“Cắc, bụp” tiếng giã bánh dày trong ngày Tết của người Mông
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên khắp các bản Mông lại vang lên những tiếng chày va vào cối kêu “cắc, bụp”. Theo quan niệm của người Mông, trong ngày Tết mà không có bánh dày thì coi như không có Tết.
Trong mâm cỗ Tết của người Mông, ngoài thịt lợn, thịt gà, rượu ngô… thì bánh dày là thứ không thể thiếu. Bánh dày được con cháu người Mông dùng để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày tết để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành nên mình nhờ ăn hạt gạo nếp.
Giã bánh dày tốn rất nhiều sức lực nên đòi hỏi phải có những người đàn ông có sức vóc, dẻo dai thì bánh mới nhuyễn và dẻo.
Từ lâu, người Mông quan niệm, bánh dày biểu tượng cho sự no ấm, an lành, hạnh phúc. Vì vậy, sang năm mới, các trưởng dòng họ, người có uy tín… dùng bánh dày để thờ cúng tổ tiên, thần linh cầu mong sang năm mới, con cháu người Mông có sức khỏe tốt, lao động sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu.
Sau khi giã nhuyễn, các chị em phụ nữ dùng muôi lấy khối bánh ra nia để thuận lợi cho việc nặn.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Sùng Sáy Pó, bản Cha Mạy (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: Bánh dày theo tiếng Mông gọi là “dúa” hoặc “pía”. Trong ngày Tết, làm gì thì làm, bánh dày và gà là 2 thứ không thể thiếu được. Không có bánh dày thì coi như không có Tết, nên bánh dày được người Mông rất trân trọng và tôn kính. Ngoài ra, bánh dày còn được dùng để tặng cho họ hàng, khách quý trong dịp Tết để thể hiện tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho đất trời, cho sự no đủ.
Theo ông Pó, bánh dày của người Mông được làm rất kỳ công và tỉ mỉ, để có những chiếc bánh ngon, nhuyễn, dẻo thì không phải người nào cũng làm được. Nguyên liệu làm bánh là những loại nếp nương, nếp ruộng thơm ngon. Khi xay gạo xong, đem ngâm nước từ 10 – 12 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước và cho vào chõ đồ thành xôi. Nguyên liệu gói bánh dùng lá dong hoặc lá chuối được rửa sạch, lau khô.
Video đang HOT
Trong lúc nặn bánh dày để không bị dính tay, người phụ nữ Mông dùng lòng đỏ trứng gà xoa vào lòng bàn tay.
Cối giã bánh được làm bằng thân cây gỗ trắc, thớ mịn, ruột khoét rỗng; chày giã được làm chủ yếu bằng gỗ lim. Lý giải về điều này, ông Pó cho biết thêm: Cối và chày được làm bằng những cây gỗ chắc là để khi giã mảnh gỗ không bám vào bánh và chày không gãy.
Giã bánh là công đoạn khó khăn nhất, muốn bánh dày càng dẻo, nhuyễn đòi hỏi người tham gia giã không chỉ khỏe mà phải có kỹ thuật và hiểu biết. Một lần giã sẽ có 2 người, thời gian giã bánh càng nhanh càng tốt. Vì lúc xôi đang nóng thì bánh mới nhanh nhuyễn, dẻo và mịn. Khi xôi quyện vào nhau, dẻo mịn thành một khối là hoàn tất công việc giã bánh.
Cối giã bánh dày được làm bằng thân những cây gỗ bền và chắc.
Khi giã xong, các chị em phụ nữ dùng bàn tay khéo léo của mình nặn ra những chiếc bánh tròn trịa, đều nhau. Để bánh khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, các chị em xoa một ít lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay trong lúc nặn bánh rồi sau đó dùng lá dong, lá chuối gói thành bánh xếp gọn vào nia.
Chày giã bánh được làm bằng gỗ lim.
Giã bánh dày là nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lên ăn tết với các bản Mông ở vùng cao, được thưởng thức những chiếc bánh dày thơm ngon bên bếp lửa hồng mới cảm nhận được đức tính cần cù, chịu khó của đồng bào nơi đây.
Theo Danviet
"Săn" đào rừng: Nguy hiểm lại bị mắng xơi xơi, nhiều người vẫn ham
Để có được những gốc đào, cành đào rừng thế đẹp, dáng độc lạ, dân buôn phải băng rừng, vượt núi đi qua những cung đường đèo một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Thế mà bất chấp nguy hiểm, bất chấp cả những cảnh báo về việc tận diệt đào rừng, nhiều người vẫn lao vào cuộc săn vì lợi ích trước mắt.
Suýt lao xuống vực
Nghĩ đến khoảng thời gian vật lộn với con đường uốn lượn như mình rắn, dài hơn trăm cây số để chở 3 cành đào rừng từ xã Xá Nhè (Tủa Chùa - Điện Biên) về xã Chiềng Pha (Thuận Châu - Sơn La) để bán Tết, anh Lường Văn Tiếp, bản Muông (Chiềng Pha) vẫn chưa hết sợ hãi.
Không chỉ chở những gốc đào, cành đào cồng kềnh mà một số dân buôn còn chở thêm cả người gây nguy cơ mất an toàn giao thông bất cứ lúc nào khi tham gia lưu thông.
