Ca khúc ‘Here, There And Everywhere’: ‘Đứa con cưng’ bị ghẻ lạnh của The Beatles
Giữa John Lennon và Paul McCartney luôn là một mối quan hệ phức tạp chẳng kém cặp đôi ngôn tình nào.
Họ yêu nhau và ghét nhau, ngầm ngưỡng mộ nhưng cạnh tranh nhau. Thế nên, trong trí nhớ của McCartney, chỉ có duy nhất “đúng 1 lần trong từng ấy thời gian”, Lennon khen nhạc của McCartney.
Một lần duy nhất đó, mà khiến McCartney nửa thế kỷ sau nghĩ lại vẫn thấy khoái trá hết sức, là trường hợp của ca khúc Here, There And Everywhere, thuộc album Revolver phát hành năm 1966.
“ Con cưng” của cả McCartney và Lennon
Trong buổi phỏng vấn năm 2018 trên chương trình 60 Minutes, Paul McCartney 76 tuổi hồ hởi kể lại: “Đúng 1 lần trong từng ấy thời gian. John nói ngay sau khi ca khúc kết thúc: “Một ca khúc thật sự hay đấy. Tôi yêu ca khúc này”. Và tôi cảm thấy: “Trời, anh ấy thích nó!” Tôi vẫn còn nhớ tới giờ. Thật sự là tuyệt cú mèo”.
Chưa hết, McCartney còn có một kỷ niệm đặc biệt khi tới Áo quay phim Help! : “John và tôi ở chung phòng. Chúng tôi cởi bỏ đôi ủng trượt tuyết nặng trịch sau một ngày quay, chuẩn bị đi tắm và sẵn sàng cho bữa ăn và đồ uống ngon lành buổi tối. Chúng tôi phát một băng cát-xét các bản thu mới và ca khúc Here, There And Everywhere có trong đó. Tôi nhớ John đã nói: Cậu biết đấy, có lẽ tôi thích nó hơn bất cứ ca khúc nào của tôi trong băng. Đây thật sự là một lời ngợi khen lớn của John Lennon”.
Bức ảnh rất đặc biệt với Paul McCartney, nhắc ông nhớ mình và John Lennon đã vui vẻ như thế nào
Bản thân McCartney cũng nhiều lần khẳng định Here, There And Everywhere là nằm trong số những ca khúc ông tự hào nhất suốt sự nghiệp của mình. Trên thực tế, sau khi Michael Jackson mua bản quyền danh mục “Lennon/ McCartney” vào tháng 8/1985, McCartney đã bày tỏ mong ước được sở hữu một vài đứa con tinh thần ông đặc biệt yêu thương. Here, There And Everywhere nằm ở số ít này.
Còn trong danh sách 100 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại đăng trên Mojo , do những tên tuổi sành sỏi nhất làng nhạc bình chọn, bao gồm Brian Wilson, Jerry Leiber, Hal David và chính McCartney, Here, There And Everywhere đứng thứ tư, chỉ sau In My Life ( The Beatles), Satisfaction (The Rolling Stones) và Over The Rainbow (Judy Garland).
Thế nhưng, trong mắt công chúng nói chung, Here, There And Everywhere là một cái tên rất mờ nhạt. 2 nỗ lực trước đó của McCartney là Yesterday và Michelle thật sự là bom tấn ở cả 2 bờ Đại Tây Dương. Không những thế, ngay trong album Revolver , ca khúc cũng lép vế trước Yellow Submarine và Eleanor Rigby khi không lọt BXH đĩa đơn dưới tên The Beatles hay bất cứ nghệ sĩ cover nào.
Dòng chảy thuần khiết
“Tôi viết ca khúc bên hồ bơi nhà John vào một ngày nọ” – McCartney nhớ về một ngày tháng 6/1966. Vào này đó, ông tới nhà John Lennon ở Kenwood để viết nhạc. Lennon khi đó vẫn nằm trên giường, McCartney bèn nhờ ai đó mang cho một tách trà và cầm cây guitar ra bể bơi ngồi.
“Tôi ngồi ngoài hồ bơi trên một chiếc ghế tắm nắng với cây đàn guitar của tôi” – ông kể – “và bắt đầu gảy dây E, rồi nhanh chóng có một vài hợp âm. Khi anh ấy thức dậy, tôi nghĩ mình đã viết được kha khá ca khúc, thế nên chúng tôi đã vào nhà và hoàn thành nó. John có lẽ đã giúp tôi vài từ cuối… Nhưng nó rất là tôi, là một trong những ca khúc tôi viết mà tôi thích nhất. Vì vậy, tôi nghĩ tỷ lệ sáng tác là khoảng 80-20″.
