Cả ngày chỉ ở trong phố Bạch Mai cũng có thể ăn no toàn món nổi của con phố này
Đã từ lâu, con phố Bạch Mai trở nên quen thuộc với các tín đồ ăn uống bởi danh sách hàng quán vô cùng phong phú cùng những cái tên quen thuộc với nhiều người sành ăn. Trong suốt 24 tiếng, bất kỳ giờ nào thì thực khách cũng có thể tìm cho mình một quán ngon để xách ví lên và đi làm ấm cái bụng.
Khởi động ngày mới với bún ốc tóp mỡ
Không ở ngoài mặt phố, chẳng cần biển hiệu hoành tráng, bún ốc tóp mỡ bà Giao lúc nào cũng đông nghịt khách. Bún ốc của bà có nước dùng ngọt thanh, thơm mùi cà chua, đậu phụ vàng ươm, miếng giò tai “ngập răng”. Nhưng “số dách” ở đây phải kể đến những “em” tóp mỡ vàng ươm, giòn tan và dẫu có ngâm lâu trong nước nóng cũng không bị nhũn. Thật là khó khi đến đây mà không dặn ngay cô chủ hàng: “Cho cháu 1 bát nhiều tóp mỡ cô nhé!”.
Bún ốc tóp mỡ Bà Giao
Địa chỉ: Số 18 ngõ 433 Bạch Mai
Giờ mở cửa: 7h – 14h
Giá cả: 25k – 40k
Giữa sáng đói thì đi ăn tào phớ đậu xanh
Nằm ngay khúc cua đầu tiên trong con ngõ 105 Bạch Mai đông đúc là hàng tào phớ đậu xanh “khét tiếng” ngon và rẻ. Ngõ tuy rộng nhưng lại là một cái chợ thu nhỏ nên không gian của cô chỉ đủ để đặt dăm cái nồi lớn với những món như tào phớ, chè đậu xanh, chè đậu đen… và mấy cái ghế nhựa con con. Bởi vậy nên khách đến mua mang đi là chủ yếu.
Nguồn ảnh: @bachuaviahe
Tào phớ trắng tinh, dậy mùi, đưa vào miệng là tan ngay. Chè đậu xanh không ngọt gắt, không đặc quánh mà lại rất thanh. Trân châu nhân dừa sần sật, ngầy ngậy. Một bát lớn đủ đầy như thế mà mức giá lại “hiền lành” như cô chủ, chỉ 5k. Thế nên quán hết sớm lắm nhé, dọn hàng từ 5 rưỡi mà nhiều hôm 10 giờ sáng ghé đã phải ngậm ngùi đi về.
Tào phớ đậu xanh
Địa chỉ: Cuối ngõ 105 Bạch Mai
Giờ mở cửa: 5h30 – 10h
Giá cả: 4k – 6k
Video đang HOT
Trưa muộn, bún chả “chảnh” thôi!
Để ăn được một suất bún chả ở đây không dễ đâu nhé. Đầu tiên là ở giờ bán hàng, cứ phải sau 13h30 thì hai chị em bà chủ mới bắt đầu đủng đỉnh dọn hàng, người quạt chả, người nhẩn nha chuẩn bị rau sống, pha nước chấm.
Mà cũng “chảnh” lắm, mỗi ngày chỉ bán độ ba bốn chục suất. Chuyện khách đến phải quay về cứ gọi là bình thường như cơm bữa. Đã thế, dù có chắc một suất thì cũng phải chờ đến 30 phút. Khổ một tí nhưng mà cũng đáng lắm. Chả băm rất thơm, mềm, không vỡ vụn. Chả miếng thái không quá dày, không quá mỏng, tẩm ướp vừa đủ. Miếng chả cứ rời bếp nướng là vào thẳng bát, chẳng có thời gian đâu mà nằm đợi trên đĩa.
