Cà phê vợt trong hẻm Sài Gòn
Du nhập từ những năm 30 của thế kỉ trước, ban đầu là thức uống sang trọng của người châu Âu, sau đó len lỏi vào từng ngõ ngách con hẻm Sài Gòn, giờ đây cà phê vợt là thức uống quen thuộc, bình dân của người Sài Thành.
Bạn bè gặp gỡ nhau, hai người hẹn hò nhau, đến bàn chuyện làm ăn cũng ở quán cà phê. Thích cổ điển thì vào Vintage, thích trẻ trung vào Urban Station, thích đọc sách vào Trung Nguyên, thích ngắm nhìn đường phố thì vào Highland… còn thích hoài niệm những ngày xưa cũ và tìm kiếm những dư vị của tháng năm, người ta thường ghé cà phê vợt.
Tên gọi cà phê vợt xuất phát từ cách thức pha cà phê, thay vì dùng phin hay máy thì người pha chế lại dùng vợt để pha và lọc bã. Mỗi lần pha cũng thường pha một số lượng lớn so với việc pha phin, thông thường là trên mười thìa cà phê bột cho mỗi lần pha.
Cà phê vợt là những quán cũ, thường nằm sâu trong hẻm, nơi người ta không thể tấp xe vào lề rồi gọi một ly mà uống vội, không thể đánh một chiếc xe bóng loáng đậu trước quán, cũng không thể lên ga ầm ầm để ghé vào. Chẳng ai quy định những điều đó, nhưng cứ như một thói quen tự bao giờ, khách ghé cà phê vợt thường rất thong dong, chậm rãi, không ồn ào, không khoa trương, chẳng có những xa cách tuổi tác hay thứ bậc. Có hơn gì nhau đâu, người ta đến uống chỉ để nhấm nháp, để suy tư dăm ba điều về cuộc đời dâu bể này.
Chủ quán cà phê vợt là những người đã ngoài 50, những người được ông bà, cha mẹ truyền quán lại cho, rồi cứ vậy mà duy trì đến giờ. Qua bao năm tháng, dù thời cuộc thay đổi nhiều thì quán vẫn vậy, vẫn cách bài trí ấy, vẫn phương pháp ấy.
Cà phê ở quán thường là cà phê tự rang xay, không phải ngày nào cũng rang xay mà thường là làm một mẻ dùng cho hai tuần. Có quán rang bằng lửa than, nhưng cũng có quán rang bằng củi, như cái cách mà xưa kia ông bà vẫn dùng. Lửa thì cũng chừng ấy, thời gian rang thì cũng chừng ấy, còn công thức thì mỗi quán có một nét riêng. Có quán sẽ cho thêm bơ tạo vị béo, cho thêm đậu tạo vị sánh. Cũng có quán lại trộn nhiều dòng cà phê theo một tỉ lệ ước chừng. Cứ vậy mà gây thương nhớ.
Khách ghé quán có người chẳng biết ở đâu tới, nghe người ta rỉ tai nhau mà tò mò ghé lại gọi một ly. Có người là hàng xóm, là dân trong hẻm, ngày nào cũng ghé, chuyện trò với nhau rôm rả. Cũng có người đi xa trở về, ghé quán, gọi một ly như để tìm lại từng chút kí ức từ những ngày xanh. Người già cũng có, người trẻ cũng có, dân sinh viên, giới văn phòng, người lao động, thế là đủ cả một Sài Gòn thu nhỏ. Quán không rực rỡ sắc màu nhưng lại neo đậu thật lâu trong lòng thực khách. Đen đá 10 ngàn, sữa đá 12 ngàn, cuộc đời cứ vậy mà trôi đi.
Video đang HOT
Cà phê ở Sài Gòn, nếu được thị trường ưa chuộng một chút sẽ phát triển thành dòng, thành chuỗi thương hiệu, và hiện diện ở mọi con đường. Nhưng cà phê vợt thì không? Không đồng phục, không nhân viên, không quảng cáo, quán cứ nổi tiếng theo cái cách mà người ta kể nhau nghe. Cà phê vợt tồn tại giữa một phố thị xa hoa, sau bao nhiêu năm rồi vẫn mộc mạc đơn sơ, cứ như thể những gì chân thật nhất rồi sẽ còn mãi với thời gian, bây giờ cũng vậy và chắc sau này cũng thế.
3 quán cà phê vợt lâu năm, nhất định phải thử khi ở Sài Gòn
Tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, những quán cà phê vợt nổi tiếng lâu đời ở Sài Gòn luôn có sức hút không chỉ người Sài Gòn mà còn cả du khách tìm đến.
Cà phê vợt hẻm 330 đường Phan Đình Phùng
Cà phê vợt nằm trên đường Phan Đình Phùng được biết đến là quán cà phê "không ngủ" hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn. Quán bán suốt 24 giờ không nghỉ. Cả năm chỉ nghỉ ít phút lúc giao thừa.
