Cá kèo đỏ: kho ngon mà khô cũng đã!
Chi họ cá bống khá phong phú, nào là bống kèo, bống cát, bống đụt… Trong đó, con bống đỏ vừa nổi trội với màu da ửng hồng vừa săn chắc thịt “thấy mê”!
Khi cơn gió chướng “già khằn”, hung hăng xô đẩy những chòi giữ lưới đáy chơi vơi ngoài Biển Tây hay “vặn vẹo” những lùm tre trong đất liền, cũng là lúc mấy mớ cá bống đỏ có mặt ngoài các chợ quê vùng duyên hải miền Tây.
Cá kèo đỏ còn gọi cá “lưỡi húa” thường có mùa và trữ lượng ngày càng teo tóp dần. Mùa của nó kéo dài từ đầu tháng Chạp đến khoảng tháng Ba-Tư âm lịch.
Ông Sáu Nhọn, ở thị trấn cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biết rằng hơn 30 năm trước các hàng lưới đáy sông cầu thường trúng cá này. Nay, các loại lưới cào khơi hoặc “đáy chạy” đóng gần cửa sông (giáp biển) cũng tranh bắt chúng. Tất nhiên, sản lượng cá bống đỏ thời nay đã sụt giảm hơn phân nửa so với thời ông còn làm chủ mấy “miệng” lưới đáy sông cầu.
Hấp dẫn món cá bống đỏ kho tiêu.
So với cá bống kèo, bống sao, út mít… cá kèo đỏ gần như không tanh, thịt nhiều, ngọt dịu nhưng không béo bằng. Tư vị của nó ngả hẳn sang hương vị thịt cá biển.
Theo các lão ngư vùng Cần Giờ (TP.HCM) và Gò Công Đông (Tiền Giang) cá này có thể mang xẻ làm khô, nấu mắm kho/lẩu mắm… đều “ngon ăn”. Song chỉ có món kho tiêu mỡ hành mới thơm ngon cực kỳ.
Khi đó, miếng thịt cá rất ngọt bùi và thơm lừng, nhờ có hương hành lá (gặp hành hương còn ngon ác!) vị nước mắm và nhúm xác tiêu đen tương trợ.
Video đang HOT
Khi làm cá này, dân sành thường dùng dao mỏng cạo dọc sống lưng cá vài lượt, để loại bỏ hết nhớt. Đến lúc chín, họ sẽ dùng đũa ấn đều khắp sống lưng cá, rồi gắp chặt phần đầu kéo thẳng lên. Làm vậy, để lấy toàn bộ xương cá ra, tách đôi mình cá thành hai miếng thịt thơm tho.
Một công đoạn làm khô cá bống đỏ ở Vàm Láng, Tiền Giang.
Còn anh hai của đám “lưỡi húa” là con “lưỡi búa”, nó lớn gấp 2-3 lần cá kèo đỏ, phần đầu cá khá giống với cái lưỡi búa, miệng chứa nhiều răng bén nhọn. Xưa, diêm dân làm ruộng muối ở miệt Cần Giờ, Gò Công Đông, Gành Hào… rất ngán ngại con “lưỡi búa”. Bởi, nó rất giỏi đào hang, gây mất nước trong ruộng muối, dẫn đến thất thoát muối hột. Mẹo hay để diệt bớt đám cá này là, lấy dây thuốc cá giã ra, ngâm vào ruộng muối để chúng ngất ngư trồi đầu lên, nằm lật ngửa. Thế là, họ vớt chúng mang lên xẻ phơi khô để ăn dần. (Do nhựa dây thuốc cá không gây ngộ độc cho người.)
Ông Cao Trung Kiên, rất sành ăn ở Bạc Liêu khẳng định rằng, thịt khô cá bống đỏ còn chắc ngọt hơn cả khô cá khoai. Mang nướng hoặc chiên, ăn kèm dĩa gỏi củ cải tươi bào mỏng trộn cùng dưa leo với ít rau cần tàu thì “bén mồi dữ trời lắm”!
Riêng tôi, mỗi lần thưởng thức từng miếng thịt ngọt bùi của con “lưỡi húa” chốn quê nhà Gò Công, lại chạnh lòng nhớ tới những ngư dân gồng mình trên đầu sóng ngọn gió – đôi khi cao hơn cả mũi chiếc ghe cào.
Về làng Nôm ăn bánh tày
Miếng bánh nhỏ xinh, vừa miếng cắn, trông như một lát sushi kiểu Nhật, với mềm - ngọt - ngậy của nếp - đậu - đường - mỡ hòa quyện, khiến vị giác tôi bừng tỉnh bởi chưa từng ăn qua thứ bánh nào nguyên liệu giản đơn mà lại ngon rền đến thế.
