Ca sĩ, diễn viên cũng phải nhập ngũ
Nam thanh niên đang là diễn viên, ca sĩ, người mẫu… nếu vẫn còn trong độ tuổi 18-25 và không theo học trường nào sẽ thuộc diện đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết Bộ Quốc phòng và Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng Luật Nghĩa vụ quân sự mới, gộp 4 luật đã sửa đổi, bổ sung từ năm 1981-2005.
Ưu tiên nhập ngũ
Theo vị này, việc Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 13/2013 chỉ nhằm xử lý những vấn đề liên quan đến nhập ngũ, chứ không điều chỉnh đối tượng thuộc diện miễn, hoãn nhập ngũ thời bình như quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2005 và nghị định hướng dẫn của Chính phủ. “Nội dung trong Thông tư 13 là hoàn toàn đúng luật. Muốn thay đổi diện miễn, hoãn nhập ngũ thời bình thì phải sửa luật ban hành năm 2005″ – vị này nói.
Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định chỉ những người đang đi học mới thuộc diện hoãn nhập ngũ. Thông tư 13 chỉ một lần nữa tái khẳng định: Những người chưa thực sự học thì chưa đủ điều kiện để hoãn, người đang thực sự học thì được hoãn. Vì thế, dù đã trúng tuyển đại học, cao đẳng hoặc đang chờ nhận giấy báo nhập học nhưng có giấy báo nhập ngũ thì phải ưu tiên nhập ngũ trước.
Ông Phạm Quang Nghị – Bí thư thành ủy Thành phố Hà Nội – đến tiễn những người con ưu tú của Thủ đô lên đường nhập ngũ (Ảnh: Hồng Phú/Khampha.vn)
“Bộ Quốc phòng đang có chủ trương báo cáo Chính phủ để Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc sửa luật. Nếu được Quốc hội thông qua trong chương trình kỳ họp về xây dựng pháp luật thì năm 2014 mới bắt đầu thực hiện. Việc xây dựng Luật Nghĩa vụ quân sự mới chắc chắn sẽ điều chỉnh, thay đổi quy định liên quan đến đối tượng miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự thời bình sao cho hợp lý nhất” – vị đại diện Ủy ban Quốc phòng – An ninh nói.
Không có sự phân biệt
Video đang HOT
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng), điều 77 Hiến pháp 1992 quy định “công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia quốc phòng toàn dân”.
Tuy nhiên, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được lấy ý kiến nhân dân đã bổ sung một nội dung mới: “Thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”. Điều đó cho thấy những suy nghĩ của ban soạn thảo đạo luật gốc – ảnh hưởng tới toàn bộ các luật khác về sau – trong tình hình xây dựng đất nước hiện nay là bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ xây dựng quốc phòng toàn dân, nhập ngũ để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi cần thiết còn có việc thực hiện những nhiệm vụ khác để xây dựng Tổ quốc về mặt kinh tế, chính trị vững mạnh.
Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng), cho biết trong đợt tuyển nghĩa vụ quân sự sắp tới (dự kiến vào tháng 8), nam thanh niên trong độ tuổi từ 18-25 ở các địa phương sẽ được gọi khám sức khỏe. Tùy theo yêu cầu huấn luyện, các địa phương sẽ được giao số lượng tuyển quân. “Nam ca sĩ, người mẫu hay diễn viên dù đã đi làm nhưng không tham gia học ở các trường lớp theo quy định thì không thuộc diện được miễn, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và vẫn phải nhập ngũ bình thường, không có sự phân biệt nào cả” – ông Diệp nói.
Cần kịp thời phản ánh hiện tượng tiêu cực
Theo đại tá Nguyễn Minh Diệp, nếu người dân phát hiện những thanh niên đủ tiêu chuẩn nhưng không được gọi đi khám sức khỏe hoặc có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực trong việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự (kể cả con em quan chức) thì phản ánh ngay tới chính quyền địa phương. Nếu phát hiện cán bộ làm công tác tuyển chọn, khám sức khỏe lợi dụng quy định về nghĩa vụ quân sự thời bình để vòi vĩnh, sách nhiễu thì người dân phản ánh ngay tới cấp lãnh đạo chính quyền địa phương hoặc ban chỉ huy quân sự quận, huyện để có điều kiện xác minh, xử lý kịp thời.
