Ca mổ mạo hiểm đầu tiên trên đất đảo của vị bác sĩ dân yêu
Lấy bàn sinh làm bàn mổ, dụng cụ phẫu thuật hấp trên bếp dầu thô sơ, dưới ánh đèn măng xông, bác sĩ Lĩnh thực hiện ca cắt ruột thừa đầu tiên trên đảo Phú Quý.
Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh gắn bó với Trung tâm Quân dân y Phú Quý (nay là Bệnh viện Quân dân y Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) từ năm 1987. Nơi đây đã trở thành là ngôi nhà thứ hai thân thiết đối với ông. Một ngày của bác sĩ bắt đầu với việc đi thăm từng bệnh nhân, hỏi han triệu chứng, động viên, thăm khám dù có bận bịu với cương vị quản lý đến đâu chăng nữa. Ở mỗi nơi ông đến, bệnh nhân cười tươi, chào hỏi thân tình như gặp một người thân trong nhà.
Bác sĩ Lĩnh thăm khám sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Khánh Ly.
Tốt nghiệp trường Y tỉnh Thái Bình năm 1986, bác sĩ Lĩnh vào Thuận Hải (nay tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) tìm cơ hội làm việc. Thời điểm sau đổi mới nhiều khó khăn, có một đợt tăng cường cán bộ ra huyện đảo Phú Quý công tác, bác sĩ Lĩnh xung phong đi. “Lúc đấy tự nguyện ra đảo với tất cả sự say mê muốn dấn thân của tuổi trẻ, tôi cũng chẳng hình dung ra điều kiện thiếu thốn tới mức ấy”, bác sĩ nhớ lại.
Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) những năm ấy cái gì cũng thiếu. Đường sá trên đảo chưa có, bốn bề toàn cát trắng. Hai năm ăn uống kham khổ do thức ăn trên đảo khan hiếm, bác sĩ Lĩnh sụt cân từ 56 kg xuống còn 47 kg.
Trong trí nhớ của ông, bệnh viện Phú Quý ngày ấy không có gì hơn một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng 300 m2, trong đó một dãy dành cho công tác điều trị bệnh nhân, một nơi làm chỗ ở cho y bác sĩ, nhân viên. Máy móc chẳng có gì ngoài những thứ rất căn bản như ống nghe, nhiệt kế, dụng cụ khám tai, mũi, họng. Những ca bệnh nặng phải chuyển bằng tàu thuyền vào thành phố Phan Thiết để chạy chữa, cấp cứu. Khoảng cách từ đảo vào đất liền 56 hải lý là mất cả ngày tàu lênh đênh trên biển. Vô đến bờ, nhiều lúc bệnh tình bệnh nhân chẳng thể cứu chữa được nữa.
Trên đảo có hai mùa gió là mùa bấc và mùa gió nam. Mùa gió bấc là đợt cao điểm của các bệnh đường hô hấp. Mùa gió nam kéo dài từ tháng chạp đến ra giêng, là mùa bội thu cá tôm nhưng đồng thời ngư dân dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như đại tràng, ruột thừa… Nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.
Để phòng ngừa bệnh, khi ấy bác sĩ Lĩnh cùng nhân viên trung tâm xuống từng hộ ngư dân tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi. Việc gõ cửa từng nhà dân bước đầu có hiệu quả, nhiều người dân đã ý thức trong giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe hơn. Tuy nhiên trang thiết bị trên đảo vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật tại chỗ điều trị bệnh cho bà con. “Nếu trên đảo không thể phẫu thuật, bệnh nhân chuyển viện xa thiệt mạng, vậy bác sĩ trên đảo còn có bao nhiêu ý nghĩa?”. Suy nghĩ ấy làm bác sĩ Lĩnh không yên, ông quyết liều một phen với những ca bệnh nặng.
Bà Thanh Xuân, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Phú Quý kể lại, bà con trên đảo ngày trước không tin đau ruột thừa thì có thể mổ và chữa khỏi bằng phẫu thuật. Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ về có khi chết ngay trên ghe vì đau ruột thừa. Họ bảo đó là “bị cò mồi bắt” và thuê thầy về cúng, càng cúng bệnh tình càng nặng. Điện trên đảo lúc ấy chưa có, phải dùng đèn măng xông. Cán bộ, nhân viên cũng chưa có kinh nghiệm với ca phẫu thuật nào. Cộng dồn tất cả những thách thức đó, bác sĩ Lĩnh thực hiện ca mổ đầu tiên vào năm 1987.
