Ca sinh 4 được cố Thủ tướng đỡ đầu, đặt tên giờ ra sao?
Cách đây 40 năm, ca sinh 4 được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên là Bắc – Nam – Thống – Nhất và nhận đỡ đầu.
Bà Hương chụp ảnh cùng 4 con Bắc, Nam, Thống, Nhất
Chúng tôi tìm đến gặp bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) tại căn nhà nhỏ trong ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào chiều 19/11. Cách đây 40 năm, bà Hương hạ sinh 4 người con gái cùng một thời điểm. Đây là ca sinh 4 hiếm gặp ở thời đó, do vậy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt tên cho 4 em gái tên là Bắc, Nam, Thống, Nhất.
Nhầm lẫn vì con giống nhau như hai giọt nước
Hiện bà Hương ở cùng với cô con gái út tên Như Nhất tại khu thể Yên Ngưu. Căn phòng rộng 40m 2, với đồ đạc đơn giản nhưng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Bà Hương kể, mấy năm nay bà bị bệnh tim nên sức khỏe giảm, việc đi lại khó khăn hơn. Hàng tháng, bà Hương phải đi viện khám và phải uống thuốc thường xuyên.
Con gái út tên Như Nhất vì sức khỏe yếu nên hiện đang làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì sáng đi, tối về. Hàng ngày, bà Hương ở nhà đi chợ nấu nướng và làm công việc gia đình.
“Ba con còn lại gồm Nguyễn Hoài Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, hiện có 2 con, một trai, một gái. Người thứ hai và thứ ba là Nguyễn Ánh Nam ( có 2 con trai) và Nguyễn Truyền Thống (có hai con, một trai, một gái) cùng lấy chồng và ở huyện Thanh Trì. Hiện ba con của tôi cùng góp vốn và mở hiệu làm tóc chung”, bà Huơng nói.
Ngoài 4 người con gái sinh cùng ngày, cùng tháng, vợ chồng bà Hương còn có một người con gái lớn tên Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1970), hiện đang làm nội trợ, lấy chồng ở quận Đống Đa. Các con bà Hương đã lớn và lập gia đình nhưng thỉnh thoảng bà Hương vẫn bị nhầm bởi Bắc và Thống có cùng một khuôn mặt giống nhau.
“Các con tôi sống hòa thuận và yêu thương nhau. Mỗi đứa một tính nết nhưng giọng nói lại như nhau. Trong đó, Bắc và Thống giống nhau như hai giọt nước, do vậy, nhiều khi con về thăm, tôi cũng không phân biệt được khi vừa mới tiếp xúc”, bà Hương chia sẻ.
Năm 1977, bà Bà Hương là mậu dịch viên ở chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng. Chồng bà là giáo viên dạy cấp 2. Ông mất cách đây 14 năm vì căn bệnh ung thư. Do vậy, mọi công việc trong gia đình đều do bà Hương lo toan, chăm sóc con cái.
“Chặng đường nuôi 4 cô gái song sinh cũng rất vất vả vì Bắc, Nam, Thống, Nhất có cân nặng ít, (Bắc có cân nặng 1,6kg; Nam 1,7kg; Thống 1,4kg; Nhất 1,3kg) lại thường xuyên ốm đau. Hễ một cháu bị ốm đi viện, là tôi phải đưa cả 3 cháu đi theo vì không có người chăm sóc, cho con bú. Ngoài ra, một ngày tôi phải vắt 8 bình sữa cho các con”, bà Hương kể lại.
Chuyến thăm bất ngờ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Video đang HOT
Sau lần sinh con gái vào năm 1970, ngày 17/4/1977, bà Hương hạ sinh 4 người con gái tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương (Hà Nội).
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm cùng 4 cô gái Bắc, Nam, Thống, Nhất và vợ chồng bà Hương. Ảnh gia đình cung cấp.
“Khoảng 5h sáng 17/4/1977, hôm đó là chủ nhật, tôi thấy đau bụng. Khi y tá đưa tôi sang phòng đẻ khám thì đã sắp sinh rồi. Lên nằm trên bàn, cứ 10 phút tôi lại đẻ 1 cháu, tôi chỉ mỏi hông chứ không đau bụng. Khi sinh được cháu thứ 3 ra thì cũng không nghĩ trong bụng vẫn còn cháu thứ 4. Sau đó, tôi mệt ngủ đến tận trưa và ngày hôm đó cũng chưa nghĩ tới việc đặt tên cho các con”, bà Hương kể.
Ca sinh 4 của gia đình bà là trường hợp hiếm gặp ở thời điểm bấy giờ nên được Nhà nước vô cùng quan tâm. Ngay sau khi bà Hương sinh, có nhiều nhà báo đến đưa tin về ca sinh này.
“Và ngay ngày hôm sau, bác Phạm Văn Đồng đã gọi điện hỏi thăm, đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện thăm, đặt tên cho các con tôi là Bắc, Nam, Thống, Nhất”, bà Hương nói.
Sau khi sinh, bà Hương phải nằm viện 2 tháng mới được về nhà. Đến thời điểm Tết năm đó, gia đình bà Hương đón Tết bình thường như bao gia đình khác.
