Cá trèo đồi: Đặc sản tiến vua quý hiếm đất Ninh Bình
Chính bởi khả năng trườn trên đá để trèo lên những điểm cao hơn mà người ta còn gọi cá tràu bằng cái tên cá trèo đồi. Loài cá này xưa kia từng là món “lộc trời” quý hiếm, chỉ dành riêng cho bậc vua, chúa thưởng thức.
Nhắc đến cá trèo đồi, cá tràu hay cá cửng, phần đông thực khách sẽ cảm thấy rất xa lạ. Nhưng thực chất, chúng đều dùng để chỉ một loại cá quý hiếm của vùng đất Ninh Bình, xưa kia được dành riêng để dâng lên bậc vua chúa.
Cá tràu có thân tròn và sinh sống trong hang đá.
Cá tràu là một loài cá có mình tròn, thuộc họ cá quả (cá chuối), sinh sống chủ yếu trong các khe đá. Loài này có tập tính khá đặc biệt. Vào mùa đông, dù nước cạn đến mấy thì chúng cũng gắng đào hang sâu để sinh sống và ăn đất sét vàng có trong hang. Cá tràu ngủ một mạch suốt 3 tháng liền, đợi đến mùa mưa mới bắt đầu xuất hiện.
Cá chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc xã Ninh Hải và Tổng Trường, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Chúng rất khỏe, có khả năng trườn trên đá để trèo lên những điểm cao hơn như khe nước ven lưng chừng đồi, hồ trên núi, thậm chí là những nguồn nước ven các khe đá cheo leo.
Nói về ẩm thực cung đình của vùng núi đá vôi Hoa Lư Ninh Bình xưa là nói đến cá tràu và cá rô Tổng Trường. Tương truyền, người dân bắt cá để dâng lên đức Tiên Hoàng đế và coi đây là 2 loài thủy sản quý hiếm, nếu tự ăn sẽ bị coi là phạm thượng.
Thịt cá tràu tiến vua ăn rất chắc và thơm.(Ảnh: danviet)
Cá tràu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cá tràu nướng, cháo cá tràu, nhưng đặc sắc và hấp dẫn nhất là đem nấu canh cùng với rau sắng. Để tưởng nhớ ơn Vua, vào lễ hội hàng năm được tổ chức ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cả làng lại làm món ăn này dâng lên mâm cúng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Video đang HOT
Rau sắng hay còn gọi là rau ngót rừng, có lá xanh thẫm, bóng mỡ. Rau sắng là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên cheo leo núi đá vôi. Sắng là loại rau thử thách con người, bởi muốn hái rau sắng, người đi rừng phải thông thuộc địa hình, leo trèo giỏi, tốn bao mồ hôi, công sức.
Rau sắng còn gọi là rau ngót rừng.
Mùa rau sắng bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch và có giá bán khá đắt. Thậm chí ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), có thời điểm giá rau sắng lên đến 1 triệu đồng/kg. Sở dĩ loại rau này có giá đắt như vậy là bởi từ khi trồng đến lúc cho lần thu hoạch đầu tiên phải mất từ 3-5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Càng là những cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.
Với rau sắng, người ta sử dụng lá non, đọt thân, hoa và quả để chế biến. Những người sành ăn không bao giờ nấu rau sắng ăn suông. Họ dùng lá non, đọt thân nấu canh với cá, thịt lợn, hay tôm nõn… để dậy lên vị ngon khó tả.
Canh rau sắng cá tràu nấu rất đơn giản nhưng có vị ngon, ngọt và ngậy.
Rau sắng thường được nấu với cá rô, cá quả nhưng đặc trưng nhất vẫn là rau sắng nấu cá tràu vì khi hai nguyên liệu hòa quyện sẽ giữ được vị thơm, săn chắc của thịt cá. Khi nấu canh, người Ninh Bình không cần dùng đến gia vị, bởi chỉ riêng vị ngọt của sắng cũng đủ khiến món ăn vương vấn nơi đầu lưỡi.
Từng một thời là món đặc sản nức tiếng dành để cho bậc vua, chúa thưởng thức, song đến nay, loài cá tràu quí hiếm này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.Tại một số nhà hàng ẩm thực ở xã Ninh Hải, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động có phục vụ món đặc sản này và được nhiều thực khách ưa thích. Cá được bán với giá 150.000 – 200.000 đồng một kg.
Theo Dân trí
Mới, lạ đặc sản ốc núi ở Ninh Bình
Không phải cao lương mỹ vị, thực khách cũng chẳng cần bỏ ra quá nhiều tiền để thưởng thức, nhưng đặc sản ốc núi dân dã lại được xếp vào danh sách những món ăn không thể bỏ lỡ khi tới Ninh Bình.
Chính cái vị ngọt thanh quyện cùng chút hương lá rừng đã khiến người ta quyến luyến mãi không thôi.
Những năm gần đây, du khách đến Ninh Bình không chỉ được thỏa sức thưởng thức các món ăn nổi tiếng như thịt dê, cơm cháy, nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn... mà còn bị hấp dẫn bởi đặc sản ốc núi mới lạ.
Đây là loài ốc cực hiếm vì chúng chỉ sinh sống trong các hang đá, hốc đá, rất khó phát hiện. Ở Ninh Bình, ốc núi xuất hiện nhiều nhất ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan.
Ốc núi sinh sống trong các hang, hốc đá.
Khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, khi mùa mưa bắt đầu thì ốc mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Đây cũng là lúc mùa săn ốc núi trở nên nhộn nhịp nhất. Nhiều người dân cho rằng, muốn bắt được nhiều ốc thì phải đi vào sáng sớm - thời điểm chúng ra khỏi hang để tìm lá cây rừng. Những tháng còn lại, ốc vùi mình dưới đất, trong các khe đá hoặc các lớp lá dày.
Thức ăn chính của ốc núi là cây cỏ mọc hoang, trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế ốc, người ta thường không ngâm kỹ mà chỉ rửa sơ qua để giữ lại các vị thuốc. Ốc núi có thể làm nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, xào sả ớt hay trộn gỏi với củ hành tây...
Ăn ốc núi, người ta thường ăn cả con mà không bỏ ruột, khi ăn nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, thơm mùi thuốc Bắc. Đây chính là điều làm nên sự khác biệt của ốc núi mà khó có loại đặc sản nào sánh được.
Ở Ninh Bình, ngoài ốc núi còn có một món ăn khác khiến thực khách vô cùng thích thú bởi cách ăn độc đáo và hương vị đặc biệt. Đó là gỏi cá nhệch.
Cá nhệch là một loại cá rất khỏe và hung dữ, sống được cả trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Chúng thường xuất hiện ở các cửa sông, đầm phá ven biển, mình trơn nhẫy nên rất khó bắt.
Làm gỏi cá không khó nhưng món ăn này đòi hỏi người làm phải thao tác thật nhanh để cá tươi và không bị tanh. Cá nhệch sau khi bắt về được làm sạch nhớt bằng tro hoặc nước vôi loãng. Sau khi mổ bụng bỏ ruột, đầu và đuôi, người ta lọc xương và thịt riêng.
Phần thịt cá nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi rồi tẩm ướp gia vị, trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Gỏi cá ăn kèm với nhiều loại rau khác nhau, nhưng bắt buộc phải có lá bọc cách, lá sung, lá chanh rau húng, tía tô, bạc hà.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm nước mắm thì điểm nhấn của gỏi nhệch Kim Sơn chính là chẻo nhệch (hay người dân ở đây vẫn gọi là giấm). Chẻo được chế biến từ xương cá rán giòn, giã nhuyễn nấu chung cùng mẻ chua, thịt ba chỉ, trứng gà và các loại gia vị khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm của nghệ, đặc sánh, vàng mỡ và thơm nức mũi.
Gỏi cá nhệch có cách ăn đặc biệt khiến thực khách thích thú.
Để ăn món này, trước hết bạn phải lấy một lá sung hoặc lá ổi bánh tẻ làm vỏ đựng, sau đó xếp lần lượt lá bọc cách, mơ, húng quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà,... Tiếp đến cuốn hình phễu và nhồi gỏi vào giữa, tưới nước chẻo lên trên. Cuối cùng, bạn có thể cho hành khô, rắc ớt lát mỏng hoặc ăn kèm với bánh đa.
Ngay từ miếng đầu tiên, thực khách đã cảm nhận được vị chát của các loại rau, vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi, dai giòn của gỏi cá và vị cay, nồng của các loại gia vị. Người sành ăn chắc chắn sẽ nhâm nhi món ngon này cùng một chút rượu nếp Kim Sơn thơm thơm, cay cay. Cứ như vậy, cảm giác ngon miệng sẽ lan tỏa, khiến bạn ăn bao nhiêu cũng không thấy chán.
Theo Dân trí
Độc đáo chợ nổi ở "vịnh Hạ Long trên cạn" Cảnh mua bán tấp nập, các mặt hàng được bày bán trên thuyền lênh đênh sông nước ở Tam Cốc khiến nhiều du khách thích thú. Điểm bán hàng độc đáo chẳng khác gì chợ nổi ở "vịnh Hạ Long trên cạn" này đang cuốn hút du khách mỗi khi đến với Ninh Bình. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được...