Ca nCoV toàn cầu vượt 98 triệu, Biden ký 10 sắc lệnh ngăn đại dịch
Toàn cầu ghi nhận hơn 98 triệu ca nCoV, trong khi tân tổng thống Mỹ ký 10 sắc lệnh nhằm ngăn chặn Covid-19 trong ngày thứ hai cầm quyền.
Thế giới ghi nhận 98.014.946 ca nhiễm và 2.097.330 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 768.811 và 16.694 ca trong 24 giờ qua. 70.406.308 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 168.803 ca nhiễm và 3.627 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 25.167.895 và 419.532 người chết. Gần một năm sau khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên, mức độ trầm trọng của đại dịch đã lên đến mức khoảng 100.000 người chết vì Covid-19 chỉ trong tháng qua.
Một ngày sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/1 ký 10 sắc lệnh, gồm thắt chặt quy định đeo khẩu trang và ra lệnh cách ly đối với những người đến Mỹ bằng đường không.
Trong lúc ký, Biden nói rằng số người chết do Covid-19 tại Mỹ có thể tăng từ 400.000 lên nửa triệu vào tháng tới và hành động quyết liệt là cần thiết.
“Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia”, ông nói, thêm rằng ông muốn khôi phục niềm tin của công chúng sau thời kỳ chia rẽ, các nhà khoa học sẽ “làm việc không bị can thiệp chính trị” dưới sự điều hành của ông.
Các sắc lệnh khác gồm tái kích hoạt chương trình tiêm chủng và mở rộng yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Biden cũng công bố mục tiêu 100 triệu liều vaccine được sử dụng trong 100 ngày. Cho đến nay, chỉ mới 16,5 triệu liều được tiêm.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 21/1. Ảnh: AFP .
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.701 ca nhiễm và 147 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.625.420 và 153.053.
Video đang HOT
Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7, tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn đem lại tín hiệu tích cực cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu khi hôm qua xuất khẩu lô vaccine Covid-19 đầu tiên được sản xuất trong nước. Ngoại trưởng S. Jaishankar cho biết Ấn Độ, với tư cách “kho dược phẩm của thế giới” sẽ cung cấp vaccine cho các nước khác để cùng vượt qua đại dịch.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.254 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 214.147, Số người nhiễm nCoV tăng 57.500 ca trong 24 giờ qua, lên 8.697.368.
Bang Amazonas của Brazil ngày 16/1 ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h đến 6 giờ sáng hôm sau, khi hệ thống y tế ở thủ phủ Manaus của bang này đang có nguy cơ sụp đổ. Tình hình địa phương này ngày càng trầm trọng với sự xuất hiện của biến chủng nCoV mới.
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.
Cơ quan quản lý y tế Brazil đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả vaccine Coronavac và Oxford/AstraZeneca nhưng kế hoạch sản xuất vaccine trong nước đang bị cản trở do chậm trễ trong khâu nhập khẩu thành phần từ Trung Quốc.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 21.887 ca nhiễm nCoV và 612 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.655.839 và 67.832.
Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã được tiêm vaccine, sau khi chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ 18/1. Trước đó nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi. Chính quyền đánh giá đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.
Nga đã nộp đơn đăng ký xin cấp phép sử dụng Sputnik V tại Liên minh châu Âu và dự kiến được xem xét vào tháng 2. Sputnik V đã được phê duyệt ở Argentina, Belarus, Serbia và một số nước khác.
Anh , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.543.646 ca nhiễm và 94.580 ca tử vong, tăng lần lượt 37.892 và 1.290 ca. Đây hiện là nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được công bố hồi đầu tháng dường như bắt đầu có hiệu quả, khi số ca nhiễm mới tuần qua giảm khoảng 22%.
Một đợt tiêm chủng trên diện rộng đang được tiến hành tại Anh nhằm đối phó biến chủng nCoV mới. Hơn 4 triệu người đã được tiêm vaccine Covid-19, trong đó hơn một nửa là người trên 80 tuổi. Tốc độ tiêm chủng dự kiến được đẩy nhanh trong những tuần tới.
Pháp , vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.848 ca nhiễm và 346 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.987.965 và 71.998. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 18/11/2020. Tỷ lệ tử vong trung bình vì Covid-19 trong 7 ngày cũng tăng lên.
Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 390.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Chính phủ Pháp từ 16/1 áp lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Từ 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.
