Ca tử vong vì Covid-19 vượt hai triệu, WHO thúc giục triển khai vaccine
Thế giới ghi nhận hơn hai triệu người chết trong số hơn 94,2 triệu ca nhiễm nCoV, WHO kêu gọi tăng tốc tiêm vaccine toàn cầu và nghiên cứu trình tự gene của virus.
Thế giới đã ghi nhận 94.214.610 ca nhiễm và 2.015.561 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 776.432 và 15.292 ca so với 24 giờ trước. 67.259.576 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
“Tôi muốn thấy việc tiêm chủng được tiến hành ở mọi quốc gia trong 100 ngày tới để các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao được bảo vệ trước tiên”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 15/1.
“Về các biến thể, ủy ban kêu gọi tăng cường nghiên cứu trình tự gene và chia sẻ dữ liệu toàn cầu, cùng với đẩy mạnh hợp tác khoa học để giải quyết những ẩn số quan trọng”, WHO ra tuyên bố sau một cuộc họp khẩn.
Pfizer, công ty cùng phát triển vaccine với công ty BioNTech của Đức, cho biết các nước EU có thể bị trì hoãn nhận hàng trong những tuần tới do hoạt động tại nhà máy của họ ở Bỉ. Họ hứa rằng sẽ có “sự gia tăng đáng kể” lô hàng vào tháng 3 và Ủy ban Châu Âu cho biết tất cả các loại vacine mà khối đặt hàng cho quý đầu tiên sẽ được giao đúng hạn.
Tuy nhiên, các bộ trưởng từ Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania và Thụy Điển nói trong một bức thư chung rằng tình hình này là “không thể chấp nhận được” và “làm giảm độ tin cậy của quá trình tiêm chủng”.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm nCoV tại Pháp ngày 13/1. Ảnh: AFP .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 249.845 ca nhiễm và 3.848 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 24.055.171 trong đó 397.322 người chết.
Đối mặt với những con số nghiệt ngã và sự hiện diện của biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, giới chức hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.
Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử ngày 15/1 công bố kế hoạch thúc đẩy triển khai vaccine, bao gồm huy động bác sĩ đã nghỉ hưu tiêm chủng cho người dân tại hàng nghìn trung tâm, kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất các thiết bị cần thiết để phân phối vaccine, như ống nghiệm, kim và ống tiêm.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.560 ca nhiễm và 140 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.542.068 và 152.094.
Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7 – tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ. Nhóm người được ưu tiên tiêm trước là nhân viên y tế, những người trên 50 tuổi và những người được coi là có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 973 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 208.133. Số người nhiễm nCoV tăng 64.226 ca trong 24 giờ qua, lên 8.390.341.
Bang Amazonas của Brazil ngày 16/1 ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h đến 6 giờ sáng hôm sau, khi hệ thống y tế ở thủ phủ Manaus của bang này đang có nguy cơ “ngã quỵ”. Khu chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện trong thành phố đã hoạt động hết công suất trong hai tuần qua, trong khi các nhân viên y tế đang phải chiến đấu với tình trạng thiếu oxy và các thiết bị thiết yếu khác. Không quân Brazil ngày 15/1 phải chuyển nguồn cung oxy khẩn cấp đến bang này.
Video đang HOT
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil.
Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 13/1 nói rằng ông đã đúng khi chỉ trích độ đáng tin cậy của vaccine Trung Quốc. Tuy nhiên, Bolsonaro cho biết ông không có vai trò gì trong việc “bật đèn xanh” cho Coronavac vì cơ quan quản lý y tế liên bang Anvisa mới là bên quyết định xem có chấp thuận sử dụng nó hay không. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 24.715 ca nhiễm nCoV và 555 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.520.531 và 64.495.
Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già từ hồi đầu tháng 12/2020. Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã tiêm vaccine.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu ở nước này vào tháng 9 nhưng giới chức không áp đặt phong tỏa diện rộng như đợt bùng phát đầu tiên. Giới chức Nga ngày 15/1 nói rằng đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.
Anh , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.316.019 ca nhiễm và 87.295 ca tử vong, tăng lần lượt 55.761 và 1.280 ca.
Anh đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca và Pfizer cho người dân trong chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử đất nước, với ưu tiên dành cho người cao tuổi, những người chăm sóc họ và nhân viên y tế. Chính quyền đang chạy đua nhằm bảo vệ càng nhiều dân càng tốt, do biến thể nCoV mới tại Anh được cho là dễ lây lan hơn nhiều.
Trên toàn nước Anh có 15 triệu người thuộc nhóm ưu tiên cao nhưng chỉ 2,4 triệu người được tiêm cho đến nay, vì vậy, chính phủ cần hơn hai triệu lượt tiêm chủng mỗi tuần để đạt được mục tiêu tiêm hết cho nhóm này trước giữa tháng hai. Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/1 hứa hẹn sẽ triển khai tiêm vaccine 24/7, 7 ngày một tuần “sớm nhất có thể”.
