Ca sĩ Nam tiến: Kẻ thành công rực rỡ, người thất bại nặng nề
Thiếu sự chuẩn bị, chọn hướng đi riêng, hay ngại thay đổi… là những yếu tố dẫn đến sự thất bại của một số ca sĩ gốc Bắc, Trung ngay tại “miền đất hứa” của Vpop.
Trào lưu Nam tiến
Từ lâu, miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vốn được xem là mảnh đất lý tưởng để phát triển sự nghiệp của nhiều ca sĩ gốc Bắc hoặc Trung, bởi nó hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi như có đời sống văn nghệ sôi nổi, các phòng trà, sân khấu ca nhạc luôn sáng đèn mỗi đêm… Bên cạnh đó, công chúng phía Nam cũng có cái nhìn cởi mở, dễ chấp nhận hơn đối với những gương mặt trẻ, những xu hướng âm nhạc mới.
Nếu muốn nổi tiếng tại thị trường phía Bắc, đòi hỏi người cầm mic phải xuất thân từ một ngôi trường danh tiếng, được đào tạo bài bản, có thẩm mỹ âm nhạc sang trọng do đa phần khán giả chỉ chuộng nghe dòng nhạc mang hơi hướm thính phòng và kiếm tìm cái gọi là “âm nhạc đích thực”. Sự thành công của bộ tứ diva Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tùng Dương… cùng sức hút mãnh liệt từ những show nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi (Phú Quang, Trịnh Công Sơn) đã cho thấy điều đó. Ngoài ra, không ít người yêu nhạc ở đây vẫn xem rock, hiphop, dance, R&B như những thứ lai căng, lạ lẫm để rồi buộc nó phải phát triển theo hướng underground. Khi cơ hội thành danh thấp và cái mới không được chấp nhận, việc Nam tiến hiển nhiên trở thành lựa chọn tất yếu với các ca sĩ vì họ cần khán giả cho dòng nhạc của mình.
Nhiều ca sĩ chọn con đường Nam tiến để phát triển sự nghiệp ca hát.
Kẻ thành công, người mất hút…
Khó mà kể hết các ca sĩ gốc Bắc, Trung vào TP.HCM để phát triển sự nghiệp âm nhạc khi làn sóng Nam tiến cứ diễn ra liên tục trong suốt vài thập kỷ qua. Mặc dù TP.HCM được coi là “miền đất hứa” của Vpop nhưng không phải ai đến đây cũng đều có được mơ ước.
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng là hai ca sĩ tỏa sáng rực rỡ khi quyết tâm gắn bó với thị trường âm nhạc phía Nam. Cho đến hiện tại, họ vẫn khẳng định vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ. Một trường hợp khác là Hồ Ngọc Hà, khởi nghiệp từ vai trò người mẫu nhưng sau đó cô chuyển sang con đường ca hát chuyên nghiệp rồi trở thành nhân tố khó có thể thay thế.
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng – Hai ca sĩ “Nam tiến” thành công.
Không nổi đình đám như đồng nghiệp, song Phương Thanh, Quang Hà, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên, Đăng Khôi hay Cao Thái Sơn… đều sở hữu những thành công nhất định. Vài năm trở lại đây, nhờ vào chuỗi bài hit cùng sự cố gắng không ngừng, lớp ca sĩ trẻ như Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn, Bích Phương, Trung Quân Idol, Sơn Tùng MT-P… cũng nhận được sự yêu mến nồng nhiệt từ công chúng, đặc biệt là các khản giả 9X, 10X.
Trái ngược với các ca sĩ vừa nhắc ở trên, nhiều cái tên lại lao đao, vất vả trong việc tìm chỗ đứng cho mình, tiêu biểu là Tuấn Hưng, Minh Quân, Hoàng Hải, Ngọc Anh, Tăng Nhật Tuệ… Phần nhiều trong số đó chọn cách quay trở về Bắc, số khác thì tiếp tục bám trụ hoặc chuyển nghề.
Thành, bại do đâu?
