Cả trăm máy bay vận tải Mỹ bị cấm bay vì nứt cánh bất thường
Không quân Mỹ vừa quyết định cấm bay đối với gần 1/3 máy bay vận tải C-130 trong kho quân sự sau khi phát hiện vết nứt bất thường tại phần cánh.
“Ngựa thồ” C-130 của Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force
Theo báo điện tử Business Insider, sau khi tham vấn đội ngũ kỹ sư và bảo trì thiết bị, Tướng Maryanne Miller – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không vận Mỹ (AMC) – quyết định tạm thời đình chỉ bay đối với 123 trên tổng số 450 máy bay vận tải C-130 do xuất hiện các vết nứt dưới cánh.
“Tướng Miller chỉ đạo tiến hành một cuộc kiểm tra kỹ thuật ngay lập tức để xác định và sửa chữa bất kỳ vết nứt nào nhằm đảm bảo khả năng không vận của những chiếc máy bay C-130 này. Không quân rất coi trọng sự an toàn của phi công và máy bay cũng như nỗ lực làm việc để sửa chữa các máy bay bị ảnh hưởng càng sớm càng tốt”, Bộ Chỉ huy Không vận Mỹ tuyên bố ngày 8/8.
Bộ Chỉ huy Không vận Mỹ cho biết quyết định tạm thời đình chỉ bay đối với hơn 1/3 số C-130 sẽ không ảnh hưởng tới các sứ mệnh quốc tế.
Video đang HOT
Mỗi máy bay vận tải C-130 cần khoảng 8 giờ để hoàn tất một cuộc kiểm tra và bảo trì. Nếu một máy bay bị phát hiện có vấn đề, nó sẽ được sửa chữa; còn không, máy bay đó sẽ được đưa trở lại hoạt động.
Trước đó, vào đầu năm nay, Không quân Mỹ cũng ra lệnh cấm bay đối với khoảng 60 máy bay vận tải C-130 do lỗi kỹ thuật bộ phận cánh quạt. Không quân đã triển khai một cuộc kiểm tra toàn diện sau sự cố một cánh quạt hư hại khiến một máy bay chở dầu C-130 gặp nạn làm 16 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Bộ phận bảo trì đã không phát hiện ra lỗi ở cánh quạt khi kiểm tra trước đó.
Không quân Mỹ gần đây phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi tỷ lệ máy bay có đủ khả năng làm nhiệm vụ thuyên giảm đáng kể, từ 77,9% trong năm 2012 xuống còn 69,97% vào năm 2018. Theo một báo cáo mới nhất, chỉ có 7 trong tổng số 61 máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ được đánh giá có khả năng sẵn sàng tác chiến.
TheoHồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ - Triều quay lại thời 'lửa và cơn thịnh nộ'?
Vụ phóng hai tên lửa tuần trước của Triều Tiên được giới phân tích coi là lời cảnh báo hướng đến Tổng thống Donald Trump, và phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ khiến nhiều người lo ngại hai bên sẽ quay trở lại thời kỳ đen tối.
Hôm 25/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 2 loại tên lửa mới, bay được khoảng 600km và rơi xuống Biển Nhật Bản. Nhật Bản nhận định đó không phải là tên lửa đạn đạo thông thường, khó đánh chặn vì bay ở tầm thấp.
Lãnh đạo Mỹ - Triều đã 3 lần gặp trực tiếp nhưng chưa đạt tiến bộ nào về giải giáp hạt nhân.
Vụ thử vũ khí mới của Bình Nhưỡng không gây khủng hoảng quốc tế và cũng không khiến Liên Hợp Quốc phải họp khẩn. Tuy nhiên, theo Business Insider, chúng được cho là một đòn giáng lớn vào Tổng thống Trump, người đã nỗ lực không ngừng nghỉ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Triên và đã đạt thành tựu chính là Bình Nhưỡng dừng thử tên lửa tầm xa.
Lãnh đạo Mỹ - Triều đã dành cả năm 2017 để khẩu chiến, với những tuyên bố gây rúng động cả thế giới, đe dọa hủy diệt hạt nhân nhằm vào nhau. Ông Trump thậm chí cảnh báo "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng dọa sẽ phóng tên lửa về phía các căn cứ Mỹ ở đảo Guam và kích hoạt đầu đạn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương.
Năm 2018, hai bên thay đổi 180 độ khi Tổng thống Trump có bước đi chưa từng có tiền lệ là gặp trực tiếp Chủ tịch Kim, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết không thử tên lửa tầm xa hay vũ khí hạt nhân nữa.
Tối ngày 25/7, xuất hiện trên Fox News, ông Trump phản ứng trước các động thái mới của Triều Tiên bằng cách giảm nhẹ tầm quan trọng của hai vụ thử, nhưng cho rằng Mỹ và Triều Tiên có thể quay trở lại những ngày đen tối của "lửa và cơn thịnh nộ". "Tôi thực sự đang rất thân thiết với ông ấy, nhưng chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra. Họ đã không thử hạt nhân nữa. Các bạn biết đấy, họ cũng thực sự không thử tên lửa nữa, ngoài những tên lửa nhỏ hơn, loại vốn được thử rất nhiều".
Business Insider chỉ ra rằng, Tổng thống Trump nói đúng vì nhiều nước thử tên lửa, nhưng vụ thử mới nhất của chính quyền Kim Jong Un vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tỏ tín hiệu cho thấy ông đang hét dần kiên nhẫn. "Tôi nghĩ với Triều Tiên, chúng ta đang làm rất tốt ở đây, nhưng không có nghĩa là điều đó vẫn sẽ tiếp tục", ông nói.
Giới chuyên gia nhận định, vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng đóng vai trò như sự phản đối nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump giữa lúc đàm phán sa lầy và hai bên gần như không đạt tiến bộ nào. Triều Tiên đến nay vẫn chưa hề giải giáp hạt nhân. Dù hai ông Trump - Kim đã có ba cuộc gặp trực tiếp nhưng chưa nhất trí được với nhau một khung làm việc cơ bản. Triều Tiên thậm chí từ chối cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của nước này.
Và trong khi chào đón Tổng thống Trump, tuyên truyền của Triều Tiên vẫn công kích Mỹ và Hàn Quốc là "những kẻ hiếu chiến".
Về phía Tổng thống Trump, tuy có những lời tích cực dành cho Kim jong Un, phản ứng mới nhất của ông dường như cho thấy nếu Triều Tiên lại thử tên lửa thì nước này và Mỹ có nguy cơ trở lại thời kỳ "lửa và cơn thịnh nộ" 2 năm trước.
Thanh Hảo
Theo vietnamnet
Mỹ trang bị vũ khí 'làm mù' hệ thống phòng thủ tên lửa địch cho máy bay tàng hình F-35 Quân đội Mỹ đang hợp tác với các công ty quốc phòng để trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II một tên lửa có thể triệt tiêu năng lực của các hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ địch từ khoảng cách xa. Ảnh minh họa. Theo tờ Business Insider, Bộ Quốc phòng Mỹ trong một tuyên...