Cà Mau: Dân vùng ngọt hóa Trần Văn Thời điêu đứng vì ngập 1 tháng
Nhiều diện tích rau màu bị hư hại, sản xuất lúa không thuận lợi, lộ ngập khiến đi việc lại khó khăn, đó là tình trạng tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời ( Cà Mau) thời gian gần đây do ngập úng gây ra.
Theo người dân địa phương, hơn 1 tháng nay họ phải chịu cảnh sống chung với ngập úng, gây ra nhiều thiệt hại, nhất là hoạt động sản xuất rau màu, lúa. Nguyên nhân chính là do những đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, cộng với triều cương lên. Mặc dù hiện nay mưa đã giảm nhưng việc khắc phục rất khó khăn, mực nước ở các con kênh, con sông cũng bằng so với mực nước ruộng khiến cho việc bơm tát không thể thực hiện.
Ghi nhận tại các ấp Rạch Ruộng, Đòn Dong, Kinh Ngang của xã Khánh Lộc (Trần Văn Thời), hầu như các bờ ruộng, luống rau màu của bà con đều chìm trong biển nước, nước ngập mênh mông từ ruộng này sang ruộng khác.
Nước ngập tràn bờ ở xã Khánh Lộc (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Nguyễn Minh Thành (ngụ ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc), ngao ngán nói: “Vụ rau màu này mấy năm trước thu về được khoảng 20 triệu đồng, còn nay coi như thất trắng. Từ đầu năm đến giờ đã làm 3 vụ nhưng đều hư hết. Nước ngập thế này thì không thể nào cứu nổi rau màu, ngập từ nhà này sang nhà khác, mênh mông như vậy làm sao bơm nước ra được”.
Số dưa leo hư hỏng của gia đình ông Thành (Ảnh: Chúc Ly).
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Tuấn – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Kinh Ngang, thông tin: “Toàn ấp có hơn 100 hội viên nông dân, sản xuất chủ yếu là lúa và rau màu. Trong đó có gần 29ha rau màu, khoảng 80% số diện tích trog đo đã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt”.
Người dân xã Khánh Lộc ngao ngán vì nước ngập, để cứu rau màu tốn nhiều chi phí bơm tác (Ảnh: Chúc Ly).
“Thời điểm này những năm trước trong cũng có ngập nhưng không đến nổi như năm nay. Nước ngập cả lộ, không thể bơm tát ra ngoài được vì nước quá nhiều. Đối vơi vụ đông xuân sắp tới, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến lịch gieo sạ, nếu nước không rút thì bắt buộc phải đem máy vào bơm nước ra, chi phí sẽ rất lớn. Đây có thể xem là trận ngập nặng nhất trong vòng 5 năm qua” – ông Tuấn chia sẻ.
Nước ngập khiến việc gieo sạ vụ lúa đông xuân tới đây gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Chúc Ly).
Video đang HOT
Theo nhiều nông dân trồng lúa tại địa phương, nếu tình hình nước ngập không giảm thì có thể năm nay lịch gieo sạ lúa đông xuân có thể bị dời lại, gây nhiều khó khăn trong sản xuất.
Ông Huỳnh Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lộc, cho biết: Hiện tại rau màu của một số hộ đang chuẩn bị thu hoạch nhưng do nước quá nhiều nên gây ngập úng. Bà con cũng đã chủ động be chắn bờ, để bơm nước ra nhưng không có hiệu quả, khiến diện tích thiệt hại là rất lớn.
Nhiều diện tích rau màu trong huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại dù nông dân đã cố be chắn bờ bao (Ảnh: Chúc Ly).
Theo Phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời, hiện nay, đơn vị đang tiến hành xây dựng lại lịch thời vụ mới cho vụ lúa đông xuân tại địa phương. Theo dự báo khí tượng thuỷ văn thì mùa mưa năm nay kéo dài và mùa khô đến rất muộn, theo đó phòng cũng khuyến cáo bà con có thời gian bơm tát, gieo sạ cho phù hợp. ồng thời, thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện, thi công nạo vét chống tràn một số tuyến bức xúc. Trong trường hợp không đủ kinh phí sẽ làm bờ quai chống tràn tạm thời, phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân cho bà con được thuận lợi.
