Cả làng thờ một con rắn vì đó là… linh hồn của cô gái 13 tuổi!?
Người dân thôn Tân Sơn (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) đã lập bàn thờ để ngày ngày cúng lễ… một con rắn.
“ Rắn thần” xuất hiện trên bờ tường ở Bắc Giang
Chuyện mê tín quái gở ở một vùng quê
Câu chuyện về con rắn được người dân thôn Tân Sơn thờ cúng đã diễn ra từ khá lâu. Theo người dân trong thôn, “thần rắn” lần đầu tiên xuất hiện tại khu đất sau ngôi chùa Tân Ninh vào ngày mùng 1 Tết vừa qua. Kể từ đó, rất nhiều chuyện khó lý giải xảy ra khiến dân làng và cả người dân ở những vùng lân cận càng ngày càng tin vào sự linh thiêng của “thần rắn”. Để thờ phụng con rắn nói trên, dân làng Tân Sơn đã lập bàn thờ và căng lều bạt tại vị trí gò đất sau chùa Tân Ninh. Mỗi ngày, dòng người tấp nập đổ về khấn bái, “xin lộc” đông nghìn nghịt.
Ngày 15/3, khi chúng tôi có mặt tại khu vực thờ phụng “thần rắn” ở Tân Sơn, đã có trên dưới hàng ngàn người đang xì xụp khấn vái tại một bàn thờ được dựng khá tạm bợ. Xe máy của người dân tới lễ “thần rắn” dựng kín cả đường làng. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, ngoài dân thôn Tân Sơn, rất nhiều người khác đến từ các huyện lân cận trong tỉnh Bắc Giang, hoặc nhiều người lặn lội từ các tỉnh xa như Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội…
Lúc đó khoảng 10h sáng. Người dân nói rằng, sắp đến giờ Tỵ, “thần rắn” sẽ xuất hiện. Mọi người thành tâm khấn vái mong được thấy “dung nhan” của “rắn thần”. Tuy nhiên, hơn một tiếng sau, con rắn không xuất hiện mà chỉ thò đầu thấp thoáng ở cửa hang (là một mô đất thấp, bên cạnh bờ tường được xây tạm bợ từ lâu). Một vài người ra dáng cô đồng, tóc tai bù xù, đôi mắt lim dim, khấn vái rất to: “Cô ơi, cô cứ ra đi. Không có gì phải ngại. Ở đây toàn đệ tử của cô thôi”. Bất chấp lời mời gọi, con rắn vẫn không ra khỏi hang.
Bỗng nhiên, đám đông rúng động. Vài chục người, trong đó có sắc phục công an, bộ đội xuất hiện làm cho những người dân đang lễ bái “thần rắn” giật mình. Thực ra, chủ trương bài trừ mê tín dự đoan, chính quyền xã Tân Dĩnh cho biết, sáng ngày 15/3, chính quyền xã đã họp và quyết định ngay trong ngày hôm đó dẹp bàn thờ con rắn tại thôn Tân Sơn nhằm ngăn ngừa hoạt động mê tín dị đoan. Lực lượng được huy động lên đến gần 60 người, gồm công an xã, dân quân và các trưởng, phó thôn.
Những người thi hành công vụ hạ các cột để dựng lều bạt và toan gỡ bỏ bàn thờ. Song, hành động này của họ bị người dân kịch liệt phản đối. Nhiều cụ bô lão kiên quyết ngăn cản, kéo theo sự phản ứng của một bộ phận thanh niên khiến cho công việc của các nhà chức trách không thể tiến hành thuận lợi. Đôi bên giằng co tới tận trưa nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Phó Chủ tịch xã Ngô Khải Hoàn buộc phải cho lực lượng tạm nghỉ.
Trở thành “rắn thần” vì… không chịu bò đi chỗ khác
Khi lực lượng chức năng rời đi, những người dân Tân Sơn lập tức dựng lại lều bạt và tiếp tục việc khấn vái. Không hiểu do nguyên nhân gì, con rắn ở trong hang bắt đầu lộ diện. Con rắn không lớn, to chừng hai đốt tay, dài khoảng 50cm, nặng trên dưới 300g, màu nâu vàng. Thấy sự xuất hiện của con rắn, những người có mặt chắp tay vái lia lịa, lầm rầm cầu xin.
Video đang HOT
Để biết rõ hơn về những câu chuyện xung quanh con rắn này, chúng tôi hỏi bà Ngô Thị Mịch (SN 1937), một trong những người bảo vệ “thần rắn” quyết liệt nhất. Tuy tuổi đã cao, song giọng nói của bà Mịch vẫn rất mạnh mẽ và sự tín tâm dành cho con rắn được thể hiện rõ ràng trong từng câu nói. Theo bà Mịch, sự xuất hiện của “thần rắn” rất ly kỳ. Ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ, người dân trong thôn Tân Sơn phát hiện con rắn nằm cuộn tròn trên bờ tường. Mặc kệ kẻ qua lại, con rắn vẫn nằm im không chuyển.
