Cá lóc nướng: Hương Nam bộ chốn Sài thành
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng nước Nam Bộ.. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt.
Chế biến món cá lóc nướng trui dân giã rất đơn giản, cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Cá lóc nướng trui, đặc sản của người dân Nam bộ
Riêng với cá lóc từ 700-800gr trở lên muốn cho thịt cá được chín đều hoàn toàn bạn nên vạch miệng cá ra chế nước vào trong miệng cá sao cho nước vào đầy dạ dày cá rồi mới nướng, làm như vậy khi nướng thì dưới tác động của nhiệt nuớc trong bụng cá sẽ sôi lên trong môi trường kín làm cho thịt cá được chín hoàn toàn.
Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me.
Video đang HOT
Cá lóc nướng được bày bán nhiều nơi ở Sài Gòn
Ở cái đất Sài Gòn ồn ào vội vã này, muốn thưởng thức món cá lóc nướng trui dân dã cũng thật khó. Tuy nhiên, đúng như câu nói ở Sài Gòn không thiếu bất cứ món ngon nào, mặc dù bạn không thể tìm ra một nơi nào chế biến cá lóc nướng theo kiểu dân dã như vậy, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy món cá lóc nướng ở vô số những quán ăn từ vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng.
Một trong những con đường bán cá lóc nướng trui nhiều và nổi tiếng nhất là đường Tân Kì Tân Quý thuộc quận Tân Phú. Ở đây, cứ vào khoảng 5 giờ chiều là cá lóc nướng được bày bán dọc hai bên đường. Cá lóc ở đây có thể nói là “dân dã” nhất Sài Gòn, sau khi rửa sạch cá, lấy một cây mía đường đâm xuyên qua miệng cá rồi đem lên bếp than hồng nướng, làm như vậy cá sẽ không bị mất máu và rất ngọt khi chín. Trên bếp than hồng, người ta trải 1 lớp lá chuối bên dưới cá để khi nướng cá sẽ không bị cháy và mùi thơm của lá chuối sẽ làm cho thịt cá thơm ngon hơn.
Sau khi cá chín, người ta đem cá trải lên một lớp giấy bạc, rưới thật nhiều mỡ hành, đậu phộng rang đâm nhuyễn lên khắp mình cá, sau đó quấn lớp giấy bạc lại, rút cây mía ra. Làm như vậy sẽ giữ cho cá luôn nóng hổi và ngát hương thơm.
Cá lóc nướng ở đây có thể ăn với mắm me, mắm nêm. Cá chín ăn kèm với bún, bánh cuốn, các loại rau… tùy khẩu vị và sở thích của mỗi người.
Giữa chốn Sài thành tấp nập, món cá lóc nướng đem tôi trở về với miền quê Nam bộ yêu dấu.
Theo MonngonSaigon.com
Bát canh phu thê
Không chỉ tồn tại trong kho tàng ca dao, râu tôm nấu với ruột bầu còn là một món ăn dân dã và hết sức quen thuộc trong bữa cơm của người nông dân.
Thời buổi khó khăn về kinh tế đó đã xa rồi, người ta không ăn món canh này do thiếu thốn về kinh tế mà vì thèm thuồng hương vị ngọt lịm rất đặc trưng riêng có ở bát canh bầu nấu râu tôm. Giờ đây, cuộc sống no đủ, bát canh bầu cũng được "cải tiến" ngày càng ngon miệng hơn. Thay vì nấu râu tôm và ruột bầu, người ta nấu bằng những con tôm tươi ngon và những quả bầu non đang lớn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại lấy món canh này ra để chỉ sự đồng thuận và sắt son của tình nghĩa vợ chồng, đây không chỉ đơn thuần là hình ảnh một bát canh đạm bạc trong thời buổi "khốn khó" mà còn bởi sự "phối hợp" giữa hai nguyên liệu tôm và bầu hài hoà hơn mọi nguyên liệu quý hiếm khác. Nó dân dã, thanh sơ như tâm hồn người nông dân nhưng lại tạo nên một sự đồng điệu, ngọt ngào khó phai như tình cảm vợ chồng vậy.
Đã nấu canh bầu thì phải nấu với tôm mới đúng điệu, bầu khi kết hợp với tôm mới cho ra một bát canh ngọt lừ không gì sánh bằng. Mà không phải là những con tôm sú to đắt tiền là ngon đâu, phải là những con tôm tươi đỏ thịt nhỏ như đầu đũa mới ngon ngọt. Tôm to thì khó chứ tôm nhỏ còn tươi nhảy tanh tách trong rổ thì chợ quê hay chợ phố cũng đều bán cả. Chỉ một mớ tôm và nửa quả bầu là đủ để có một nồi canh to đãi cả nhà.
Cách nấu món canh này cũng đơn giản như các loại canh rau thanh đạm khác. Tôm rửa sạch, vớt ra rổ chờ ráo nước. Chọn những trái bầu non, chưa kết hạt trong ruột, lúc này bầu mới giữ được độ tươi, ngọt và không bị xơ. Gọt vỏ xanh bên ngoài, thịt bầu tận dụng hết để nấu. Bầu được cắt khoanh tròn dài bằng ngón tay, nhưng không để từng miếng to như khi người ta nấu bí với sườn non mà tiếp tục xắt dọc thành sợi dày bản hơn bánh phở.
Bắc nồi nước lên bếp đến khi sôi sùng sục thì cho bầu vào, bầu vừa chín tới thì cho tôm vào, nhanh tay nêm nếm cho vừa miệng thì bắc xuống. Rắc mùi tàu, hành lá và ít hạt tiêu vào nồi đảo đều lên.
Canh bầu nấu tôm phải ăn nóng thì mới ngon, nấu lại không mất thời gian nên món này cứ chờ cả nhà về đông đủ, ngồi xuống mâm bắt đầu ăn thì các bà các mẹ nhanh tay nấu bê ra là vừa. Cầm bát canh nóng hổi trên tay nhưng nhìn những miếng bầu xanh non như ngọc xen lẫn những con tôm nhỏ xíu đỏ tươi màu mà thấy người sảng khoái, mọi mệt mỏi bỗng dưng không còn. Ăn bát canh bầu nấu tôm trong những ngày hè ngột ngạt này thì hợp nhất.
Thịt tôm ngọt lừ, trái bầu non vừa ngọt lại thơm thơm. Không gì có thể kết hợp hài hoà hơn thế, hai hương vị ngọt ngào, dân dã hoà lẫn trong bát canh như sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu thương, gắn bó với nhau.
Những con tôm nhảy tanh tách hoà nhịp cùng những trái bầu lúc lỉu đang lớn ngoài sân dã tạo nên món canh chứa chan tình nghĩa phu thê, trở thành nét văn hoá ẩm thực bình dị trong đời sống người dân Việt: "Ầu ơ... râu tôm nấu với ruột bầu... chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon"...
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Cá lóc tốt cho người bệnh thận Cá lóc còn gọi là cá quả, cá chuối, cá tràu,... Cá lóc đen là một trong những món ăn dưỡng sinh. Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, thông tiểu, tư âm, sinh tân dịch, bổ gân xương tạng phủ, chữa ít sữa, bổ khí huyết. Dùng bồi...