Trong tháng 10, tuy chưa có số liệu về tổng số tiền thiệt hại nhưng ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã làm ngập 55ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ, thiệt hại 25ha rau màu. Trong đó, xã Khánh Lộc 18ha, xã Trần Hợi bị thiệt hại 7ha. Ngoài ra, có 303 căn nhà bị ngập; 12 điểm trường bị ngập; một số tuyến lộ trên địa bàn huyện bị ngập nước, khoảng 36.500m, chủ yếu những đoạn cống thoát nước, sụp, lún, tập trung ở xã Khánh Bình Tây và Khánh Hải.
Vườn chuối của bà Nguyễn Thị Hiến (ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc) bị thiệt hại, chuối hư hỏng bán mất giá (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Sử Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin: Thời gian qua do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, kết hợp với triều cường do nước biển dâng gây thiệt hại gần 10.000ha lúa, rau màu cho 9.000 hộ dân trên địa bàn. Các cửa cống xả nước không kịp, hệ thống trạm bơm chưa đầy đủ, gây ngập úng diện rộng trên địa bàn. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, đồng thời mở tất cả các cống để tiêu thoát nước.
Cũng theo ông Minh, về mức thiệt hại các xã đã thực hiện đúng theo trình tự thủ tục, nhưng thiệt hại đó không rơi vào 19 loại thiên tai trong quyết định 44 của Thủ tướng chính phủ ban hành. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh đã kiến nghị hỗ trợ loại thiên tai khác. Được biết, Ban đề nghị TƯ xác nhận loại thiên tai khác nhằm hỗ trợ về kinh phí, giống cho bà con.
“Mưa kéo dài, ngập úng hiện nay đã ảnh hưởng rất lợn đến tình trạng gieo sạ vụ lúa tới. Để đề phòng tình trạng thừa nước đầu vụ, thiếu nước cuối vụ, vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để khoanh từng ô gieo sạ” – ông Minh nhấn mạnh.
Theo Danviet
Cho heo ăn nước ngập tới gối, rau, cá thất thu trong mấy tháng trời
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống trong khu vực lâm phần thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) đang chịu cảnh sống chung với ngập úng. Thực trạng này đang gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Có mặt tại khu vực ấp 12, 13 (xã Khánh An, huyện U Minh), ấp Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), phóng viên ghi nhận tình trạng nước ngập tràn lan, nhiều đoạn lộ bê tông cũng bị ngập, gây khó khăn trong đi lại của người dân.
Nhiều nhà dân trong lâm phần ngập trong biển nước (Ảnh: Chúc Ly).
Bà Nguyễn Thị Nhanh (ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi), cho hay: Tình trạng ngập lụt diễn ra đã mấy tháng nay, khiến cho việc đi lại sinh hoạt trong gia đình rất khó khăn. Đồ đạc trong nhà phải kê lên cao nêu không sẽ bị trôi, ngập. Thậm chí, nước ngập tràn lan khiến tôi phải trang bị xuồng bơi trong sân để đỡ phải lội nước.
Người dân trang bị xuồng ngay trên sân nhà (Ảnh: Chúc Ly).
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Cúc (ngụ cùng ấp Vồ Dơi), chia sẻ: Nhà có nuôi mấy con heo, nước ngập lên gần nửa chuồng nên tôi phải kê ván để heo ở; bầy gà mấy chục con cũng chết hết do nước ngập. Nước ngập lâu ngày khiến cho việc chăn nuôi không thuận lợi, ngoài ra còn có tình trạng mất vệ sinh, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mấy đứa cháu nhỏ.
Người dân cho heo ăn trong tình trạng nước ngập đến gối (Ảnh: Chúc Ly).