Bún chả que tre Bạch Mai
Địa chỉ: Ngõ 213 Bạch Mai
Giờ mở cửa: 13h30 – 15h
Giá cả: 30k -50k
Đi qua buổi chiều với bánh trôi tàu mặn cho bữa xế
Nếu bây giờ đang là buổi chiều và cần một chút gì dằn bụng trước giờ ăn tối, bạn hãy thử ghé quán bánh nhỏ nép giữa ngôi nhà số 98 và 100 trong ngõ Đê Tô Hoàng. Cơ mà, bánh trôi tàu sao lại mặn nhỉ?
Tưởng chừng là vô lý thế mà chiếc bánh trôi nhân thịt xay, nấm hương có chút tiêu cay nồng lại hòa hợp vô cùng với nước đường gừng. Ngoài ra, ở quán của cô Vân cũng có chè đậu đen, chè bà cốt, chè sắn. Đắt hàng lắm nên dù có tận ba thùng bánh cô cũng chỉ bán từ 15h – 18h là hết veo rồi nhé.
Bánh trôi tàu cô Vân
Địa chỉ: 98 ngõ Đê Tô Hoàng, Bạch Mai
Giờ mở cửa: 15h – 18h
Giá cả: 15k
Bún bò Huế cho buổi tối mùa đông thêm ấm
Cách ngã tư Bạch Mai – Lê Thanh Nghị một đoạn ngắn là con ngõ nhỏ với cái cổng gạch hàng trăm năm tuổi – Ngõ Đình Đại. Ngay sát cái cổng tam quan đó là hàng bún bò Huế của cô Mai. Một bát bún có đủ một miếng chân giò, một miếng tiết luộc nho nhỏ, ít thịt bò, vài lát thịt chân giò luộc và thêm viên mọc nữa mà giá cũng chỉ bình dân ở mức 30k. Nước dùng cũng ngọt ngào, đậm đà như chất giọng Huế của cô chủ vậy.
Nguồn ảnh: @ngngmylinh2502, @_foodrecord_
Bún bò Huế cô Mai
Địa chỉ: Đầu Ngõ Đình Đại, Bạch Mai
Giờ mở cửa: 17h – 24h
Giá cả: 30k
Nửa đêm đói bụng đi ăn xôi Lộc
Nếu chẳng may nửa đêm mà đói bụng thì sao nhỉ? Chẳng sao cả, vì xôi Lộc mở đến tận 4h sáng cơ. Quán xôi nằm ngay góc ngã ba Tạ Quang Bửu – Bạch Mai.
Ngày xưa quán bé lắm, chẳng đủ chỗ kê bàn ghế nên khách chỉ ghé mua mang đi. Mấy năm gần đây có chuyển sang bên Tạ Quang Bửu, cũng gần với chỗ cũ nhưng vẫn chẳng đủ chỗ cho lượng khách quá đông. Xôi được đồ mềm, dẻo. Topping đa dạng từ ruốc, pate, trứng, lạp xưởng đến gà xào nấm… Một bát xôi đầy ú ụ, ngập tràn đồ ăn kèm, đủ để một người ăn khỏe phải “căng rốn” mà cũng chỉ có giá từ 25 – 35k.
Xôi Lộc
Địa chỉ: 68 Tạ Quang Bửu, Bạch Mai
Giờ mở cửa: 18h – 4h sáng ngày hôm sau.
Giá cả: 25k – 35k
Theo Trí Thức Trẻ
Hoá ra bánh trôi tàu ở Hà Nội còn có mấy người anh em thân thích xa cơ, đố bạn biết là gì?
Có tới 3 phiên bản bánh trôi tàu từ nhiều vùng miền mà có thể bạn chưa hề biết đến. Tuy nhìn khá giống bánh trôi tàu nhưng các món này vẫn mang các đặc điểm riêng biệt vô cùng thú vị đó.
Sau những ngày dài đằng đẵng chờ mong, cuối cùng thì những đợt gió lạnh đầu tiên đã về trên đất Bắc. Tiết trời này tự dưng thèm một món gì đó ấm nóng, dẻo ngọt, thơm cay mùi gừng để mà hít hà, để mà xuýt xoa. Thế rồi đầu óc cứ miên man những hàng bánh trôi tàu ở Hàng Giầy, Hàng Cân...
Nhưng bạn có biết, bánh trôi tàu còn có những người anh em thân thích xa từ khắp các vùng miền không? Cùng điểm danh đi này.