“Here, There And Everywhere” là về Jane Asher, người McCartney mê đắm khi đó
Rất hợp lý bởi khi đó McCartney đã định hình trong tâm trí khán giả là chàng trai ballad của nhóm. Ngược lại, Lennon thấy mình gần như không viết giai điệu mà chỉ hét lên những câu thẳng băng của rock’n'roll. Ngoài ra, khác với nhiều trường hợp tranh cãi khác, chính ông cũng khẳng định: “Here, There And Everywhere hoàn toàn là ca khúc của Paul. Tôi tin đây là một trong những ca khúc của The Beatles mà tôi yêu thích nhất”.
Nếu có tranh chấp nào thì nó là từ người trợ lý phụ trách chuyện di chuyển của The Beatles là Mal Evans. Theo ông, McCartney đã hát bản nháp Here, There And Everywhere nhưng bị mắc một dòng. Chính ông đã cho McCartney câu “watching here eyes, hoping I’m always there”.
Nhìn chung, về mặt ca từ, ca khúc được lấy cảm hứng từ bạn gái khi đó của McCartney là Jane Asher. Vốn đang là người độc thân được khao khát bậc nhất thế giới, McCartney bỗng rơi vào lưới tình của thiếu nữ 17 tuổi. Ngồi trên ngai vàng âm nhạc nhưng có thể thấy trong ca từ sự quỵ lụy của McCartney trước nàng thơ: “Để có cuộc đời đẹp hơn, tôi cần tình yêu của tôi ở đây/ Ở đây, làm nên mỗi ngày trong năm/ Thay đổi cuộc đời tôi với một cái vẫy tay của nàng”. Họ chia tay năm 1968 sau 5 năm mặn nồng.
Về mặt âm nhạc, ông có nhắc tới The Beach Boys. Ông được cho là đã mượn cấu trúc hợp âm và dòng giai điệu trong album Pet Sounds , cụ thể là ca khúc God Only Knows , khi ngồi thư giãn bên hồ bơi nhà Lennon. Ông đặc biệt yêu thích Here, There And Everywhere chính bởi dòng giai điệu luôn chảy cùng nhau, so sánh với hit Cheek To Cheek của Fred Astaire mà ông rất thích.
Không chỉ được lấy cảm hứng từ âm nhạc Mỹ, mà nhạc Brazil cũng góp phần ở đây. “Ca khúc này tới từ rất nhiều điều” – McCartney trả lời phỏng vấn Mojo năm 2012. “Vào thời điểm đó, có những nhạc sĩ Brazil nhập cuộc – Joao Gilberto đã thu âm Fool On The Hill . Có một sự “thụ phấn chéo” diễn ra. Bạn nghe nó và thấy những hợp âm Brazil này mới đáng yêu làm sao, thế là bạn chuyển nó vào thứ gì đó. Đồng thời, tôi thấy mình thật sự yêu thích các giai điệu cũ và cố viết gì đó có thể so sánh được về kỹ thuật và cấu trúc”.
Nhà sản xuất George Martin đã mất kha khá thời gian để hòa âm dòng giai điệu chảy một hướng mà lại nhiều tầng này. “Các hòa âm đó rất đơn giản, chỉ là 3 đoạn cơ bản các cậu chàng ngâm nga theo sau và rất dễ thực hiện. Không có gì đặc biệt khéo léo, không có điểm đối âm, chỉ là sự hài hòa giữa các khối hòa âm. Làm rất đơn giản… nhưng rất hiệu quả” – Martin khiêm tốn nói về hòa âm. Tuy nhiên, ai cũng biết hòa âm là sở trường của Martin và sự giản đơn chưa bao giờ là đơn giản.
Với Here, There And Everywhere , McCartney một lần nữa củng cố vị trí chàng trai ballad của The Beatles. Ông sẽ tiếp tục hành trình này trong nhiều kiệt tác khác như She’s Leaving Home, The Fool On The Hill, Golden Slumbers, The Long And Winding Road và sau này là I Will.
Tất nhiên, McCartney có thể rock như một người giỏi nhất, nhưng những ca khúc kiểu Helter Skelter chưa bao giờ thật sự hợp. McCartney là những ca khúc như Here, There And Everywhere, một dòng chảy miên man ở đây, kia và mọi nơi.
McCartney và “đứa con cưng”
Cả John Lennon và Paul McCartney đều đánh giá Here, There And Everywhere là 1 trong những ca khúc bị đánh giá thấp nhất của The Beatles. Bản thân The Bealtes chưa bao giờ biểu diễn nó trực tiếp. Lần đầu tiên khán giả được thấy một màn biểu diễn là trong phim Give My Regards To Broad Street của McCartney.