Theo phản ánh của người dân trong lâm phần, tình trạng ngập lụt lâu ngày khiến cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích rau màu, ao nuôi cá bị thất thu.
Ông Nguyễn Văn Năm đã chuẩn bị giống rau màu nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa trồng được do ngập (Ảnh: Chúc Ly).
"Nhà tôi có thu nhập chủ yếu từ diện tích rẫy, mọi năm thu về cũng vài chục triệu, còn năm nay coi như trắng tay. Mấy ngày nay tôi đã chuẩn bị sẵn giống cây màu để trồng nhưng đợi hoài mà nước chưa rút" - ông Nguyễn Văn Năm (ngụ ấp 13, xã Khánh An) ngao ngán nói.
Không những ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, tình trạng ngập úng còn ảnh hưởng lớn đến việc học của nhiều em học sinh. Có mặt tại điểm trường T19 - trường tiểu học Nông trường U Minh 3 (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi), chúng tôi nhận thấy khu vực sân trường hầu như ngập hoàn toàn, các em phải bỏ dép ngoài cửa lớp để đi chân không vì trơn trợt.
Nước ngập tràn lan ảnh hưởng đến đi lại của học sinh (Ảnh: Chúc Ly).
Chị Lê Thị Trinh (ngụ ấp 13, xã Khánh An), cho biết: Nước ngập hết đường đi và đường vào trường nên rong rêu bám đầy, khiến cho nhiều em học sinh bị té ướt hết sổ sách. Nhiều em khi đi học giữa chừng phải quay về vì té ướt hết quần áo.
Sân trường ngập trong nước (Ảnh: Chúc Ly).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: Trên địa bàn xã Khánh An, thời điểm từ tháng 9 đến nay, tình hình ngập úng đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân 7 ấp thuộc xã Khánh An; tập trung nhiều ở các ấp 12, 13 và một phần ấp 14. Tình hình này chủ yếu ảnh hưởng sản xuất lúa và rau màu của người dân.
Nói về nguyên nhân dẫn đến ngập úng ở 7 ấp, theo ông Kiên, lượng mưa nhiều, cộng thêm nước xả từ các cống của Vườn quốc gia U Minh Hạ là 2 nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn do tình hình triều cường dâng cao vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Nước ngập nặng ở các ấp 12, 13 và một phần ấp 14, xã Khánh An (Ảnh: Chúc Ly).
"Trước tình hình này, UBND xã đã trực tiếp đề nghị và được sự đồng ý của Vườn quốc gia U Minh Hạ đắp các cống đập có xả nước ra khu vực xã Khánh An, nhằm hạn chế bớt lượng nước. Hiện chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại, tuy nhiên khi nước rút xã sẽ chỉ đạo cho cán bộ nông nghiệp có báo cáo hoàn chỉnh báo về Phòng NNPTNT. Từ đó kiến nghị đến các ngành chức năng có liên quan xem xét và theo quy định sẽ hướng dẫn bà con thụ hưởng hỗ trợ" - ông Kiên thông tin.
Cũng theo ông Kiên, về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải thay thế tất cả hệ thống đập bằng hệ thống cống để thoát nước. Ngoài ra, nếu có điều kiện về vốn thì nên xây dựng luôn một trạm bơm để tháo nước khi nước dâng cao.
Theo UBND xã Khánh An, tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân các ấp 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và An Phú, với diện tích đất sản xuất kết hợp (30% tổng diện tích đất được giao khoán) là 2.160ha, trung bình mỗi ấp có khoảng 150 hộ dân sinh sống.
Theo Danviet
Cà Mau: Dốc sức giữ mô hình "con tôm ôm gốc lúa" Sản xuất tôm - lúa ở Cà Mau được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong tương lai bắt buộc phải giảm diện tích do xâm nhập mặn. Hiệu quả kép Năm 2009, tỉnh Cà Mau triển khai đề án Nâng cao năng suất...