Bánh Coong Phù (Lạng Sơn)
Coong Phù hay còn gọi Coóng Phù, là một món ăn truyền thống của người Tày xứ Lạng. Giống như bánh trôi, Coong Phù được làm từ bột gạo nếp. Sau khi nhào bột thật dẻo, người ta lấy một miếng bột nhỏ, dàn mỏng và thêm chút nhân đậu xanh sên đường đỏ.
Từng viên bánh tròn xinh đều được điểm tô một chút vừng trắng. Để những chiếc bánh thêm phần bắt mắt, một nửa phần bột sẽ được thêm gấc chín để tạo thành màu đỏ cam. Khi có khách, người bán mới bắt đầu thả những chiếc bánh vào nồi nước đường đang sôi. Lúc bánh bắt đầu nổi lên, nồng thơm mùi gừng hòa quyện cùng mùi nếp mới cũng là lúc Coong Phù vừa chín tới. Người bán múc từng viên cam trắng xen kẽ ra bát, chan thêm nước đường gừng, điểm thêm dừa nạo, lạc rang và chút tinh dầu chuối là thực khách có thể bắt đầu thưởng thức. Ngồi bên bếp lửa hồng, húp một chút nước và cắn một miếng bánh dẻo thơm, tự dưng thấy cái lạnh tê tái nơi xứ Lạng như bay biến đâu mất.
Sủi Dìn (Hải Phòng)
Nếu ghé Hải Phòng vào một ngày đông, du khách có thể dễ dàng bắt gặp sủi dìn bên những gánh hàng rong nghi ngút khói. Vỏ bánh sủi dìn được làm từ bột nếp thơm, nhân làm từ vừng đen. Vừng đen và lạc được rang chín tới, giã nhuyễn và sên cùng dừa nạo tạo nên phần nhân thơm, béo, bùi cho chiếc bánh.
Nguồn ảnh: @yummie_lady, @immasamie
Dưới bàn tay tỉ mẩn của người thợ bánh, từng chiếc bánh xin xắn lần lượt hiện ra. Khi đã nặn xong, từng mẻ sủi dìn sẽ được thả vào nồi nước đang sôi. Sau "bảy nổi ba chìm", bánh sẽ được vớt ra ăn cùng với thứ nước riêng được chuẩn bị trước đó. Thứ nước sóng sánh màu cánh gián của mật mía, thơm dậy mùi cay nồng của gừng níu chân người thực khách ngồi xuống và gọi cho mình một bát sủi dìn. Để rồi bị những thứ mềm dai, dẻo thơm của vỏ bánh, những thứ ngậy thơm của vừng dừa, lạc rang cùng nước dùng ngọt thanh gây thương nhớ hoài.
Bánh Ngào (Nghệ An)
Vẫn là vỏ nếp dẻo thơm, nhân đậu xanh mềm bùi, ngập trong thứ nước ngọt ngào, nóng hổi, thơm lừng mùi gừng nhưng người dân xứ Nghệ lại có món bánh ngào. Chiếc bánh này lại là một khúc biến tấu đậm đà hơn về mặt màu sắc so với những người anh em xứ Bắc khi khoác trên mình một màu nâu cánh gián của mật mía.
Ngoài ra, bánh ngào cũng được nặn dẹt và có phần nhỉnh hơn về mặt kích thước. Giữa những ngày mưa phùn gió bấc, khi miếng bánh trôi qua cổ họng, lập tức như có một luồng hơi ấm bao phủ toàn cơ thể, tạo ra một cảm giác vô cùng khoan khoái, dễ chịu.
Theo Trí Thức Trẻ
Không đâu có nhiều món chè mùa đông như ở Hà Nội, xem list này đi thì biết Nhắc đến chè, người ta thường nghĩ ngay đến món ăn mát lạnh cho mùa hè, nhưng ở Hà Nội lại có hẳn một list chè dành riêng cho mùa đông đấy. Chè bà cốt Chè bà cốt là món chè quen thuộc có ở Hà Nội từ rất lâu rồi. Món chè mùa đông này được nấu bằng đường hoa mai với...