Không khó lý giải nguyên nhân thất bại của những ca sĩ Nam tiến bất thành, bởi ngoài giọng hát tốt họ lại thiếu một số yếu tố cần thiết khác để hiện thực hóa điều mình muốn. Đầu tiên là việc ca sĩ không có sự chuẩn bị kỹ càng cho một chặng đường dài hơi, sự chuẩn bị ở đây bao gồm cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người vào Sài Gòn rồi loay hoay không biết bản thân phải hát dòng nhạc gì cho phù hợp, chọn theo đuổi phong cách nào, không có sự giúp đỡ hỗ trợ, hay thiếu chỗ diễn, thiếu kinh phí đầu tư các sản phẩm âm nhạc…
Video đang HOT
Trong một bài phỏng vấn, Lệ Quyên từng chia sẻ khi quyết định vào TP.HCM lập nghiệp, cô đã vạch sẵn chuyện nhà cửa, bạn bè quen thân ra sao, ai là người giúp đỡ mình, sẽ hát ở đâu, mức thu nhập khoảng bao nhiêu… Trường hợp của nam ca sĩ Quang Hà cũng giống vậy, anh có được thành công nhất định ở thị trường âm nhạc phía Nam là nhờ sự giúp đỡ của nhiều bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tình từ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – cho ở nhờ nhà, giới thiệu chỗ diễn…
Chọn hướng đi riêng, không phù hợp với số đông là lý do kế tiếp khiến một số ca sĩ khó lòng trụ lại TP.HCM lâu dài. Trước đây, Ngọc Anh từng tung ra các album do chính cô sáng tác và thể hiện, nhưng cuối cùng tên tuổi vẫn không thể tỏa sáng rồi phải ngậm ngùi xách vali về Hà Nội. Một ví dụ khác là Tùng Dương, vì chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại cùng phong cách trình diễn “quái” chẳng giống ai nên thời gian ở Sài thành sự nghiệp của anh gần như dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, cả hai liên tục gặt hái cho mình nhiều thành công lớn khi trở lại hoạt động ở thị trường âm nhạc phía Bắc. Điều này cho thấy thị hiếu của khán giả hai miền phần nào có sự khác biệt và người cầm mic nếu muốn thành công buộc phải thay đổi sao cho phù hợp với thị hiếu ấy.
Ngọc Anh, Hoàng Hải – Hai trong số những gương mặt Nam tiến bất thành.
Việc không bắt kịp xu hướng âm nhạc mới là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự thất bại của nhiều ca sĩ. Bước ra từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2006, Hoàng Hải có nhiều lợi thế để phát triển nghiệp hát khi sở hữu chất giọng hiếm – nam cao, giàu nội lực và ngoại hình sáng sân khấu. Thế nhưng, con đường âm nhạc của anh sau đó lại rơi vào tình trạng một màu khi chỉ trung thành với các ca khúc thuộc thể loại pop ballad. Điều công chúng nhớ nhất ở Hoàng Hải là biệt danh “Hoàng tử Vpop”. Anh cho biết bản thân đang ấp ủ kế hoạch Nam tiến lần thứ 2 sau ngôi Á quân tại chương trình Tuyệt đỉnh tranh tài vừa qua.
Tương tự Hoàng Hải, Tăng Nhật Tuệ không mấy thành công trong vai trò ca sĩ kể từ khi vào TP.HCM. Thay vào đó, anh lại được nhiều người chú ý ở các lĩnh vực khác như sáng tác nhạc, đóng phim, dẫn chương trình…
Thành bại của một ca sĩ ở thị trường âm nhạc đầy sự cạnh trạnh như miền Nam cũng phụ thuộc không ít vào chiến lược PR, đôi lúc là cả những chiêu trò.
Trào lưu Nam tiến vẫn đang diễn ra, nó góp phần làm cho đời sống âm nhạc nơi đây thêm phong phú, đa sắc hơn. Để có được danh tiếng, bạc tiền như mong muốn, bên cạnh các yếu tố vừa nhắc, người ca sĩ còn cần không ngừng trau dồi, học hỏi, cố gắng, đủ bản lĩnh, khôn khéo và… một chút may mắn.
