Cả nước tiêm vét vắc xin sởi cho hơn 96% trẻ
Ngày 29.5, Bộ Y tế cho biết tính đến nay, đã có 96,1% trẻ em trên toàn quốc được tiêm vét vắc xin ngừa sởi.
Theo Bộ Y tế, đã có 96,1% trẻ em trên toàn quốc được tiêm vét vắc xin ngừa bệnh sởi – Ảnh: Nguyên Mi
Trong đó, đã có 9/11 tỉnh, thành phố có số ca mắc sởi cao đang triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi, bao gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An và Hà Nội. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 – 10 tuổi trong tháng 6.
Trước thắc mắc của nhiều phóng viên về độ chính xác của con số tỉ lệ trẻ đã được tiêm ngừa sởi quá cao, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nói: “Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi trên được tổng hợp, thống kê từ các trạm y tế phường xã trên cả nước hằng ngày nên hoàn toàn chính xác”.
Bên cạnh đó, trước thông tin nhiều vắc xin “cháy hàng” trong mùa dịch, theo Bộ Y tế đó chỉ là vắc xin dịch vụ. Do đối với vắc xin dịch vụ, mỗi cơ sở y tế tổ chức tiêm tự dự trù nhu cầu trong năm (thường dựa vào nhu cầu, lượng vắc xin đã được tiêm của năm trước) mà định số lượng nhập về. Thế nên, khi có biến động (như năm nay có dịch lan rộng) thì nhu cầu tăng mạnh hơn so với dự trù, lượng nhập mới không đủ. Vì vậy, vắc xin dịch vụ mới thiếu ở vài nơi, trong một vài thời điểm.
Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Vắc xin trong Chương trình tiêm chủng quốc gia đối với 12 bệnh dịch thì đảm bảo lúc nào cũng có đủ”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Bắc cho biết, trong tháng 5.2014, Bộ Y tế đã nhập 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 và sẽ tiếp tục nhập thêm 1 triệu liều nữa trong tháng 7. Số vắc xin nhập về sẽ được kiểm định, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Ông Bắc đề nghị phụ huynh có con nhỏ hãy đến trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú để có thông tin chính xác và tiêm chủng theo chương trình quốc gia.
Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tiêm chủng phải tiêm trước mùa dịch và đúng ngày đúng tháng theo lịch tiêm chủng, chứ có dịch rồi mới đi tiêm thì không hiệu quả.
Theo báo cáo tình hình dịch sởi của Bộ Y tế, tính đến ngày 28.5, cả nước ghi nhận thêm 33 trường hợp mắc sởi. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 4.920 trường hợp mắc sởi trong số 25.166 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 145 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi. Bộ Y tế nhận định, bệnh sởi đang chững lại.
Theo TNO
Thủ tướng nhắc nhở ngành y tế rút kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh tốt hơn
Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sởi diễn ra vào chiều tối qua 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới.
Không để lây chéo là biện pháp quan trọng hiện nay để khống chế bệnh sởi
Thẳng thắn nhìn nhận
Báo cáo về diễn biến bệnh sởi hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch sởi xuất hiện sớm cộng thêm thời tiết xấu kéo dài gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, hiện số bệnh nhân mắc và tử vong đều đã giảm. Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, vaccine tiêm phòng sởi hiện không thiếu do trong nước đã sản xuất được, máy thở cũng đã được bổ sung đầy đủ. Về chuyên môn, Bộ Y tế đã lên phác đồ điều trị, các phương án ngăn chặn, lập kế hoạch dịch tễ toàn diện. Song người đứng đầu Bộ Y tế cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ tiêm chủng bệnh sởi không cao, mới chỉ đạt khoảng 65%, nhất là tại một số thành phố lớn, dân trí cao "vì sợ tai biến".
