Cà Mau kết nối du lịch xuyên quốc gia
Nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019″, sáng 10-12, UBND tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Tọa đàm kết nối và hợp tác phát triển du lịch.
Đến dự có đại diện lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, Tổng Cục du lịch Việt Nam cùng đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội du lịch các nước: Lào, Cambodia và Thái Lan…
Tọa đàm kết nối và hợp tác phát triển du lịch Cà Mau, sáng 10-12.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trần Hồng Quân, nhấn mạnh, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia.
Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, theo ông Trần Hồng Quân, du lịch các địa phương muốn phát triển cần tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Cà Mau là một trong bốn tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Vùng đất địa đầu cực nam Tổ quốc này đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Ngoài vị trí địa lý đặc biệt với ba mặt giáp biển, nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào, các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn…, sức hấp dẫn của Cà Mau còn ở tấm lòng, khí chất hào sảng, mến khách của nông dân vùng tây nam Tổ quốc.
Hiếm có nơi nào trên dải đất chữ S du khách có thể ngắm được mặt trời mọc lúc bình minh và mặt trời lặn lúc chiều tà như ở Cà Mau. Sức hấp dẫn của miền đất này còn ở cái chất “đặc sệt” về văn hoá sông nước Nam Bộ. Được xem là cái nôi cách mạng trong kháng chiến, Cà Mau tự hào với nhiều chiến công vang dội được lưu truyền đến tận ngày nay. Đó là những công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc tâm linh…, và vô vàn khu tưởng niệm, phủ thờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh chốn thị thành và ở nhiều vùng quê hẻo lánh.
Trên vùng đất Cà Mau, du khách còn được trải nghiệm các lễ hội dân gian đặc sắc, được hòa mình vào không gian thực tế của nhiều làng nghề truyền thống, để cùng ăn, cùng làm, cùng vui vầy với nếp sống mộc mạc, thanh bình, giản dị của người dân quê. Ở đó, sẽ thiếu sót lớn nếu du khách bỏ qua việc khám phá văn hóa ẩm thực. Sự độc đáo, đa dạng từ đặc sản hệ sinh thái mặn – ngọt ở vùng đất cuối trời phương nam hòa quyện cùng giai điệu ngọt lịm của loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ, hay những câu chuyện hài hước của bác Ba Phi… sẽ giúp du khách quên đi những xô bồ trong cuộc sống. Nguồn tài nguyên tạo nên nét riêng biệt, hấp dẫn cho du lịch Cà Mau còn phải kể đến các vườn chim tự nhiên, các điểm du lịch cộng đồng, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ – nơi đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và là khu Ramsar của thế giới…
Video đang HOT
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư, tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL và các địa phương ngoài nước. Tuy nhiên, ngành du lịch Cà Mau vẫn chưa phát triển xứng tầm. Điều đó đòi hỏi tỉnh phải có tầm nhìn và hành động thích hợp trong quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đặt trong sự kết nối phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố trong khu vực và các nước láng giềng có đường biên tiếp giáp…
Để hiện thực được việc trên, tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia lữ hành trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm và chỉ ra một số mặt còn hạn chế của du lịch Cà Mau, qua đó đề xuất giải pháp nhằm giúp tỉnh đẩy mạnh kết nối, xây dựng các tua – tuyến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL và với các tỉnh trên tuyến đường hành lang ven biển phía nam của Thailand, Cambodia trong thời gian sắp tới, cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Tại buổi tọa đàm, trước sự chứng kiến của chính quyền và cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lữ hành Cà Mau và một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ mở tua du lịch xuyên biên giới với các doanh nghiệp lữ hành thuộc Hiệp hội du lịch Thailand và Cambodia. Dịp này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về kết nối, chia sẻ thông tin, tổ chức, tham gia các sự kiện về du lịch với Hiệp hội du lịch Thailand và Cambodia.
Cà Mau ký kết hợp tác kết nối du lịch “xuyên quốc gia” với Hiệp hội du lịch Thailand và Cambodia.
Thiên nhiên rừng – biển Cà Mau cuốn hút khách thập phương.
HỮU TÙNG
Theo nhandan.com.vn
Nhà vườn nhộn nhịp vào vụ hoa Tết
Nhiều năm qua nghề trồng hoa Tết khá phát triển tại quận Thủ Đức và các huyện vùng ven như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi...
Chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020, hộ nông dân trồng hoa đang tất bật chăm sóc các loại hoa kiểng thông thường như cúc, mai, vạn thọ, và hoa lan...
Vườn hướng dương ở Thủ Đức thu hút khách vào dịp cuối tuần.
Hơn hai tháng nay, gia đình anh Nguyễn Văn Phong, 44 tuổi ở ấp 4, xã Xuân Thới Sơn luôn rất bận rộn với vựa lan rộng hơn 4.000 m2, được chia thành nhiều ô nhỏ với diện tích vài trăm mét vuông, tất cả đều có giàn khung sắt kiên cố. Ngoài hai vợ chồng và cô con gái lớn, anh còn thuê thêm hai công nhân nữa để cắt tỉa, chăm sóc hoa.