Người dân hiếu kỳ đến xem “thần rắn” xuất hiện
“Vị trí ngài rắn hiển linh rất đặc biệt, xung quanh có 5 cây gỗ chết khô, tượng trưng cho ngũ hành. Ngài rắn rất thương yêu người dân, ngài tuyệt đối không bao giờ dọa nạt hay lẩn tránh. Hàng ngày, ngài đều bò lên bờ tường nằm cả giờ đồng hồ để người dân chiêm bái. Ngài không có lưỡi, không có răng nanh. Ai vuốt ve ngài cũng được, ai cầu xin điều gì ngài cho ngay” – bà Mịch đề cập một cách ngô nghê về ngũ hành cho thêm phần kỳ bí.
Ngoài ra, cũng theo bà Mịch, con rắn đã ở tại vị trí mô đất sau chùa Tân Ninh hơn 30 ngày nhưng chưa thấy “thần rắn” bò đi đâu và cũng không thấy nó ăn gì.
Những đồn đại vô căn cứ
Kỳ dị hơn nữa, người dân trong thôn truyền tai nhau những câu chuyện về người bị “thần rắn” trừng phạt do có lời nói hay có hành vi báng bổ. Dựa theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp anh Ngô Văn Thú (SN 1976), người đã trực tiếp chứng kiến công nhân của mình bị “rắn trừng phạt”. Anh Thú là chủ một xưởng gỗ tại thôn Tân Sơn. Trong số các công nhân của anh Thú, có một người tên là Đức ở làng Siêu. Anh Đức là người không mê tín, đối với anh, chuyện “rắn thần” chẳng qua là sự bịa đặt. Hiếu kỳ, anh đến xem “rắn thần” bò lên tường. Chứng kiến sự mê muội của người dân, anh buông lời: “Con rắn bé tí, chỉ đáng làm mấy miếng chả”.
“Ai ngờ, anh ta bị “thần rắn” trừng phạt vì câu nói đó” – anh Thú kể - “Đêm hôm ấy, trong giấc mơ, anh ta thấy hai vị thần cầm roi đánh và đưa anh ta vứt vào một ngôi nhà hoang ở bờ ruộng. Anh ta kêu váng khắp nhà. Chị vợ hoảng hồn, tri hô mọi người. Lay gọi mãi anh ta không tỉnh dậy, tinh thần hoảng loạn, sợ hãi. Bà mẹ anh ta phải làm lễ xin “thần rắn”, anh ta mới trở lại bình thường. Kể từ bấy, anh ta bỏ việc luôn, không sang bên thôn Tân Sơn nữa”. Câu chuyện của anh Thú hết sức rùng rợn, nhưng đó cũng chỉ là truyền miệng, không có bằng chứng đáng tin cậy.
Sau nhiều ngày, việc “rắn thần” xuất hiện ở Tân Sơn đã lan truyền rộng khắp. Một vài thanh đồng tìm đến. Qua lời phán của các thanh đồng, “thần rắn” là một cô gái 13 tuổi, bị chôn sống để làm “thần giữ của” cách đây mấy trăm năm. Vì lời phán truyền này, người dân thôn Tân Sơn càng thêm tin rằng “thần rắn” sẽ mang lại tài lộc, may mắn.
“Đây là lộc của làng”?!
Chiều ngày 15/3, chính quyền xã Tân Dĩnh tiếp tục việc dẹp bỏ bàn thờ con rắn tại thôn Tân Sơn. Tuy nhiên, giống như buổi sáng, người dân kiên quyết ngăn cản. Sự việc mỗi lúc thêm căng thẳng và thu hút rất đông người.
Bà Mịch tuyên bố: “Đối với “thần rắn”, chúng tôi chỉ tín chứ không mê. Vậy thì tại sao lại phá bàn thờ của chúng tôi, hủy sự tín ngưỡng của chúng tôi? Tôi tin “thần rắn hiển linh” là lộc của thôn Tân Sơn, vì thế chúng tôi sẽ bảo vệ ngài đến cùng”.
Thật nực cười với lý luận của bà Mịch. Mê muội tới mức tôn thờ một con rắn nhỏ lên làm “thần” mà còn bảo là chỉ tín chứ không mê. Rắn là loài bò sát máu lạnh, chúng cần phải sưởi ấm nên bò lên bờ tường đón ánh nằng thì có gì lạ. Rắn có thể nhịn đói cả tháng không ăn cũng chẳng phải là chuyện lạ. Vậy mà người dân làng tôn sùng nó là “thần”, là “lộc”. Phải chăng họ tự đưa ra những tin đồn kỳ dị để “câu” tiền cúng của thiên hạ?
Trước sự mê muội của người dân, chính quyền xã Tân Dĩnh buộc phải nhờ tới sự giúp đỡ từ Công an huyện Lạng Giang. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, việc mê tín thờ cúng “thần rắn” tại thôn Tân Sơn sẽ sớm được giải quyết triệt để.
Theo xahoi
Sự thật về rắn thần hiển linh khiến hàng ngàn người khấn vái
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng nghìn người đổ về thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang để xem, khấn vái một con "rắn thần".
