Ca sĩ không xuất hiện, không hát thì lấy đâu ra tiền?
“Nói ca sĩ Việt xuất hiện suồng sã trước liveshow có phần nặng nề”
Sau chặng đường 20 năm ca hát, cho đến thời điểm này, ca sĩ Quang Hà vẫn đi hát miệt mài vẫn chạy show miệt mài và thường xuyên thực hiện những sản phẩm, đêm nhạc riêng. Đối với nam ca sĩ “Trăm năm không quên” thì việc đứng trên sân khấu biểu diễn không chỉ vì niềm đam mê yêu nghề mà còn là nguồn thu nhập gần như duy nhất.
Quang Hà không phủ nhận ý kiến cho rằng, tần suất xuất hiện liên tục của ca sĩ trước liveshow dễ gây nhàm chán cho khán giả. Tuy nhiên, theo anh đó là việc “cực chẳng đã”.
“Đói thì đầu gối phải bò. Nếu không đi hát, không xuất hiện thì lấy đâu ra tiền? Nghệ sĩ cũng cần phải ăn uống, sinh hoạt, thậm chí chi phí còn đắt đỏ hơn người bình thường”, Quang Hà nói.
Theo anh, nếu so sánh nghệ sĩ Việt với nghệ sĩ nước ngoài thì có phần khập khiễng. Ca sĩ Việt không đi hát sẽ không có thu nhập trang trải cuộc sống. Nhất là trong bối cảnh vấn đề về tác quyền, thu nhập từ băng đĩa, thu âm ở Việt Nam chưa được chú trọng.
Thanh Lam như “lên đồng” khi hát trong liveshow của ca sĩ Pham Phương Thảo mới đây.
Đồng tình với quan điểm của ca sĩ Quang Hà, ca sĩ- nhạc sĩ Trường Giang, người chuẩn bị thực hiện đêm minishow riêng vào cuối tháng 11 tới tại Hà Nội cho biết khó có thể so sánh ca sĩ Việt với ca sĩ nước ngoài.
“Nếu có phép toán so sánh giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ nước ngoài thì không bao giờ đúng cả vì chúng ta đang sống ở hai nền văn hóa khác nhau. Hai phạm trù công việc khác nhau. Âm nhạc Việt Nam chưa xuất hiện quá lâu và chưa phát triển quá mạnh nên không thể nói nghệ sĩ Việt Nam chuyên nghiệp ngay như nghệ sĩ nước ngoài được.
Nếu chúng ta có bài toán về chuyên nghiệp của nghệ sĩ thì chúng ta phải có những cái phạm trù, đủ và tính hiệu quả. Hiệu quả ở đây nghĩa là họ phải sống được với nghề. Phải được tồn tại, hâm nóng, được xuất hiện trước công chúng theo các cách khác nhau”, Dương Tràng Giang bày tỏ ý kiến.
Theo anh, nếu nói “ca sĩ Việt xuất hiện suồng sã” trước liveshow thì có phần hơi nặng nề cho nghệ sĩ. Anh nghĩ rằng, muốn thực hiện những chương trình nghệ thuật chất lượng thì trước hết nghệ sĩ phải “sống được” đã.
Ngay Diva cả Thanh Lam, người được nhạc sĩ Quốc Trung có những yêu cầu khắt khe muốn chị dồn toàn bộ sức lực, tâm huyết cho liveshow riêng vào đầu tháng 12 tới cũng bày tỏ sự khó khăn khi phản đối diện trước vấn đề “không có nguồn thu nhập”.
“Nếu không đi hát thì sẽ không có nguồn thu nhập. Vì thế việc hạn chế xuất hiện, đi hát trước show diễn quả thực đối với tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác, thật không dễ dàng gì”, chị nói. Dù rất hạn chế nhưng Thanh Lam cũng không thể chối từ việc xuất hiện trong liveshow mới đây của ca sĩ Phương Thảo.
Video đang HOT
Và trên thực tế, không ít tên tuổi nghệ sĩ hải ngoại như Bằng Kiều, Thu Phương, Minh Tuyết… khi về Việt Nam làm show riêng cũng đều “tranh thủ” tham gia không dưới một chương trình, sự kiện khác…
“Ca sĩ Việt không sống được nhờ liveshow”
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định: “Với nghệ sĩ quốc tế, họ có thể sống được qua việc làm liveshow. Một nghệ sĩ quốc tế, để chuẩn bị một show diễn vòng quanh nước Mỹ, vòng quanh châu Âu hoặc vòng quanh thế giới, người ta có thể dừng hẳn mọi hoạt động trong vòng nửa năm trước đó để người ta tập trung cho liveshow. Và số tiền bán vé từ liveshow, tour diễn đủ để họ trang trải mọi thứ khác.
