Các bên đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử ở Libya
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, người đứng đầu Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya Khaled al-Meshri ngày 26/12 đã chỉ trích Quốc hội và Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cấp cao (HNEC) của Libya vì đã không tổ chức cuộc bầu cử tổng thống theo lịch trình đã định.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Libya tại Sirte ngày 9/3/2021. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Phát biểu tại một phiên họp cùng ngày của Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya, ông al-Meshri nêu rõ: “Việc Quốc hội không xây dựng được một cơ sở hiến pháp và luật bầu cử, cũng như sự bất lực của HNEC trong việc hướng dẫn tổ chức bầu cử là những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử đúng thời hạn”. Ông al-Meshri nói thêm các phe phái chính trị tại Libya, vốn đã nhất trí thông qua quy trình bầu cử, hiện đang đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử đúng hạn.
Vài ngày trước, HNEC đã công bố đề xuất hoãn cuộc bầu cử tổng thống tới cuối tháng 1/2022, thay vì ngày 24/12 năm nay. Sau đó, Quốc hội Libya đã thành lập một ủy ban để soạn thảo một lộ trình sau ngày 24/12, với mục tiêu xem xét một số đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến sự đổ vỡ của kế hoạch tổ chức bầu cử đúng thời hạn, bên cạnh việc xác định tương lai của chính phủ lâm thời hiện nay.
Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một phần của lộ trình hòa bình được Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya (LPDF) thông qua, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), với mục tiêu mang lại sự ổn định cho Libya sau nhiều năm bất ổn chính trị và an ninh. Theo dự kiến ban đầu, cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức cùng ngày với cuộc bầu cử tổng thống, nhưng đã bị hoãn lại đến tháng 1/2022.
Trong một diễn biễn khác, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã bày tỏ lấy làm tiếc vì các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya đã không được tổ chức vào ngày 24/12 theo kế hoạch đã định. Tổng thư ký GCC, ông Nayef Al-Hajraf nhấn mạnh các cuộc bầu cử ngày 24/12 là quyền hợp hiến và là nhu cầu quốc tế nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Libya. Ông Al-Hajraf cũng kêu gọi tất cả các bên ở Libya ưu tiên cho lợi ích quốc gia.
Phát hiện 28 thi thể người di cư trôi dạt vào bờ biển Libya
Ngày 26/12, giới chức an ninh Libya cho biết 28 thi thể người di cư đã trôi dạt vào bờ biển miền Tây nước này sau khi thuyền chở họ bị chìm ở ngoài khơi.
Đây là thảm họa mới nhất trên tuyến đường di cư có nhiều người di cư thiệt mạng nhất trên thế giới này.
Người di cư và tị nạn được lực lượng của tổ chức NGO Open Arms giải cứu ngoài khơi Địa Trung Hải. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN
Theo nguồn tin trên, các nhóm thuộc Hội Lưỡi liềm Đỏ Libya đã phát hiện 28 thi thể người di cư và 3 người di cư còn sống sót tại 2 địa điểm khác nhau trên bờ biển của thành phố Al Alous, cách thủ đô Tripoli khoảng 90 km. Các thi thể đang trong giai đoạn phân hủy, cho thấy vụ chìm tàu đã xảy ra vài ngày trước.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), thảm họa mới nhất này xảy ra chỉ vài ngày sau vụ 160 người di cư bị đuối nước trong 1 tuần trong các vụ chìm tàu tương tự, nâng tổng số người di cư thiệt mạng trên tuyến đường biển Địa Trung Hải trong năm nay lên 1.500 người.
Libya là điểm xuất phát chính của hàng chục nghìn người di cư bất hợp pháp, chủ yếu đến từ khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi để tìm đường đến châu Âu vì muốn thoát khỏi đói nghèo và các cuộc xung đột.
160 người di cư trái phép bị đuối nước ngoài khơi bờ biển Libya Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 21/12 cho biết đã có ít nhất 160 người di cư trái phép bị đuối nước ngoài khơi bờ biển của Libya trong tuần qua sau khi chiếc tàu chở họ bị đắm. Người di cư chờ được giải cứu ngoài khơi Libya. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Cũng theo IOM, trong khoảng thời gian từ...