đi trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, khi làm việc trong điều kiện nóng, dưới ánh nắng, uống nước trà sẽ giúp giảm mệt nhọc.
Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ uống trà thường xuyên, đặc biệt uống trà xanh, có thể phòng chống nhiều loại bệnh. Cụ thể, uống trà xanh thường xuyên có thể giảm nguy cơ bị ung thư hầu họng, ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư vú. Chính hợp chất EGCG có trong trà sẽ giúp chống oxy hóa rất mạnh, “dọn sạch” các gốc tự do, vốn là tác nhân gây tổn thương cấu trúc ADN, tổn thương tế bào, dẫn đến ung thư.
Trà xanh đã được chứng minh cải thiện đáng kể hoạt động của các mạch máu trong cơ thể. Các hợp chất bioflavonoid có trong trà xanh giúp giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành. Riêng đối với người bị bệnh tim mạch, uống trà có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh. Người ta khám phá, sau khi bị bệnh tim, bệnh nhân uống trà xanh có tỷ lệ tử vong ít hơn 28% so với người không uống trà. Chưa hết, trà còn được xác định là thứ nước uống có tác dụng chống lão hóa rất tốt vì chứa nhiều vitamine C, E và bêta-caroten.
Tóm lại, trà là loại thức uống giải khát có nhiều lợi ích, và lợi ích đáng kể nhất đã được khoa học chứng minh là có tác dụng phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM)
Phụ nữ Online
Mách bạn thực phẩm kháng bệnh mùa đông
Không chỉ hành, tỏi mới có khả năng chống lại bệnh mùa đông, bánh mì, nho đen, rau cải xoong, khoai tây... cũng được các bác sỹ khuyên nên tăng cường trong chế độ dinh dưỡng.
Mùa đông, thời tiết lạnh giá sẽ làm cho nhiều loại vi khuẩn phát triển và gây bệnh, đặc biệt là virus gây cảm cúm, thậm chí virus này có thể gây thành dịch bệnh. Để giúp mọi người có được sức khỏe tốt và tránh được các mầm mống gây bệnh, các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu kháng bệnh Paris (Pháp) đã liệt ra một số thực phẩm có khả năng chống bệnh mùa đông rất tốt.
Uống một cốc nước cam ép hoặc ăn một nửa quả bưởi mỗi ngày: Cả 2 loại trái cây này đều rất giàu vitamin C, chất có khả năng rút ngắn thời gian của bệnh cảm cúm.
Trà đen: Trong trà đen có chứa những chất giúp thúc đẩy hoạt động của các tế bào ở mũi, giúp chúng đẩy lùi những vi trùng gây bệnh.
Hạt điều: Là thực phẩm có chứa nhiều khoáng chất như: kẽm, selen và sắt - chất tăng cường hệ miễn dịch. Hạt điều cũng chứa nhiều protein. Hạt điều có chứa rất nhiều chất béo nhưng hầu hết là chất béo không bão hòa - chất có lợi cho sức khỏe.
Bánh mì: Đây là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, bao gồm cả kẽm và vitamin E - yếu tố giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Cháo thịt gà: Các nhà khoa học ở Trung tâm Y học Nebraska cho biết, cháo thịt gà có khả năng chống bệnh cảm cúm rất tốt. Thành phần của cháo thịt gà gồm hành, củ cải, cà rốt cùng với thịt gà. Để tăng khả năng hiệu quả hơn nữa, bạn cho thêm một hoặc hai nhánh tỏi vào cháo.
Cải xoong và cải đắng: Ngoài khả năng chống ung thư tốt, chúng còn có khả năng chống virus rất hiệu quả. Cải đắng (cải ngồng) đặc biệt có khả năng làm dịu sự xung huyết phổi, sổ mũi và ho. Cả 2 loại cải trên cũng rất giàu vitamin C, chất xơ và folate, thành phần tăng cường chất chống sinh ung thư glucosinolate.
Hành và tỏi: Vị cay và đắng của hành và tỏi là một trong những thực phẩm có khả năng chống bệnh hiệu quả nhất và bạn nên ăn chúng hàng ngày. Để nhận được lợi ích tối đa, bạn nên ăn tỏi sống.
Trà gừng: Gừng là loại củ có chứa rất nhiều chất chống virus, bao gồm cả những chất mà có khả năng chống lại virus một cách trực tiếp, trong đó có chất gingerol có thể chống lại ho. Để làm trà gừng, bạn cần đun sôi nước, sau đó rót vào gừng tươi đã được đập nát, để khoảng 2 - 3 phút thì bỏ ra uống.
Ăn nhiều thực phẩm màu đỏ: Các loại thực phẩm như: cà rốt, cà chua, đu đủ, ớt... sẽ cho bạn nhiều lợi ích về sức khỏe vì chúng có chứa nhiều chất vitamin A, -caroten - các chất tăng sức đề kháng cảm cúm cho cơ thể.
Mật ong: Theo các nhà khoa học, mỗi ngày ăn khoảng 30 - 60g mật ong sẽ giúp cho bạn chống lại được bệnh tăng lên 3 - 4 lần và giúp cho người cảm cúm dễ phục hồi nhờ lượng glucose và fructose tự nhiên.
Hít hơi nước nóng: Trước tiên, bạn rót nước sôi vào chiếc cốc, sau đó đưa mũi lên gần thành cốc và hít khí nóng bốc lên. Chú ý là cần giữ một khoảng cách nhất định để cho mũi không chịu quá nóng, bạn nên hít cho đến khi nước bay hết hơi nóng và mỗi ngày làm như vậy khoảng 5 lần. Mọi người đều biết, virus gây cảm cúm có khả năng chịu được lạnh nhưng không chịu được nóng. Do vậy khi hít hơi nóng, nó sẽ làm virus bám ở khoang mũi bị tiêu diệt.
Nho đen: Có khoảng 2.000mg vitamin C trong 100g nho đen, nhận đủ vitamin C là điều vô cùng quan trọng, bởi vì nó ngăn chặn sự lây nhiễm cảm cúm và giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Khoai tây: Khoai tây là một trong những thực phẩm giàu vitamin. Khoai tây cũng chứa nhiều kali và chất xơ. Vỏ khoai tây là phần chứa nhiều chất xơ nhất, phần cùi dưới vỏ chứa nhiều vitamin C. Ăn khoai tây còn tươi (khi chúng mới được dỡ) là tốt nhất, vì nó vẫn giữ được nhiều chất vitamin C so với khoai tây đã để lâu trong nhà. Bạn không nên ngâm nhiều khoai tây trong nước khi cạo vỏ, bởi vì nó sẽ mất nhiều vitamin C.
Theo BS Thu Hương
SK&ĐS