Cá hồ chết bốc mùi thối, cả khu phố bịt khẩu trang suốt ngày
Nhiều ngày nay, cá nuôi trong hồ Mật Sơn (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt, bốc mùi tanh hôi nồng nặc. Cuộc sống của người dân địa phương hoàn toàn bị đảo lộn.
Sáng 18/7, cá nuôi tại hồ Mật Sơn (khu phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) tiếp tục chết nổi trên mặt nước. Hiện tượng cá chết trắng, bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân.
Tình trạng cá chết hàng loạt được người dân ghi nhận từ 4 ngày trước. Ban đầu, họ quan sát thấy nước tại hồ chuyển từ màu xanh rêu qua màu đục, mặt nước sủi bọt vàng.
Sau đó, cá bắt đầu chết hàng loạt, nổi trắng. Trong đó, có nhiều loại như cá mè, cá trắm, cá trôi và rô phi. Đến sáng 18/7, có tổng cộng khoảng 5 tạ cá chết trong hồ Mật Sơn, có con nặng từ 3-4 kg.
Nhiều loại cá trong hồ bị chết, có con nặng từ 3-4 kg. Ảnh: N.D.
Chị Phạm Thị Trang (31 tuổi, khu phố Mật Sơn 2) cho biết, cá chết kèm mùi hôi thối nồng nặng. Bốn ngày nay, nhà nào cũng phải đóng bít cửa. Cả ngày, họ phải bịt khẩu trang vì không khí ô nhiễm.
“Đang mùa hè, mỗi đêm tại khu phố còn hay bị mất điện. Nóng quá mà cũng không ai dám đi ra ngoài vì mùi tanh hôi nồng nặng” – chị Trang bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Toàn – Tổ trưởng tổ an ninh khu phố Mật Sơn 2 cho biết, tình trạng cá chết, bốc mùi thối ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của 30 hộ dân.
Theo bà Toàn, Mật Sơn là hồ chứa nước thải của nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa, có đường dẫn chảy ra sông nhà Lê.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Năm 2013, cá tại hồ cũng chết nhiều khiến người dân phải tập trung vớt mang đi tiêu hủy.
Video đang HOT
Họ cho rằng nguyên nhân cá chết liên quan tới hoạt động xả thải của Công ty cổ phần bia Thanh Hóa. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm để đảm bảo cuộc sống cho người dân” – bà Toàn bày tỏ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết, phường đã nhận được phản ánh của người dân và cử Đoàn Thanh niên đến vớt cá, tránh ô nhiễm môi trường. “Ngày 17/7, Phòng Cảnh sát môi trường đã về lấy mẫu nước hồ Mật Sơn mang đi kiểm tra” – ông Tiến nói.
Người dân khu phố Mật Sơn 2 phải bịt khẩu trang cả ngày vì mùi hôi thối nồng nặc từ bốc lên từ hồ. Ảnh: Nguyễn Dương.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó phòng kế hoạch (Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa) cho biết, hồ nước tại khu khố Mật Sơn 2 được công ty thuê với hợp đồng 50 năm. Hệ thống này ống nước thải dẫn đến hồ được lắp đặt cách đây 10 năm và được sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Nước sau khi được công ty xử lý, sẽ được xả ra đây.
“Sau khi người dân phản ánh, công ty đã tiến hành kiểm tra hệ thống xử lý nước thải nhưng không phát hiện có sự cố gì” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhận định, cá chết tại hồ có thể do nhiều lý do khác nhau. “Thời tiết mấy qua qua trên địa bàn nắng nóng. Người dân còn xả nước sinh hoạt trực tiếp xuống hồ này” – ông Tuấn dẫn chứng.
Ông Tuấn cho biết thêm, để xử lý việc ô nhiễm, trước mắt công ty này đã cử nhân viên đến vớt cá chết mang đi tiêu hủy.
