Cả nước còn 24-25 triệu con lợn, không lo thiếu thịt dịp Tết
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019chiều 14/10, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, năm nay ngành nông nghiệp gặp khó khăn lớn do thiên tai diễn biến bất thường, dịch bệnh liên miên…
Tuy vậy, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 2,02%, trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%.
Nông nghiệp chịu nhiều áp lực
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản như gạo, hồ tiêu, cà phê… bị giảm từ 10-15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%; gỗ và sản phẩm từ gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8% và triển vọng sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019)…
Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản đạt 6,86 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.
Thương lái chọn mua lợn tại chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam. Ảnh: T.Q
Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng cho biết, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực nhạy cảm, đang chịu nhiều áp lực về duy trì tăng trưởng từ nay đến cuối năm do một số nhóm ngành hàng đang bị sụt giảm khá mạnh về kim ngạch xuất khẩu so với 9 tháng đầu năm 2018, như: Xuất khẩu cà phê đạt 2,1 tỷ USD, giảm 21,8%; hạt điều đạt 2,4 tỷ USD, giảm 5,4%…
Đáng chú ý, 2 lĩnh vực được cho là có thế mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm gần đây là rau củ quả và thủy sản cũng bị sụt giảm về kim ngạch. Cụ thể, xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đạt 2,15 tỷ USD, giảm 4,3%; tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8,0%.
Riêng đối với sự sụt giảm của mặt hàng gạo, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngay từ cuối năm 2018, Bộ NNPTNT đã xác định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhất là các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu.
Video đang HOT
Đặc biệt là Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch nhập gạo từ Việt Nam khi có thêm các đối thủ mạnh khác cung cấp gạo cho họ như Campuchia, Myanmar…
“Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho dự trữ. Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho mình nên một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không đạt được các yêu cầu kiểm tra của họ. Bộ NNPTNT đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này.
Nhưng trước mắt ngành gạo vẫn phải chịu phụ thuộc vào giá thị trường, mà việc này chúng ta không chủ động được. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thời điểm bị giảm mạnh, thấp nhất trong 12 năm qua khi chỉ đạt khoảng 325USD/tấn, còn giá gạo Thái Lan khoảng 350 – 360USD/tấn” – ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết.
Không lo thiếu thịt dịp Tết
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019, đến thời điểm này, cả nước đã bị thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng thịt. Đỉnh điểm là hồi tháng 5, cả nước đã phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn do nhiễm dịch bệnh. Đến nay dịch bệnh đã giảm dần, tiêu thụ thịt lợn đã trở lại bình thường, giá lợn hơi đang tăng cao nên người chăn nuôi rất phấn khởi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay và một số cơ quan báo chí về tình hình giá lợn hơi hiện nay và dự báo thị trường cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi cả nước đang tăng, bình quân ở miền Bắc dao động từ 60.000 – 63.000 đồng/kg; tại miền Nam đạt từ 58.000 – 60.000 đồng/kg, còn tại miền Trung từ 50.000 – 57.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình chăn nuôi lợn và đến nay đã có 56 tỉnh cung cấp con số, với tổng đàn lợn thịt hiện khoảng 22 triệu con. Cộng với con số từ 7 tỉnh còn lại, dự kiến tổng đàn lợn nước ta vào khoảng 24 – 25 triệu con, trong đó còn khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
“Tổng đàn nái này có thể chủ động được con giống để bà con nông dân tái đàn từ nay tới sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, với việc đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, thuỷ sản thời gian qua, chúng ta đang có thêm sản lượng thực phẩm khá lớn bù đắp cho lượng lợn thịt lợn bị thiếu hụt. Nếu tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học (hiện thịt lợn chiếm trên 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày), thì chúng ta có thể chủ động được nguồn thịt 3 – 4 tháng cuối năm và không lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán” – ông Trọng nói.
Về dự báo giá lợn hơi từ nay tới cuối năm, ông Trọng cũng cho biết, khoảng 2 tuần qua giá lợn hơi liên tục tăng cao, dự kiến giá sẽ còn tăng trong thời gian tới do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên chắc chắn sẽ không tăng “ nóng” tới mức khủng khiếp như thị trường Trung Quốc (hiện giá lợn hơi tại một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam đã hơn 110.000 đồng/kg).
Theo Danviet
Giá gạo Việt thấp nhất trong 12 năm
Sự sụt giảm ở nhiều thị trường chính đã khiến xuất khẩu gạo 9 tháng năm 2019 rơi vào tình trạng ảm đạm, giá xuất khẩu giảm.
Dự báo thời gian tới thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục khó khăn, do đó cần có ngay những giải pháp cấp bách và hiệu quả để tháo gỡ.
Xuất khẩu giảm 9,8%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu (XK) 9 tháng năm 2019 ước đạt 5,2 triệu tấn, kim ngạch 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines hiện đang đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với hơn 36% thị phần.
Việt Nam cần phát triển các loại gạo đặc sản, chất lượng cao thay vì chạy theo số lượng như hiện nay. Ảnh: Sản xuất lúa chất lượng cao ở Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt. Về thị trường xuất khẩu cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông và cả những thị trường có khoảng cách địa lý gần Việt Nam như Indonesia, Philippines...
Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm khiến giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong gần 12 năm. Nếu như giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366 - 374USD/tấn lên 373 - 379USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 400 - 418USD/tấn thì gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ đạt 325USD/tấn.
Sự sụt giảm "chóng mặt" cả về lượng và giá XK sang thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến XK gạo 9 tháng năm 2019 ảm đạm. Cụ thể, XK gạo sang Trung Quốc 8 tháng qua đạt 347.520 tấn, tương đương 173,74 triệu USD, giá 499,9USD/tấn, lần lượt giảm 67,8%, 67,2% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 8% tổng giá trị XK gạo của Việt Nam.
"Năm nay, thị trường có sự thay đổi đột biến. Trung Quốc vốn nhập khẩu tới 2 triệu tấn mỗi năm thì năm nay đến thời điểm này mới mua khoảng 400.000 tấn" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Nhận định về tình hình XK gạo sang Trung Quốc, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty VinaFoods 1 phân tích, hiện nay, Trung Quốc có chính sách siết chặt kiểm dịch thực vật, điều này là phù hợp. Gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy XK sang các thị trường khác. Ví dụ như, XK sang thị trường Philippines tăng gấp đôi, thậm chí gần như gấp 3 những năm trước. Thị trường Iraq đến nay đã "ăn" đến 400.000 tấn gạo cao cấp của Việt Nam.
Trong khi những khó khăn ở thị trường Trung Quốc chưa được giải quyết thì tại thị trường Philippines lại xuất hiện những rào cản mới. Theo đó, trong tháng 9, Chính phủ Phillipines cho biết cân nhắc sử dụng đa dạng các biện pháp phi thuế, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Phillipines cũng đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%. "Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, trong trường hợp nước này đã nhập khẩu quá 350.000 tấn, mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65% như nước bạn quy định. Điều này có thể trở thành một trong những nhân tố gây trở ngại cho hoạt động XK gạo của Việt Nam sang thị trường này" - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Có đạt mục tiêu 6,5 triệu tấn?
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường lúa gạo trong ngắn hạn vẫn gặp khó khăn do việc XK sang Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều hạn chế. Sau thời gian dài giảm, nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, sau gần nửa năm thay đổi chế độ hạn ngạch sang thuế quan giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu gạo, lượng tồn kho của Phillipines đang ở mức tương đối cao nên trong thời gian tới, hoạt động XK gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ xuất hiện nhiều trở ngại.
Bên cạnh những thách thức, một số chuyên gia cho rằng, XK gạo thời gian tới vẫn có những cơ hội khả quan từ các thị trường như Singapore và Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản - quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.
Dù khó khăn, song theo bà Tâm, hết năm nay Việt Nam sẽ XK được hơn 6,5 triệu tấn. Để đáp ứng những thay đổi từ thị trường Trung Quốc nói riêng cũng như đáp ứng yêu cầu từ các thị trường khác, bà Tâm cho rằng phải củng cố lại vấn đề chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Thương mại toàn cầu hiện nay một năm chỉ khoảng 36 - 40 triệu tấn gạo. Không lý gì một năm Việt Nam bán 7 triệu tấn gạo nhưng thu được rất ít tiền so với nhiều nước xuất ít hơn, lại luôn bị động về thị trường. Chiến lược lâu dài, chúng ta chủ động đề xuất với Trung ương sẽ giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay trong khi các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác rất hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu, quản lý đang tổng hợp để đề xuất. Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và XK một phần phù hợp".
Theo Danviet
Xuất khẩu trái cây: Đi tìm "chân trời mới" Xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2019 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch, mà nguyên nhân có thể nhìn thấy rất rõ là do thị trường Trung Quốc thay đổi các chính sách kiếm soát nhập khẩu. Sự phụ thuộc vào một thị trường đã cho thấy những hệ lụy khó lường. Chuối, măng cụt lên ngôi Trong...