Một ly cà phê vợt tại đây có giá dao động từ 14.000 đến 16.000 đồng tùy thực khách lựa chọn cà phê đen hoặc cà phê sữa.
Cà phê vợt trên đường Phan Đình Phùng là một trong những địa điểm được nhiều bạn trẻ yêu thích tìm đến NGUYỄN MINH TÂM
Càng về đêm các bạn trẻ tập trung ở quán cà phê vợt càng nhiều. Đó như một nét văn hóa của giới trẻ vừa nhâm nhi ly cà phê, trò chuyện và ngắm nhìn một Sài Gòn yên tĩnh về đêm.
Quán cà phê vợt trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận mở bán cả ngày.
Cà phê Cheo Leo
Cheo Leo là quán cà phê vợt nổi tiếng ở khu vực Q.3, TP.HCM và được xem là quán cà phê vợt lâu đời nhất ở Sài Gòn, quán đến nay đã có tuổi đời trên 80 năm.
Với cách "kho" cà phê trong siêu đất đặc trưng được xem là "độc nhất vô nhị" của Sài Gòn xưa, ly cà phê ở quán Cheo Leo luôn cuốn hút và níu chân nhiều vị khách qua hàng chục năm.
Cách pha món bạc sỉu ở đây rất đặc biệt, đó là tỉ lệ hợp lý về sữa và cà phê, đổ sữa trước, rồi đến cà phê nóng hổi, sau đó phải thêm một chút nước sôi. Không hiểu sao trình tự phải đúng vậy thì mới ngon. Đây là một trong những quán có món bạc sỉu ngon và đúng kiểu nhất Sài Gòn.
Để có một ly cà phê vợt ngon thì theo chủ quán chia sẻ phải cần rất nhiều yếu tố, trong đó việc giữ lửa khi đun cà phê trong siêu là rất quan trọng. Vì lửa lớn quá sẽ khiến cà phê bị khét có vị chua, lửa nhỏ quá thì sẽ làm cho cà phê nguội và mất mùi thơm. Đặc biệt nước để pha cà phê của quán được đựng trong chum sành sau 2 - 3 ngày cho hả bớt clo mới đem ra xài.
Quán cà phê Cheo Leo mở bán từ 5 giờ 15 phút đến 16 giờ 45 phút.
Cà phê Ba Lù
Cà phê Ba Lù là quán cà phê vợt có tuổi đời hơn 70 năm ở chợ Phùng Hưng, Q.5, TP.HCM. Cà phê được rang thủ công bằng than củi nên có mùi thơm và hương vị đặc trưng hơn.
"Từ đời ba tôi đã có quán cà phê rồi, cách đây sáu mươi mấy năm. Ba lập nghiệp, ở bên Trung Quốc qua. Ba tôi bắt đầu bán cà phê là mười mấy tuổi. Truyền tới đời tôi là đời thứ 2. Bây giờ bán đắt lắm, bây giờ cà phê này nổi tiếng. Nhiều người tìm đến. Ngày xưa 2 tuần rang 3 mẻ. Bây giờ 1 tuần 3 mẻ. Ngày xưa khách là mấy ông cụ, bà cụ uống theo kiểu xưa. Bây giờ có giới trẻ. Giới trẻ tìm đến uống cà phê cổ. Khách du lịch tìm đến nhiều, khách tây nhiều lắm. Họ coi trên mạng", chủ quán bà Chung Thị Hoàng chia sẻ.
Khi rang cà phê, chủ quán cho thêm các nguyên liệu như: bơ, muối, rượu để gia giảm theo khẩu vị, tạo nên nét riêng cho quán.
Đây có lẽ cũng là một trong những quán cà phê "dậy sớm" nhất Sài Gòn. 2 giờ sáng quán đã mở để phục vụ bạn hàng trong chợ và những người già tỉnh giấc sớm gần đó.
Bơ được cho vào mẻ rang cà phê khi mẻ rang gần xong
Muốn uống cà phê Ba Lù vào buổi sáng thì thực khách phải gửi xe ở cổng chợ rồi đi bộ vào.
Quán cà phê Ba Lù mở bán từ 2 giờ sáng đến 17 giờ mỗi ngày
Những người chủ quán cà phê vợt không chỉ muốn làm ra những ly cà phê vợt ngon thu hút thực khách mà hơn hết họ muốn giữ gìn giá trị, cái "hồn" cà phê vợt mà thế hệ trước truyền lại.
Cà phê vợt được pha từ siêu đất tí hon tại Sài Gòn Thưởng thức cà phê vợt tại nhà chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Siêu đất tí hon ra đời từ ý tưởng mang hương vị cà phê vợt đến gần với nhiều người hơn bởi sự nhỏ gọn và độ tiện dụng của nó. Quán cà phê Ba Lù vốn nổi tiếng với món cà phê vợt hay còn gọi là "cà...