Cà Mau: Bỏ tí vôi xuống gốc dừa, trái ra “ầm ầm”, nước ngọt lừ
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa ban huyện U Minh, tỉnh Cà Mau mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo vườn tạp, đất bờ bao, bờ vuông để thực hiện mô hình trồng dừa xiêm lùn nhằm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Nhờ mô hình này mà những năm qua, hộ anh Huỳnh Tuấn Anh, ở ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên khá giàu.
Nhiều năm trước, gia đình anh Huỳnh Tuấn Anh, ở ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh chỉ trồng lúa kết hợp nuôi tôm, nuôi cua, thu nhập tạm ổn định. Tuy nhiên, phần đất sân vườn, bờ bao còn bỏ trống chỉ có cỏ sậy mọc um tùm.
Sau khi địa phương tuyên truyền, vận động cải tạo vườn tạp, đất hoang đưa vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và nhất là sau những lần đi tìm hiểu, học hỏi một số mô hình sản xuất có hiệu quả, anh Tuấn Anh quyết định thực hiện mô hình trồng dừa xiêm lùn trên bờ vuông.
Từ mô hình trồng dừa xiêm lùn trên bờ vuông, mỗi năm gia đình Anh Tuấn Anh có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Đầu năm 2012, anh Tuấn Anh tiến hành nạo vét các kênh mương nuôi tôm kết hợp bồi trúc các bờ bao, đào mới một số mương liếp trên diện tích 1 ha đất sản xuất để trồng dừa xiêm lùn. Lúc đầu, anh trồng khoảng 100 gốc và sau khoảng 2 năm rưỡi dừa bắt đầu có trái. Năm đầu tiên thu hoạch, anh Tuấn có lãi trên 30 triệu đồng.
Thấy trồng dừa cho thu hoạch cao so với một số cây ăn trái khác nên anh Tuấn Anh tiếp tục cải tạo hết phần đất vườn đã cuốc của gia đình còn lại và trồng thêm 200 gốc dừa nữa. Hiện nay, gia đình anh Tuấn Anh có hơn 300 gốc dừa xiêm lùn đang trong thời kỳ thu hoạch. Trong đó, gồm dừa xiêm lục, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm dứa.
Video đang HOT
Giống dừa nào cũng cho trái to, nước ngọt. Từ lúc trồng đến thu hoạch chưa được 3 năm, đạt năng suất rất cao. Trung bình mỗi gốc dừa trong 1 năm cho thu hoạch từ 150 đến 200 trái, có gốc trên 300 trái. Hiện nay, trung bình 1 ngày, gia đình anh Tuấn Anh hái bán từ 70 đến 80 chục trái dừa tươi, mỗi trái bán với giá tù 6.000 đến 7.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình anh Tuấn Anh anh còn thu nhập 300.000 đến 400.000 đồng, trong 1 năm có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Anh Tuấn Anh cho biết: “Lúc mới trồng, tôi cứ nghĩ do ảnh hưởng của chân nước mặn trên đất nuôi tôm dừa xiêm lùn sẽ không phát triển. Nhưng khi trồng rồi mới thấy dừa xiêm lùn là loại cây trồng đơn giản nhất, ít tốn công chăm sóc, phát triển rất nhanh, cho thu hoạch thường xuyên, trồng 1 lần thu hoạch được nhiều năm.
Nếu so với các loại cây ăn trái khác, trồng dừa xiêm lùn cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần, trong quá trình trồng không có rủi ro, đầu ra và giá cả rất ổn định. Để trồng dừa xiêm lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, mặt đất trồng phải cao ráo, màu mỡ, khoảng cách trồng giữa mỗi cây từ 5 đến 7 mét.
Giống dừa xiêm lùn đỏ của gia đình anh Tuấn Anh rất sai trái.
Khi dừa từ 1 đến 3 tuổi, mỗi năm nên bón phân từ 2 đến 3 lần, chủ yếu là phân NPK và DAP vào khoảng tháng 5 và tháng 6 âm lịch. Trước khi bón 2 loại phân này nên trộn đều nhau, rồi dùng dá xới xung quanh gốc dừa rồi tiến hành bón phân, khi bón phân xong lắp đất lại để phân không bị thất thoát. Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó lấy bùn dưới kênh mương bồi gốc.
Khi thấy đất trồng dừa bị nhiễm phèn có thể bón từ 1 đến 2 kg vôi vào mỗi gốc dừa tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất. Tốt nhất là nên bỏ vôi sau những con mưa đầu mùa. Đối với những gốc dừa nằm trên bờ đất cao, vào mùa khô nên tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho đất và giúp dừa có trái sai hơn”.