Theo zing
Những vui buồn của làng nhạc Việt trong nửa đầu 2014
Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc chất lượng hay sự tỏa sáng của những tài năng trẻ, Vpop sáu tháng đầu năm vẫn còn đó không ít câu chuyện đáng quên.
Vui nhiều...
Âm nhạc vốn dĩ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nó luôn vận động, thay đổi và phát triển theo thời gian. Tương tự nhiều nền âm nhạc trên thế giới, Vpop vẫn không ngừng sáng tạo để ngày càng hoàn thiện mình cũng như phù hợp hơn với xu hướng của người nghe. Áp lực mạnh mẽ từ yêu cầu cách tân đã giúp cho nhạc Việt có được những bước tiến mới.
Vpop đang dần tạo được sự chú ý trên bản đồ âm nhạc thế giới, dù mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Nếu trước kia việc ca sĩ Việt Nam giành chiến thắng hay góp mặt trong đề cử nào đó của một lễ trao giải âm nhạc uy tín mang tầm cỡ quốc tế là điều hiếm thấy thì giờ đây lại xuất hiện thường xuyên - tiêu biểu có thể kể đến Mỹ Tâm (giải Best Asian Artisttại MAMA 2012, giải Best Southeast Asia Act ở MTV EMA 2013), Thu Minh (giải Best Asian Artist tại MAMA 2013). Đầu năm 2014, làng nhạc Việt tiếp tục đón tin vui vì Mỹ Linh, Mỹ Tâm bất ngờ xuất hiện bên cạnh các tên tuổi đình đám như Adele, Lady Gaga, Jennifer Lopez, Miley Cyrus... trong đề cử của 3 hạng mục gồm Nghệ sĩ nữ xuất sắc nhất,Nghệ sĩ trình diễn live xuất sắc nhất và Nghệ sĩ giải trí của năm ở World Music Awards. Không chỉ góp mặt trong những đề cử, ngày 27/5 vừa qua, ở thành phố Monte-Carlo (Monaco), nơi diễn ra buổi lễ trao giải của giải thưởng danh giá này, cô ca sĩ gốc Đà Nẵng vinh dự được trao cúp Nghệ sĩ có album bán chạy nhất trong lãnh thổ. Bên cạnh đó, Vpop cũng có cơ hội vươn xa hơn nhờ một số chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ hay những chuyến lưu diễn nước ngoài liên tiếp của các ca sĩ.
Hình ảnh ca sĩ Mỹ Tâm rạng rỡ bên chiếc cup tại buổi lễ trao giải của World Music Awards 2014.
Trong sáu tháng đầu năm, nhiều ca sĩ đã gửi đến công chúng những sản phẩm chất lượng từ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Người nghe có thể cảm nhận điều này qua các album/single/MV như Tình buồn của H(Đàm Vĩnh Hưng), Chuyện tình hoa mười giờ (Quang Lê), Mối tình xưa (Hồ Ngọc Hà), Sẽ có những lúc (Như Ý), Chôn giấu giấc mơ(Noo Phước Thịnh), Giận lòng (Đông Nhi), Gửi cho anh (Khởi My),Mình yêu nhau đi (Bích Phương)...
Song song đó, sự kết hợp giữa Đông Nhi - Ông Cao Thắng (Cất giấu ký ức), Trúc Nhân - Văn Mai Hương (Tìm), Ngô Kiến Huy - Lương Bích Hữu (Vội vã yêu nhau vội vã rời), hay Khởi My - La Thăng (Buông Tay), Bảo Anh - Hoàng Tôn (Mình yêu nhau bao lâu)... đã ít nhiều mang đến cảm giác thú vị, mới lạ cho những người yêu nhạc.
MV 'Mối tình xưa' - Hồ Ngọc Hà
Ngoài ra, các dự án âm nhạc lớn mang đầy ý nghĩa nhân văn với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ cũng được giới thiệu và công bố rộng rãi.Những trái tim Việt Nam, Người Việt Nam, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, Yêu thương bốn mùa, Sống chậm, Sống như những đóa hoa... là những sản phẩm như thế.