Theo_Zing News
Nữ dân phòng ai cũng nể
Có những băng nhóm đòi thanh toán nhau, công an còn đang tìm cách giải quyết, chị Ba ra tay là mọi việc êm.
Chị Đặng Thị Ba (khu phố 3, phường 11, quận 11, TP.HCM) là một trong những phụ nữ hiếm hoi làm trong lực lượng dân phòng. Năm 2009, khi Ban Bảo vệ dân phố (BVDP) phường 11 thành lập, chị tham gia. Sau vài tháng chị được tín nhiệm giao làm trưởng Ban BVDP phường 11, thường xuyên phối hợp với công an phường giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Phường 11 là một địa bàn khá phức tạp.
Hòa giải các băng nhóm giang hồ
Trong ca trực đêm 30-4 vừa qua, người dân báo có một vụ mâu thuẫn giữa hai phe mượn nợ và đòi nợ, chuẩn bị thanh toán nhau bằng hung khí. Chị Ba vội chạy tới nơi cùng một anh công an phường.
Đến nơi, thấy hai bên dàn trận chuẩn bị xáp lá cà bằng tuýp sắt. Trong đó có một người từng nghiện ma túy, tính tình khá hung dữ, bất cần. Anh công an phường mời mọi người về phường giải quyết nhưng họ chống cự.
Chị Ba chạy đến đứng ngay ở giữa, ngăn hai bên đánh nhau. Sau đó, thuyết phục hai bên bình tĩnh nếu đánh nhau sẽ không giải quyết được gì mà còn phải vướng vào lao lý. Dù hai bên gầm ghè nhau, có xáp vô "múa võ" nhưng khi chị cản thì họ lui ra. Sau đó mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa.
Chị Đặng Thị Ba kiêm nhiệm bảo vệ chợ khu phố 3 luôn được bà con quý mến. Ảnh: HỒNG MINH
Chị nhớ lại: "Hú hồn thiệt, lỡ bữa đó cả hai bên xúm đánh trúng cả mình luôn thì không có đường nào chạy. Nhưng được cái mình gan, với lại là nữ nên dễ nói họ nghe".
Trước đó, có một vụ cũng khiến người dân trên đường Lò Siêu hoảng sợ gọi báo công an phường. Một băng giang hồ hơn chục người hung hãn bao vây một tiệm hớt tóc đòi gặp một cô gái giữa đêm. Chị Ba đến hiện trường cùng công an phường. Mọi người xung quanh cho biết cô gái trong tiệm là người yêu cũ của một người trong nhóm gây rối. Khi nhậu xỉn, hắn kéo băng nhóm tới uy hiếp cô gái.
Công an phường yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng các đối tượng này chống đối và định hành hung công an, anh công an phải quay về phường lấy dụng cụ hỗ trợ để khống chế.
Chị Ba bước lại trò chuyện với tay cầm đầu nhóm gây rối. Dù hung hãn nhưng anh này lại không muốn đánh nhau với nữ dân phòng. Sau khi nghe chị phân tích việc gây rối không những không lấy lại được tình cảm của ai mà còn đưa bạn bè vào đồn công an, nhóm này đã giải tán trước khi công an đến.
Trong khu phố chị phụ trách, hễ có gia đình nào xảy ra đánh lộn là chị có mặt để... hòa giải.
Chị Ba luôn dùng lời lẽ thuyết phục đối tượng trước khi phải dùng biện pháp mạnh, trừ khi gặp trộm cướp là chị ra tay bắt luôn. Có một lần chị đang đi tuần với hai dân phòng, gặp tên cướp giật giỏ xách bỏ chạy. Dù hắn rất to khỏe nhưng chị cùng đồng đội lao ra khống chế tên cướp, sau đó giao cho công an phường.