Video đang HOT
Bác sĩ giới thiệu những máy móc hiện đại mới được chuyển đến đảo hỗ trợ công tác điều trị cho người dân. Ảnh: Khánh Ly
Năm đó, một phụ nữ từ xã Long Hải được chuyển đến viện trong tình trạng đau bụng quằn quại đã mấy ngày liền, đã mấy ngày lập đàn cúng mà không thuyên giảm. Thời điểm đó gió bấc mạnh cấp 6 nên không thuyền gỗ nào dám mạo hiểm đưa bệnh nhân vào đất liền. Bác sĩ Lĩnh quyết định mổ tại chỗ cho bệnh nhân.
Đèn măng xông được huy động, bàn mổ cũng là bàn sinh duy nhất trong bệnh viện bấy giờ. Bác sĩ Lĩnh vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa tự tay chuẩn bị bàn mổ, hấp dụng cụ. Dụng cụ mổ được hấp thô sơ trong một bếp dầu.
Trên đảo lúc ấy chưa có y bác sĩ nào có kinh nghiệm cho việc phẫu thuật. Bác sĩ Lĩnh hướng dẫn tỉ mỉ cho những nhân viên y tế tham gia ê kíp mổ từng bước nhỏ của quá trình phẫu thuật, gây mê. Thuốc thang, vật dụng thiếu thốn nên ông chọn biện pháp gây mê tĩnh mạch. Ca mổ thành công. Người phụ nữ được cứu sống trong gang tấc. Đó cũng là lúc bác sĩ Lĩnh làm bà con ngư dân trên đảo tin rằng ruột thừa có thể chữa trị được bằng phẫu thuật.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, ngày càng nhiều người bệnh tìm đến bác sĩ để mổ ổ bụng thay vì lập đàn, tìm thầy giải bệnh. Có những ngư dân lênh đênh trên biển đánh bắt trở bệnh đột ngột, chịu đau cả tuần lễ để về đảo, lên bàn mổ và được cứu sống. “Nhiều hôm tôi thức mổ tới nửa đêm. Mùa gió chướng, bệnh hô hấp bùng phát, khám tới 6-7h tối là thường, còn bệnh nhân chờ là còn khám. Đó là quãng thời gian hăng say với nghề, chẳng biết mệt mỏi là gì”, vị bác sĩ kể.
Hết 3 năm sinh sống và làm việc trên đảo, bác sĩ Lĩnh định xin về đất liền để tiện chăm sóc cho gia đình có cha mẹ già, vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở Thái Bình.
Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh hiện là giám đốc Bệnh viện Quân dân y Phú Quý. Ảnh: Khánh Ly
Sở Y tế đã duyệt quyết định cho bác sĩ Lĩnh về đất liền. Thế nhưng quyết định ấy chẳng có sức nặng bằng bức tâm thư dài hơn 10 trang giấy kẻ ngang chật ken chữ ký của người dân được gửi từ đảo Phú Quý để xin ông ở lại với dân. Vị bác sĩ chia sẻ: “Ngày đầu đặt chân lên đảo, tôi nghĩ chỉ làm 3 năm rồi về quê với gia đình, nhưng chính tình cảm của bà con ngư dân đã giữ tôi ở lại nơi đây gần hết cuộc đời”.
Vừa chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn dân đảo Phú Quý, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh tiếp tục học thêm và tốt nghiệp thạc sĩ ngành Y tế công cộng năm 2008. Cấp trên có ý định giữ ông lại làm công tác giảng dạy ở trường cao đẳng Y tế Bình Thuận. Ông cũng muốn thử sức với vai trò mới nhưng những bức tâm thư của dân đảo lại làm vị bác sĩ năm nay 57 tuổi mủi lòng. Ông lại tiếp tục cống hiến những năm tháng đời mình cho mảnh đất đầu sóng ngọn gió này.
Những ngày giữa tháng 10, bác sĩ Lĩnh chân bước thoăn thoắt, háo hức giới thiệu những máy móc mới tinh vừa cập đảo. Những thiết bị này để trang bị cho bệnh viện khang trang 100 giường bệnh mà ông từng mơ ước cho người dân đảo. Giấc mơ này nay đã thành hiện thực.
