Cả tòa ngơ ngác khi nhân chứng 2 vụ án trùng tên nhau
Cả phòng xử án xôn xao khi nhân chứng trong vụ án xét xử sau đó lại đứng lên cho rằng mình là nhân chứng trong vụ án dùng nhục hình đang xét xử.
Quân (trái) và Hưng (phải)
Sau 3 tháng tạm hoãn, sáng 19-8, tại Sóc Trăng, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Dùng nhục hình” khiến 7 thanh niên ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị oan sai trong vụ án tài xế xe ôm Lý Văn Dũng bị sát hại. 2 bị cáo trong vụ án “Dùng nhục hình” tiếp tục bị đưa ra xét xử phúc thẩm là cựu thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977) và cựu đại úy Triệu Tuấn Hưng (SN 1981), nguyên đội trưởng và đội phó Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng.
Tham gia bào chữa miễn phí trong vụ án này có luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP HCM)- người vừa giúp 3 thanh niên ở Cà Mau được giải oan sau hơn một năm bị bắt giam vì các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho rằng đã gây ra vụ cướp tài sản.
Một tình tiết dở khóc dở cười xuất hiện trong phần làm thủ tục ở phiên tòa này khi thư ký phiên tòa kiểm trăng sự có mặt, vắng mặt của bị cáo, nhân chứng, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, nhân chứng trong vụ án “Dùng nhục hình” là Hồ Trung Hiếu (cán bộ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng) không có mặt tại phiên tòa nhưng lại có người đứng lên cho rằng mình chính là Hồ Trung Hiếu.
Thấy thanh niên này quá “lạ” nên cả 2 bị cáo Hưng, Quân và các vị luật sư đều tỏ ra ngơ ngác, khẳng định đấy không phải là nhân chứng Hiếu. Khi thư ký yêu cầu người này xuất trình giấy CMND để chứng minh mình là Hồ Trung Hiếu thì thanh niên này đưa ra giấy cớ mất CMND. Cả phiên tòa tiếp tục xôn xao thì thanh niên này mới nói mình là Hồ Trung Hiếu nhưng là nhân chứng của vụ án sẽ xét xử sau đó.
Kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, do nhận thấy cả 2 nhân chứng Hiếu, Nguyễn Văn Lương (cũng là cán bộ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng) và 2/3 bị hại vắng mặt tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên các luật sư, đại diện Viện kiểm sát giữ quyến công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tiếp tục hoãn phiên tòa và đã được chấp nhận.
Video đang HOT
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình điều tra vụ án giết người xảy ra ngày 6-7-2013 tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, bị cáo Quân là thành viên ban chuyên án và là điều tra viên thụ lý vụ án. Bị cáo Hưng là điều traq viên được huy động tham gia ban chuyên án. Cả 2 đã có hành vi dùng nhục hình để ép buộc 3 thanh niên phải khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng.
Qua điều tra, Quân chỉ thừa nhận có đánh anh Khâu Sóc một cái, còn Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bản án sơ thẩm nhận định, mặc dù Quân và Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai của anh Trần Văn Đở, anh Thạch Sô Phách và anh Khâu Sóc về việc Quân và Hưng đánh, ép phải khai có tham gia giết người và lời khai của các nhân chứng Nguyễn Văn Lượng, Hồ Trung Hiếu (cán bộ công an được phân công canh giữ anh Đở)… nên có đủ cơ sở kết luận hành vi dùng nhục hình của Quân và Hưng.
Vì thế, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bị cáo Quân 1 năm 6 tháng tù và bị cáo Hưng 2 năm tù, cùng về tội “Dùng nhục hình”. Riêng bị cáo Phạm Văn Núi (SN 1958, nguyên kiểm sát viên của VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị tuyên 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi nhận bản án sơ thẩm, cả 2 bị cáo Quân và Hưng đều kháng cáo kêu oan. Bị cáo Quân cho rằng việc để xảy ra oan sai đối với 7 thanh niên trong vụ án tài xế xe ôm Lý Văn Dũng bị sát hại là trách nhiệm tập thể của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng chứ không phải trách nhiệm cá nhân Quân. Hơn nữa, Quân cho rằng mình chỉ tát một cái vào mặt anh Khâu Sóc do nghĩ người này bất hợp tác trong quá trình điều tra nhưng lại bị truy tố tội “Dùng nhục hình”.
