Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Bị chê nhạc dở và hát ngọng, sao vẫn gây bão?
Với tiếu tấu chậm rãi, ca từ buồn, những sáng tác của Đạt G được cho là mang hơi hướm Bolero. Nhạc của Đạt G có thể không được đánh giá cao nhưng vẫn hợp thị hiếu nhiều người.
Đạt G, trên thị trường âm nhạc, vẫn là cái tên đầy mới mẻ, có phần giống Underground khi chỉ được một bộ phận biết đến. Nhưng những sáng tác của anh lại đang “làm mưa làm gió” Vpop.
Trên trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3, Đạt G là nghệ sĩ đầu tiên trong năm 2018 có 2 ca khúc đứng nhất BXH #zingchart tính theo tuần trong cùng một năm.
Buồn của anh là bản hit đứng nhất BXH tuần đầu tiên của năm 2018. Buồn của anh cũng làca khúc Underground đầu tiên trong lịch sử nhạc Việt chạm mốc 300 triệu lượt nghe trên Zing MP3, hiện con số đã là 342 triệu.
Sau Buồn của anh, Đạt G lại tiếp tục có Buồn không em. Ca khúc đã vượt Duyên mình lỡ để đứng ở vị trí số 1 BXH #zingchart. Sau khoảng một tháng phát hành, Buồn không em đạt gần 40 triệu lượt nghe. Đạt G trở thành một trong những cái tên được chú ý nhất trên Zing MP3 hiện nay.
Đạt G, tác giả của nhiều ca khúc như Buồn cùng em, Buồn của anh.
Nhạc Bolero kiểu mới?
Đạt G không định nghĩa được chính xác thể loại âm nhạc mà mình theo đuổi, anh gọi các sáng tác của mình là “nhạc đời”. Nhưng Đạt G đồng ý với nhận định của Zing.vn rằng nhạc của anh có ảnh hưởng và hơi hướm của Bolero.
Buồn của anh và Buồn không em đều là ca khúc có tiếu tấu chậm rãi – một trong những đặc trưng của nhạc Bolero vốn rất quen thuộc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các ca khúc do Đạt G sáng tác đều có ca từ buồn, đây cũng là điểm tương đồng với nhạc xưa.
Đạt G đã chọn một con đường cũ trong âm nhạc, nói như một số nhạc sĩ đó là “nếp truyền thống của nhạc Việt” với mô-típ nhạc chậm và buồn. Nhạc buồn luôn có một lượng người hâm mộ đông đảo, vượt thời gian.
Đó là lý do Bolero sau nhiều năm vẫn được yêu thích, thậm chí từng bùng nổ trở lại trong khoảng 3 năm từ 2015 đến 2017.
Đạt G không phải dân học nhạc nên cách sáng tác và giọng hát đều bản năng và tự nhiên.
Thế nên, việc nhạc của Đạt G có lượt nghe “khủng” không gây nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ là tại sao một người trẻ như Đạt lại chọn một lối đi cũ, thậm chí là rất cũ thay vì cập nhật những xu hướng âm nhạc hiện đại và thời thượng.
Đạt G cho biết anh yêu thích nhạc xưa, dù không hẳn mến mộ một nhạc sĩ hay ca khúc nào cụ thể nhưng nghe rất nhiều. Theo Đạt G, anh xuất thân từ gia đình lao động, có cha là người thích nghe Bolero nên sớm bị ảnh hưởng bởi thể loại nhạc này.
“Tôi thích nhạc xưa, cả ca từ lẫn giai điệu, đó là những sáng tác chẳng theo khuôn khổ nào cả nhưng chạm đến trái tim người nghe. Tôi nghĩ bây giờ ít nhạc sĩ làm được điều đó. Thế nên ngay từ khi bắt đầu sáng tác, tôi đã muốn viết những ca khúc gần gũi, không cần cao siêu, không cần ở trên trời”, Đạt G bày tỏ.
Tại sao bị nhiều người chê?
Đạt G là người có tài, điều ấy không thể phủ nhận. Không học hành bài bản về âm nhạc, nhưng Đạt G là người trẻ có thể tự sáng tác, tự thể hiện, và cũng là người có thể rap được.
Công bằng mà nói, các sáng tác của Đạt G có ca từ không tệ, không phản cảm, thậm chí còn luôn luôn có câu chuyện, dù quả thực câu chuyện thường rất buồn.
Đạt G có “nét nhạc” rất riêng, kết hợp với một giọng hát cũng rất đặc trưng. Điều đó khiến âm nhạc của Đạt G khi cất lên, đó là của anh, khó có thể trộn lẫn.