Có việc gì rối, "gọi cô Ba"
Gia đình chồng chị Ba thương chị vất vả, khuyên chị chuyển việc khác. Vì mức hỗ trợ cho công việc bảo vệ dân phố, bao gồm cả trách nhiệm trưởng ban chỉ có 1,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị thường xuyên phải trực đêm, đi tuần tra... công việc quá vất vả đối với phụ nữ. Đó là chưa kể khi gặp hiểm nguy.
Nhưng chị không nghỉ được vì có việc gì người dân cũng "gọi cho cô Ba". Chị là đội trưởng đội xã hội tình nguyện quản lý những người sau cai nghiện, giúp họ có việc làm. Những người này thường tâm lý không ổn định, dễ tự ái và bỏ việc nên chị Ba "có việc làm hoài".
Vài buổi tối trong tuần, chị đi dạy lớp tình thương dành cho các em học sinh lang thang, cơ nhỡ. Lớp học này đã duy trì được vài năm trong nhọc nhằn vất vả của cả cô và trò. Vì trò ban ngày bươn bả mưu sinh, buổi tối tới lớp có khi không học nổi, cô Ba phải rất tâm lý mới giữ được học trò đi học tiếp.
Trong khu phố, hễ ai ốm đau, bệnh tật cần giúp đỡ gấp là họ nhắn cho chị.
Bà cụ Nguyễn Thị Kim Hoa (số nhà 173/23A Lê Thị Bạch Cát) bị bệnh gần chục năm nay, chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ. Bà có ba người con trai nhưng chỉ một người khỏe mạnh đi làm để nuôi em, nuôi mẹ. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Hoa cho biết: "Cô Ba hay vô đây thăm và cho quà, tui thấy đỡ tủi thân". Các dịp lễ tết, chị Ba vận động mạnh thường quân tặng quà cho những gia đình nghèo khó như nhà bà Hoa. Vài hôm nữa, chị lại có gạo để chở tới giúp bà...
Dân ở đây quý chị Ba lắm! Làm nữ trưởng Ban BVDP chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn đàn ông rồi nhưng tôi chưa bao giờ nghe chị Ba nói về những khó khăn đó. Ngoài việc làm tốt công việc chính của mình, chị còn hoạt động từ thiện rất tốt, thường xuyên vận động giúp người nghèo. Từ khi làm công việc này đến nay, chị Đặng Thị Ba được UBND TP.HCM và các ban, ngành nhiều lần tặng bằng khen vì các thành tích đóng góp cho phong trào thi đua ở địa phương. Bằng khen là sự ghi nhận của chính quyền, cái đáng quý hơn là chị được lòng người dân. Người dân ở đây quý chị Ba lắm. Ông NGUYỄN VĂN CHÍ, Chủ tịch phường 11, quận 11 (TP.HCM)
Lúc rảnh, chị Ba thường đến thăm những bệnh nhân nghèo trong khu phố. Ảnh: HỒNG MINH Ai có chuyện gì xích mích gây gổ cũng kêu chị Ba giải quyết giúp. Hễ ai gặp khó về thủ tục giấy tờ, chị Ba cũng đến làm giúp. Vậy nên khi chị Ba vận động người dân tham gia phong trào gì đều có đông người hưởng ứng. Chị vận động mọi người đi bộ nhân ngày sức khỏe, phường 11 đi đông nhất luôn. Chị ấy rất có uy tín ở đây. Chị TRẦN THỊ THU TRANG, hẻm 220 đường Lê Thị Bạch Cát, khu phố 3, phường 11, quận 11
HỒNG MINH
Theo_PLO
Nguyên nhân 4 con chó Tây cắn chủ tàn bạo ở Hà Nội Chưa hết bàng hoàng sau vụ việc bị 4 con chó Tây to lớn, hung dữ tấn công, bà Lợi tiết lộ về nguyên nhân 4 con chó cắn lại chính người chủ của mình một cách bạo tàn. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lợi (67 tuổi, trú tại tổ 20, ngõ 2, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) người bị...