‘Ca sĩ còn hát nhạc của tôi nghĩa là tôi còn sống’
“Tôi đã nói về cái chết từ khi 40 tuổi. Tôi coi mục đích tối hậu của con người là cái chết. Tôi không có gì là hãi hùng và buồn phiền cả… Ca sĩ còn hát nhạc của tôi là tôi còn sống”.
Nhạc sĩ Phạm Duy, người vừa đi về miền miên viễn, từng chia sẻ như vậy với VietNamNet nhân dịp chương trình “Điều còn mãi 2012″ của báo trình diễn nhạc phẩm “Tình ca” của ông vào đúng ngày Quốc khánh.
Nhạc sĩ Phạm Duy (5/10/1921 – 27/1/2013) Ảnh: Minh Thăng
Vào thời điểm ấy, sức khỏe ông đã xuống rất nhanh, khiến ông phải ngồi xe lăn, ăn uống khó khăn. Ông gần như thức trắng đêm và chỉ ngủ được vài tiếng vào ban ngày. Ngày bình thường của ông trôi qua trong căn nhà im vắng ở lưng chừng một con hẻm đường Lê Đại Hành. Căn nhà ấy thường chỉ đông vui vào cuối tuần khi con cháu, dâu rể về thăm hỏi, ăn uống.
Ấy vậy mà, khi thần sắc đã trở nên mệt mỏi vì tuổi già, ông vẫn miệt mài sáng tác, và khoe với người viết ông vừa hoàn thành 10 ca khúc phổ thơ của thi sĩ Bích Khê. “Nếu được theo đúng thuyết nhà Phật, người ta ăn ở đức độ thì sẽ được tái sinh. Và nếu có sự tái sinh thì tôi sẽ không thích tái sinh nữa đâu. Bởi vì mệt quá rồi. Các nhạc sĩ ở đây sướng lắm, không ai mệt như tôi cả, không ai đi nhiều, hát nhiều và sáng tác nhiều như tôi cả. Khổ tâm lắm”, ông nói với phóng viên VietNamNet.
Thưa ông, vậy hẳn là ông đã viết di chúc. Cháu xin mạn phép được tò mò, điều gì làm ông tâm tư nhất trong bản di chúc ạ?
Sự thực thì càng nhiều con bao nhiêu, người ta càng lo bấy nhiêu. Sự nghiệp của tôi để lại cũng nhiều. Tôi không chia cho ai cả. Tôi giao cho người con thứ hai của tôi, là đứa có hiếu nhất. Nó có bổn phận là chia cho các anh em. Như vậy thì đỡ rắc rối.
Vậy còn đám tang, ông có tâm nguyện gì về đám tang của mình?
Tôi sợ nhất là vấn đề đó. Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm. Tôi muốn đốt cùng với xác mẹ. Cùng lắm đưa đi một cái chùa nào đó, (trong) một hai bình tro gì đó. Kinh nghiệm như nhà lưu niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đến thì thấy vắng tanh như chùa bà đanh. Ca sĩ còn hát nhạc của tôi, nghĩa là tôi còn sống.
Video đang HOT
Ở tuổi xưa nay hiếm thế này, ông có còn cảm thấy mình mắc nợ gì với cuộc đời không?
Nợ thì nhiều. Tôi tự thấy mình đã sống bừa bãi. Cách nay 10 năm thì tôi ổn định một tí. Còn trước kia tôi liều lắm, tôi làm những chuyện mà người ta không dám làm. Tôi lao vào những trò chơi làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình. Tôi hối hận lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi mong người ta đừng nghĩ nhiều về những hành động đó, mà nhìn vào những bản nhạc của tôi. Còn nói về người ngoan thì tôi không phải là người ngoan.
Cuộc đời đưa ông dường như luôn đứng trước những sự kiện phải chọn lựa giằng xé giữa hai thái cực, vậy có khi nào ông phải trả giá?
Trả giá ghê lắm chứ, nếu tôi đừng bỏ nước ra đi thì chắc tôi vẫn còn 3 căn nhà trị giá 3 triệu USD. Còn 8 đứa con như vậy, gọi là để lại một gia tài thực sự thì ít nhất cũng phải 3 cái nhà chứ. Đó là một cái nhỏ thôi đấy. Còn những cái khác nữa. Trường hợp yêu người này mà không yêu người nọ cũng là một vấn đề nữa. Rắc rối lắm (cười).
