Cà phê “bẩn” hại thương hiệu Việt
Vụ một cơ sở chế biến cà phê tại Đăk Nông dùng phụ phẩm để sản xuất cà phê và nhuộm màu cà phê bằng pin vừa bị phát hiện, bắt giữ đã khiến dư luận một phen bàng hoàng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao chủ cơ sở này lại có thể “nghĩ” ra được quy trình chế cà phê kinh khủng như vậy?
Hành vi coi thường sức khỏe con người
Từ nguồn tin báo của người dân, ngày 16.4, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá và các tạp chất khác. Cùng đó là 2 chậu chứa các cục pin Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) nghi hòa tan bằng than pin, 12 tấn cà phê bột đã được nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất cà phê “bẩn”.
Toàn cảnh sản xuất cà phê bẩn tại xưởng bà Loan. Ảnh: C.A
Thông tin từ cơ quan công an cho biết, bước đầu bà Loan thừa nhận cơ sở sản xuất cà phê này hoạt động từ nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hàng ngày bà Loan cho người đi thu mua vỏ cà phê, cà phê thải loại tại các cơ sở chế biến khác. Sau đó đập dẹp các cục pin, lấy phần lõi pin hòa với nước để nhuộm các loại cà phê “bẩn” này, sau đó đóng gói, đưa ra thị trường bán kiếm lời. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, bà Loan đã bán ra thị trường hơn 3.000kg cà phê “bẩn” được nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó.
Người dân địa phương cho biết, cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan hoạt động từ năm 2016 đến nay. Cơ sở này nằm ở một bãi đất trống, xa khu dân cư, đóng cửa kín mít nên ít người biết. Trao đổi với báo chí, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đăk Nông nói: “Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người, phải xử lý hình sự”.
Video đang HOT
Thông tin cà phê nhuộm pin Con Ó đã khiến nhiều người tiêu dùng một phen hoảng hốt. Đại diện lãnh đạo một công ty cà phê lớn tại Đăk Lăk cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cà phê “bẩn”. Thương hiệu cà phê của chúng tôi và một số thương hiệu cà phê tại Tây Nguyên thường xuyên bị làm giả, gây lẫn lộn, mất uy tín”.
Đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết sẽ đề nghị xử lý nghiêm khắc cơ sở chế biến cà phê trộn lõi pin để tạo sức răn đe, không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Trước đó, đã có không ít lần ban ngành chức năng “lật tẩy” các cơ sở chế biến cà phê từ bột bắp đậu nành rang cháy hương liệu. Cuối năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với lực lượng chức năng của thị xã Ngã Bảy kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê ở xã Đại Thành do Nguyễn Văn Muốn Em (29 tuổi) làm chủ. Ngoài việc không giấy phép sản xuất kinh doanh, Muốn Em còn có dấu hiệu làm giả thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột. Theo đó, vào thời điểm kiểm tra, Muốn Em đang cho nhân viên trộn hương liệu vào 180kg cà phê và đậu nành. Cạnh bếp rang còn có 12kg bao bì nhãn hiệu cà phê Buôn Mê Thuột cùng nhiều hóa chất, hương liệu để sản xuất cà phê. Các công nhân khai, ngoài 120kg cà phê, 60kg đậu nành này dùng để sản xuất cà phê sau khi rang cháy đen, chúng sẽ được trộn với ít cà phê và hương liệu rồi xay để bán.
Lợi nhuận cao nên làm liều?
Theo khảo sát cuối năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy: Gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp (dưới 1gr/lít), đặc biệt đáng báo động có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafein. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.
Về điều này, ông N.T.C (ngụ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, có cả hàng chục loại hóa chất, hương liệu để làm cà phê “dỏm”. Để có màu đậm, người sản xuất cho màu caramel, muối, đậu nành; vị đắng thì phải có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc quinin; sánh thì tinh bột, chất tạo đặc như CMC; chất tạo bọt công nghiệp và các loại hương liệu tạo mùi giống cà phê thật… Nếu tính cả nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác… thì giá 1kg cà phê bột chuẩn phải lên đến hơn 100.000 đồng. Nhưng trên thị trường hiện nay, đa phần các điểm bỏ sỉ cà phê chỉ có giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Ông C khẳng định: “Vì lợi nhuận cao nên làm liều, với giá như vậy thì chỉ có bột bắp và đậu nành chứ làm gì có cà phê xịn”.
Lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở của bà Loan sản xuất cà phê bẩn. Ảnh: D.H
Trao đổi với báo chí sáng 18.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Bộ NNPTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nhưng sự việc một cơ sở chế biến cà phê ở Đăk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án.
“Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam” – ông Nam nói.
Theo Danviet
Vụ cà phê nhuộm lõi pin: Tận cùng của sự tàn ác!
Vô tư phun thuốc trừ sâu cho đẹp rau để bán; nhúng hóa chất vào trái cây cho chín đẹp... Mới đây lại xảy ra vụ nhuộm lõi pin vào cà phê....Nhiều bạn đọc đau đớn hỏi: "Sao người ta có thể tàn ác, giết nhau như vậy?".
Vụ việc xảy ra vào ngày 15.4, từ tố giác của người dân, công an đến kiểm tra và phát hiện cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) sử dụng các phế phẩm của cà phê để trộn lẫn với chất bột màu đen của lõi pin Con Ó sau đó đem rang xay, chế biến thành cà phê rồi phân phối ra thị trường. Chỉ đọc đến đây nhiều người đã rùng mình, vì lợi nhuận mà kẻ gian thương đánh mất lương tâm, tính người. Biết chắc cà phê chế biến kiểu này sẽ gây độc hại, có thể chết người nhưng vẫn vô tư nhuộm, tẩm, rang, bán...
Bạn đọc Thanh Minh đau lòng nhận xét: "Đây gọi là vụ đầu độc tập thể lớn nhất từ trước đến giờ. Kinh sợ luôn". Cũng đồng thuận với ý đó, bạn Lê Văn cảm thán: "Thật kinh khủng, không thể tin nổi có những người lại đang tâm hủy hoại cuộc sống của người khác". Bạn Hà Thanh, Minhminh, Tuấn... phẫn nộ: "Ác quá! Mong luật pháp trừng phạt thật nặng!... Lương tâm nhiều người đi đến tận cùng của sự xấu xa. Tiền ai cũng thích nhưng vừa vừa phải phải thôi. Ghê sợ....Đoc ma nôi hêt da ga. Can lơi. Toan dân ngheo lao đông uông ca phê nay. Không ung thư mơi la...".
Theo nhiều người, chính vì mức xử lý nhẹ đối với những người làm thực phẩm bẩn nên mới có tình trạng lờn luật, chỉ người tiêu dùng là lãnh đủ hậu quả. Bạn Lý Lèo nhận định: "Phải ghép vào tội cố ý đầu độc người hàng loạt mới xứng". Với tội ác đầu độc nhiều người một cách tán tận lương tâm như bà chủ cơ sở này, bạn Hung Huy đặt vấn đề: "Sao lai co thê nghi ra cach giêt ngươi rung rơn đên vây. Da tâm qua lơn. Vô cung da man. Nên đưa vao khung hinh phat tư hinh".
Tuy nhiên, việc áp dụng luật để xử phạt hành vi về an toàn thực phẩm lại là câu chuyện khác. Nói đâu xa, tại TP HCM, sau 1 năm thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã ban hành 119 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm với số tiền phạt hơn 1,7 tỉ đồng. Nhưng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân sự và cả pháp luật quy định chưa sát thực tế. Chính vì vậy, bạn Văn Hùng đề xuất: "Nên truy cứu trách nhiệm hình sự ngay để làm gương. Vì hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn, nguy hại đang tràn lan nhưng chưa có vụ án điển hình nào đưa ra xét xử một cách nghiêm minh". Bạn Công Thành cũng đồng thuận: "Cần sớm sửa luật về an toàn thực phẩm để có thể tử hình tội ác như thế này thì mới hy vọng những người có ý định làm giàu bất chính sẽ không dám dấn vào".
Nhiều bạn đọc hoang mang khi bà Loan khai rằng cơ sở bà hoạt động đã nhiều năm, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã bán ra hơn 3 tấn cà phê "giết người" thế này. Câu hỏi đặt ra công an và thanh tra các ban ngành đâu cả khi để bà này hoạt động công khai như chốn không người? Có sự bao che hay khuất tất gì khi bà chủ độc ác này hoạt động được trong nhiều năm như vậy? Bạn Lê Nguyên hỏi: "Vì sao họ hoạt động nhiều năm rồi, số lượng cà phê cực khủng được xuất ra mà bộ máy chính quyền, đoàn thể dày đặc không ai biết? Lạ đến thế là cùng".
Theo Song Ngọc (Người lao động)
Xử lý hình sự vụ cà phê nhuộm than pin? "Nếu thực sự sử dụng cà phê nhuộm chất bột trong pin để bán ra thị trường làm thực phẩm thì đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người, phải xử lý hình sự" - đó là ý kiến của ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông. Trưa 18.4, ông Ngô Xuân...