“Tuy nhiên, đến sáng mùng 2 Tết năm đó, không hề báo trước, có 7 chiếc ô tô chở bác Phạm Văn Đồng đến thăm gia đình tôi ở tập thể Trung Tự. Lúc đó, tôi rất bất ngờ và không tin gia đình mình lại được bác Đồng quan tâm như vậy. Sau đó, bác Đồng thông báo mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi”, bà Hương nhớ lại.
Theo bà Hương, trong cuộc trò chuyện, bác Đồng hỏi bà, giờ nhà thiếu gì. Tôi nói: “Cháu chỉ xin một cái tủ lạnh nhỏ để có thể để đường sữa cho các cháu”.
Bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) hiện tại sống căn nhà nhỏ trong ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì.
Rồi bác Đồng lại hỏi thêm “Cháu có mấy cái chăn, cháu có mấy áo len…”. Tôi trả lời: “Cháu chỉ có áo sợi mắt na”. Cố Thủ tướng nói: “Nghèo thì nghèo, cũng phải có cái áo len. Cháu cần cái gì cứ nói”. Tôi đáp: vâng.
Sau 1 tuần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho một ô tô chở đồ đạc xuống đầy đủ, mỗi người một cái chăn, áo, tủ lạnh, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế gỗ. Sau thời gian bác Đồng xuống thăm, cứ một năm khoảng 2-3 lần, bác Đồng lại cho người xuống đưa 4 cháu nhà bà Hương lên nhà chơi.
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất gần gũi, quan tâm mọi người. Ông luôn hỏi rất cặn kẽ như các cháu thích ăn gì, món gì. Ăn uống xong ông trò chuyện vui vẻ, hỏi chuyện học hành của mọi người. Lúc về, ông luôn cho quà các cháu”, chị Như Nhất, con gái út của gia đình bà Hương chia sẻ.
Một thời gian sau khi sinh, sức khỏe ổn định, bà Hương tranh thủ đi làm trở lại. Đến năm 1991, bà Hương nghỉ hưu, sau đó trải qua các công việc nhận trông trẻ cho hàng xóm; buôn bán hoa quả; mở quán cơm để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học.
Theo Danviet
Những câu chuyện xúc động về Bác Hồ qua lời kể của một cận vệ
Được ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt mấy năm trời là may mắn lớn nhất trong cuộc đời người cận vệ năm xưa.
Lối sống giản dị, nhân ái của Bác Hồ kính yêu
Với bất kỳ ai trong cuộc đời nếu một lần từng được gặp Bác Hồ dù chỉ trong giây lát thì đều coi đó là niềm hạnh phúc của đời mình. Nhưng với ông Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, trong 4 năm (từ 1966-1969) được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác và ở ngay tổ bảo vệ Nhà sàn, với ông đó là một điều may mắn, vinh hạnh và cũng là ân huệ lớn nhất mà Đảng, Nhà nước đã dành cho ông.
Ông Trần Viết Hoàn.
Sau ngày Bác mất, ông Hoàn là một trong số ít những người được giữ lại làm nhiệm vụ giữ gìn di sản của Bác. Để thể hiện tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của mình đối với Bác và cũng là thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đảng, với đất nước, trong 16 năm trên cương vị Giám đốc Khu di tích Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch, ông Hoàn luôn cố gắng ra sức chăm lo, giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc.
Bao năm ở gần Bác, ông Hoàn cảm nhận một cách rõ nét về tình cảm, lối sống vô cùng giản dị và nhân ái của vị lãnh tụ đối với quần chúng nhân dân, được thể hiện cụ thể, sinh động qua việc ăn, ở, mặc của Người.
Ông Hoàn vẫn còn nhớ như in những bữa cơm đạm bạc của Bác. Cũng như mọi nhà, mọi người, mâm cơm của Bác chỉ có bát canh, quả cà, có hôm thêm lát thịt kho hay lát cá kho. Trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở một con người.
"Trong lúc ăn cơm, không bao giờ Bác để thừa. Năm 1957, khi Bác về thăm quê và dự cơm với tỉnh, lúc đó trên bàn còn có thức ăn nhưng giao tế tiếp tục chuyển đồ ăn mới. Thấy vậy, Bác gạt tay và nói: "Khi ăn hết hãy lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình". Bác dặn khi ăn thức ăn nhà bếp sắp ra thì phải ăn hết, đừng để thừa, như thế vừa lãng phí, vừa không tôn trọng công của người làm" - ông Trần Viết Hoàn nhớ lại.
Một câu chuyện nữa ông hay kể cho mọi người và coi đó là một đức tính rất đáng học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là mỗi khi đi công tác, hay về các địa phương, Bác thường mang cơm nắm, muối vừng theo. Bác không muốn địa phương vì Bác mà tốn kém tiền tiếp đãi, bởi theo Bác tiền đó cũng là do dân đóng góp mà có.
Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ ở trong một ngôi nhà sàn vẻn vẹn vài ba phòng. Phòng ở, phòng làm việc của Người vuông vắn chỉ hơn 10m2. Nơi ở của Bác không sơn son, không thiếp vàng, không ngọc ngà châu báu mà chỉ thấy ở nơi đây ý tưởng trồng cây, trồng người; chỉ thấy nơi đây chân lý dựng nước và giữ nước, thấy tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Và chính nơi ở của Bác đã để lại đạo lý làm người cao cả: đối với người cán bộ, đảng viên cần phải cần, kiệm, liêm, chính, lời nói đi đôi với việc làm.
Những lúc rảnh rỗi, Bác Hồ lại ngồi câu cá bên ao cá cạnh Nhà sàn. (Ảnh tư liệu)
Thời gian gần đây liên tục nghe thông tin cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ có chức có quyền xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, bị xử lý kỷ luật khiến ông Hoàn rất buồn. Việc xử lý kỷ luật là điều không ai muốn, song ông Hoàn tiếc rằng, giá như cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ chức vụ cao học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thì sẽ không có những câu chuyện buồn như hôm nay, không có chuyện dân chúng mất đất đai kêu ca, không có chuyện cán bộ thăng tiến thần tốc cùng với khối tài sản khủng... "Nếu chúng ta vào nhà sàn, tham quan di sản, học đạo lý của Bác thì sẽ bớt đi những nỗi nhọc nhằn của dân" - ông Hoàn ngậm ngùi nói.
Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời
Được ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt mấy năm trời là may mắn lớn nhất trong cuộc đời người cận vệ năm xưa. Ở bên Người, bản thân ông và các cận vệ cảm nhận rõ sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của người cha già đối với con cháu chứ không phải Chủ tịch nước với người lính... Những câu nói, hành động của Bác, ông Hoàn luôn xem đó là những bài học lớn, là kim chỉ nam định hướng tư tưởng và hành động của ông.
Một trong những kỷ niệm về Bác Hồ khiến người cận vệ Trần Viết Hoàn xúc động nhất là chuyện về chiếc áo bông của Người. Chiếc áo ấy là của người dân tặng Bác, Bác mặc rất nhiều năm, mền bông đã xẹp, rách ở vai và đã vá một lần. Chiếc áo rách lần thứ hai, phục vụ xin phép thay chiếc áo mới nhưng Bác từ chối và nói: "Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi". Ngay cả đôi tất, chiếc khăn mặt đã rách, chiếc chiếu nằm đã sờn nhưng Người vẫn không cho thay cái mới mà bảo các chú phục vụ vá lại để Bác dùng.
Đôi dép cao su dùng đã nhiều năm, quai bị tuột, đế dép đã mòn vẹt, thế nhưng Bác không cho thay đôi mới. Bác nói: "Đôi dép cũ của Bác, các chú dùng đinh nhỏ đóng vào quai cho khỏi tuột, lấy miếng cao su khác vá vào gót, như thế là thay dép mới cho Bác rồi".
Cuộc đời của Bác Hồ, từ lúc làm một anh phụ bếp trên chiếc tàu vận tải hàng hải bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước vẫn là một cuộc đời thanh bạch, giản dị, chừng mực, từ câu nói, tác phong đến tư trang vật dụng hàng ngày, từ n uống đến sở thích sống hoà mình, giản dị cùng nhân dân.
Ông Hoàn tâm sự, phong cách sinh hoạt của Bác rất đời thường nhưng vô cùng sâu sắc, là tấm gương, là cách Bác dạy bảo cán bộ một cách thiết thực nhất. Trong bối cảnh đất nước hồi đó, việc Bác sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với nhân dân.
"Học và làm theo gương Bác chính là học ở tấm gương trong cuộc sống đời thường hàng ngày của Bác, thể hiện chính từ phong cách giản dị, tiết kiệm, từ cách cư xử của Bác đối với mọi người. Những chuẩn mực đạo đức của Bác thể hiện ở cuộc sống đời thường là những việc làm vô cùng bình dị, ai cũng có thể làm được. Không chỉ người dân mà ngay cả các vị khách quốc tế khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ đều rút ra nhận xét: Cụ Hồ vĩ đại bởi vì cụ sống rất đời thường" - ông Hoàn bộc bạch.
Theo cựu Giám đốc Khu di tích Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, trong điều kiện hiện nay, không phải cứ mặc áo vá, đi dép cao su là học và làm theo Bác. Cần hiểu rằng Bác sống rất phù hợp với hoàn cảnh của dân, của đất nước. Bác sống vì dân, vì đời, sống để phục vụ dân chứ không phải vì chính Bác. "Từ cuộc sống bình dị ấy, Bác Hồ đã để lại cho dân tộc một di sản vô giá: đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời mà bây giờ và mai sau học tập và noi theo" - ông Trần Viết Hoàn chia sẻ.
(Theo VOV)
7 năm trốn chạy công an và "xã hội đen" của nữ quái lừa gần 43 tỷ Ôm gần 43 tỷ đồng rồi bỏ trốn, nữ quái không chỉ bị công an ra lệnh truy nã mà còn bị nhiều nhóm "xã hội đen" săn đuổi. Công an thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết vừa bàn giao Bùi Thị Hương Giang (36 tuổi, ở Nam Định) cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an...