Và hôm nay, sau nhiều năm ở hải ngoại, ông đã trở về và đã an nghỉ trên đất mẹ, khép lại trăm năm nhỏ bé và bộn bề như lời ông đã viết trong “Hẹn em năm 2000″. Ông nói ông không phải là người theo lý tưởng sống để mà đi. Thế nên, những năm xứ người là những năm ông đau đáu ngày về. “Tôi là người Việt Nam thì tôi phải sống chết với nước Việt Nam chứ. Khi qua hải ngoại được vài năm, tôi đã viết bài “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”. Nhưng lúc đó tôi không thể về nhà được ngay, đợi đến ba mươi mấy năm thì mới về được. Cả một đời người rồi còn gì”, ông nói.
Minh Chánh
Theo Vietnamnet
Nghệ sĩ Việt tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy
Trên mạng xã hội, hàng loạt những lời nghẹn ngào về sự ra đi của cây đại thụ nhạc Việt.
Ca sĩ Đức Tuấn - một người gắn liền với âm nhạc của Phạm Duy chia sẻ: " Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi..... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối".
Anh cũng cầu mong: " Xin kính chúc nhạc sĩ Pham Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới".
Tùng Dương sau khi nhận được hung tin cũng ngậm ngùi: " Vừa thu thanh Ngậm Ngùi xong thì nghe tin Bác đã ra đi ... Không thể buồn hơn được nữa". Anh cũng đăng bức hình chụp chung với nhạc sĩ quá cố.
Đức Tuấn bày tỏ niềm thương tiếc sâu sắc trên trang cá nhân
Nữ ca sĩ Mỹ Lệ bày tỏ: " R.I.P Phạm Duy. Vẫn biết sẽ có ngày hôm nay, nhưng sao quá khó để chấp nhận mất mát này".
Ca sĩ Trần Quang Hào - Sao mai điểm hẹn 2006 cũng bày tỏ sự nuối tiếc: " Cuộc đời cháu chưa được làm việc với bác nhưng trái tim nghệ sỹ của cháu luôn có hình ảnh bác! Người Nhạc Sỹ cháu yêu quí và kính trọng! Vĩnh biệt bác....".
Trong khi đó, ca sĩ Uyên Linh bày tỏ niềm tiếc thương: "Một năm thật buồn với đại gia đình chú Tuấn Ngọc, bác Lữ Liên, chú Duy Quang rồi đến bác Phạm Duy... Xin chia buồn! R.I.P bác Phạm Duy".
Ca sĩ Việt Tú đến từ Hà Nội xúc động: " NS Phạm Duy mất rồi. Thực sự buồn vì trước giờ vẫn luôn yêu thích âm nhạc của bác. Âm nhạc Việt Nam lại mất đi một cây đại thụ. Cầu mong linh hồn bác luôn mỉm cười nơi chín suối".
Nam ca sĩ này cũng tỏ ra tiếc nuối: " Buồn và tiếc khi chưa kịp khoe với bác bài "Hẹn Hò" nằm trong album nhạc xưa cháu phát hành dịp sau tết. Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bác Phạm Duy".
Ca sĩ Mỹ Lệ cũng bày tỏ cảm xúc xúc động
Là một trong số những nhạc sỹ thế hệ đầu vàng son của âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy từng khiến rất nhiều anh em, bè bạn thán phục.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi có viết: " Trong "gia tài" của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như "Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười"... Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ."
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương trong bài viết Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ cũng dành cho ông những lời ca tụng: " Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống.
Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam.
Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ nàỵ"
Ca sĩ Tùng Dương khoe bức hình chụp chung với NS Phạm Duy
" Từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy Mai Văn Bộ, Lê Thương và Phạm Duy là đặt lời đẹp nhất. Từ năm 1950 đến giờ tôi không theo sát phong trào nhạc mới nên có thể có nhiều người khác đặt lời đẹp mà tôi chưa biết. Có điều tôi chắc là trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tính cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao. Những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình." - Giáo sư Trần Văn Khê từng viết trong bài Nhân xem trường ca "Con đường cái quan" của Phạm Duy
Nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier khi viết về âm nhạc Việt cũng dành cho NS Phạm Duy những lời ca ngợi rất đẹp: " Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác." - (Trích trong cuốn Một người Gia Nã Đại và nhạc Phạm Duy).
Phạm An (T.H)
Theo 24h
Ca sĩ Duy Quang qua đời tại Mỹ Cuộc đời nam danh ca dừng lại ở tuổi 62 vì bệnh ung thư gan ác tính. Duy Quang trút hơi thở cuối cùng vào 11h30 trưa 19/12 tại California, Mỹ (3h30 sáng 20/12 Hà Nội) sau thời gian chống chọi với cơn bạo bệnh. Người thân của anh chia sẻ, những ngày cuối đời, anh gầy sọp đi và chỉ nặng còn...