Khánh Ly
Theo VNE
Cứu sống bé 2 tháng tuổi có... "thai" trong bụng
Ngày 13/9, tin từ Khoa Ngoại Nhi - Cấp cứu Bụng, BV Trung ương Huế cho biết đội ngũ y bác sĩ của khoa đã thực hiện một ca cứu sống bệnh nhi 2 tháng tuổi mắc hiện tượng "thai trong thai" cực kỳ hiếm gặp.
Ca mổ được thực hiện vào sáng 12/9 với êkíp mổ do TS. Hồ Hữu Thiện, ThS. Nguyễn Thanh Xuân cùng với BS gây mê Huỳnh Đức Vĩnh thực hiện. Bệnh nhân là cháu Huỳnh Võ Văn Ng. (2 tháng tuổi, quê ở Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi)
BS Xuân cho biết bệnh nhân Ng. được bố mẹ phát hiện bụng cháu càng ngày càng lớn dần nên đưa vào BV Trung ương Huế. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thiếu máu, khó thở, nhiễm trùng, sốt cao. Các xét nghiệm cận lâm sàng trước mổ nghi ngờ có 1 khối u quái lớn trong ổ bụng gây nên hiện tượng thiếu máu và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Kíp mổ đang thực hiện bóc tách thai nhi ký sinh
Các BS đã quyết định phẫu thuật để cứu sống cháu bé. Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Các bác sĩ đã phát hiện 1 cái thai lớn ký sinh trong bụng cháu bé 2 tháng tuổi. Do thai ký sinh lớn chèn ép lên động tĩnh mạch mạc treo tràng trên nên các bác sĩ phải cẩn thận bóc tách để bảo tồn ruột và tránh các tai biến khác cho bệnh nhân.
Khối thai được bóc ra bao gồm cả tay chân, cột sống, một phần gan, toàn bộ ruột kể cả ruột thừa. Khối thai có kích thước 20x7x5cm, nặng khoảng 1kg. Hiện nay tình trạng cháu bé đã ổn định, có thể khẳng định ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Thai ký sinh trong bụng trẻ 2 tháng tuổi
Theo các bác sĩ và y văn trong, ngoài nước cho hay, "Thai trong thai" là hiện tượng xảy ra với tỷ lệ 1/500.000. Đây là một trong những hiện tượng hiếm gặp bậc nhất thế giới. Riêng ở Việt Nam chỉ vài trường hợp được báo cáo.
Về mặt thực chất, thai trong thai là những cặp song sinh đồng trứng nhưng do phân chia quá muộn của một trong 2 phôi khiến nó bị phần kia bao bọc toàn bộ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp thai trong thai đều bị chết khi còn trong bụng mẹ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Dù vậy, không ít trường hợp vẫn được sinh ra đời.
Đa phần, những bào thai nằm trong bụng người anh em song sinh đều hiếm có khả năng tồn tại sự sống. Khi chưa được loại bỏ, những bào thai này lấy dinh dưỡng trực tiếp từ bên trong cơ thể người người anh em song sinh. Tuy nhiên, đa phần những bào thai này đều phát triển khiếm khuyết, và khó có khả năng phát triển hoàn thiện.
Dù vậy, sự lớn lên không ngừng của bào thai gây ra hiện tượng chèn ép mạnh các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng người anh em song sinh. Tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng thai trong thai nhưng các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dùng thuốc phải theo đơn của bác sĩ đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc tiêm phòng nhằm hạn chế mắc các căn bệnh truyền nhiễm cũng được khuyến cáo để bảo vệ sự phát triển của thai nhi.
Đại Dương
Theo Dantri
Bé trai Trung Quốc bị gần 90 đầu đạn găm vào mặt Cậu bé họ Cai bị thương nghiêm trọng sau khi nghịch súng để bắt chước phim hoạt hình. Khuôn mặt Cai bị biến dạng sau lần nghịch dại. Ảnh: Sina. Cai sống ở huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, Trung Quốc, hiện được điều trị tại một bệnh viện ở Thượng Hải sau tai nạn tự bắn vào mình trong lúc nghịch súng...