Nằm giữa Yesterday và Wanderlust; Here, There And Everywhere được McCartney chơi trên cây guitar acoustic trong phòng thu cùng bộ 3 đàn horn. Bên ngoài, George Martin và Geoff Emerick đang ở bàn điều khiển còn Ringo Starr đang tìm dùi chổi để tham gia (khi tìm thấy thì vừa hết nhạc). McCartney nói đây là 1 trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất đời ông với tư cách một nhạc sĩ.
Như để bù lại sự thiếu hụt của đứa con cưng, McCartney thường biểu diễn solo Here, There And Everywhere trong những năm về sau. Lần bất ngờ đầu tiên là trên MTV Unplugged năm 1991. Liên tục sau đó là trong những chuyến lưu diễn thế giới mà gần nhất là One On One năm 2016.
Ca khúc 'In My Life' của The Beatles: Cuộc chiến hồi ức của Lennon - McCartney
Những thiên tài thường đi cùng với nhiều điều khác thường. Khi 2 thiên tài gắn kết với nhau, đó lại là cả một câu chuyện khác.
Mối quan hệ giữa John Lennon và Paul McCartney là kiểu xúc tác rất khó nắm bắt này. Câu chuyện mà họ kể ra, mọi người chỉ có thể nghe mà không biết được đâu mới là sự thật.
"Tôi nghĩ là tôi đã viết nó, nhưng John lại nghĩ ông ấy viết" - Paul nói về In My Life , ca khúc được coi là hiện thân rõ ràng nhất của John- về cả đời tư và âm nhạc -nhưng có thể, nó lại là của Paul.
Tự truyện bằng nhạc
"Có những nơi anh sẽ nhớ...", với lời mở đầu này, John Lennon đã bắt đầu cuộc hành trình cá nhân về 25 đầu cuộc đời của mình.
Mặc dù không nêu tên cụ thể "nơi" hay "bạn bè và người yêu" nào, người nghe vẫn bị lôi cuốn bởi nỗi hoài niệm trong giọng hát của ông cùng với cảm giác dịu dàng trong dòng giai điệu và hòa âm. Đến cuối bài hát, dường như người nghe như vừa được đưa vào một phác họa tay dài 2 phút 23 giây về cuộc đời của John.
"In My Life" được coi là hồi ký viết bằng nhạc của John Lennon
"Ông ấy thật sự có những góc rất ấm áp" - Paul McCartney nhớ lại. "Điều mà ông không thích thể hiện ra nhiều kẻo lỡ bị từ chối". Còn lâu mới bị từ chối, In My Life luôn được tôn kính như một kiệt tác pop cùng với album Rubber Soul, được chính cả John và Paul coi là ca khúc hay bậc nhất của The Beatles. John có thể nổi danh là "rocker" trong nhóm ngay từ thời mới ra mắt, nhưng bằng chứng là ngay từ If I Fell năm trước đó, lâu lâu ông lại cho phép những cảm xúc dịu nhẹ trong mình hiện ra trên nốt nhạc.
Sau cái chết của John năm 1980, In My Life càng hiện lên mạnh mẽ hơn trong hoài niệm. Nó giống "một văn bia cá nhân, một lời từ biệt nồng ấm gửi tới bạn bè và người yêu", như miêu tả của tác giả John Robertson trong cuốn The Complete Guide To The Music Of The Beatles . Các đài phát thanh khắp thế giới đã triền miên phát ca khúc như lời đưa tiễn vĩ nhân. Ca từ của In My Life càng sâu lắng hơn khi khán giả cùng nhau chia sẻ về cách âm nhạc của John chạm tới mỗi người. Điều đương nhiên, và thậm chí là được mong đợi, khi nó là nhạc phim trong bộ phim tài liệu năm 1988 Imagine: John Lennon.
Tất cả để cho thấy In My Life gắn bó với cá nhân John tới thế nào. Vậy nhưng, tranh cãi đã nổ ra khi cuốn tự truyện của Paul Many Years From Now ra mắt năm 1997, trong đó, Paul kể lại một cách chi tiết, đầy thuyết phục rằng ông đóng vai trò lớn trong việc viết ca khúc, không chỉ về mặt âm nhạc, mà cả ca từ. Sinh thời, John cũng từng thừa nhận sự tham gia của Paul, nhưng chỉ mang ý nghĩa nhỏ. Những điều trong cuốn tự truyện của Paul, John tất nhiên không thể hồi đáp. In My Life trở thành ca khúc có bất đồng đáng kể nhất giữa 2 nhạc sĩ về việc ai viết nó. Và mọi người giờ phải chấp nhận một thực tế rằng chúng ta sẽ không bao giờ thật sự biết mọi việc chính xác là thế nào mà chỉ có thể phỏng đoán dựa trên những dữ kiện lịch sử và âm nhạc.
