Các bệnh về da tăng do thời tiết
Các ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn như nấm da, nấm móng, kẽ ngón tay, chân, viêm da mủ, viêm da kích ứng, viêm nang lông…
khi thời tiết mưa nắng đan xen tăng khoảng 30% so với các tháng mùa khô.
Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, khu vực miền Nam nắng nóng quanh năm, từ tháng 5 đến tháng 11 vào mùa mưa khiến độ ẩm tăng cao càng thuận lợi cho sự phát triển của nấm, vi khuẩn trong môi trường.
Ảnh minh họa.
Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi đổ mưa lớn bất chợt, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh trong thời gian ngắn là kiểu khí hậu tương đối khắc nghiệt, có hại cho da, khiến da nhạy cảm hơn. Mưa lớn kèm thêm ngập lụt, nguồn chất thải, rác, bụi bẩn… bị hòa lẫn, ứ đọng làm tăng nguy cơ làn da phải tiếp xúc tác nhân gây bệnh.
Khi trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi điều hòa thân nhiệt nhưng bị lưu lại lâu trên da, khiến da ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cộng với môi trường nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, viêm da.
Công nhân vệ sinh môi trường, xe ôm, thợ hồ, người bán hàng rong, nông dân, người già, trẻ em, người thừa cân, béo phì, người có sẵn các bệnh da mạn tính… dễ mắc bệnh da thời điểm này nhất.
Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách, các nếp gấp ở cổ, khoeo tay chân kém thông thoáng, ẩm ướt càng dễ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Đặc biệt, các bệnh này gây ngứa nhiều, trẻ khó kiểm soát được cơn ngứa sẽ gãi làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Mỗi ngày, chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da của một cơ sở y tế đa khoa trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận 25-30 ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn khi thời tiết mưa nắng thất thường, ngập lụt.
TS.Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu- Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nếu không điều trị kịp thời, da trẻ có thể sưng tấy đỏ, tạo mủ, chảy dịch, bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác), hoại tử da, dễ tạo sẹo, tăng sắc tố. Nặng hơn có thể ảnh hưởng toàn thân, gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc máu, viêm cầu thận…
Video đang HOT
Các trường hợp bị nấm da, viêm da tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng ngứa nhiều, da loang lổ, không điều trị đúng thương tổn sẽ lan tỏa, có thể gây chàm hóa (viêm da cơ địa mạn tính) ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Tùy từng tình trạng của mỗi người bệnh, bác sỹ da liễu sẽ chỉ định loại thuốc tại chỗ hoặc toàn thân phù hợp với loại nấm, vi khuẩn người bệnh mắc phải.
Người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn bệnh. Khi có các triệu chứng bất thường trên da (nhất là sau khi dính mưa, lội nước ngập), như nổi mảng đỏ, mụn trên da, da khô ngứa; hoặc móng tay chân dày sừng, đổi màu; bong da và ngứa kẽ ngón, lòng bàn tay, bàn chân… nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Người bệnh không nên tự đoán bệnh, tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của người khác, đắp lá cây hay lể mụn khiến bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng do dùng sai thuốc.
Các bệnh nấm da, viêm da dễ tái nhiễm do điều kiện khí hậu nhiệt đới. Do đó, bác sỹ Bích khuyến cáo người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, các hóa chất, giữ da và móng luôn khô thoáng.
Người dân ở vùng thường xuyên ngập lụt nên đi ủng cao su, đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn. Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải vệ sinh cơ thể ngay với sữa tắm diệt khuẩn, thấm khô kẽ chân, tay, phơi khô giày dép, áo mưa trước khi tái sử dụng.
Người bị nhiễm nấm da, viêm da nên giặt riêng quần áo, chăn mền; thường xuyên vệ sinh khẩu trang, nón bảo hiểm… và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời để tia cực tím trong ánh nắng diệt nấm và bào tử nấm. Các dụng cụ cắt móng tay của người bệnh nấm cũng cần dùng riêng và vệ sinh bằng xà phòng.
Đôi khi nấm da ở người xuất hiện do bị lây truyền từ vật nuôi như chó, mèo thông qua tiếp xúc trực tiếp. Điều trị nấm cho vật nuôi giúp phòng tránh nhiễm bệnh.
Với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, ngoài luôn giữ cho da trẻ khô thoáng, phụ huynh có thể dùng thêm kem, phấn rôm chứa kẽm để chống hăm, nấm.
Tại Hà Nội, theo TS.Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn… viêm da do nhiễm trùng. Bệnh nhân tăng lên so với mùa khô 30%.
Một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá nhưng không biết khi đó sẽ làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ tiến triển nặng lên, sẽ dẫn tới tai biến do như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ.
Về hướng xử trí, bác sỹ Phương nhấn mạnh, khi gặp vấn đề về da người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.
Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.
Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.
Phòng tránh bệnh ngoài da thường gặp
Những trận mưa liên tục trong mấy ngày qua, không khí ẩm ướt khiến cho một số bệnh ngoài da phát triển mạnh, cả ở người lớn lẫn trẻ em.
Bệnh rất dễ lây nhiễm trên cơ thể qua do tiếp xúc với nước bẩn, sống chung đụng với người bị bệnh, vệ sinh thân thể kém, nơi ăn chốn ở ẩm thấp...
Nấm móng, viêm kẽ là những bệnh thường gặp trong mùa mưa.
Phân biệt các loại bệnh về da
Nấm da: Xuất hiện dưới nhiều hình thức như nấm chân, thường gặp ở người mang giày, vớ nhưng không thường xuyên thay vớ, vớ bị ẩm ướt. Nấm chân gồm 3 dạng là tróc vảy khô, mụn nước, viêm ở các kẽ ngón chân, nhất là kẽ ngón thứ 4, 5. Nếu không điều trị, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy, nổi hạch, sốt...