Anh yêu cầu từ 18/1, tất cả hành khách đến nước này phải có kết quả âm tính với nCoV trong thời gian gần đây và phải cách ly trong 10 ngày.
Pháp , vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 21.271 ca nhiễm và 399 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.872.941 và 69.949. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 190.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Chính phủ Pháp đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, hoặc mở rộng lệnh giới nghiêm đang được áp dụng tại một số khu vực ra quy mô toàn quốc. Các cố vấn khoa học của chính phủ cho biết thêm rằng Pháp có thể còn phải xem xét việc siết hạn chế người dân di chuyển, nhằm kiềm chế những biến thể nCoV mới của Anh và Nam Phi.
Đức đang là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.023.779 ca nhiễm và 46.537 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 19.768 và 1.045 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Angela Merkel hôm qua cảnh báo Đức có nguy cơ cần kéo dài lệnh phong tỏa đến đầu tháng 4. “Nếu không ngăn chặn được chủng virus mới ở Anh, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng gấp 10 lần cho tới lễ Phục sinh”, bà phát biểu trong một cuộc họp.
Đức tuần trước tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc và gia hạn tới cuối tháng 1, do lo ngại biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh có thể lây lan mạnh và gây quá tải cho các bệnh viện ở nước này.
Nhật ghi nhận 309.214 ca nhiễm và 4.315 người chết, tăng lần lượt 6.591 và 82 so với hôm trước.
Nhật ngày 13/1 áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi, Gifu và Tochigi từ 14/1 đến 7/2. Trước đó, họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cùng ba tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba.
Người dân ở các tỉnh này được yêu cầu ở nhà sau 20h. Nhà hàng, quán rượu và quán cà phê phục vụ đồ uống có cồn được yêu cầu chỉ hoạt động từ 11-19h và đóng cửa trước 20h. Nếu doanh nghiệp từ chối tuân thủ, chính quyền tỉnh có thể yêu cầu họ đóng cửa và bêu tên, hành động cứng rắn nhất trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Người làm theo hướng dẫn sẽ được hỗ trợ tới 60.000 yen mỗi ngày.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 882.418 ca nhiễm, tăng 12.818, trong đó 25.484 người chết, tăng 238.
Nước này ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. CoronaVac, vaccine Covid-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.
Tuy nhiên, vaccine Trung Quốc vẫn còn gây nghi ngờ do các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp rất ít dữ liệu nghiên cứu và có sự khác nhau về mức độ hiệu quả. Indonesia cho hay thử nghiệm tại nước này cho thấy CoronaVac hiệu quả 65%, nhưng các nhà nghiên cứu Brazil nói hôm 12/1 rằng tỷ lệ này chỉ là 50,4%. Hồi tháng 12, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiệu quả của CoronaVac lên tới 91,25% dựa trên phân tích sơ bộ.
Philippines báo cáo 496.646 ca nhiễm và 9.876 ca tử vong, tăng lần lượt 2.048 và 137 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.
Malaysia , một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.211 ca nhiễm và 8 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 151.066 và 586.
Malaysia ngày 12/1 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến ngày 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới chậm lại.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.
Malaysia năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca nhiễm tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.
Ca Covid-19 toàn cầu vượt 91 triệu, WHO tiếp tục kêu gọi chia sẻ vaccine
Thế giới ghi nhận hơn 91 triệu ca nCoV, hơn 1,9 triệu người chết, WHO một lần nữa kêu gọi tài trợ cho chương trình vaccine toàn cầu Covax.
Thế giới đã ghi nhận 91.252.273 ca nhiễm và 1.951.508 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 599.755 và 9.235 ca so với 24 giờ trước. 65.121.570 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiếp tục đẩy mạnh những lời kêu gọi nhằm tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19 cho những nước nghèo trong chương trình Covax, với hy vọng chương trình tiêm chủng tại các quốc gia này có thể bắt đầu từ tháng 2. Chương trình này do WHO dẫn dắt nhằm mục đích phân phối vaccine bình đẳng trên toàn thế giới, đã quyên góp được 6 tỷ USD để đặt mua 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cùng tùy chọn mua thêm một tỷ liều nữa.
WHO lo ngại những nước có thu nhập cao và trung bình sẽ thu mua toàn bộ nguồn cung vaccine, khiến 92 quốc gia thu nhập thấp không có vaccine để tiêm chủng cho nhân viên y tế. "Chúng tôi tự tin có thể bắt đầu tiêm chủng tại các nước đó từ tháng 2, nhưng chúng tôi không thể làm điều này một mình. Chúng tôi cần sự phối hợp của các nhà sản xuất vaccine để ưu tiên nguồn hàng cho Covax, cần phải đưa vaccine tới tay những người thu nhập thấp hoặc trung bình thấp", cố vấn cấp cao WHO Bruce Aylward nói hôm qua.
Nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị tiêm liều vaccine tại New York hôm 10/1. Ảnh: AFP .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 208.829 ca nhiễm và 1.761 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 23.109.737, trong đó 384.947 người chết.
Tính đến ngày 11/1, Mỹ đã tiêm chủng cho gần 9 triệu người, chưa được nửa mục tiêu tiêm cho 20 triệu người vào năm 2020. Những liều vaccine còn lại đang nằm trong tủ đông tại các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc để chờ sử dụng.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 12.448 ca nhiễm và 166 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.479.879 và 151.364.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này sẽ triển khai một trong những đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô nhất thế giới từ ngày 16/1, nhằm đạt mục tiêu 300 triệu người được tiêm chủng vào tháng 7. Vaccine sẽ được cung cấp miễn phí cho 1,3 tỷ người Ấn Độ, Thủ tướng Modi khẳng định chương trình tiêm chủng sẽ là "bước quan trọng" trong phòng chống đại dịch.
Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 440 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 203.580. Số người nhiễm nCoV tăng 25.822 ca trong 24 giờ qua, lên 8.131.612.
Các chuyên gia cảnh báo Brazil vẫn chưa chứng kiến các ca nhiễm nCoV tăng đột biến, do hệ quả từ việc người dân tổ chức tụ tập dịp lễ Giáng sinh và năm mới với bạn bè, gia đình. Theo chính phủ Brazil, nước này còn ít nhất ba tuần nữa sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trong bối cảnh hứng nhiều chỉ trích vì hành động chậm.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 23.315 ca nhiễm nCoV và 436 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.425.269 và 62.273. Nga triển khai tiêm vaccine Sputnik V trong chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12/2020, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Nước này thông báo đã tiêm chủng cho một triệu người và không ghi nhận phản ứng phụ có hại nào.
Giới chức Nga hôm 11/1 thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng phiên bản "Sputnik-Light" với một liều duy nhất, cho rằng đây là phương án tạm thời nhằm tăng nguồn cung vaccine ngắn hạn cho những nước có tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao. 150 người tình nguyện tại Moskva và Saint Petersburg sẽ được tiêm thử loại vaccine này.
Anh , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.118.518 ca nhiễm và 81.960 ca tử vong, tăng lần lượt 46.169 và 529 ca. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này đang trong "cuộc chạy đua với thời gian" nhằm triển khai vaccine Covid-19 khi số ca tử vong liên tục lập kỷ lục và bệnh viện hết nguồn cung oxy. Nhiều cố vấn y tế hàng đầu nước này cũng nhận định những tuần tồi tệ nhất đang cận kề.
Pháp , vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 3.582 ca nhiễm và 310 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.786.838 và 68.060. Pháp hiện bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Kể từ 27/12 đến 6/1, Pháp tiêm phòng cho 7.000 người, trong khi Đức tiêm cho hàng trăm nghìn người trong cùng khoảng thời gian.
Đức đang là vùng dịch lớn thứ mười thế giới với 1.941.119 ca nhiễm và 42.097 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 11.765 và 663 ca so với một ngày trước đó. Thủ tướng Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch sẽ diễn biến nghiêm trọng trong những tuần tới, thêm rằng tác động của việc giao tiếp xã hội trong dịp Giáng sinh và Năm mới vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.
Bà Merkel nhận định "những tuần mùa đông tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch" từ khi bùng phát đến nay, khi các bác sĩ và nhân viên y tế Đức đã làm việc quá tải.
Hàn Quốc ghi nhận 69.114 ca nhiễm và 1.140 ca tử vong, tăng lần lượt 450 và 15 ca trong 24 giờ qua.
Chính phủ Hàn Quốc áp đặt các hạn chế như cấm tụ tập trên 4 người, đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, cơ sở thể thao trong nhà cho đến ngày 17/1. Tuy nhiên, các trung tâm taekwondo và ba lê, được đăng ký là học viện tư, được phép mở lớp học tối đa 9 người.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 836.718 ca nhiễm, tăng 8.692, trong đó 24.343 người chết, tăng 214.
Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết đất nước sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng vào ngày 13/1.
Philippines báo cáo 489.736 ca nhiễm và 9.416 ca tử vong, tăng lần lượt 2.052 và 11 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển. Philippines hy vọng sẽ đảm bảo được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, Manila cũng cảnh báo rằng lượng vaccine sẽ phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu.
Trung Quốc cho chuyên gia WHO tới điều tra nguồn gốc Covid-19 10 nhà khoa học thuộc nhóm chuyên gia WHO sẽ được nhập cảnh Trung Quốc từ ngày 14/1 để điều tra về nguồn gốc Covid-19. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm nay cho biết nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tiến hành "hợp tác nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19" với các nhà khoa...