Tìm về làng Nôm, thuộc Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên - một làng cổ thanh bình của toàn vùng Bắc bộ, đúng ngày họp chợ của làng, cũng là một dịp đặc biệt. Chợ Nôm, tương truyền hình thành từ thời nhà Lê, và cho đến giờ vẫn lưu giữ lệ làng với lối họp chợ khác biệt khi chỉ mở vào những ngày trong tháng có số cuối là 1, 4, 6, 9.
Khám phá chợ phiên làng Nôm, cả chợ có hai tiệm bán bánh lá, với đủ loại quen thuộc, từ bánh tẻ, bánh nếp, bánh chưng, bánh giò, bánh chay, bánh gio, bánh khúc... riêng với loại bánh lá cỡ ngón chân cái, dài khoảng gang tay, được gọi là bánh tày thì cả chợ chỉ có tiệm cô Thủy bán.
Hỏi chuyện, mới biết đây là món đặc sản chỉ có ở làng Nôm, xưa kia dịp trọng đại, lễ tết, người làng Nôm mới gói bánh này. Cô Thủy cho hay: "Độ 5 năm trở lại đây, tôi nhớ lại cách thức của các cụ ngày xưa, nên gói lại bánh tày, đem ra chợ phiên bán kiếm ít đồng rau đồng đậu. Cái bánh này gói cầu kỳ lắm, không dễ như bánh chưng, bánh lá khác".
Quầy bánh tày cô Thủy ở chợ Nôm, Hưng Yên.
Rời chợ Nôm, đi vào sâu trong làng, hỏi chuyện các cụ cao niên, mọi người đều say sưa kể về món bánh tày. Ngày xưa, thời hưng thịnh, trong mâm cỗ cúng đình của làng Nôm, có ba thứ không thể thiếu là giò cây, bánh tày, chả hoa. Thế rồi qua nhiều thăng trầm, những tinh hoa ấy dần mai một, giò cây và chả hoa giờ đã thất truyền, duy món bánh tày vẫn tồn tại, nhưng cũng không nhiều người làng có thể làm được. Cụ Tạ Đình Hùng nay đã ngoài 80, là người hiếm hoi lưu giữ cách làm bánh theo nguyên bản.
Đến nhà cụ Tạ Đình Hùng, cụ vui vẻ tiếp chuyện: "Từ khi lớn lên tôi đã được các cụ cho ăn bánh này, đến năm 10 tuổi các cụ cho tập gói bánh, và cứ thế gói đến giờ". Tìm hiểu về lịch sử làng Nôm, cụ Hùng cho biết thành hoàng làng là thánh Tam Giang, một vị danh tướng, ngày xưa có công chiêu mộ binh lính từ khắp nơi, về đóng trại ở rừng thông, thuộc phần đất của làng, rồi lập ấp, làng phát triển từ đó.
Đây cũng là lý do làng Nôm hiện có đến 16 dòng họ, với các họ lớn như Nguyễn, Đào, Phùng, Lê, Tạ, Đỗ... Mỗi dòng họ lại có một nhà thờ họ được xây dựng khang trang, cổ kính, nằm dọc trên đường làng, tạo cho làng Nôm một vẻ đẹp khác biệt, thanh bình và còn lưu giữ nhiều nét nguyên sơ so với các làng cổ khác ở Bắc bộ.
Một nồi bánh tày ngon, rền, phải nấu trên năm tiếng liên tục.
Không ai nhớ lịch sử hình thành bánh tày làng Nôm, nhưng có một thuyết giải khá hợp lý rằng ngày xưa, khi danh tướng Tam Giang khiển quân đánh giặc, để binh sĩ có được sức khỏe chiến đấu dài ngày, người làng Nôm làm ra món bánh tày, thực phẩm tiện lợi để binh lính, quan quân dễ dàng cầm theo trong các đợt hành quân. Bánh tày nhỏ hơn bánh tét, rất vừa tay để có thể dễ dàng cầm ăn trong lúc di chuyển. Độ đường, mỡ, đậu, nếp trong bánh lại rất cân bằng, nhanh chóng giúp binh lính tăng thêm sức chiến đấu.
Để hiểu cách làm món bánh tày làng Nôm, cụ Tạ Đình Hùng đồng ý giúp làm lại một mẻ bánh tày theo cách thức cụ thực hiện từ hơn 70 năm về trước. Nhìn chiếc bánh nhỏ gọn, chỉ ấn tượng với chiều dài hơn 30cm, tưởng dễ dàng thực hiện, nhưng bắt tay vào việc, mới thấy ở đó sự cầu kỳ, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ.