Đối với bị cáo Hưng, trong đơn kháng cáo vẫn tiếp tục kêu oan vì cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện việc Hưng không được phân công điều tra vụ án ông Dũng bị giết nên không có lý do gì dùng nhục hình đối với anh Đở và anh Phách. Riêng bị cáo Núi không kháng cáo.
Ngày 25-3 vừa qua, Quân được tại ngoại vì thời gian tạm giam bằng mức án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Ngày 8-8, Hưng cũng được tại ngoại sau khi thời gian tạm giam bằng mức án 2 năm mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.
Liên quan đến vụ án ông Dũng bị giết, trong lúc vụ án chuẩn bị đưa 7 thanh niên ra xét xử thì bất ngờ 2 thiếu nữ ra tự thú và thừa nhận chính mình đã giết ông Dũng với mục đích cướp tài sản nhưng bất thành. Từ đây, 7 thanh niên bị bắt giam lần lượt được trả tự do và được bồi thường oan sai. Riêng 2 thiếu nữ, một người bị phạt 16 năm tù (do lúc gây án mới hơn 15 tuổi) và một người đưa vào trường giáo dưỡng (lúc gây án mới 13 tuổi).
Theo Công Tuấn (Người lao động)
Vụ cựu công an bị giam không có lệnh: VKSND Tối cao trả lời
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là một trong sáu bị cáo của vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa đã được TAND Cấp cao thụ lý phúc thẩm.
Ngày 3-8, luật sư Nguyễn Văn Thắng (Trưởng Văn phòng luật sư Hải Chi), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên), cho biết vừa nhận được công văn trả lời khiếu nại của VKSND Tối cao liên quan đến vụ việc của bị cáo Thành.
Thành là một trong sáu bị cáo của vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa đã được TAND Cấp cao thụ lý phúc thẩm.
Trước đó, luật sư Thắng đã có đơn khiếu nại gửi đến VKSND Tối cao về việc vi phạm thời hạn xét xử phúc thẩm dẫn đến kéo dài thời gian tạm giam đối với bị cáo Thành. Đơn khiếu nại cho rằng bị cáo Thành bị tạm giam hơn tám tháng nay nhưng không có lệnh của cơ quan thẩm quyền.
Cụ thể, tính từ khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý phúc thẩm, đến nay bị cáo Thành bị tạm giam 15 tháng, vượt quá thời gian quy định của pháp luật 11 tháng. Tính từ lần thứ hai hoãn phiên tòa phúc thẩm đến nay, Thành bị tạm giam tám tháng không có lệnh tạm giam.
Ngoài ra, luật sư còn kiến nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với Thành; có biện pháp nhanh chóng khắc phục vi phạm trong xét xử.
Nguyễn Thân Thảo Thành, bị cáo duy nhất trong vụ công an ở Phú Yên đánh chết nghi can, đang bị tạm giam. Ảnh: TẤN LỘC
Trong công văn trả lời, VKSND Tối cao cho biết tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-4-2015, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt bị cáo Thành tám năm tù về tội dùng nhục hình, đồng thời ra quyết định tạm giam Thành 45 ngày để đảm bảo thi hành án. Thành kháng cáo kêu oan.
Sau khi thụ lý phúc thẩm, TAND Tối cao ra lệnh tạm giam Thành 90 ngày kể từ ngày 29-5-2015. Đến ngày mở phiên tòa, thời hạn tạm giam hết, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ra lệnh tạm giam đối với Thành, thời hạn kể từ ngày 25-8-2015 đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm.
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có lịch mở phiên tòa vào ngày 16-9-2015 và 27-11-2015 nhưng cả hai phiên tòa đều hoãn.
Công văn của VKSND Tối cao cho biết Viện đã có văn bản yêu cầu VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kiểm tra, làm rõ vi phạm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, thực hiện kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền. Đồng thời, VKSND tỉnh Phú Yên có kiến nghị đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng về việc vi phạm thời hạn xét xử phúc thẩm dẫn đến kéo dài thời gian tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành.
VKSND Tối cao cũng chuyển đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị của luật sư về thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Thành, khắc phục vi phạm trong xét xử.
TẤN LỘC
Theo PLO
Một bị cáo cựu công an bị tạm giam không có lệnh? Luật sư khiếu nại cho rằng một bị cáo trong vụ án công an đánh chết người ở Phú Yên bị tạm giam hơn tám tháng nay nhưng không có lệnh của cơ quan thẩm quyền. Ngày 29-7, luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết đã có đơn gửi chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng...