Cá nhân được sử dụng bí danh, thay đổi họ, tên
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho phép cá nhân được sử dụng bí danh, bút danh nhưng không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Cả ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo dự thảo, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong những trường hợp sau: Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi; khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ…
Việc thay đổi họ cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.
Đồng thời, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau: Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi tên của người được xác định lại giới tính…
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) – Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, bộ luật đã được xây dựng rất công phu, với sự tham gia góp ý kiến của rất nhiều luật sư trong nước và nước ngoài. Nhiều luật sư đã hành nghề luật hàng chục năm, từng trực tiếp soạn thảo hợp đồng dân sự giá trị lên tới hàng trăm triệu, thậm chí tỷ đô la. “Chính vì thế dự thảo đã được chuẩn bị khá công phu, khoa học, chuẩn xác”- ông Nghĩa đánh giá.
Tuy nhiên ông Nghĩa cho rằng điều 34 của dự thảo quy định về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đăng trên phương tiện thông tin đại chúng phải có sự điều chỉnh. “Phải ghi rõ việc gỡ bỏ thông tin ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm trên phương tiện đại chúng nào thì phải đăng cải chính ở vị trí tương xứng, chứ có nhiều báo đăng bài cả trang nhưng khi cải chính thì nằm tít bên trong, không tương xứng”- ông Nghĩa nói.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) thẳng thắn phê bình chuyện gửi tài liệu liên quan đến dự thảo luật này tới các đại biểu Quốc hội quá trễ. Bộ luật Dân sự đồ sộ, quan trọng như vậy nhưng sáng qua tài liệu mới được chuyển đi và sáng nay 24/10 ông mới cầm được tài liệu bản in.
Video đang HOT
“Không biết các đại biểu khác thế nào, nhưng cá nhân tôi quan tâm tới nhiều nội được sửa đổi bởi đây là bộ luật quá lớn, ảnh hưởng rộng rãi tới người dân mà chuyển tài liệu gấp rút thế sẽ khó nghiên cứu”- ông Hồng nói.
Bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới
Trình bày báo cáo thẩm tra, giải trình, tiếp thu dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Theo ông Lý, việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội… Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Đồng tình với điều này, đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng nội dung tại điều 37 là nhân văn và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Đại biểu Tô Văn Tám.
Cũng tán thành việc thiết kế thêm điều 37 ở dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) bày tỏ: “Quy định như vậy vừa đảm bảo thận trọng, hợp lý vì liên quan tới các chính sách an sinh xã hội, hôn nhân gia đình, phát sinh đối với những người đã chuyển giới. Mong Quốc hội vừa nghiên cứu dưới góc độ quyền con người và thực tiễn đang diễn ra. Người chuyển giới đang “hiện ra” rõ ràng hơn nhưng chưa được công nhận, họ tồn tại khách quan nhưng sống như người vô hình ngoài cuộc sống, gặp nhiều khó khăn trong việc làm, bị chính gia đình và xã hội kỳ thị nhưng hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hoàn thiện. Thực tế một số người chuyển giới bị xâm hại nhưng không được bảo vệ thích đáng. Chính vì không được công nhận nên thực thi pháp luật tố tụng hình sự với người chuyển giới gặp nhiều khó khăn và vì khi áp dụng đã gặp khó khăn nên dễ xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, quyền tự do của họ”.
Tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại cho rằng điều 37 chưa xác định rõ quyền chuyển đổi giới tính, mà chỉ nói thực hiện theo luật. “Mà hiện tại chưa có luật này, muốn có luật cần có thời gian. Nếu họ vẫn chuyển đổi giới tính, tôi tin họ vẫn sẽ làm vậy và họ yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu của mình thì tòa án không được từ chối giải quyết như tinh thần của luật này. Như vậy tòa án sẽ khó giải quyết. Tôi cho rằng nên thừa nhận hiện tượng này bằng một đạo luật cụ thể, điều chỉnh cụ thể, trong khi đạo luật đó chưa ban hành thì quyền và nghĩa vụ được giải quyết như những người đã chuyển đổi giới tính”- ông Tám đề nghị.