Nhưng ở Việt Nam lại không thể. Chi phí đầu tư chương trình lớn mà lại không bán được vé. Không ít nghệ sĩ Việt làm liveshow chỉ để khẳng định vị trí, nghề nghiệp và thể hiện tình yêu với âm nhạc”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, ở Việt Nam, liveshow bán được vé thì đó là những liveshow mang tính chất thương mại, chạy theo thị hiếu, chiều lòng khán giả. Ví dụ nhạc xưa, nhạc Bolero đang được yêu thích. Và một vài ca sĩ theo dòng nhạc chiều theo thị hiếu khán giả thì liveshow mới bán được vé, không bị lỗ.
“Tôi nghĩ liveshow vừa qua của ca sĩ Phạm Phương Thảo, Lan Anh, Đăng Dương, NSND Quang Thọ…, đó là những liveshow chất lượng tốt. Nhưng mà, hầu như các nghệ sĩ làm liveshow để “để đời”, có thể cũng có nghệ sĩ kêu gọi được nhà tài trợ, có thể liveshow không lỗ nhưng nó chưa thực sự đúng nhu cầu cung và cầu. Các nghệ sĩ cũng không chờ đợi làm liveshow để kinh doanh có nguồn thu nhập sống”, anh dẫn chứng.
Cũng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, anh đồng tình với quan điểm của nhạc sĩ Quốc Trung rằng giá vé các đêm liveshow của ca sĩ Việt quá cao so với mức thu nhập của người dân bình thường.
“Tôi có đọc những bình luận của khán giả dưới chương trình quảng cáo đêm nhạc của NSND Quang Thọ gần đây thì nhiều comment nói, tại sao giá vé lại đắt?
Thậm chí có người nói, chương trình của NSND thì không thể bán giá vé như vậy. Họ đưa ra ví dụ về việc ngày xưa nghệ sĩ Trần Khánh cầm guitar đứng hát hết cả buổi tối ở giữa các mỏ than”, anh chia sẻ thêm.
Nhưng theo anh, mỗi thời mỗi khác và đời sống nghệ thuật cũng thế. Trước đây, các nghệ sĩ ăn lương nhà nước nhưng bây giờ hầu hết là tự trang trải cuộc sống. Và để có một chương trình âm nhạc được tổ chức như thế này, NSND Quang Thọ đã phải nhờ đến sự ủng hộ, giúp sức rất lớn của đơn vị tổ chức.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, các ca sĩ không nên xuất hiện quá nhiều trước liveshow: “Dẫu biết, với điều kiện thực tế của âm nhạc Việt Nam, các ca sĩ không thể bỏ bễ các show diễn vì đó là nguồn sống của họ. Nhưng sự cẩn trọng, yêu cầu khắt khe về bản thân, nghề nghiệp cũng như sự chuyên nghiệp là điều các ca sĩ Việt cần hướng tới.
Một liveshow bị lỗ không chỉ vì chi phí quá lớn, sự xuất hiện tràn lan của các chương trình, gameshow truyền hình mà còn một phần do sự xuất hiện nhiều của nghệ sĩ gây nhàm chán đối với khán giả.
Vì sao danh ca Chế Linh, Tuấn Vũ… luôn được chào đón, các chương trình gần như bán hết sạch vé? Cũng bởi vì các nghệ sĩ ít xuấn hiện trên truyền hình, tham gia sự kiện, gameshow”
Theo Tin 247
Ca sĩ Phạm Phương Thảo - bởi em là gái Nghệ
Ngoài những ca khúc do mình sáng tác và biểu diễn, ca sĩ Phạm Phương Thảo vừa phát hành một... tập thơ có tên gọi "Đi hết xuân thì". Ca sĩ Phạm Phương Thảo đang chứng minh bản lĩnh một "Gái Nghệ" như chính bài hát mà cô từng viết "Bởi em là gái Nghệ. Gái Nghệ uống nước dòng Lam, hát câu ví dặm mà nên em, sắc như dao, mềm như lụa và thủy chung".
Phạm Phương Thảo đã gắn bó với nghiệp cầm ca được 15 năm, kể từ giải thưởng "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại cuộc thi Sao Mai 2003. Chặng đường ấy không ngắn với một đời người, và càng không ngắn với một giọng ca nữ.