Năm nay gia đình anh đầu tư gần 200 triệu đồng cho vụ hoa Tết Nguyên đán Canh Tý. Phần lớn số tiền trên anh dành mua lan giống, nhất là các loại phôi nhập khẩu về từ Thái-lan. Anh Phong cho biết: "Gia đình tôi trồng lan đã 7 năm nay. Ngày thường tôi vẫn cung cấp lan cắt cành và lan giỏ cho các vựa hoa ở trên Phú Nhuận, Gò Vấp hay Quận 10. Tuy nhiên dịp Tết này, dự báo nhu cầu sử dụng hoa sẽ tăng nên tôi nhập nhiều loại lan mới từ Thái-lan về bán. So với các loại lan thông thường hiện nay, lan Thái-lan đa dạng về chủng loại, mầu sắc và bắt mắt hơn".
Cách đó không xa, tại ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, vựa lan của gia đình anh Đặng Văn Tùng cũng hối hả chuẩn bị cho vụ Tết. Cũng như nhiều vựa hoa lan khác, anh Tùng đầu tư để nhập các loại lan nước ngoài về bán dịp Tết. Hầu hết các loại lan trong nước, kể cả lan rừng quý hiếm đều có nguồn gốc tự nhiên, rất khó căn đúng ngày ra bông, ra nụ.
Đây là nhược điểm khiến lan trong nước không thích hợp cho dịp Tết khi mà người bán và người mua đều muốn hoa nở đúng ngày. Vì thế nhiều vựa phải nhập hoa ở nước ngoài, chủ yếu là dạng phôi hoa nhân tạo. Đây là các loại hoa mà người ta có thể tính chính xác ngày nở, ngày tàn của hoa, rất phù hợp với dịp Tết để làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, giá lan ngoại không hề rẻ. Bên cạnh đó, nhiều vườn mai đã lác đác nở hoa. Anh Cao Hải Vương, chủ vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh cho biết, gia đình có khoảng 2.500 cây mai phục vụ thị trường Tết.
Năm nay thời tiết thuận lợi hơn so với năm ngoái nên hoa sẽ nở đúng dịp. Giá mỗi gốc mai dao động từ 2 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng tùy loại. Tôi dự tính 20 hoặc 22 Tết sẽ đem mai ra đường bán. Tại làng hoa ở quận Gò Vấp, các gia đình đang khẩn trương chăm bón để phục vụ Tết như hoa cúc, cẩm nhung, cát tường, mào gà...
Anh Nguyễn Văn Nghiêm, chủ vườn hoa rộng 1,5 ha cho biết, toàn bộ hoa trong vườn đã được khách đặt mua dịp Tết. Trước đây, hoa Tết ở Gò Vấp và một số vùng ven phục vụ cả thành phố và các tỉnh lân cận. Giờ đô thị hóa, ít người trồng nên hoa chỉ phục vụ khu vực nội thành, ngoài ra có thêm tỉnh Bình Dương.
Bắt nguồn từ những làng hoa truyền thống lâu năm ở Gò Vấp, Thủ Đức nhưng vì quỹ đất thành phố ngày càng eo hẹp, nhiều nông dân vì muốn tiếp tục trồng hoa phải dạt ra vùng ngoại ô Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi... thuê đất. Họ thường trồng những loại hoa thông dụng và quen thuộc trong ngày Tết như lay ơn, hướng dương, vạn thọ, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, mào gà...
Nằm ngay trên đường Song Hành, địa bàn xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) là những chậu hoa mào gà và cúc mâm xôi đang nhú mầm xanh. Ông Đinh Văn Hiệp, chủ ruộng hoa cho biết năm nay gia đình đầu tư hơn 3.000 chậu mào gà và 1.000 chậu cúc mâm xôi. ông Hiệp tâm sự :"Trồng hoa Tết cũng như đánh bạc vậy, nhất là cúc mâm xôi. Nếu thời tiết thuận lợi, có năm mình lãi mỗi chậu cúc tới 40 ngàn đồng.
Ngược lại, nếu mưa thất thường, cúc không đều mầu, bị điêu bông thì có thể lỗ vốn. Ngược lại, hoa mào gà không lãi nhiều vì giá rẻ hơn nhưng lại dễ trồng. Thời tiết gần Tết càng nắng nóng, mào gà càng rực rỡ. Ngoài mào gà và mâm xôi, tháng sau tôi sẽ nhập thêm mấy trăm chậu mai kiểng ngoài Phú Yên gửi vào để bán Tết".
Những vựa hoa truyền thống như của gia đình ông Hiệp hiện nay xuất hiện khá nhiều. Thậm chí nhiều nông dân ở miền Tây cũng lên thành phố, tìm các khu đất ngoại ô để trồng hoa, kiểng cho vụ Tết. Với lợi thế là không phải vận chuyển, nhu cầu thị trường nhiều nên nhiều gia đình chấp nhận ở thành phố vài tháng đầu tư vụ hoa Tết. Hiện, tổng diện tích trồng hoa và cây cảnh của thành phố là gần 2.000 ha. Trong đó, diện tích trồng hoa để phục vụ Tết Nguyên đán là hơn 1.000 ha. Cũng do huyện Củ Chi có lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và kinh nghiệm của người dân, nên chính quyền huyện đang đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân kết nối doanh nghiệp, vay vốn để mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh.
NGUYÊN QUỐC
Theo nhandan.com.vn
Khám phá vẻ đẹp về đêm của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam Là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, Chùa Bái Đính về đêm với không khí tĩnh lặng, ánh sáng lung linh khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Chùa Bái Đính lung linh về đêm 500 tượng các vị la hán tại chùa Bái Đính Cổng Tam quan được làm toàn bộ...