Đức là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.108.895 ca nhiễm và 51.151 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 18.700 và 855 ca so với một ngày trước đó. Tốc độ lây lan của nCoV tại Đức gần đây đã chậm lại, nhưng số ca tử vong cao hơn mức tăng tuần trước.
Bang North-Rhine Westphalia đông dân nhất của Đức hôm qua cho biết họ sẽ phải hoãn mở cửa 53 trung tâm vaccine mới đến ngày 8/2, do quá trình cung cấp vaccine từ Pfizer và BioNTech tạm thời bị chậm lại, xuất phát từ thay đổi trong quy trình sản xuất để tăng sản lượng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 19/1 thông báo lệnh phong tỏa một phần mà nước này áp đặt nhằm ngăn chặn Covid-19 sẽ được gia hạn tới ngày 14/2 và 16 thủ hiến liên bang Đức đều đồng tình với quyết định trên.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 951.651 ca nhiễm, tăng 11.703, trong đó 27.203 người chết, tăng 346. Indonesia ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine CoronaVac do Trung Quốc phát triển, được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1 tại nước này.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.
Philippines báo cáo 507.717 ca nhiễm và 10.116 ca tử vong, tăng lần lượt 1.783 và 74 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.
Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vaccine. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ gửi loại nào, Philippines trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của công ty Sinovac. Campuchia hôm 15/1 cho biết họ sẽ nhận được một triệu liều vaccine miễn phí từ Bắc Kinh trong khi Myanmar dự kiến nhận 300.000.
Thủ hiến Australia xin lỗi về cụm dịch từ du thuyền
Thủ hiến bang NSW xin lỗi vì không ngăn người nhiễm nCoV từ du thuyền Ruby Princess xuống Sydney hồi tháng ba, gây ra đợt bùng dịch nghiêm trọng.
"Bài học đã không được rút ra kịp thời. Một lần nữa, tôi chân thành xin lỗi thay cho tất cả những cá nhân và cơ quan đã phạm phải sai lầm", Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian nói với các phóng viên ở Sydney hôm 17/8.
Cuộc điều tra về đợt bùng phát Covid-19 liên quan tới du thuyền Ruby Princess tuần trước kết luận rằng giới chức NSW đã mắc sai lầm "không thể bào chữa" khi cho phép khoảng 2.700 hành khách, trong đó 120 người cảm thấy không khỏe, rời du thuyền vào trung tâm thành phố Sydney hôm 19/3. Giới chức NSW khi đó cho rằng du thuyền Ruby Princess có rủi ro nCoV thấp, trước khi phát hiện một số hành khách và thủy thủ nhiễm virus.
Cuộc điều tra cũng cho thấy khoảng 914 ca nhiễm ở NSW có thể liên quan tới cụm dịch từ du thuyền Ruby Princess, chủ yếu là từ các hành khách. Thủ hiến Berejiklian đặc biệt gửi lời xin lỗi tới 62 người bị lây nCoV từ một du khách trên thuyền.
"Tôi không thể tưởng tượng sẽ ra sao khi bạn hoặc người thân yêu của bạn tiếp tục bị ảnh hưởng và chịu tổn thương từ hậu quả của sự việc này", bà Berejiklian nói thêm.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian tại Sydney hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Giới chức Australia hồi tháng 3 đã kêu gọi 2.700 khách trên du thuyền Ruby Princess tự cách ly và sớm liên lạc với chính quyền sau khi phát hiện 4 người dương tính với nCoV.
Lãnh đạo cơ quan y tế bang New South Wales Brad Hazzard khi ấy cho biết việc Ruby Princess xuất hiện ca nhiễm rất đáng lo ngại. "Mối lo ngại rất lớn là những hành khách đó đã rời Ruby Princess mà không biết gì về các ca dương tính nCoV trên du thuyền họ đi", Hazzard nói.
Australia hiện ghi nhận hơn 23.500 ca nhiễm và 421 ca tử vong do nCoV, ít hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Sau khi mắc sai lầm trong xử lý cụm dịch trên Ruby Princess, Australia tiếp tục có những sai sót trong quản lý khách sạn dành cho người cách ly ở Victoria, khiến nước này trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Viện phát triển vaccine Covid-19 ít được biết đến của Nga Khi Nga cấp phép vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhiều sự chú ý đổ dồn về Viện Gamaleya - cơ sở điều chế vaccine. Một số người bày tỏ nghi ngờ về tốc độ của Nga, chỉ ra rằng các công ty dược phẩm của Nga tương đối nhỏ, Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya...