Cả nước đang “tồn kho” hơn 16.000 căn hộ chung cư
Hàng tồn kho cả nước hiện nay có khoảng hơn 16 nghìn căn hộ chung cư, hơn 4 nghìn nhà thấp tầng và gần 26 nghìn m2 nhà văn phòng cho thuê. Người dân đang cần những căn hộ có diện tích và giá cả vừa phải.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, hiện nay cả nước có khoảng 2.400 dự án (theo thống kê của 44 tỉnh, thành) và có xấp xỉ khoảng 71 nghìn ha đất cho bất động sản. Trong đó, riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20 nghìn ha cho bất động sản, những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% tức là 8 nghìn ha với 233 dự án.
Hàng tồn kho cả nước hiện nay có khoảng hơn 16 nghìn căn hộ chung cư, hơn 4 nghìn nhà thấp tầng và gần 26 nghìn m2 nhà văn phòng cho thuê. Như vậy, sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao, còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang rất bất hợp lý bởi thị trường thiếu những căn hộ có diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân với khả năng thanh toán của một nền kinh tế có mức thu nhập bình quân hơn 1.300 USD/đầu người.
Video đang HOT
Những căn hộ có diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân vẫn là tiềm năng của thị trường (ảnh minh họa)
Trước đó, tại buổi đối thoại của Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng – bất động sản (BĐS) khu vực Hà Nội diễn ra hồi cuối tháng 10, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chính là trợ giúp của nhà nước với thị trường BĐS.
Theo Bộ trưởng, vì nhà ở thương mại phải nộp tiền sử dụng đất, còn nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải quyết liệt, chuyên nghiệp trong cơ cấu lại sản phẩm.
Cụ thể, đối với dự án đã đầu tư hạ tầng thì cần điều chỉnh dự án, để tăng cơ cấu nhà ở xã hội, không phải là 20% nữa mà là 100% nhà ở xã hội. Bộ trưởng cho rằng, để làm được việc này rất cần chính quyền, các ngành phải cùng vào cuộc.
Điều chỉnh dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là “gốc” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhưng cần điều chỉnh thật nhanh, nếu để 1 năm mới điều chỉnh xong dự án, đi lại nhiều lần, doanh nghiệp còn khó khăn hơn.
Hiện nay, những căn hộ đang “ế” nên xem xét cân nhắc, cho phép điều chỉnh, chia nhỏ căn hộ. Thị trường phải hướng vào người tiêu dùng. Người dân đang cần những căn hộ có diện tích vừa phải, giá vừa phải.
Theo Dantri
Khó thống kê nợ xấu "tín dụng đen" trong cộng đồng doanh nghiệp
Số nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng còn có thể thống kê được, còn số nợ xấu mà doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, các công trình nhà nước còn nợ doanh nghiệp thì rất khó thống kê.
Trị giá tài sản doanh nghiệp giảm xuống, dẫn đến tài sản đảm bảo cầm cố cho các khoản vay không còn đủ trị giá đảm bảo rất dễ dẫn đến tội lừa đảo.
Góp phần tham luật tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF) diễn ra sáng nay (3/12/2012), Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Đặng Đức Dũng cho rằng, vấn đề tồn kho là vấn đề nhức nhối song không phải là vấn đề lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang gặp phải.
"Theo quan điểm chúng tôi, vấn đề quan trọng hơn cần phải giải quyết là tồn công nợ" - ông Dũng nói.
Có những doanh nghiệp không có hàng tồn kho và tồn kho thấp lại vương phải công nợ phải thu lớn, hàng hóa đã bán cho các doanh nghiệp khác nhưng chưa thu hồi được nợ.
"Công nợ lớn và không thu hồi được thậm chí còn nguy hiểm hơn là tồn kho cao vì cùng lúc vẫn phải gánh những khó khăn như trường hợp có nhiều hàng tồn kho mà còn phải gánh thêm khó khăn là rủi ro về nợ xấu giữa các doanh nghiệp".
Theo nhìn nhận từ Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, số nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng còn có thể thống kê được, còn số nợ xấu mà doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, các công trình nhà nước còn nợ doanh nghiệp thì rất khó thống kê.
Trong khi đó, vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến các khoản nợ này ngày một phình to ra và không có cách giải quyết dứt điểm, doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào tình trạng hụt hơi mà không được bảo vệ một cách thực thụ vì khó đòi được nợ thông qua khởi kiện.
Phân tích kỹ hơn về khó khăn tại những doanh nghiệp đang vấp phải lượng hàng tồn lớn, ông Dũng cho biết, đơn giá bán trên thị trường của những loại mặt hàng này lại giảm xuống, khiến khó khăn chồng khó khăn.
Cụ thể là, trị giá tài sản của doanh nghiệp giảm xuống do đơn giá giảm, dẫn đến tài sản đảm bảo cầm cố cho các khoản vay không còn đủ trị giá đảm bảo rất dễ dẫn đến tội lừa đảo.
Bên cạnh đó, nợ vay tăng lên do hàng tháng, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay cho tồn kho, trong khi doanh thu không có.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng góp ý, hiện tại đang có tình trạng những doanh nghiệp gánh nợ xấu cao và nằm trong "danh sách đen" của ngân hàng, không thể vay tiếp thì các chủ doanh nghiệp lách bằng cách thành lập những doanh nghiệp khác để vay mới.
Do vậy, trong số hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới hiện nay phải xem xét và có những đánh giá chính xác, liệu đó có phải là những doanh nghiệp hoàn toàn mới hay không hay là những doanh nghiệp thuộc chủ cũ, đang sở hữu doanh nghiệp có nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu thực hiện cùng với giải quyết triệt để được công nợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn đọng tại những doanh nghiệp lớn hơn sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường và sự thanh lọc doanh nghiệp trong khủng hoảng mới thật sự có ý nghĩa.
Theo Dantri
Yến sào "gãy cánh" vì khủng hoảng kinh tế Hàng mấy chục năm nay, xuất khẩu yến sào mỗi năm đã mang về cho Hội An (Quảng Nam) nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Nhưng năm nay, nguồn thu ngân sách của thành phố Hội An xem ra không có yến sào... Sản vật được xem là của quý hiếm này đang ế ẩm và tồn kho. Với Quảng Nam, một thời...