Ai là người viết "In My Life"?
Mầm mống đầu tiên cho ý tưởng rồi sẽ trở thành ca khúc In My Life tới từ một buổi phỏng vấn giữa John và nhà báo Kenneth Allsop vào tháng 3/1964. John kể: "Nó được khơi dậy bởi một nhà báo - nhà văn ở Anh sau khi cuốn sách In His Own Write (của John) phát hành. Ông ấy nói với tôi: Sao anh không viết vài ca khúc theo cách anh viết trong sách? Hay: Sao anh không viết đôi chút về tuổi thơ trong các ca khúc?".
Ghi nhớ điều này, John bắt tay về hành trình ký ức. "Tôi viết lời trước rồi hát theo" - John nhớ lại. "Đó là cách In My Life, Across The Universe và một số ca khúc khác ra đời. Tôi viết nó ở Kenwood, trên lầu".
"In My Life" hiện vẫn được ghi nhận là đồng sáng tác của cặp đôi Lennon - McCartney
Bài thơ/lời gốc của In My Life , mà Paul nhớ là có tựa đề Places I Remember, vẫn còn tồn tại tới ngày nay, do Elliot Mintz tìm thấy khi ông này được Yoko Ono thuê để kiểm kê tài sản cá nhân sau khi chồng qua đời. Mintz giải thích: "Nó là một phần của cuốn sách lớn, trong đó, ông ấy lưu giữ tất cả các sáng tác ban đầu của The Beatles. Ông từng nói với tôi về cách ca khúc được viết và rằng ông thấy nó là một bước ngoặt quan trọng sự nghiệp sáng tác của mình. Như ông ấy miêu tả với tôi, ca khúc còn tiếp tục vô cùng dài, bao gồm nhiều địa danh, bao gồm của Penny Lane".
Pete Shotton, một người bạn thân thời thơ ấu của John, kể lại rằng John từng có lần nói rằng lời bài hát là về những người bạn, những người "đã chết" và "đang sống", về Stuart Sutcliffe, một người bạn thân - cựu thành viên The Beatles đã chết vì u não vào tháng 4/1962 và về chính Pete.
Bản thân John nói về bài thơ vào năm 1980: " In My Life bắt đầu bằng hành trình xe buýt từ nhà tôi ở số 251 đại lộ Menlove ra thị trấn, nhắc tới mọi nơi tôi có thể nhớ. Tôi viết tất cả xuống và nó thật kỳ cục... Nó là kiểu ca khúc What I Did On My Holiday's Bus Trip nhàm chán nhất và không đâu ra đâu. Nhưng rồi tôi nằm xuống và lời bài hát đến với tôi về những nơi tôi còn nhớ. Tôi đã vật lộn nhiều giờ, nhiều ngày cố viết ra những ca từ thật khéo léo. Rồi tôi bỏ cuộc, và In My Life tới bên tôi, rồi thì cứ để nó tự biên tự diễn".
Trong buổi phỏng vấn vào ngày 12/11/1965, gần 1 tháng trước khi album Rubber Soul phát hành, Paul tiết lộ bài thơ này sẽ là ca khúc sắp ra mắt trong album tới. Ông miêu tả nó là "một loạt địa điểm ở Liverpool nơi chúng tôi sinh ra. Những nơi như Penny Lane và Dockers' Umbrella (đường sắt trên cao Liverpool) nói lên nghe thật hay, nhưng khi chúng tôi kết hợp chúng lại với nhau trong một sáng tác thì nghe đến nản lòng".
Có thể nhận thấy Paul nói những điều này như thể ông sáng tác In My Life cùng John, nhưng nếu nhìn tổng quát rất nhiều bài phỏng vấn vào thời kỳ hoàng kim của cặp đôi, cả Lennon và McCartney dường như luôn nỗ lực để miêu tả mối quan hệ hợp tác Lennon/McCartney là cho mọi ca khúc. Chẳng hạn như John khi nói về Yesterday vào năm 1965 với những cụm từ "trước khi chúng tôi cuối cùng cũng hoàn thành nó" hay "chúng tôi gần hoàn thành nó" nhưng những năm sau đó, ông sẵn sàng thừa nhận rằng nó hoàn toàn do McCartney sáng tác. Do đó, vẫn không có gì chắc chắn ở đây.
