Ca sĩ Việt ở Mỹ hoạt động âm nhạc ngày càng khó khăn
“Ca sĩ hải ngoại hoạt động ngày càng khó khăn vì khán giả trẻ gốc Việt chỉ nghe nhạc Âu – Mỹ và không còn mặn mà với nhạc Việt”, ca sĩ Hồng Thúy chia sẻ.
Hồng Thúy là một trong bốn thành viên của nhóm Tik Tik Tak đình đám một thời. Hiện nay, nữ ca sĩ định cư cùng chồng ở Mỹ. Sau khi sinh cậu con trai thứ hai, chị bắt đầu biểu diễn cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại trên các sân khấu là sòng bài, vũ trường, club…
Hồng Thúy hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Thành An – những tên tuổi được yêu thích ở thị trường hải ngoại. Nhưng chị không lấy nghệ danh Hồng Thúy như trước mà kiên quyết đổi tên thành Huệ Quyên vì quan niệm “Hồng Thúy chỉ thuộc về Tik Tik Tak mà thôi”.
Nhân dịp về Việt Nam để thăm gia đình và tham gia một vài hoạt động biểu diễn, ca sĩ Hồng Thúy đã thẳng thắn chia sẻ với Zing.vn về thị trường âm nhạc hải ngoại và việc ca sĩ Việt phải “thỏa hiệp” vì đam mê ca hát và nhu cầu thị trường.
Ca sĩ Hồng Thúy – thành viên của nhóm Tik Tik Tak đình đám một thời. Ảnh: NVCC.
‘Không được hát thứ mình thích là một thực tế’
Tôi may mắn được tiếp xúc với cả hai môi trường âm nhạc là Việt Nam và hải ngoại nên khá hiểu về thực tế thị trường ở hai nơi. Cuộc sống, văn hóa mỗi nơi một khác, do vậy, ca sĩ cũng phải có sự thay đổi phù hợp để đáp ứng mong muốn của khán giả.
Ở hải ngoại, việc ca sĩ hát theo yêu cầu khán giả, hát không đúng với dòng nhạc mà mình theo đuổi ở Việt Nam là một thực tế không thể chối cãi. Ở trong nước, ca sĩ có thể theo đuổi dòng nhạc của mình vì dù sao vẫn có một bộ phận công chúng yêu thích.
Nhưng ở bên Mỹ thì khác, cộng đồng người Việt rất nhỏ và chỉ có một bộ phận công chúng nghe nhạc Việt nên ca sĩ không có nhiều lựa chọn như ở Việt Nam. Nghệ sĩ khó có điều kiện để vùng vẫy, để làm những cái mới mẻ, sáng tạo, những cái của riêng mình.
Trong nước, bạn “quái”, bạn “điên”, bạn vẫn sẽ có những người yêu thích thực sự. Họ vẫn chấp nhận bạn, nghe nhạc của bạn và bạn có thể hát những ca khúc của riêng mình. Nhưng ở hải ngoại, khi khán giả có sự giới hạn thì thị trường tất nhiên sẽ hạn chế hơn.
Cá nhân tôi, trước đây ở Việt Nam thường hát những bài của nhóm Tik Tik Tak nhưng khi sang Mỹ, tôi cũng hát những ca khúc tân nhạc, nhạc xưa của những tên tuổi lớn. Nếu có gì mới mẻ đó là gần đây, tôi và hai người bạn đã thành lập một nhóm nhạc hoạt động trên mạng xã hội, chơi trực tiếp (livestream) vào tối thứ tư hàng tuần.
Ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn ngày càng nhiều. Ảnh: Việt Hùng.
‘Khán giả trẻ gốc Việt không còn nghe nhạc Việt’
Video đang HOT
Ngoài việc làm cái gì, hát cái gì cũng phải chọn lựa và hát theo nhu cầu của khán giả, không được làm thứ quá mới, quá sáng tạo; ca sĩ ở thị trường hải ngoại còn hoạt động ngày càng khó khăn vì khán giả trẻ không còn nghe nhạc Việt.
Đối tượng nghe nhạc Việt chủ yếu ở Mỹ hiện nay là lứa tuổi trung niên trở nên. Đa phần người ta nghe nhạc để hoài niệm. Một đối tượng khác là những người mới nhập cư từ Việt Nam qua Mỹ, còn khán giả trẻ gần như không còn nghe nhạc Việt.
Những bạn trẻ tuổi ngoài hai mươi thường là sang Mỹ từ nhỏ hoặc sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên đã có sự hội nhập về văn hóa. Các bạn đó đến trường học, chơi với bạn bè người Mỹ nên bây giờ chỉ nghe nhạc Âu – Mỹ. Có một số cũng nghe nhạc Việt, nhưng rất ít, nếu có nghe cũng không coi đó là một sự đam mê.
Công chúng ngày càng thu hẹp cũng là một trong những lý do khiến các ca sĩ ở hải ngoại về Việt Nam biểu diễn ngày một nhiều. Ngược lại, nhiều ca sĩ ở trong nước lại sang Mỹ để hát theo hình thức lưu diễn vì “bụt chùa nhà không thiêng”.
Ca sĩ hải ngoại thường chỉ có cơ hội đi hát vào cuối tuần nên phải những người thực sự nổi tiếng mới có một cuộc sống tốt từ ca hát. Còn những ca sĩ tầm trung thường phải làm thêm những công việc khác trong tuần.
Một thực tế là ở Mỹ, nhiều ca sĩ Việt đi hát chỉ để nuôi dưỡng đam mê vì số lượng show và cát-xê không đủ để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống.
Cách đây không lâu, nhạc sĩ – nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng bình luận với Zing.vn về việc khán giả trẻ ở hải ngoại không còn nghe nhạc Việt:
“Khán giả nghe nhạc Việt Nam ở hải ngoại ngày càng cao tuổi và ít đi, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hầu như không quan tâm tới âm nhạc Việt như thế hệ cha ông. Thế nên, câu chuyện ca sĩ phải thỏa hiệp là có. Việc các nghệ sĩ đang định cư ở nước ngoài hát những ca khúc nằm trong nhu cầu nghe của bộ phận khán giả là điều bình thường”.
Theo Zing
Sao Việt bắt tay đối tác ngoại: Gian nan một giấc mơ dài
Sự hợp tác giữa ca sĩ Việt với nhà sản xuất quốc tế tuy tạo ra những sản phẩm mới mẻ và chất lượng, nhưng còn rất gian nan để đưa Vpop đến với thị trường thế giới.
Những màn hợp tác giữa sao Việt và đối tác quốc tế được kỳ vọng là cầu nối để đưa âm nhạc nước ta vượt qua lãnh thổ và phổ biến hơn trên thị trường thế giới. Với giới nghệ sĩ, đây cũng là hướng đi quan trọng để trước hết làm mới âm nhạc của bản thân, và tiếp đó tham vọng hướng tới khán giả quốc tế. Bởi thế, nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt đã dấn thân con đường này.
Tăng cường hợp tác với sao ngoại
Khoảng 1 năm trở lại đây, tần xuất những màn hợp tác với đối tác nước ngoài ở làng nhạc Việt tăng mạnh. Chỉ trong ít tháng đầu năm 2017, đã có 4 ca sĩ Việt xuất ngoại để gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đồng nghiệp quốc tế.
Đầu tiên là màn hợp tác được mong chờ giữa Soobin Hoàng Sơn và nhà sản xuất Hitesh Ceon. Tiếp đó, trong tháng 2, nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà bay đến Hollywood để gặp gỡ và làm việc cùng Fernando Garibay - nhà sản xuất từng hợp tác với Lady Gaga, Britney Spears, Whitney Houston, Shakira, Enrique Iglesias,...
Hồ Ngọc Hà đến Hollywood làm việc với Fernando Garibay. Ảnh: NVCC.
Thanh Bùi có lợi thế hoạt động nhiều năm tại thị trường âm nhạc Úc và cũng từng nhiều lần hợp tác với ca sĩ, nhà sản xuất nước ngoài. Trong năm 2017, anh tiếp tục làm việc với các đối tác Mỹ. Trong đó, cái tên được nhắc tới gần đây chính là Apl.de.Ap - thành viên nhóm The Black Eyed Peas - và nhà sản xuất RedOne. Ngoài ra, cuối tháng 4 vừa qua, nam nhạc sĩ đã có buổi nói chuyện, bàn bạc với nghệ sĩ piano jazz Bob James.
