Ca tử vong do Covid-19 ở Đức tăng kỷ lục
Giới chức y tế Đức cho biết ca tử vong hàng ngày do Covid-19 tại nước này đã lần đầu vượt 1.000 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Viện Robert Koch của Đức hôm nay cho biết nước này ghi nhận 1.129 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, tăng so với mức kỷ lục 962 trường hợp được báo cáo hôm 23/12. Đức cũng ghi nhận thêm 22.459 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.691.707, trong đó 32.420 người đã chết.
Viện cho biết ca nhiễm và tử vong hàng ngày giảm rõ ràng trong những ngày trước đó do chính quyền địa phương không gửi dữ liệu trong dịp Giáng sinh.
Bác sĩ Đức tiêm vaccine Covid-19 cho một cụ bà ở viện dưỡng lão tại Berlin hôm 27/12. Ảnh: AFP .
Đức từng kiểm soát khá tốt đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, song đã bị làn sóng dịch lần hai ảnh hưởng nặng nề. Nước này đã bắt đầu đợt tiêm chủng hôm 26/12, sớm một ngày so với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Cụ bà 101 tuổi ở viện dưỡng lão là người đầu tiên được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech.
Hàng chục nghìn liều vaccine Covid-19 đã được chuyển đến các cơ quan y tế khu vực ở Đức và tiếp tục phân phối đến các trung tâm tiêm chủng địa phương. Cư dân tại các viện dưỡng lão, người trên 80 tuổi và nhân viên chăm sóc sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine đầu tiên được đưa vào sử dụng ở phương Tây, kể từ khi Anh phê duyệt vào ngày 2/12. Khoảng 65% người Đức cho biết họ đã chuẩn bị tiêm vaccine, theo một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện cho hãng thông tấn Đức DPA.
Video đang HOT
Sự chủ quan khiến Đức bị Covid-19 nhấn chìm
Khi Covid-19 càn quét châu Âu hồi mùa xuân, Đức được ngưỡng mộ vì khả năng xử lý dịch. Nay, giới chức lo dịch bệnh đã vượt tầm kiểm soát.
Đức là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới nửa đầu năm 2020. Họ ghi nhận số ca nhiễm ít hơn hầu hết những nước láng giềng. Các bệnh viện Đức chưa bao giờ hết giường cấp cứu. Đây là các yếu tố khiến chính phủ tự tin áp dụng một trong những lệnh phong tỏa nhẹ nhàng nhất châu Âu.
Hiện tại, tốc độ lây nhiễm ở Pháp và Italy đã giảm so với mức đỉnh điểm hồi giữa tháng 11, nhưng số ca nhiễm và tử vong hàng ngày tại Đức đang phá kỷ lục hàng tuần, đẩy hệ thống y tế tới giới hạn, buộc chính phủ phải phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
"Tình hình dịch bệnh chưa bao giờ tồi tệ đến thế", Chủ tịch Viện Robert Koch về Bệnh truyền nhiễm Lothar Wieler hôm 15/12 nói.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với Đức?
Biển báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng dịch trên đường phố Frankfurt, Đức, ngày 14/12. Ảnh: Reuters.
Các nhà khoa học, chính trị gia và chuyên gia tâm lý học cho rằng rất nhiều người Đức, bao gồm cả giới chức, đã đánh giá sai lầm nghiêm trọng sau khi nước này trải qua một mùa hè yên bình. Họ tin rằng mình đã được an toàn.
Niềm tin đó, kết hợp với việc chính phủ chỉ áp đặt một lệnh phong tỏa vừa phải hồi tháng 11 khi vẫn cho phép tất cả cửa hàng, văn phòng và nhà máy mở cửa, đã tạo điều kiện thuận lợi để virus bắt đầu lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước.
Uwe Liebert, nhà virus học tại Đại học Leipzig, cho biết thành công của Đức hồi mùa xuân đã "tạo ra tâm lý lơ là trong dân chúng". Tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối thấp khiến không ít người Đức đánh giá thấp mức độ lây lan của dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu Cosmo, một dự án theo dõi thái độ của người Đức đối với Covid-19 cũng như các biện pháp chống dịch, cho thấy giữa đợt bùng phát dịch hiện nay, khoảng 40% người Đức vẫn tin rằng họ không có nguy cơ hoặc cực kỳ khó bị nhiễm virus.
Mức độ cảnh giác của người Đức trước dịch bệnh hiện tại tương tự với hồi mùa xuân, dù số ca nhiễm đã cao hơn 3-5 lần. Nhận thức về rủi ro của đại dịch càng thấp thì tỷ lệ người dân tuân thủ các quy tắc vệ sinh và an toàn càng thấp, theo Sarah Eitze, thành viên nhóm Cosmo.