Thế Kha
Theo Dantri
Người chuyển giới: Không từ chối hoàn toàn, không chấp nhận dễ dãi
Vấn đề chuyển đổi giới tính trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự sáng nay (10/6) đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng không nên công nhận giới tính chuyển đổi hoặc chấp nhận nhưng phải có điều kiện chặt chẽ.
PV: Chuyển đổi giới tính không phải câu chuyện mới mẻ trong đời sống xã hội, nhưng ở góc độ pháp lý thì đây là vấn đề phức tạp. Theo ông, Luật sửa đổi lần nay có nên chấp nhận giới tính chuyển đổi?
Đại biểu Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Trước hết cần phải nói rằng đa số những người chuyển đổi giới tính là người ta thực sự có nhu cầu về tâm sinh lý, bởi một con người phát triển bình thường thì chẳng ai đi chuyển giới làm gì.
Theo tôi, chấp nhận nhưng với điều kiện tương đối chặt chẽ, tức là chúng ta không nên từ chối hoàn toàn nhưng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi. Phải có điều kiện, để làm sao những người đang sống với giới tính không phải là của mình gây ảnh hưởng tới cuộc đời họ và họ thực sự có nhu cầu chuyển đổi giới tính thì nên cho họ cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Phải có điều kiện để tránh việc lạm dụng chuyển đổi giới tính theo phong trào, xu hướng, theo mốt, hoặc có yếu tố kinh doanh...
Luật không chấp nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng thực tế là có nhiều người đã chuyển giới rồi, vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào cho hợp tình hợp lí thưa ông?
Vừa rồi giải quyết Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã đưa ra sự chấp nhận do hoàn cảnh thực tế, nhưng về thuần phong mỹ tục và quan niệm xã hội thì chưa được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận, vì vậy phải xử lý bằng cách không chính thức thừa nhận về pháp luật nhưng chấp nhận trên thực tế. Ngày trước là cấm, nếu vi phạm thì bị bắt, bị phạt nhưng nay "làm ngơ" và tạo ra cơ chế giải quyết hậu quả tiếp theo để giúp cho những người này có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại biểu Đào Trọng Thi: "Chúng ta không nên từ chối hoàn toàn nhưng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi" (ảnh: Ngọc Châu)
Nếu người ta đã đồng tính rồi, sống với nhau rồi thì không xem đó là vi phạm phạm pháp luật (vì pháp luật không cấm), nhưng không công nhận đó là hành vi pháp lý. Tôi nói ví dụ như việc hai người đồng giới tổ chức đám cưới, trước đây chúng ta giải quyết bằng pháp luật là đến giải tán đám cưới và phạt, nay chúng ta không can thiệp tới đám cưới đó nữa nhưng không công nhận họ là vợ chồng về mặt pháp lý.
Không thừa nhận về pháp lý nhưng công nhận về hoàn cảnh thực tế, đồng thời tìm những hướng giải quyết hậu quả của thực tế này. Tôi cho rằng đó là hướng giải quyết tiến bộ hơn nhiều so với trước, đó cũng là sự lựa chọn nhân đạo nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Không ủng hộ việc xác định lại giới tính
PV: Với các điều kiện xã hội hiện nay, bà có ủng hộ việc xác định lại giới tính của những người được cho là đồng giới hay những người chuyển giới?
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM): Tôi không ủng hộ việc xác định lại giới tính. Trước hết phải nhấn mạnh rằng không ai muốn bản thân và người thân của mình như thế, nếu xác định lại giới tính sẽ ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của những người thân và ứng xử với xã hội, tâm tư tình cảm của những người quan hệ với đối tượng đồng giới có nhiều biến động.