"Công tác truyền thông yếu và không hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, rồi việc người bệnh tập trung đông tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, trong khi cơ sở vật chất thiếu, nhất là phòng điều trị. Nếu còn tình trạng nằm ghép giường thì việc giảm tỷ lệ tử vong gặp nhiều khó khăn", bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, truyền thông phòng chống dịch còn yếu kém cũng như nhiều địa phương thiếu tập trung chỉ đạo dẫn đến kết quả tiêm chủng ì ạch. "Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% cũng chưa hẳn an toàn vì chỉ bảo hộ 95%, vẫn còn 5% mắc bệnh. Dịch bệnh đang có chu kỳ quay trở lại, bùng phát cao, ngay nước Mỹ đã thanh toán hoàn toàn bệnh giờ cũng tái dịch. Việt Nam cam kết năm 2017 khống chế dịch bệnh này", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau 3 năm Hà Nội mới có bệnh nhân sởi trở lại và trường hợp đầu tiên vào cuối tháng 12-2013. Từ khi có dịch trở lại, Hà Nội có 1.339 bệnh nhân sởi (tính cả trường hợp sởi và triệu chứng sởi là sốt phát ban), phân tán ở 584 xã, phường, thị trấn. Hiện còn 766 bệnh nhân, trong đó đang nằm viện 511 bệnh nhân, còn lại điều trị tại nhà.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, số bệnh nhân mắc cao nhất trong ngày là vào 26-3 với 27 trường hợp. Tháng 3 ghi nhận nhiều nhất với 543 trường hợp. "Từ đầu năm đã có 54 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi, trong đó trực tiếp do sởi là 14 bệnh nhân, còn lại trên các nền bệnh khác. Những trường hợp này hầu hết chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt có trường hợp bệnh nhân 42 tuổi và 1,5 tháng tuổi vẫn mắc sởi, là rất lạ".
Kết quả tiêm phòng sởi của Hà Nội đến nay đã đạt 95,4% do tích cực vận động, tuyên truyền. Nhiều điểm tiêm tiếp cả nghìn trường hợp mỗi ngày nên tắc nghẽn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là dù số bệnh nhân nhập viện giảm, nhưng số ca nặng nhập viện có nguy cơ tử vong cao.
Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, hiện bệnh sởi đã có xu hướng giảm, song vẫn còn rất phức tạp, không được chủ quan, lơ là, cần tập trung đồng bộ các giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Bộ và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc cấp cứu, điều trị, phải hạn chế thấp nhất tử vong, không để lây chéo. "Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ quá đông và quyết tâm dập tắt sởi càng sớm càng tốt", Thủ tướng chỉ đạo.
Về kết quả tiêm chủng còn ì ạch, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền là hết sức quan trọng, cần tập trung làm tốt để người dân đi tiêm phòng, phấn đấu tối thiểu đạt 95%. "Hiện chỉ đạt 65,3% là rất thấp, có tới 11 tỉnh tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% cần phải phê bình. Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ thì phải tích cực phổ biến, vận động. Đừng để người dân đổ xô đi mua hạt mùi... về phòng chữa sởi mà tác dụng chỉ có hạn"- Thủ tướng đề nghị.
Trước diễn biến dịch phức tạp trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: "Bộ Y tế và các địa phương cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, theo dõi tình hình dịch bệnh cho kịp thời, đúng mức, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực và hiệu quả. Nếu thời gian qua làm tốt việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì đã giảm được tỷ lệ mắc và không có chuyện dồn lên một chỗ tạo ra lây chéo".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền,... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học... tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ANTD
Phụ huynh 'phát sốt' với bệnh sởi Thông tin về bệnh sởi hoành hành với hơn 8.000 ca có xét nghiệm nhiễm sởi và hơn 100 trẻ tử vong vì bệnh này ở Hà Nội đã làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Bệnh sởi đã trở thành 'cơn sốt' với phụ huynh thời gian này. Khi bệnh sởi lây lan, nhiều trẻ lớn mới được phụ huynh đưa...