Điểm đáng nói nằm ở nhận xét của John năm 1980 về giai điệu của In My Life : "Có thời kỳ tôi nghĩ tôi không viết giai điệu, rằng Paul viết chúng và tôi chỉ viết lời trơn tuột, hò hét theo điệu rock 'n' roll. Nhưng tất nhiên, khi tôi nghĩ tới một số bài hát của riêng tôi - In My Life , hay sáng tác thời đầu, This Boy - tôi cũng đã viết những giai điệu hay nhất". Từ đó, John có vẻ khẳng định giai điệu In My Life hoàn toàn là sáng tác riêng của mình. Nhưng cũng trong năm đó, John chỉ thừa nhận "Paul giúp viết một đoạn nhạc ngắn ở giữa bài". Lần khác, John cho biết "Toàn bộ lời được viết trước khi Paul nghe về nó".
Mâu thuẫn dấy lên khi trong cuốn sách Many Years From Now, Paul nhớ lại đầy sống động về chính buổi viết nhạc tại nhà John ở Kenwood, có lẽ là vào đầu tháng 10/1965. Theo đó, khi Paul đến nơi, John đã có khổ mở đầu rất hay nhưng lại chẳng có chút giai điệu nào. Thế là, Paul ngồi xuống bên cây đàn Mellotron ở nhà John, trong đầu hướng tới những ca khúc của Smokey Robinson và The Miracles. Paul nhớ mình đã bảo John đi uống trà hay gì đó đi, cho ông mười phút. Và khi ông hát cho John nghe, người bạn hài lòng nói: "Hay". "Như thường lệ, trong những thứ cùng viết, ông ấy thường chỉ có phiên khúc đầu, chỉ vậy là đủ: Nó là định hướng, là biển chỉ dẫn và là nguồn cảm hứng cho cả ca khúc. Tôi ghét ca từ nhưng nó là khuôn mẫu rồi" - Paul kể. "Thế nên, nguồn cảm hứng ban đầu là của John, tôi nghĩ giai điệu là của tôi, đoạn guitar riff là của tôi. Tôi không muốn rạch ròi điều này. Nhưng đó là những gì tôi nhớ. Sau đó, chúng tôi hoàn thành nó và đó là ca khúc rất được mà John sẽ hát".
"In My Life", ca khúc vĩ đại bậc nhất của thời đại:
Vừa giống McCartney vừa giống Lennon...
In My Life đứng thứ 23 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, thứ 5 trong danh sách 100 Ca khúc vĩ đại nhất của The Beatles và được hội đồng nhạc sĩ trong cuộc bình chọn năm 2000 của tạp chí Mojo chọn là Ca khúc hay nhất mọi thời đại.
Không chỉ John vô cùng tâm đắc khi nhắc tới In My Life . Paul khi được hỏi vào năm 1973 về ca khúc Lennon - McCartney mà ông yêu thích nhất đã không ngần ngại nói: "Tôi thích In My Life . Ca từ do John viết còn tôi viết giai điệu". Năm 2001, khi được hỏi về va khúc mà ông muốn rạch ròi nhất trong danh sách Lennon - McCartney, Paul tiếp tục gọi tên In My Life , khẳng định mình viết nhạc.
Tất nhiên, các chuyên gia phải vào cuộc. Trong cuốn sách mang tính học thuật Revolution In The Head, Ian MacDonald cho rằng "tính góc cạnh của ca khúc, quãng 8 dài trong những quãng nhảy rộng giống kiểu McCartney hơn là Lennon". Tuy nhiên, kiểu "xuống nửa cung, thông qua âm hạt dưới phụ, ở nửa sau phiên khúc giống Lennon hơn. Có lẽ McCartney đã viết nửa đầu còn Lennon viết nửa sau phiên khúc?". Bản thân Paul cho rằng "cấu trúc giai điệu đúng kiểu tôi".Một điều nữa: Bản thảo lời ca khúc được viết khi John và Paul hoàn thành ca khúc, tất cả do một người viết tay, mang tựa đề là In My Life (New Song) , chỉ có duy nhất một chữ ký bên dưới là"John Lennon"!
Quả là cuộc điều tra không lời kết. Cũng không lạ, bởi John và Paul chia sẻ với nhau cả quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và gần với nhau cả trong tiềm thức.
Người giàu nhất Kpop Người đứng sau thành công của BTS cùng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng sở hữu khối tài sản 2,3 tỷ USD, trở thành nhân vật giàu nhất giới Kpop. Danh sách tỷ phú IPO (tỷ phú lập nghiệp, tỷ phú lần đầu niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán) năm 2021 do Forbes thống kê chỉ có duy nhất Bang...