Một sự hợp tác khác đã cho công chúng thấy được sản phẩm trong thời gian qua chính là nhóm nhạc Lime với MV Baby Boo được thực hiện bởi ê-kíp Hàn Quốc, trong đó, phần ca khúc do bộ đôi Minken Cho và Ahn Soowan sáng tác. Các sản phẩm âm nhạc trước đó của Lime cũng do ê-kíp Hàn thực hiện, thậm chí, trong một năm trở lại đây, các cô gái còn tới đất nước này rèn luyện và tham gia một số chương trình giải trí.
Baby Boo - Lime MV Baby Boo của Lime được sáng tác, sản xuất bởi ê-kíp Hàn Quốc.
Tìm được hướng đi, nhưng chưa thể bứt phá
Thực tế việc hợp tác với người nước ngoài không còn xa lạ ở Vpop, từ nhiều năm trước, dù âm nhạc Việt khi đó chưa phát triển như hiện nay, không ít ca sĩ đã mạnh dạn tìm đến các nhà sản xuất quốc tế.
Năm 2006, Mỹ Tâm bắt tay với các đồng nghiệp Hàn Quốc để thực hiện album vol.5 mang tên Vút bay, mở đường cho liên tiếp các sản phẩm hợp tác quốc tế được ra mắt sau đó như Hoa quỳnh anh - Phạm Quỳnh Anh (2006), Sóng ngầm - Ưng Hoàng Phúc (2007),...
Mỹ Tâm tiên phong hợp tác với sao ngoại qua album Vút bay. Ảnh: NVCC.
Với cách làm này, nghệ sĩ Việt ngoài đầu tư cho sản phẩm còn nhắm đến thị trường thế giới với hy vọng đưa âm nhạc nước nhà dần vươn mình ra khỏi biên giới chữ S.
Quả thực, thời gian qua, công chúng yêu nhạc Việt nhận thấy nhiều tín hiệu khả quan từ làng nhạc thế giới. Mỹ Tâm giành được nhiều giải thưởng quốc tế: Huyền thoại âm nhạc châu Á, Nghệ sĩ bán album nhiều nhất trong lãnh thổ (World Music Award 2014), Nghệ sĩ xuất sắc Đông Nam Á (MTV EMA), Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất (MAMA 2012)...
Tiếp đó, lứa đàn em như Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Isaac... cũng đôi lần xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc, phương tiện truyền thông nước ngoài. Thậm chí, năm 2016, khi tham gia Asian Music Festival, Noo Phước Thịnh còn được báo chí Hàn Quốc so sánh với nam ca sĩ Bi Rain.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận những thành tích trên giúp các ca sĩ gây tiếng vang ở trong nước nhiều hơn quốc tế. Và ngay cả các sản phẩm hợp tác "xuyên biên giới" cũng chưa thể phát huy tác dụng, nhất là ở thị trường thế giới vốn cạnh tranh khốc liệt.
Các sản phẩm như Baby Boo (Lime), Baby Baby (Monstar) hay trước đó có Giác quan thứ 6 (Thu Minh), Dan Truong In American (Đan Trường)... thực tế không gây nhiều tiếng vang. Thậm chí, ngay ở Việt Nam, Baby Boo của Lime cũng có vị trí khá khiêm tốn trên các BXH, trong khi phần MV chỉ đạt hơn 350.000 lượt xem sau nhiều ngày ra mắt.
Trên mạng xã hội - nơi khán giả quốc tế hoạt động tích cực nhất - những sản phẩm âm nhạc Việt vẫn còn xa lạ với khán giả quốc tế. Và đương nhiên, chúng càng không có chỗ đứng trên các BXH âm nhạc nước ngoài.
Trở lại những giải thưởng âm nhạc ca sĩ Việt nhận được khiến công chúng tự hào thời gian qua. Dù được đánh giá là xứng đáng với nỗ lực, đóng góp của mỗi ca sĩ bỏ ra nhưng xung quanh đó vẫn còn nhiều tranh cãi về tính chất giải thưởng.