Theo 24h
Bộ GD lên tiếng về quy định nhập ngũ mới
"Quân đội rất cần các em. Các em cần hiểu mình có vai trò rất lớn quyết định sức mạnh quân đội..." - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thiện Minh nói.
Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
Một số điểm quan trọng của thông tư này là: "Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm, thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ....
- Quy định khiến không ít học sinh băn khoăn. Các em cho rằng việc phải gác học đại học để làm nghĩa vụ sẽ khiến kiến thức cũng như hoài bão theo ngành học đó bị rơi rụng. Ông có chia sẻ gì về ý kiến này?
Vụ trưởng Nguyễn Thiện Minh: Các em cần hiểu rằng cơ hội tham gia vào lực lượng thường trực đối với một công dân chỉ có 2 năm, còn việc học tập là suốt đời. Quá trình đó có thể anh quên kiến thức một chút nhưng anh có cả một thời gian sau này để ôn tập, học tập.
Xác định được việc gì cần làm trước, việc gì có thể tạm gác lại làm sau sẽ không ảnh hưởng gì đến ước mơ, khát vọng theo ngành mình đã lựa chọn khi thi đại học.
Hơn nữa, tôi tin các em đủ sáng suốt để hiểu nhiệm vụ thiêng liêng và việc học tập suốt đời.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng Nguyễn Thiện Minh. Ảnh: Văn Chung
- Trước khi thống nhất được ra quy định này, hai bộ đã tính đến việc này chưa, thưa ông?
Chúng tôi đã ngồi lại và bàn bạc kĩ lưỡng những vấn đề có thể xảy ra, trong đó có việc sinh viên sẽ tạm dừng việc học để tham gia quân ngũ.
Thực tế, một số nước không khó khăn như chúng ta, điển hình như Hàn Quốc, Israel đã làm việc này từ lâu. Họ quy định anh làm nghĩa vụ xong rồi muốn học gì thì làm sau đó. Việt Nam mới bắt đầu làm việc đó. Ta đang đi học cái tốt của họ đã làm rồi.
Vấn đề là tuyên truyền thay đổi nhận thức của học sinh sinh viên. Chúng ta đều hiểu khi và chỉ khi còn đất nước, mọi người mới có thể yên tâm học hành và làm việc.
- Sinh viên có vai trò như thế nào khi tham gia vào lực lượng quân đội, thưa ông?
Quân đội ta phải mạnh. Không tuyển chọn lực lượng có trình độ cao, quân đội ta không thể lớn mạnh được. Đã qua rồi thời kì chống Mĩ, nay là tác chiến điện tử, là bản đồ số,...cơ động lắm. Từ tính chất và cách đánh khác hẳn ngày xưa, đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải có trình độ học vấn cao.
Các em cần hiểu mình có vai trò rất lớn quyết định sức mạnh quân đội. Sinh viên đỗ đại học là tốt, nếu đã qua thời gian học tập ở giảng đường đại học việc làm quen với các loại vũ khí mới sẽ rất nhanh. Quân đội rất cần các em.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian trong quân ngũ là thời gian quý báu để rèn luyện bản lĩnh cho mỗi con người. Một số sinh viên khi bước vào giảng đường đại học có lối sống buông thả hay chưa khoa học. Môi trường quân đội sẽ giúp các em chỉnh trang lối sống, phong cách nhiều. Quân đội cũng là trường học lớn. Vào đó, mỗi người sẽ cảm thấy mình thay đổi và lớn hẳn lên.
Hiện chúng tôi đang lên phương án để cho các em học sinh tiếp xúc thường xuyên với các binh chủng. Như vậy các em sẽ hiểu và quen dần mình sẽ là một người lính, khoác trên vai màu áo bộ đội cùng chiến đấu bảo vệ tổ quốc khi đất nước cần. Hơn hết chúng tôi mong các em, gia đình và nhà trường hiểu và chia sẻ trách nhiệm thiêng liêng
này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo 24h
Nhập ngũ sau khi trúng tuyển đại học: Cần công bằng để tránh tiêu cực Ngay sau khi Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT đưa ra Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT bổ sung, sửa đổi về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít băn khoăn về sự công bằng và tránh phát sinh...