Phần nhân bánh được lớp nếp phủ đều, phải thật khéo tay mới làm được.
Bánh gồm nguyên liệu chính là nếp ngon, xưa người làng Nôm dùng nếp cái hoa vàng, đậu xanh bóc vỏ, đường kính, mỡ thỏi. Với tỷ lệ nguyên liệu đồng đều, 1 cân nếp, 1 cân đường, 1 cân đậu, 1 cân mỡ cho ra 10 bánh. Bánh tày làm theo các bước: Nếp đem ngâm 3 tiếng. Đậu xanh ngâm 5 tiếng rồi nấu chín như nấu cơm, xong đem giã mịn, trộn tiếp đường kính vào, xào nhanh trên lửa cho thật khô. Phần xào đậu khó nhất trong khâu nguyên liệu, nếu không nhanh tay, đậu dễ bén nhiệt, cháy khét do có đường. Phần mỡ thỏi, mỡ thăn chọn mua có độ dài tương đương một cái bánh (hơn 30cm) để khi cắt thành dải dễ dàng.
Riêng công đoạn ngâm đậu, nếp, xào đậu, cắt mỡ làm nhân, mất một ngày trời. Đến ngày thứ hai dành cho phần gói bánh. Mỗi bánh sử dụng 2 - 3 lá dong, lá đầu dài suốt chiều dài bánh, úp lòng lá ra ngoài, lá trong làm ngược lại cho hai lưng lá đấu nhau, đổ lên lá một chén gạo, dàn đều, xong lấy khuôn ống tre chẻ đôi, miết đậu xanh vào hai nửa, kẹp giữa là dải thịt mỡ to bằng ngón trỏ, cắt dài bằng bánh, đặt lên lớp nếp.
Cái khó của việc gói bánh, là công đoạn giũ tay nhanh gọn sao cho lớp nếp bám đều quanh nhân, nếu tay gói không khéo, khi bánh thành phẩm thì nhân đi đằng nhân mà nếp ra đằng nếp. Phần việc này đòi hỏi người khéo tay, kinh nghiệm và thuần thục mới làm được bánh tày đẹp.
Một buổi gói bánh tày ở nhà cụ Tạ Đình Hùng.
Vừa gói bánh tày, cụ Hùng đưa ra một so sánh: "Nom cái bánh bé thế, nhưng lâu gấp đôi so với cái bánh chưng nặng hơn một cân. Mỗi bánh chưng tôi gói chỉ khoảng hai phút, bánh tày phải 5 - 6 phút. Nhọc công như vậy nên ở làng giờ chẳng ai làm, tôi cũng thường chỉ vào dịp lễ tết và ngày hội làng 12.1 cúng đình, tặng cho con cháu thôn xóm thôi, chứ mỗi lần làm vất vả lắm cháu ạ".
Bánh gói xong, đem luộc như bánh chưng trong năm tiếng đồng hồ. Suốt năm tiếng ấy, nồi bánh không được để vơi nước, và phải căn lửa đều. Bánh chín, được vớt nhúng ngay vào nước lạnh, rửa qua, đem để khoảng hai tiếng cho nguội hẳn rồi dùng tay lăn qua lại vài lần cho bánh thêm tròn.
Bánh được cắt thành từng lóng nhỏ, vừa miếng cắn, lớp nếp bao quanh nhân tròn xoe, đều đặn. Nếp chín rền, ngọt ngậy nhờ đường, mỡ, đậu... ăn no mà không ngán. Trước lúc chia tay, cụ Hùng vui vẻ: "Bánh tày trước chỉ có người làng Nôm ăn, mỗi năm gói nhiều cũng chỉ đủ cho trong làng, sau này con cháu đi xa, mỗi đứa mỗi nơi, khi về nó cứ hay bảo gói để làm quà biếu, người ngoài mới biết đến bánh tày đấy!".
Nhớ hoài cá 'Em-buông-ra'! Lạ đời thay! Miếng cá cứ tan dần, tan dần dù người ăn mới nhai nhẹ vài nhịp rồi ngậm miệng lại. Như thể ta đang ăn kem vậy... Thời may, chúng tôi bị cuốn hút bởi miếng cá lạ. Lạ đến độ sửng sốt. Vì nó chứa nhiều tố chất bất ngờ lẫn không ít giai thoại kỳ thú. "Trúng số" cá...