Cá thiểu sông Đà
C ái thú nhất khi đến với lòng hồ sông Đà là cảm giác thư thái buông cần câu trong đêm, dưới ánh trăng vằng vặc, ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhâm nhi xiên cá thiểu nướng cùng mù tạt pha chanh muối,… Đương nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu không có chén rượu ngô cay nồng.
Nằm cách Hà Nội 100km về hướng Tây Bắc, lòng hồ sông Đà từ lâu đã được biết tới như địa điểm du lịch nổi tiếng. Đứng từ trên cao nhìn xuống, Thung Nai như một chảo nước khổng lồ được điểm xuyết bằng những hòn đảo nhỏ nhắn, xanh mát. Nơi đây được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú: đền Bà Chúa Thác Bờ , hang Bờ, động Ngòi Hoa,…
Nhưng cái thú nhất khi đến đây lại là cảm giác được câu cá đêm trăng. Một buổi câu cá thường kéo dài từ xẩm tối đến mờ sáng hôm sau. Cá vừa câu lên được xiên, nướng ngay trên bếp củi đỏ lửa mà không cần sơ chế. Một thợ câu cá giỏi có thể bắt được 15 – 20kg cá mỗi đêm.
Video đang HOT
Xiên cá thiểu con được nướng ngay sau khi câu
Cá thiểu (cá nhác) là đặc sản nức tiếng của vùng lòng hồ sông Đà. Mình cá thiểu trắng lóa, óng ánh sắc bạc. Hiếm có nơi đâu cá thiểu ngon bằng nơi đây. Mùa cá thiểu ngon nhất phải vào tháng 9, tháng 10, khi lòng hồ trữ nước cho mùa khô, nước dâng ngập cả các đỉnh núi nhỏ. Có những con cá thiểu cân nặng lên tới hàng chục kilogam.
Mồi câu đặc biệt làm bằng lông gà đỏ
Lưỡi câu cá thiểu rất đặc biệt, ngư dân ở đây dùng… lông gà để câu cá. Lông gà được chọn phải là những sợi lông màu đỏ ở cổ gà. Một lưỡi câu chính có thể dài tới 40 – 50m, cứ cách 2m lại được gắn một lưỡi câu phụ có móc sắc đính kèm lông gà đỏ. “Khi trăng lên, sắc đỏ của lông gà được ánh trăng phản chiếu làm cá tưởng mồi, sẽ bị mắc câu. Lông gà vừa dễ kiếm vừa bền không như mồi câu thông thường phải thay liên tục”, anh Quấn phụ trách câu cá tại nhà nghỉ Cối xay gió chia sẻ.
Cá thiểu chỉ thực sự ngon khi được hun khói bằng củi trôi sông, đặc biệt là củi long não. Mùa nước về, củi từ thượng nguồn dạt về lòng sông Đà, người dân ở đây neo củi lại, ngâm dưới nước càng lâu càng tốt, khi nào cần thì đem lên hun cá. Bây giờ, củi về càng ngày càng ít, ai muốn làm cá ngon phải tự ngâm gỗ dưới lòng sông.
Cá thiểu to (màu trắng) có thể nặng đến cả chục kilogam
Công đoạn chế biến cũng cầu kỳ không kém. Cá thiểu sông Đà được chế biến theo công nghệ hiện đại của Nga. “Không phải cứ ướp cá bằng cách xát muối lên. Cá thiểu phải được thả vào thùng phi 50l pha nước muối, cứ 1 yến cá thì cho 3 kg muối. Ngâm cá trong thùng nước muối, cho cá uống no nước muối, lục phủ ngũ tạng tự được làm sạch”, chú Hưng “người rừng” – người chuyên làm cá thiểu cho biết.
Cá thiểu được hun khói ròng rã 24h, cá lớn có khi phải hun trong lò đến 32h. Cá hun xong bảo quản được trong thời gian lên tới vài năm. Khi ăn, thịt cá chắc, thịt trắng nõn, xém cạnh, dai dai, mặn vừa đủ, nhưng không hề bị mất đi vị ngọt của thịt. Nếu rưới thêm chút mù tạt xanh, vắt chanh vào thì… ngon hết xẩy! Mà bộ lòng tuyệt nhiên không được vứt đi. Lòng cá, bong bóng cá ướp mẻ, sả, gừng rồi luộc lên ăn sừn sựt, đậm đà không khác gì thịt ốc.
Thế mới biết Đà Giang hung dữ nhưng cũng rất hào phóng, ban cho người dân lòng hồ biết bao sản vật quý hiếm. Quả không ngoa khi nói “Chưa ăn cá thiểu chưa đến lòng hồ”.
Theo BĐVN