MV Những trái tim Việt Nam - 100 nghệ sĩ
Vài năm trở đây, từ các cuộc thi âm nhạc chính thống và sự nở rộ của loạt chương trình truyền hình thực tế, nhiều nhân tố mới được phát hiện. Với khả năng cùng sức ảnh hưởng của mình, Hương Tràm, Đinh Hương, Trúc Nhân, Đào Bá Lộc, Trung Quân Idol, Bích Phương, Phạm Hồng Phước, Nhật Thủy, Hòa Minzy... hoàn toàn có thể tự tin "nắm tay" Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Khởi My, Văn Mai Hương, Nguyễn Đình Thanh Tâm... tiếp nối các thế hệ ca sĩ đàn anh, đàn chị đi trước. Những bản hit với số lượt nghe lên đến hàng chục, hàng trăm triệu hay việc giành chiến thắng thuyết phục ở các giải thưởng âm nhạc lớn trong nước (Cống hiến, Zing Music Awards, HTV Awards...) là một vài dấu hiệu cho thấy điều đó.
Vpop nửa đầu 2014 còn chứng kiến sự lên ngôi của các nhạc sĩ trẻ như Tiên Cookie, Phạm Toàn Thắng, Châu Đăng Khoa, Ái Phương, Nguyễn Hoàng Tôn, Vũ Cát Tường... Tư duy âm nhạc hiện đại, nắm bắt tốt xu hướng người nghe, ca từ gần gũi, giai điệu trẻ trung và rất bắt tai là các yếu tố giúp sáng tác của họ luôn được công chúng đón nhận, yêu mến.
Những ca sĩ, nhạc sĩ triển vọng mới của Vpop.
Trong sáu tháng đầu năm Giáp Ngọ, dòng nhạc trữ tình quê hương dần quay trở lại vị trí vốn có của nó. Trong các cuộc thi hay chương trình ca nhạc, những bài hát thuộc dòng nhạc này vẫn tạo được hiệu ứng, sức ảnh hưởng riêng. Giữa vô vàn giai điệu sôi động, trẻ trung của âm nhạc đương đại, các ca khúc trữ tình quê hương nhẹ nhàng, sâu lắng luôn là một điểm nhấn thú vị. Với mỗi tác phẩm như thế, người nghe không chỉ bắt gặp cái tình đất, tình người mà họ còn tìm thấy đâu đó sự bình yên nhất định trong tâm hồn.
Cùng với Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Dương Ngọc Thái, Giáng Tiên... những nhân tố đầy triển vọng như Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm, Quang Đại, Hà Vân, hay mới nhất là cô bé khiếm thị Ngọc Anh và cậu nhóc Đoàn Minh Tài ở sân chơi Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2 hoàn toàn có đủ tài đủ sức để gìn giữ, phát huy dòng nhạc truyền thống của dân tộc.
Quang Đại, Hà Vân, Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm - Những tài năng mới của dòng nhạc trữ tình, quê hương.
Nhiều chương trình ca nhạc hấp dẫn cả về phần chất lẫn phần lượng cũng diễn ra sôi nổi, điển hình là Dấu ấn, Tôi tỏa sáng, Rock Concert, Thay lời muốn nói, Tình khúc vượt thời gian, Những khúc vọng xưa... Ngoài ra, những cuộc trở về của các ca sĩ hải ngoại như Khánh Ly, Chế Linh, Phương Dung, Quang Lê, Minh Tuyết, Bằng Kiều... càng khiến làng nhạc Việt thêm màu sắc, dẫu phía sau còn không ít dư luận trái chiều.
Trong khoảng thời gian nửa đầu 2014, làng nhạc Việt luôn rộn ràng bởi loạt lễ cưới hỏi của sao, từ Ngô Quỳnh Anh (cựu thành viên nhóm Mắt Ngọc), Khánh Linh, Tuấn Hưng, cho đến Minh Vương (nhóm M4U), Trà My Idol... Cùng với đó, nhiều ca sĩ cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng bằng các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, chung tay vì cộng đồng.
...nhưng buồn cũng chẳng ít
Song song với các tin tức lạc quan, Vpop vẫn còn không ít câu chuyện khiến người yêu nhạc phải lắc đầu ngán ngẫm. Vấn đề nổi cộm được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là tình trạng đạo nhái của các ca sĩ - từ đạo nhạc, đạo hình ảnh, đạo ý tưởng MV, cho đến cả việc bắt chước những động tác vũ đạo.