Tuy nhiên, để đến được với nghề ca sĩ, Phạm Phương Thảo đã vượt qua không ít khó khăn của một cô bé nghèo sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An như cô tâm sự: "Ngày nhỏ, tôi thích xem chương trình ca nhạc, rất ngưỡng mộ những người được xuất hiện trên tivi nhưng làm ca sĩ không phải ước mơ của tôi. Tôi thích làm cô giáo dạy Văn. Cơ duyên đưa đẩy khi có đoàn ca múa kịch Hương Sen đến nhà hỏi tôi muốn làm ca sĩ không thì tôi lập tức trả lời không. Bố mẹ cũng không thích tôi làm ca sĩ. Nhưng sau khi đi đến trường, tôi kể chuyện với các bạn thì các bạn lại ngạc nhiên vì sao tôi lại bỏ cơ hội có thể làm người nổi tiếng... Tôi thay đổi quyết định và về nhà xin bố mẹ. Bố tôi kiên quyết phản đối. Ông nói: "Không hát hò gì cả, lo đi học đi". Còn mẹ tôi hiểu được tâm tư nên chỉ khuyên răn tôi: "Mẹ thấy các ca sĩ toàn bỏ chồng thôi hoặc bị chồng đánh vì suốt ngày đi. Con đừng học làm ca sĩ".
Lúc ấy tôi khóc rất nhiều và gạt hết những lời nói của bố mẹ. Bố mẹ nhìn tôi khóc thì im lặng không nói gì. Tôi không biết đêm hôm ấy bố mẹ nói chuyện với nhau như thế nào mà tới ngày hôm sau, mẹ tôi bảo: "Việc con đi hay ở sẽ hoàn toàn quyết định tương lai của con sau này. Nhà mình rất nghèo, nhưng con quyết định thì bố mẹ sẽ cố gắng".
Đoàn ca múa kịch Hương Sen chỉ tài trợ tiền học thôi, tiền chi phí sinh hoạt bố mẹ phải lo, bố mẹ không biết nhìn vào đâu để lo cho con hàng tháng. Ngày đó, bố mẹ cho tôi 300.000đ/tháng. Với một gia đình 5 anh em đi học, thu nhập hoàn toàn từ nông nghiệp, việc tôi ra Hà Nội là quá sức với bố mẹ tôi bấy giờ. 16 tuổi tôi đã xa cha mẹ, không có người thân bên cạnh chỉ bảo cho mình chặt chẽ nên bản thân cũng tự chèo lái con thuyền số phận của mình.
Nhưng sau cùng, tôi nghĩ, tất cả những điều đó mình kiểu gì cũng phải đi qua vì đó là số phận, số phận sẽ dẫn mình đến với con đường đó, mình bắt buộc phải là người như thế".
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Phương Thảo có cách riêng để chinh phục khán giả, không chỉ bằng dòng nhạc mang âm hưởng dân ca mà còn bằng chính những sáng tác của cô như "Hết đứng lại ngồi", "Chút tình em gửi", "Mơ quê", "Cho em thôi chòng chành"... Có lẽ ít ca sĩ nào tự tin thể hiện khả năng sáng tác của mình một cách bền bỉ như Phạm Phương Thảo.
Đó cũng là một chọn lựa độc đáo mà không phải ca sĩ nào cũng mạnh dạn theo đuổi trên hành trình ca hát. Bởi lẽ, nếu chỉ tập luyện và chạy show từ những bài hát của giới nhạc sĩ sẽ dễ dàng hơn và thu nhập cao hơn. Thế nhưng, ca sĩ viết ca khúc để hát thì nhiều người đã thử sức, nhưng ca sĩ làm thơ như Phạm Phương Thảo thì thuộc loại hiếm hoi.
Trước đây, ca sĩ Trần Thu Hà từng phát hành tập thơ "Thập kỷ yêu" khá ấn tượng. Bây giờ, Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ "Đi hết xuân thì" cũng thú vị không kém! Tập thơ "Đi hết xuân thì" được chia làm ba phần "Mơ duyên", "Hoa trôi" và "Lời mẹ cha". Phạm Phương Thảo cho rằng cô đến với thơ vì muốn được sống thật với bản thân, khác với sáng tác nhạc mang tính chất biểu diễn, đôi khi không được là mình.
Mỗi bài thơ đối với Phạm Phương Thảo là câu chuyện nhỏ khó quên, mà cô hy vọng khán giả thấy tâm tư, hình ảnh đời thường của bản thân sau ánh đèn sân khấu.
Đọc thơ Phạm Phương Thảo, không khó để nhận ra bản lĩnh của gái Nghệ: "Em là con gái miền trong/ Không muốn lấy chồng nhưng lại thích con" hoặc "Thì xin một cuộc đứt hơi/ Thì xin lại được chơi vơi vì tình".