Hiện nay nước ta chưa có đầy đủ pháp luật quy định về vấn đề này nên sẽ có những xung đột mà tôi cho rằng sẽ bất lợi cho bản thân người đó và mọi người xung quanh. Thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam chưa đến giai đoạn chấp nhận việc chuyển giới, nên đó cũng là sự ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Chúng ta đang tuyên truyền chống kỳ thị đối với các đối tượng xã hội và cả người đồng giới, nhưng pháp luật lại không công nhận giới tính thực sự của các đối tượng này, vậy theo bà chúng ta cần làm gì?
Nếu đối tượng mang bệnh tật, nạn nhân của tệ nạn xã hội, nhiễm HIV, mang dịch bệnh nguy hiểm cho người khác và cả đối tượng chuyển giới... vẫn tuyên tuyền không kỳ thị, nhưng không kỳ thị không có nghĩa là chấp nhận. Về mặt đời sống họ đã chuyển đổi giới tính rồi mà mình không chấp nhận thì không được, nhưng về mặt pháp luật thì không chấp nhận việc này và không khuyến khích việc chuyển giới.
Thực tế vấn đề giới tính hiện nay đang ngày càng phức tạp trong xã hội, như bà nói là mình chưa nên đưa vào luật để công nhận đối tượng chuyển giới, như vậy liệu có tạo ra sự bất bình đẳng và lo ngại tạo ra những hệ lụy theo đó?
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung - đoàn TPHCM (ảnh: Ngọc Châu)
Hiện nay tôi thấy chưa có hệ lụy gì từ việc chuyển giới. Việc chuyển đổi giới tính không phải các nước trên thế giới đều công nhận hết, và cũng không phải là vấn đề ảnh hưởng lớn lao tới xã hội. Cái gốc là vấn đề giáo dục, thứ nữa là tăng cường các giải pháp về tâm lý, về y học... để hạn chế tâm lý muốn chuyển đổi giới tính - điều mà thời gian qua chúng ta chưa quan tâm.
Nhưng giáo dục giới tính trong trường học ở Việt Nam hiện nay chưa đúng cách và chưa có kết quả?
Vậy nên tôi mới nói là chúng ta phải đẩy mạnh vấn đề giáo dục giới tính và có những can thiệp về mặt y học để giúp cho tâm sinh lý của con người diễn ra bình thường và phù hợp với sự phát triển của đất nước, hạn chế những tác động xã hội khi gây ra những yếu tố tâm lý bất lợi.
Giáo dục giới tính trong nhà trường không chỉ tập trung vào giáo dục về vấn đề chuyển đổi giới tính mà cần phải xem xét lại cả về hình thức giáo dục, nội dung giáo dục về giới tính, coi đây là một nội dung quan trọng trong giáo dục, chứ không phải là việc thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được hoặc áp dụng được đến đâu hay đến đó. Phải có chương trình, nội dung về giáo dục giới tính được xây dựng một cách nghiêm túc trong giáo dục.
Ở một khía cạnh khác là hôn nhân đồng giới, dù chưa được pháp luật công nhận nhưng nhiều người vẫn chung sống với nhau khi cho rằng đó là quyền của họ và họ được sống theo cách của mình. Vậy không công nhận hôn nhân đồng giới có vi phạm quyền con người khôn, thưa bà?
Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định, tuy Luật không công nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không ngăn cấm. tôi cho rằng đó là một bước tiến và xã hội đã có sự chấp nhận ở mức độ nào đó, vậy nên không thể nói là vi phạm quyền con người.
Chúng ta không nên đòi hỏi xã hội phải đáp ứng một cách tối đa hay chấp nhận một cách vô điều kiện những yêu cầu tự do của con người, bởi tự do của người này còn ảnh hưởng đến người khác.
Xin cảm ơn các đại biểu!
Châu Như Quỳnh ( ghi)
Theo Dantri
Đặt tên quá 25 chữ cái không ảnh hưởng đến đạo đức xã hội Không tán thành quy định hạn chế việc đặt tên quá dài, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này vì việc đặt tên như trên không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay đạo đức xã hội. Báo cáo thẩm tra dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) sáng 9/6, Chủ nhiệm ủy ban...