Nấm bẹn: Xuất hiện nhiều ở người hay ra mồ hôi hoặc quần áo bị ướt vì mắc mưa nhưng không kịp thay. Nấm xuất hiện ở nếp gấp hai bên háng, có hình dạng các đốm tròn, ngoài rìa có những mụn nước. Nấm có thể lan sang bên kia hoặc lan đến vùng thắt lưng, mông.
Nấm thân: Là những mảng đỏ hình tròn hoặc hình bầu dục, có giới hạn rõ ràng, xuất hiện ở mọi độ tuổi, cả nam lẫn nữ. Xung quanh rìa mảng đỏ có những mụn nước nhưng ở trung tâm mảng thì không. Ngứa nhiều khi ra mồ hôi hoặc ra nắng.
Nấm móng: Xuất hiện ở hai bên cạnh móng, cũng có thể từ giữa móng, gặp nhiều ở các móng tay. Khi ấy móng dày lên, mất độ bóng, móng màu trắng hồng chuyển sang màu xám bẩn. Bề mặt móng lỗ chỗ, có nhiều rãnh, dưới móng có bột vụn. Nếu bị bội nhiễm, khi ấn vào có mủ tiết ra. Bệnh lây từ móng này sang móng kia, tiến triển trong thời gian dài nếu không điều trị.
Lang ben: Xuất hiện khi độ ẩm trên bề mặt da tăng lên, tiết nhiều mồ hôi, chất bã. Ở những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng, lang ben có màu cà phê sữa, vàng nhạt, nâu, đỏ hoặc sạm đen. Hình dạng và kích thước thay đổi, từ những đốm nhỏ đến những mảng lớn, có bờ quanh co như bản đồ. Lang ben bình thường rất ít gây ngứa nhưng khi ra nắng hoặc ra mồ hôi, nó tạo cản giác như kim châm.
Mụn: Xuất hiện dưới hình dạng mụn nước, bóng, có quầng đỏ xung quanh. Sau đó nhanh chóng biến thành mụn mủ. Khi khô đi, bề mặt mụn có vảy màu vàng như mật ong. Chốc có thể có ở bất cứ vùng da nào trên thân thể.
Viêm nang lông: Là những mụn mủ ở xung quanh lỗ chân lông, thường thấy ở da đầu, mặt, nách, vùng mu bộ phận sinh dục, bắp chân, bắp tay... Bệnh gây ngứa nhiều, nhất là ở đầu, mặt và dễ tái phát nếu không được điều trị đúng cách.
Viêm kẽ: Xuất hiện nhiều ở những người béo phì, tay chân thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn hoặc ra nhiều mồ hôi, nhất là mồ hôi tay, chân. Viêm kẽ biểu hiện bằng mảng da màu đỏ, có thể nứt, tiết ra dịch mủ, rát bỏng và ngứa ở kẽ ngón tay, ngón chân, háng, nếp dưới vú...
Ghẻ: Do con ghẻ xâm nhập vào da, lây lan rất nhanh giữa người này và người kia qua tiếp xúc như bắt tay, mặc chung quần áo, ngủ chung... Thương tổn do ghẻ gây ra gồm những mụn nước, rãnh ghẻ, sẩn cục, sẩn mụn nước... thường thấy ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, xung quanh rốn, nếp dưới rốn, đầu vú, da đùi, nách, da ở bộ phận sinh dục.
Ghẻ rất ngứa và ngứa nhiều về đêm khi con cái ghẻ đào hầm dưới da để đẻ trứng. Nếu không điều trị, ghẻ có thể nhiễm khuẩn rồi biến thành chàm da, rất khó chữa.
Phòng ngừa và điều trị
Nếu đã bị các bệnh ngoài da, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán nhằm xác định nguyên nhân. Không tự ý mua thuốc về bôi, uống, nhất là những loại thuốc có thành phần corticoid (Dexamethasone, Prednisolone, Betametasone) vì những loại thuốc này sẽ làm các triệu chứng giảm rất nhanh khiến người bệnh tin rằng mình đã lành nhưng sau đó, hiện tượng bội nhiễm sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Đề phòng các bệnh ngoài da trong mùa mưa, nên thay quần áo hàng ngày, không mặc quần áo ẩm ướt quá lâu, lau khô người sau khi tắm, nhất là ở vùng nách, háng, nếp gấp cánh tay, nếp gấp đầu gối, thay vớ hàng ngày, hạn chế mang những loại vớ bằng sợi tổng hợp (nylon), tránh mang giày quá chật. Nhà ở cần thông thoáng, không để đồ vật, quần áo ẩm mốc, không tắm giặt chung, không mặc quần áo, không dùng chung khăn với người đã bị nhiễm các bệnh ngoài da...
Nếu đã nhiễm bệnh và đang trong quá trình điều trị, ủi mặt trong của quần áo khi vẫn còn hơi ẩm để tiêu diệt ký sinh trùng, bào tử nấm.
Các loại mùi cơ thể cảnh báo bệnh tật Hơi thở có mùi khó chịu có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường, gặp vấn đề hô hấp, bệnh thận. Trong khi đó, nấm, nhiễm trùng da làm tăng nguy cơ hôi chân. Nguyên nhân chính khiến bàn chân có mùi hôi là mồ hôi, vi khuẩn tích tụ trên da và nhiễm nấm. Ảnh: Freepik. Cơ thể có...