Cả nước còn 4 huyện nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp tục cách ly xã hội
Các huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm nguy cơ cao tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16, cách ly xã hội.
VPCP vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20 và 22/4.
Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh
Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, nhất là Hà Nội, TP.HCM
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý vẫn phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không thoả mãn, lơ là, chủ quan; cần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời; bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không được để đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng như đã và đang xảy ra tại một số nước trên thế giới.
“Trong khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị Covid-19, phải thích nghi “chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng.
Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Video đang HOT
Từ ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tỉnh, thành có nguy cơ cao, địa bàn có nguy cơ cao gồm: huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Khử khuẩn tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi bệnh nhân số 266 cư trú. Ảnh: Trần Thường
Chủ tịch UBND tỉnh, thành liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Tỉnh, thành có nguy cơ là các quận huyện còn lại của Hà Nội. Các tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thôn, bản, khu vực dân cư của địa phương mình để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Đồng thời hướng dẫn thực hiện chi tiết biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia và các quy định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương.
Cùng với đó kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học trên địa bàn.
Cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam về nước
Bộ Y tế đẩy mạnh Chương trình hướng dẫn cộng đồng chủ động điều chỉnh lối sống và sinh hoạt cho phù hợp với những chuẩn mới của cuộc sống trong bối cảnh còn rủi ro dịch bệnh…
Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ TT&TT, Bộ Y tế khẩn trương đánh giá và chỉ đạo việc áp dụng ứng dụng Bluezone phục vụ phòng, chống dịch.
Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về việc Bộ Y tế phân bổ khoản tiền 250 tỷ đồng ủng hộ, tài trợ hoạt động phòng, chống dịch qua MTTQ Việt Nam và qua tin nhắn cho các địa phương thực sự khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực.
Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc cho xuất khẩu số khẩu trang sản xuất được trên cơ sở bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng trong nước (kể cả dự trữ).
Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, GTVT, Quốc phòng) quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, bảo đảm phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.
Giao Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).
Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp với các địa phương có biên giới đường bộ tổ chức tốt việc kiểm soát chặt chẽ và thực hiện cách ly người nhập cảnh.
Thu Hằng
Hà Nội dừng cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4
Trừ huyện Mê Linh và Thường Tín, các quận huyện khác của Hà Nội dừng cách ly xã hội, nhiều hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục từ 23/4.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố chiều 22/4. Việc dừng cách ly do Thủ tướng đã xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ, riêng hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn ở nhóm nguy cơ cao do có ổ dịch chưa qua 14 ngày.
Theo ông Chung, các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố sẽ thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng ban hành ngày 27/3. Thành phố vẫn cấm quán bar, karaoke, nhà hàng, quán game, trà đá, trà chanh tập trung đông người. Các lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao đông người vẫn bị dừng.
Người dân được đi lại bình thường nhưng chỉ nên ra ngoài khi có việc cần thiết; khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn phòng dịch. Hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ tiếp tục bị xử phạt.
Các hoạt động vận tải như xe bus, taxi, xe công nghệ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thành phố khuyến cáo tỷ lệ chuyên chở nhất định, không ngồi đủ số ghế. Các phương tiện cần chuẩn bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn.
Ông Nguyễn Đức Chung tại một cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.
Các chủ cửa hàng ăn khi mở lại cần giữ khoảng cách, nên có tấm chắn giữa các khách hàng ngồi ăn. Trung tâm thương mại, siêu thị khi mở cửa đảm bảo các điều kiện phòng dịch, như: hướng dẫn khách đi một chiều vào, một chiều ra và tổ chức đo thân nhiệt, giữ khoảng cách.
Các cơ quan, xí nghiệp, công trường tổ chức đo thân nhiệt, khử khuẩn cho cán bộ, nhân viên. Các công trường được khuyến khích ghi nhật ký để dễ dàng truy xuất lịch sử dịch tễ khi cần.
Bệnh viện được tiếp đón bệnh nhân nhưng phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế; không được tổ chức thăm bệnh nhân, người bệnh nặng chỉ được một người chăm nom.
Riêng việc khi nào hơn 2 triệu học sinh đi học trở lại chưa được Hà Nội quyết định.
Đến 17h ngày 22/4, Hà Nội ghi nhận 112 ca mắc, trong đó 81 ca đã khỏi ra viện, 31 trường hợp đang điều trị tại cơ sở y tế. Từ ngày 16/4 đến nay, thành phố không thêm ca mắc mới.
Theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người; dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự phải dừng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phải tạm dừng hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Võ Hải
Kiến nghị 'giải pháp chi tiết hơn' về cách ly xã hội Việc cách ly xã hội cần có "các giải pháp chi tiết hơn, tính đến yếu tố địa phương", theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19. Sáng 13/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đã nhận định Việt Nam đang kiểm soát tình...