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đồng hương của ca sĩ Phạm Phương Thảo, nhận định: "Có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ cũng giống như đàn ông. Nhiều bài thơ người ta đọc cứ nghĩ là đàn ông viết. Riêng Phạm Phương Thảo làm thơ rất nữ và điều đó làm cho thơ của Thảo có sự lay động, gần gũi với người phụ nữ. Khi tôi đọc xong cả tập thơ, tôi nhận thấy sự dịu dàng xuyên suốt, dịu dàng ngay cả khi Phạm Phương Thảo... chửi".
Ca sĩ Phạm Phương Thảo tự thú nhận "hay dùng võ mồm để che đi yếu đuối", nhưng cô thực sự là một người hành động. Mỗi sản phẩm của Phạm Phương Thảo đều rời khỏi những khuôn phép cố định.
Ví dụ, với ca khúc "Chàng vinh quy" do mình sáng tác, Phạm Phương Thảo đã mời đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng dàn dựng music video cho mình. Đạo diễn Khải Hưng xưa nay chỉ làm phim truyện truyền hình, nhưng trước sự thuyết phục của ca sĩ Phạm Phương Thảo, ông cũng phải trổ tài làm clip ca nhạc.
"Chàng vinh quy" với gần 200 diễn viên quần chúng từ trẻ em đến người già được huy động quay 3 ngày tại Ninh Bình, thực sự là một music video đáng nể. Cũng chính ca khúc "Chàng vinh quy" đã mang về cho ca sĩ Phạm Phương Thảo một Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 tổ chức ở Đà Nẵng.
Một nghệ sĩ cá tính như Phạm Phương Thảo chắc chắn không dễ tìm được hạnh phúc đơn sơ như những người phụ nữ bình thường. Ca sĩ Phạm Phương Thảo chia sẻ rất thẳng thắn rằng mình đã qua hai đời chồng, một lần tổ chức rình rang, một lần chỉ nhận trầu cau và thắp hương với tổ tiên.
Cô nói rất thật thà mà cũng rất đáo để: "22 tuổi tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Quân đội, tôi vẫn còn đang đi rình các bạn xem họ yêu nhau thì nói thế nào. Nghĩa là 22 tuổi tôi chưa biết gì. Năm nay 37 tuổi, tôi đã trải không ít cay đắng vì tình yêu, bởi tôi cũng là một người đàn bà đa đoan trong suy nghĩ. Có nhiều lúc, tôi cũng cảm thấy rất đau trong cuộc sống của mình nhưng chỉ cần viết một bài thơ, một ca khúc thôi thì tất cả lại nhẹ nhàng và trôi đi hết. Tôi nhớ lần đau nhất của mình là tống tiễn ông chồng đầu tiên ra khỏi cuộc đời...".
Ca sĩ Phạm Phương Thảo không biết sử dụng chiêu trò để đánh bóng hình ảnh như những ngôi sao đương thời. Tuy nhiên, nội lực của Phạm Phương Thảo thì đồng nghiệp phải thừa nhận. Trong bối cảnh ca nhạc chủ yếu "lấy mắt bù tai", một ca sĩ hào hứng sáng tạo như Phạm Phương Thảo không nhiều.
Một ca sĩ Phạm Phương Thảo của nghệ thuật và một ca sĩ Phạm Phương Thảo của đời thường, hầu như không có gì khác biệt, rất hồn nhiên mà cũng rất quyết liệt: "Tôi có nhu cầu người đàn ông luôn có mình trong lòng, đó là sự ích kỷ của đàn bà. Có lẽ vì lý do đó mà tới giờ không có người nào bên tôi quá 5 năm. Cứ 5 năm, sang ngày tiếp theo của năm thứ 6 là người ấy lại ra đi... Tôi hơi phức tạp và mâu thuẫn về nội tâm. Bình yên đến mức phẳng lặng thì sẽ rất tẻ nhạt với người phụ nữ như tôi. Cái gì quá cũng không tốt. Sự bình yên của tôi bao gồm cả nỗi buồn nữa mới đủ gia vị cảm xúc cho cuộc sống. Người đàn ông làm tôi buồn cũng có thể sẽ làm tôi hạnh phúc, nhưng đừng là người đàn ông làm tôi chán!"
Theo thanh nien
Lộ diện 4 nam ca sĩ được khen là 'F4 của Việt Nam' Khán giả gọi bộ tứ Bùi Anh Tuấn, Trung Quân Idol, Erik và Hoàng Tôn là F4 Việt Nam sau khi trình diễn chung một liên khúc. Chương trình mang đến những sự kết hợp đầy bất ngờ cho người xem. Mới nhất là liên khúc Nợ ai đó lời xin lỗi đã được thể hiện lại qua giọng hát của 4 nam...