Những giải thưởng trao cho ca sĩ Việt thường mang tính giao lưu, hữu nghị. Thậm chí, MAMA - lễ trao giải 4 lần gọi tên ca sĩ Việt - còn bị chê bai là ngày càng mất giá trị khi "chia giải" cho các ca sĩ trong khu vực để phù hợp với tên gọi Mnet Asian Music Awards. Trong khi đó nhiều giải thưởng khác bị ngay cả truyền thông nước nhà đánh giá là "ao làng".
Chưa kể, chưa từng có ca sĩ Việt nào được vinh danh trong các lễ trao giải. Thậm chí, Đông Nhi khi tới sự kiện MTV EMA 2016 tổ chức tại Hà Lan vào ngày 7/11/2016 cũng không được tham dự thảm đỏ lẫn lên sân khấu nhận giải.
Trong vững rồi ngoài mới mạnh
Nhìn chung, để âm nhạc Việt Nam được biết đến trên thị trường âm nhạc thế giới là cả một quá trình gian nan và nhiều thử thách. Nhất là khi thị trường Việt Nam quá nhỏ bé trong khi nhạc US-UK đã phủ sóng toàn thế giới, còn Kpop, Jpop cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ.
Thực tế, hầu hết màn hợp tác ở nước ta đều dựa trên hình thức sản xuất, tức ca sĩ Việt làm việc với nhạc sĩ, đội ngũ thực hiện MV, hòa âm, phối khí. Việc hợp tác chéo ở đây chưa đạt đến mức cộng tác trực tiếp với nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng, ngoại trừ một số màn song ca được dàn dựng trong các chương trình giao lưu. Do đó, âm nhạc Việt chưa được khán giả quốc tế chú ý cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm sự hợp tác với các nhà sản xuất âm nhạc thế giới vẫn đáng khích lệ, bởi trước hết nó tạo động lực cho ca sĩ Việt và sau đó tạo nên sự mới mẻ, chất lượng hơn trong chính sản phẩm âm nhạc của họ nói riêng và thị trường Vpop nói chung.
Vút bay được Mỹ Tâm phát hành năm 2006 có 6 bài nhạc Hàn được viết lại lời Việt đã từng gây sốt với lượng tiêu thụ lớn. Đến giờ, đây vẫn là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp âm nhạc của Mỹ Tâm cũng như hành trình tìm kiếm sự mới lạ từ các nhà sản xuất nước ngoài của ca sĩ Việt.
Soobin Hoàng Sơn hợp tác cùng Hitesh với mong muốn thay đổi trong âm nhạc. Ảnh: NVCC.
Nói về dự án sắp ra mắt, hợp tác cùng Hitesh, Soobin chia sẻ nhà sản xuất này không hề biết về văn hóa hay âm nhạc Việt Nam. Bản thân nam ca sĩ cũng không kỳ vọng đưa âm nhạc Việt ra thế giới qua dự án này mà chỉ muốn trau dồi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Sau lần cộng tác này, Soobin nhận ra sự tinh tế trong âm nhạc của Hitesh và cảm thấy vui vẻ khi tìm được nhà sản xuất hợp gu với mình. Tôi không có ý định to tát như để góp phần phát triển âm nhạc Việt Nam, lần hợp tác này như kiểu bạn đang lạc trong núi đói và khát, bỗng dưng lại được ăn món mình yêu thích thôi", giọng ca Phía sau một cô gái nói.
Trước đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng ủng hộ việc hợp tác với đối tác nước ngoài. Anh cho rằng đây là cách hay để ca sĩ Việt tìm ra điều mới mẻ trong thị trường âm nhạc đang cạn kiệt ý tưởng.
Theo Zing
Ca sĩ hải ngoại đánh liều thi game show vì bolero đang được yêu thích Ca sĩ hải ngoại Duy Trường phủ nhận ý kiến cho rằng anh hết thời ở hải ngoại nên mới về Việt Nam ca hát. Anh tiết lộ vì bolero đang được yêu thích nên đánh liều đi thi. Duy Trường chuyên hát nhạc trữ tình thị trường ở hải ngoại và cũng khá có tiếng ở hải ngoại. Tuy nhiên nam ca...