Đến nay, số ca nhiễm trung bình tháng 12 của Đức là khoảng 18.500 và gần chạm mốc 30.000 ca trong tuần qua, cao hơn tháng 11 và tăng đáng kể so với mức đỉnh 6.000-7.000 ca hồi mùa xuân. Khoảng 55% trong tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Đức được ghi nhận từ đầu tháng 11.
Đợt phong tỏa đầu tiên của Đức hồi mùa xuân diễn ra sớm hơn so với các quốc gia khác, nhưng nỗ lực thắt chặt các biện pháp chống dịch tuần qua chỉ được thực hiện khi Covid-19 đã lan rộng.
Số ca mắc bệnh cao đồng nghĩa nhiều cơ quan y tế khu vực không còn khả năng truy dấu nguồn lây, khiến việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm bằng cách ly trở nên khó khăn hơn.
Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong của Đức vẫn thấp hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện Đức từng sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ Italy và Pháp hồi mùa xuân thì nay một số bệnh viện đang hoạt động gần hết công suất. Giới chức y tế lo ngại tình hình còn có thể tồi tệ hơn.
Tình hình đặc biệt bi đát ở bang Saxony. Hồi mùa xuân, đây là một trong những nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất Đức. Sau đợt sóng bùng phát hồi tháng 10, họ giờ đây có tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày cao nhất nước.
"Bệnh viện của chúng tôi đã tới giới hạn", Christian Kleber, bác sĩ cấp cứu hiện đảm nhận nhiệm vụ điều phối bệnh Covid-19 trong vùng, cho hay.
Đang có khoảng 1.000 bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại phía đông bang Saxony, cao gấp gần 10 lần so với mùa xuân, ông cho hay và thêm rằng các mô hình dự đoán đều cho thấy nếu số ca nhiễm không giảm trong hai tuần nữa, các bệnh viện sẽ quá tải.
Theo các nhà virus học và chính trị gia ở Saxony, các yếu tố khác có thể đóng một vai trò nào đó trong xu hướng gia tăng số ca nhiễm song nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ việc tỷ lệ lây nhiễm tại khu vực từng rất thấp hồi mùa xuân.
"Người dân ở đây có suy nghĩ rằng virus không ảnh hưởng tới mình", Bernd Lange, quan chức quận Grlitz ở phía đông bang Saxony, nói.
Một nghiên cứu của Deutsche Bank hồi tháng 11 cho thấy Saxony là nơi có tỷ lệ dân cư cao nhất nghĩ rằng đại dịch Covid-19 đang bị phóng đại hoặc thậm chí không phải sự thật.
Suy nghĩ rằng Đức, đặc biệt là các khu vực ở phía bắc và phía đông đất nước, sẽ không bị ảnh hưởng bởi đợt bùng dịch mùa thu, là lý do lệnh phong tỏa được kích hoạt ngày 2/11 vẫn cho phép tất cả các cửa hàng, trường học, trường mẫu giáo mở cửa và không có lệnh giới nghiêm nào được ban hành. Giới chính trị gia sau đó mới dần thừa nhận những biện pháp trên là chưa đủ để kiểm soát đại dịch.
Hồi mùa xuân, lệnh phong tỏa đầu tiên của Đức, đóng cửa trường học, nhà trẻ và hầu hết các cửa hàng không thiết yếu, khiến tương tác xã hội giảm 60%. Hồi tháng 11, lệnh phong tỏa mới chỉ khiến tương tác xã hội giảm 40%, theo Viện Robert Koch.
Michael Geisler, quan chức quản lý vùng Saxony, tin rằng số ca tử vong tăng đột biến gần đây sẽ giúp người dân tỉnh ngộ. Những biện pháp hạn chế đang được áp dụng cũng nghiêm ngặt hơn nhiều, giúp làm giảm tương tác xã hội.
"Hồi mùa xuân, chúng tôi chỉ ghi nhận 3, 4 trường hợp tử vong. Những người phủ nhận Covid-19 thậm chí còn hoài nghi rằng liệu chúng có phải do dịch bệnh thật hay không. Giờ đây, chúng tôi có tới 250 người chết, một con số quá lớn", Geisler nói.
Ca tử vong trong ngày do Covid-19 ở Đức cao kỷ lục Đức hôm nay ghi nhận gần 1.000 người chết do Covid-19, mức cao kỷ lục trong ngày đầu tiên tái phong tỏa một phần để đối phó ca nhiễm tăng nhanh. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Viện Robert Koch, Đức hôm nay cho biết nước này ghi nhận 952 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đức báo cáo...