Đông Nhi là cái tên đầu tiên có mặt trong danh sách này. Ngày 1/1, giọng ca Từng thuộc về nhau trở thành ca sĩ "xông đất" cho các hoạt động âm nhạc của giới showbiz khi phát hành album vol.2 mang tên I wanna dance và MV Hey boy. Cả hai sản phẩm đều được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao bởi sự mới lạ, trẻ trung, hiện đại, phù hợp với xu hướng âm nhạc của giới trẻ. Thế nhưng, không lâu sau, MVHey boy lại bị nhiều cư dân mạng nhận xét là sản phẩm đạo nhái từ MVNumber nine của nhóm T-Ara. Album I wanna dance cũng không tránh khỏi số phận tương tự, phần bìa album này vấp phải không ít sự chỉ trích cho rằng nó giống hệt một album của Lady Gaga. Đây là lần thứ 2 Đông Nhi vướng nghi án đạo nhái, trước đó vào cuối năm 2010, cô từng bị tố do tung ra ca khúc có phần nhạc giống với bản hit Happiness của nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng Super Junior.
Nối gót đàn chị, trong sáu tháng đầu năm 2014, Sơn Tùng MT-P liên tiếp gặp rắc rối xoay quanh vấn đề đạo nhạc. Loạt ca khúc nổi đình đám góp phần đưa tên tuổi chàng ca sĩ điển trai gốc Thái Bình bừng sáng lần lượt bị cộng đồng mạng phanh phui vì có phần giai điệu quá giống các bài hát của Hàn Quốc, Nhật Bản - Cơn mưa ngang qua giống Sarangi mareul deutjianha của nhóm Namolla Family, Nắng ấm xa dần giốngMonologue của As One ft. Young Sky, Em đừng đi giống Still của nhóm Flower, Đừng về trễ giống Baby good night... Bản hit mới nhấtEm của ngày hôm qua với số lượt nghe vượt trên 162 triệu lượt ở trang âm nhạc trực tuyến Zing MP3 của Sơn Tùng MT-P lại có một số đoạn giống với ca khúc Every night của nhóm AXID. Không chỉ vậy, hình ảnh của nam ca sĩ sinh năm 1994 trong MV cũng bị cho là có nhiều điểm tương đồng với G-Dragon, còn vũ đạo thì hao hao Now của Trouble Maker.
Bước ra từ cuộc thi Vietnam Idol 2012, Phạm Hồng Phước được biết đến là một trong số các nghệ sĩ trẻ có khả năng sáng tác và thể hiện những ca khúc của chính mình. Sau hiệu ứng khả quan từ MV đầu tayMùa ta đã yêu, chàng sinh viên năm cuối khoa tiếng Nga của trường ĐH Sư Phạm TP.HCM tiếp tục chinh phục người nghe bằng loạt sáng tác mới song đa phần trong số đó đều bị khán giả đặt nghi vấn đạo nhạc, đạo lời. Nếu Khi chúng ta già trùng lặp ý tưởng với một bài thơ cùng tên của tác giả Việt Hà, thì MV Xuân Swing lại có nội dung giống MV Not fair của ca sĩ người Anh Lily Allen.
Đông Nhi, Sơn Tùng MT-P, Phạm Hồng Phước - ba trong số các ca sĩ vướng nghi án đạo nhái ở nửa đầu 2014.
Ngoài Đông Nhi, Sơn Tùng MT-P, Phạm Hồng Phước, một số nghệ sĩ khác cũng bị cư dân mạng tố đạo nhái như Huy Tuấn (đạo nhạc - ca khúc Chờ người nơi ấy), Mr. T (đạo nhạc - ca khúc Butterfly), Cao Thái Sơn (đạo ý tưởng clip - MV Yêu em là định mệnh)...