Ông Nguyễn Hoàng Hớn, Trưởng ấp 10, xã Khánh An, nhận xét: “Trong ấp 10, xã khánh An, huyện U Minh hiện có nhiều hộ nông dân trồng dừa xiêm lùn, nhưng diện tích trồng lớn nhất, có hiệu quả nhất là hộ anh Huỳnh Tuấn Anh. Những năm qua, nhờ mô hình trồng dừa xiêm lùn mà kinh tế gia đình anh Tuấn Anh ngày một khấm khá hơn.
Bên cạnh trồng dừa, anh Tuấn Anh còn kết hợp trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua để tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ trồng dừa đem lại kinh tế cao cho gia đình, anh Tuấn Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích bà con nông dân địa phương tận dụng đất trống, vườn tạp, bờ bao, bờ vuông trồng dừa xiêm lùn để tăng thu nhập, cải thiện cho kinh tế gia đình và từng bước vươn lên làm giàu”.
Theo Danviet
Cà Mau: Nuôi thập cẩm các loài con đặc sản, thu 500 triệu đồng/năm
Từ nhiều năm qua, nhờ thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp mà kinh tế gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) từng bước vươn lên thoát nghèo.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền, anh Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều giấy khen khác của địa phương.
Sau nhiều năm sản xuất độc canh cây lúa, gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm, ở khóm 2, thị trấn U Minh cũng như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện U Minh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống.
Không cam chịu cảnh nghèo khó và với bản chất cần cù, chí thú làm ăn, anh Lâm thực hiện đạt hiệu quả kinh tế cao từ mô hình sản xuất đa canh kết hợp ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Anh Lâm lựa tôm vừa mới thu hoạch để chuẩn bị đem đi bán.
Với 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, sau khi Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nuôi tôm trên đất cấy lúa, anh Lâm mạnh dạn đầu tư vốn, lên bờ bao, sên vét kênh mương để thực hiện mô hình sản xuất trồng lúa, nuôi tôm, cua, cá kết hợp. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, mỗi năm anh Lâm thả nuôi 4 vụ tôm, 2 vụ cua và cấy 1 vụ lúa mùa.
Anh Lâm còn tận dụng 3 cái ao sẵn có của gia đình để nuôi 1.000 con cá bống tượng, xây hồ nuôi khoảng 120 con cá sấu.Trên các liếp vườn, anh Lâm còn trồng cây ăn trái, hoa màu để góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ mô hình sản xuất này, trong 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình anh Lâm cũng có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Có năm, chăn nuôi trúng mùa, được giá gia đình anh Lâm có thu nhập trên 600 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh Lâm ngày một khấm khá, vươn lên.
Anh Lâm cho biết: "Muốn thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp đạt hiệu quả cao, thì người nông dân phải chí thú làm ăn, không ngại khó khăn, gian khổ, siêng năng trong lao động sản xuất. Trong những ngày đầu thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp, tôi lao động gần như không nghỉ tay. Bản thân tôi cũng chịu khó đọc thêm sách báo, nghe đài, không ngừng tìm tòi, học hỏi cách làm hay, sáng tạo của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khác để làm kinh nghiệm cho chính mình. Những năm qua, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên năm nào gia đình tôi cũng trúng mùa bội thu".
Cá bống tượng của anh Lâm sắp đến ngày thu hoạch.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Lâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Anh sẵn sàng đóng góp nhiều ngày công lao động cùng với địa phương vệ sinh môi trường, trồng cây xanh làm hàng rào xanh trước nhà, dọc theo một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn thị trấn U Minh, làm cột cờ kiểu mẫu, chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp...
Những việc làm này của anh Lâm nhằm góp thêm tiêu chí để thị trấn U Minh đủ điều kiện đạt chuẩn "đô thị văn minh" theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, anh Lâm còn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất cho những nông dân trong khóm có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Những việc làm của anh Lâm trong những năm qua đã được nhiều bà con nông dân trong khóm 2 và trên địa bàn thị trấn U Minh tin yêu và quý trọng.
Nhờ cần cù, chịu khó và chí thú làm ăn, giờ đây gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm trở thành một trong những hộ nông dân khá giàu trên địa bàn thị trấn U Minh. Năm 2011 và năm 2013, anh Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2010, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen "Hoàn thành xuất sắc cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và nhiều giấy khen khác của địa phương.
Anh Trịnh Hoàng Lâm thật sự là một tấm gương điển hình trong vượt khó, thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở địa phương.
Theo Danviet
Cà Mau: Thoát cảnh bần hàn nhờ tuyệt chiêu đặt trúm bẫy lươn đồng Anh Tạ Văn Tìm, ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau hơn 10 năm qua vẫn còn duy trì nghề truyền thống đặt trúm bắt lươn đồng. Nhờ đó, thu nhập kinh tế gia đình anh đã được cải thiện và từng bước vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, nghề truyền thống đặt trúm bắt lươn...