Nhưng với nhiều người, việc một người trẻ như Đạt G lại đi theo lối cũ, với cách sáng tác quá cũ cùng những câu chuyện buồn đau bị cho là không văn minh.
Nhận định “không văn minh” còn xuất phát từ việc âm nhạc của Đạt G không có nhiều mới mẻ, sáng tạo – điều nhiều khán giả chờ đợi ở những singer/songwriter 9X.
Thực tế, Đạt G nhận thức được những hạn chế của mình. Tác giả trẻ thừa nhận âm nhạc của mình có thể không sang nhưng anh được là chính mình, được làm thứ mình thích, không phải thứ người khác thích.
“Tôi bắt đầu viết nhạc khi vẫn còn đang làm công việc lao động, chân tay. Tôi cũng không phải là người được học nhạc bài bản. Bây giờ, tôi mới đang học, và đang tự học rất nhiều để hoàn thiện mình”, Đạt G nhấn mạnh.
Về giọng hát, Đạt G cũng thừa nhận bản thân không học thanh nhạc trường lớp. Giọng hát hoàn toàn là tự nhiên và bản năng. Khi bị nhiều người chê hát ngọng, anh cũng đã tìm hiểu.
Và sau đó, Đạt G nhận được câu trả lời từ chính người có chuyên môn, rằng đó là cách phát âm riêng, có yếu tố địa phương, cần cải thiện để tốt hơn, nhưng không nên thay đổi hoàn toàn.
Có phải âm nhạc “thời vụ”?
Khi được đề nghị bình luận về trường hợp Đạt G với ca khúc Buồn của anh và Buồn không em, một nhạc sĩ có tiếng cho biết đó chỉ là âm nhạc thời vụ. “Thời vụ” ở đây được hiểu là chỉ được yêu thích nhất thời, khó có sức sống bền bỉ.
Đạt G có thể coi là một thành viên của cộng đồng Undergound/Indie, tự sáng tác, tự thể hiện, có thể tự làm nhạc. Nhưng khác với nhiều gương mặt Indie khác, âm nhạc của Đạt G lại không được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí nhiều khán giả cũng nhận xét nhạc của Đạt G khá bình thường.
Buồn của anh, Buồn không em hay một vài ca khúc khác do Đạt G sáng tác như Đừng quên tên anh, ca từ đều dễ hiểu, cấu trúc ca khúc đơn giản, dễ hát dễ thuộc gần như không có đòi hỏi gì đáng kể về kỹ thuật. Chất liệu sáng tác, đến cách hòa âm – phối khí cũng giản đơn, không cầu kỳ, kỹ lưỡng, thậm chí còn có ý kiến cho rằng “hơi chợ”.
Khi giải mã Đạt G, có ý kiến cho rằng sở dĩ anh có thể gây chú ý trong năm 2018 xuất phát từ việc đầu năm đến nay thị trường âm nhạc khá ảm đạm, không có nhiều ca khúc mới, sản phẩm của một số ngôi sao cũng không “đình đám” được như kỳ vọng.
Trong bối cảnh gần như không có nhiều thứ để nghe, Đạt G bất ngờ được khán giả chọn lựa và yêu thích. Ý kiến này có vẻ chủ quan nhưng không phải là không có lý. Bởi lẽ, yếu tố “thiên thời – địa lợi” từ lâu vẫn luôn có những ảnh hưởng mang tính quyết định trên thị trường âm nhạc.
Có thể thấy, có nhiều yếu tố để Đạt G đạt được những thành tích mà chính anh cũng còn đang bất ngờ. Nhưng những sáng tác đó có phải “thời vụ” hay không thì rất cần những quan sát dài hơi và kỹ lưỡng hơn.
Đạt G không hướng nhạc mình thành “nhạc sang”, muốn viết nhạc gần gũi với số đông người nghe.
Nhạc Việt từng chứng kiến không ít trường hợp nổi lên như “hiện tượng” với những ca khúc có lượt nghe ngất ngưởng, MV có lượt xem “khủng” nhưng sớm bị lãng quên. Đó cũng là bi kịch của những “hiện tượng” không sự đầu tư, làm mới, trau dồi và nâng cao chất lượng của chính mình.
Đạt G có lẽ cũng sẽ không phải là một trường hợp ngoại lệ. Buồn không em, dù vẫn đứng đầu BXH #zingchart nhưng rõ ràng đã không thể “hot” như Buồn của anh trước đó.
Đạt G có lẽ biết điều ấy. Vì thế đó là lý do, như anh tâm sự, anh đang phải học và tự học, rất nhiều, để nâng cao và bồi đắp kiến thức, trước hết là về âm nhạc cho bản thân.