Trò chuyện với chúng tôi về những gian nan trong hành trình tìm kiếm đào rừng cổ thụ, anh Tiếp cho biết: "6 năm theo nghề buôn đào bán Tết, chưa năm nào anh em tôi lại vất vả như năm nay. Muốn tìm được đào có thế đẹp, chỉ còn cách vào các bản Mông ở vùng sâu, vùng xa. Mà mấy năm trở lại đây số lượng đào đẹp ở Thuận Châu ngày càng ít. Bởi vậy, để tìm được những gốc đào, cành đào ưng ý, điểm đến lần này của anh em tôi là các xã vùng cao ở huyện Tủa Chùa - một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên".
Chiếc xe Win được dân buôn dùng để leo núi săn đào.
"Do đường sương mù, trơn trượt nên phải mất gần nửa ngày chúng tôi mới đặt chân đến Xá Nhè. Mất một ngày, một đêm ở trên bản Mông, anh em tôi mới tìm mua được những gốc đào ưng cái bụng. Có được đào rồi, nghĩ đến con đường quay lại mà tôi thực sự thấy ngao ngán. Nhưng biết làm sao, vì kế sinh nhai nên phải cố thôi!" - anh Tiếp tâm sự.
Theo anh Tiếp, đằng sau những gốc đào, cành đào cổ thụ có thế đẹp, độc lạ có giá trị lên đến cả chục triệu đồng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. "Trên cung đường vận chuyển, chân, tay bầm tím, xước xát, trẹo, gai đâm chảy máu xảy ra như cơm bữa. Nhiều đoạn đường hẹp sạt lở do lũ, buổi tối trời mù sương, tầm nhìn chưa đến một mét, xe chở nặng, tôi suýt lao xuống vực mấy lần nhưng nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nên tôi mới thoát được" - anh Tiếp chia sẻ.
Mất tiền, mất Tết
Tại tuyến tỉnh lộ 108 đi các xã vùng cao của huyện Thuận Châu - một trong những tuyến đường đèo quanh co, hiểm trở, quanh năm phủ kín biển mây trắng xóa, trung bình cứ khoảng 5 - 10 phút lại có 2 - 3 chiếc xe máy nối đuôi nhau chở những gốc đào cồng kềnh xuôi xuống thị trấn để bán. Những chiếc xe chở đào này không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển mà còn chiếm nửa lòng đường rất xảy dễ va quệt với các phương tiện tham gia giao thông khác.
Để chở được nhưng gốc đào cổ thụ tán rộng ở các bản vùng cao xuống thị trấn bán đòi hỏi phải có sức khỏe, kinh nghiệm.
Anh Lò Văn Hùng - một tiểu thương ở huyện Thuận Châu, cho biết: Lên các bản Mông vùng cao tìm được những gốc đào già có giá trị đã khó nhưng việc vận chuyển về xuôi để bán còn khó gấp bội. Mùa đông này, sương mù, mưa phùn phủ kín các ngả đường lên bản, tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt, nhiệt độ thấp nên đòi hỏi người săn đào phải có sức khỏe, kinh nghiệm mới đem được những gốc đào nguyên vẹn về bán.
Chở đào trên những cung đường đèo ở vùng cao không chỉ gây nguy hiểm cho chính các dân buôn mà còn ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khác.
"Còn nhớ, khi mới bắt đầu tập tành nghề buôn đào bán Tết này, tôi lên bản Cắn Tỷ, xã Long Hẹ mua được một gốc đào rừng cổ thụ thế rất đẹp với giá 5 triệu đồng. Phải ăn rừng, ngủ rừng 2 ngày trời đánh gốc mới di chuyển được ra ngoài đường cái. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, trong quá trình vận chuyển làm va quệt khiến nụ hoa bị xước và rụng sạch. Đào đang có giá 5 triệu, chở về đến thị trấn, tôi làm lán nhỏ ven đường Quốc lộ 6 trông 2 đêm 3 ngày trong cái lạnh cắt da thịt nhưng chẳng có lái buôn nào để ý tới, hỏi ra mới biết gốc đào của tôi giờ cho không cũng chẳng ai lấy. Tôi đành chặt nó ra từng khúc để làm củi. Năm đó, mất không 5 triệu săn đào rừng nên nhà tôi cũng mất Tết luôn" - anh Hùng nhớ lại.
Biết việc săn đào rừng là cách gián tiếp hủy hoại môi trường sinh thái, tận diệt đặc sản ở địa phương nhưng cả anh Tiếp, anh Hùng đều "nhắm mắt" làm ngơ vì lợi nhuận hấp dẫn. Tiếp phân bua: "Cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết, nếu không làm thì không có ăn, nên dù nguy hiểm vẫn cố làm".
Phía sau những đồng tiền thu được từ những gốc đào, cành đào rừng cổ thụ có thế đẹp, dáng độc lạ với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để có một cái Tết đầm ấm là cả nỗi nhọc nhằn của những dân buôn, còn những gốc đào đặc trưng của mùa xuân Tây Bắc đang từng ngày rỉ máu.
Theo Danviet
Nước mắt... đào rừng Đã nhiều năm nay, mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, khắp vùng Tây Bắc đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân chở những cành đào đủ kích cỡ khắp các ngả từ vùng cao xuôi xuống các thành phố, thị trấn để bán. Cũng bởi thú chơi đào rừng, muốn sở hữu những cành đào có dáng độc lạ,...