Có thể thấy, đạo nhái là vấn đề nhức nhối của nhiều nền âm nhạc trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Tình trạng sao chép giai điệu, đạo hình ảnh, "mượn" ý tưởng... cứ diễn ra thường xuyên. Hai trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các nghệ sĩ trẻ chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề bản quyền và với bối cảnh internet phát triển rộng khắp, toàn cầu hóa về mọi mặt, họ càng dễ bị ảnh hưởng từ người khác (đôi lúc là vô thức) trong khi bản thân chưa định hình cho mình một phong cách, một hướng đi riêng. Trước đây, ở Vpop, lứa nghệ sĩ 8X như Ưng Hoàng Phúc, Khắc Việt, Bảo Thy, Thủy Tiên... cũng mắc phải những sai lầm tương tự.
Chấm đen đáng tiếc tiếp theo trong bức tranh Vpop nửa đầu 2014 là vấn đề ca sĩ hát live kém. Mặc dù câu chuyện này không mới, song nó lại cho thấy một thực trạng đáng buồn về khả năng thật sự của những người cầm mic. Ở thời buổi công nghệ, kỹ thuật phòng thu phát triển mạnh như hiện nay, một số người trẻ đôi khi chỉ cần sở hữu chất giọng "thường thường bậc trung" cũng có thể trở thành ca sĩ.
Trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 3, hoa hậu Giáng My và nhà báo Minh Đức đã dành cho Ngô Kiến Huy không ít lời chê về khả năng hát live của nam ca sĩ như "Hát không rõ lời..." hay "Quá tự tin vào hiệu quả tên tuổi của mình chăng mà thiếu việc đầu tư vào phần trình diễn? Hát như thể thôi hát nhanh lên, sắp hết rồi, bài này ai cũng biết rồi không cần phải nhấn nhá gì nhiều cả".
Đêm chung kết Gương mặt thân quen mùa 2, ca sĩ trẻ Cao Hữu Thiên - con trai nuôi của danh hài Hoài Linh cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận vì khả năng hát live yếu, nhiều lỗi chênh phô của mình.
Bên cạnh việc đạo nhái cùng khả năng hát live kém của một số ca sĩ, làng nhạc Việt trong sáu tháng qua vẫn còn tồn đọng không ít vấn đề đáng bàn khác, điển hình là tình trạng thiếu hụt các nhóm nhạc chuyên nghiệp, sự lấn át mạnh mẽ của các show truyền hình thực tế đối với những cuộc thi âm nhạc chính thống, hiện tượng fan cuồng thần tượng quá mức, hay hàng loạt scandal liên tiếp (Anh Thúy giả danh Huyền Minh đi thi X Factor Việt, Phương Thanh tố Đàm Vĩnh Hưng dùng bùa ngải hại mình, Trúc Nhân tố Hương Tràm giả tạo, Quang Lê bị chỉ trích vì nhiều lần khoe của, nghi án chương trình Bài hát yêu thích dìm hàng Phương Mỹ Chi, Mr. T, Yanbi, T-Akayc bị phạt khi cùng nhau thể hiện ca khúc chứa nội dung dung tục mang tên Phiếu bé ngoan)...
Ngoài ra, Vpop nửa đầu 2014 cũng phải tiễn biệt ba nhạc sĩ tài hoa gồm Thanh Bình, Thuận Yến và Phạm Anh Cường.
Làng nhạc Việt hứa hẹn sẽ còn sôi động, đa sắc hơn trong sáu tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhiều ca sĩ chọn tung ra loạt sản phẩm âm nhạc ấp ủ của mình. Song song đó, không ít tài năng mới chắc hẳn cũng được tìm thấy, tỏa sáng khi các show truyền hình thực tế dần đi đến hành trình cuối cùng.
Theo zing
Những hoàng tử "hữu danh vô thực" của Vpop Đều được khoác lên mình danh hiệu "Hoàng tử" của làng nhạc Việt, nhưng dường như Bùi Anh Tuấn, Quang Vinh, Lê Hiếu... ngày càng đuối sức trong chiếc áo có vẻ quá rộng với mình. Bùi Anh Tuấn - "Hoàng tử scandal" Từ vòng Giấu mặt của cuộc thi The Voice 2012, cái tên Bùi Anh Tuấn bỗng dưng trở thành một...