Theo Zing
Phạm Quỳnh Anh tiếp tục bị chê dở khi hát 'Cho em quên tuổi ngọc'
Sau khi ra mắt ca khúc "Biển tình" song ca cùng Hoàng Hiệp, Phạm Quỳnh Anh gửi tới khán giả bài hát thứ 2 - "Cho em quên tuổi ngọc" trong chuỗi dự án "Lam Phương - The gift".
Cho em quên tuổi ngọc - Phạm Quỳnh Anh Nữ ca sĩ tiếp tục nhận ý kiến trái chiều với ca khúc thứ 2 trong dự án Lam Phương - The gift.
Ngay sau khi phát hành ca khúc đầu tiên trong chuỗi live music video Lam Phương - The Gift là Biển tình, Phạm Quỳnh Anh đã nhận không ít ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là các khán giả yêu mến dòng nhạc xưa, nhạc bolero trữ tình. Cô bị đánh giá hát quá nức nở, quá điệu ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương, khiến bài hát mất đi cái hay vốn có.
Đến tập 2 vừa được ra mắt, nữ ca sĩ thể hiện bài Cho em quên tuổi ngọc. Có thể thấy Phạm Quỳnh Anh đã cố gắng thổi hồn mình vào bài hát, nhận được lời khen hơn so với Biển tình. Tuy nhiên, đa phần khán giả vẫn không đồng cảm được cách hát của nữ ca sĩ.
Phạm Quỳnh Anh quay chuỗi MV nhạc Lam Phương ở Mỹ
Một người yêu nhạc bình luận: "Giọng hát Phạm Quỳnh Anh có những chỗ hơi bị thô, hay quá trầm, không nghe được chữ. Điển hình là câu cuối cùng, tôi không nghe được chữ cuối là gì".
Trong khi đó, khán giả Tùng Linh đánh giá: "Quỳnh Anh hát quá dở, thể hiện bài hát từ đầu đến cuối như đi trên một con đường bằng phẳng, không có lên cao, xuống dốc".
Một khán giả khác cho rằng nữ ca sĩ không có chất giọng phù hợp để hát nhạc Lam Phương nên cố gắng đến mấy cũng khó truyền tải được bài hát đến người nghe.
Hát lại những tình khúc nổi tiếng nhiều năm qua Phạm Quỳnh Anh còn vướng phải sự so sánh với ca sĩ thể hiện trước. Nếu Hà Anh Tuấn cover lại các ca khúc hit trong dự án See, Sing, Share bằng nét riêng, thậm chí được đánh giá hay hơn bản gốc thì cựu thành viên HAT chưa làm được điều đó. Khán giả cho rằng họ vẫn thích Cho em quên tuổi ngọc qua giọng hát của danh ca Bạch Yến hoặc giọng ca hải ngoại Ngọc Anh hơn.
Nhạc sĩ Lam Phương trong ngày ghi hình ca khúc.
Trước ý kiến trái chiều, nữ ca sĩ cho rằng bản thân sẵn sàng đối diện với tâm thế bình thản. Khi hát Cho em quên tuổi ngọc, cô muốn khán giả tạm quên đi tuổi thật của bài hát.
Cô cho rằng: "Nhạc Lam Phương không có tuổi, mà phải gọi là nhạc đến tuổi". Nghĩa là khi đến một độ tuổi nhất định người ta sẽ cảm nhận được câu chữ và giai điệu đó sẽ tự thấm vào tâm hồn, bằng không, mọi so sánh hay phán xét đều đành phải thuận lòng để yên.
Nữ ca sĩ cũng tiết lộ ngày quay hình ca khúc này, nhạc sĩ Lam Phương cũng có mặt. "Bác ngồi đó, lặng thinh. Bác nói một lời cảm ơn và Quỳnh Anh hiểu có lẽ trong đôi mắt bác, toàn vẹn ký ức của một thuở xa xôi bất ngờ trở lại", cô chia sẻ.
Theo Zing
Xôn xao: Ninh Dương Lan Ngọc chuẩn bị 'đá sân' làm ca sĩ, đã sẵn sàng phát hành single debut? Thông tin Ninh Dương Lan Ngọc sẽ sớm làm ca sĩ và sẵn sàng phát hành single debut khiến cư dân mạng hoang mang. Cách đây ít phút, dòng chia sẻ của Ninh Dương Lan Ngọc cùng hình ảnh mới nhất khiến cư dân mạng xôn xao về việc nữ diễn viên sinh năm 1990 đang có ý định... "đá sân" chuyển qua...