Điểm xuất hiện của rắn thần là phía sau ngôi chùa Tân Ninh, một ngôi chùa khá cổ kính và đã được xếp hạng di tích lịch sử. Đây là một khu đất trống tuy nhiên từ khi rắn thần xuất hiện người ta đã cho dựng bạt đồng thời đặt bàn thờ, bát hương để hằng ngày cúng tế. Hang của rắn thần nằm dưới một bức tường đổ nát. Xung quanh nơi rắn thần ngự có 5 cây gỗ chết khô, mỗi cây có đường kính khoảng 40cm.
Có mặt tại đây khoảng 10 giờ sáng ngày 11/3, chúng tôi thấy nhiều người xuýt xoa: Các cháu đến thật đúng lúc bởi lúc này là giờ Tỵ (giờ Rắn) và cũng là thời điểm rắn thần xuất hiện. Xung quanh hang của rắn thần đã có khoảng 30-40 người tụ tập. Một số cụ già còn mang cả trầu cau đến têm, đặt cả một bình nước lọc đến để cho mọi người uống.
Trước cửa hang có khoảng 4-5 người đang đứng chắp tay mời "thần" hiển linh. Tại các gốc cây xung quanh cửa hang treo mấy bức ảnh thần rắn trong các tư thế và vị trí khác nhau được lồng trong khung gỗ trang trọng
Người dân hiếu kỳ kéo đến xem rắn thần xuất hiện
Một số người có mặt tại đây cho biết họ ở tận TP Bắc Giang, Bắc Ninh và các huyện lân cận như Yên Dũng, Lục Nam... nghe tin có rắn thần xuất hiện cũng kéo về xem. Tuy nhiên, không phải ai cũng được diện kiến rắn thần bởi có những ngày thần không hiển linh. Khoảng gần 10 rưỡi, trời bắt đầu nắng to thì có tiếng người reo lên vui sướng: Rắn thần lên!
Theo đám đông xúm xít quanh miệng hang chúng tôi nhận thấy từ trong hang nhỏ ở chân tường, một chú rắn màu nâu vàng, dài khoảng 80 cm với cái đầu nhỏ từ từ trườn lên. Nhiều người mang máy điện thoại ra quay, chụp ảnh. Rắn lặng lẽ bò ra và nằm dài trên bức tường. Một cụ già tự giới thiệu với tôi là "già làng" đứng lên cúng khấn gì đó. Sau đó mọi người thi nhau khấn vái, bỏ tiền vào chiếc ban thờ, một số người còn nhờ cụ ông này khấn giúp với thần rắn và xin lộc từ thần.
Muôn chuyện ly kỳ
Theo lời ông Hòa, người tự giới thiệu là "già làng" thì thần rắn xuất hiện từ mồng Một Tết Nguyên đán. Đến ngày mồng 2 Tết, khi có người đến vận chuyển đống cát gần nơi thần ngự thì chiếc xe ô tô không thể nổ máy được (?).
"Thần rắn linh lắm, có người đến xem, không tin, nói xấu thần vậy là đêm về luôn mơ thấy hai người cầm gậy đứng hai bên đầu giường rồi phóng uế bừa bãi cả trên giường. Đến khi mang lễ đến đây tạ thì mới yên" - Một cụ già kể.
Chỉ là mê tín dị đoan
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND và ông Ngô Khải Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho biết: Nhìn bên ngoài con rắn này có vẻ giống rắn nước hoặc một loài rắn bắt chuột nhưng chưa thể khẳng định đây là loại rắn gì. Từ đầu năm nay, xã đã biết việc này và đã cảnh báo đến tất cả các bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban ngành trong xã, thôn đây là hiện tượng mê tín dị đoan.
"Lợi dụng hiện tượng này, một số thầy đồng, thầy cúng ở các nơi kéo về nhưng chúng tôi kiên quyết ngăn chặn. Chúng tôi cũng chỉ đạo công an thường xuyên bám sát khu vực, treo biển cấm tụ tập đông người" - ông Hà nói.
Theo ông Ngô Khải Hoàn thì các biện pháp của chính quyền đã có tác động không nhỏ. Lượng người đến xem, khấn vái tại đây đã giảm đi nhiều so với thời gian trước. Tính đến ngày 8/3, đã có hàng nghìn lượt người đến xem thần rắn và bỏ tiền vào bàn thờ thần với số tiền lên tới hơn 20 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền này hiện vẫn được chùa Tân Ninh giữ cẩn thận. Việc một số người dân trong thôn có ý định xây dựng miếu, chính quyền cũng đã biết nhưng sẽ kiên quyết không cho phép. "Tuy nhiên không phải ngày một ngày hai để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này" - ông Hoàn nói.
Theo tinmoi
Bí ẩn con rắn vàng ở ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ Trong quá trình tháo dỡ chiếc cổng cũ kỹ để tu bổ lại, những người thợ rùng mình khi nhìn thấy một con rắn màu vàng bò ra từ bên trong khối bê tông. Đền Canh nằm ở giữa mảnh đất sơn thủy hữu tình Đó là lời kể của ông Hà Huy Quang, người quản lý tận tụy, lâu năm của đền...