Cá heo xuất hiện chứng tỏ môi trường biển tốt
Cá heo xuất hiện đến hàng trăm con ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) chứng tỏ môi trường biển tốt. Chỉ đáng lo ngại là những con cá voi cỡ lớn bị chết trôi dạt vào bờ biển.
Cá heo xuất hiện đến hàng trăm con ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) chứng tỏ môi trường biển tốt.
Cá voi lớn thường sống ở vùng biển lạnh
Ngày 4/10, trên mạng xã hội xuất hiện video đàn cá heo xuất hiện tại vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) được khách du lịch ghi lại. Sáng cùng ngày, đoàn du khách di chuyển bằng ca nô từ cảng Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm và bất ngờ khi chứng kiến đàn cá heo đang bơi trên vùng biển Cửa Đại.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), cho hay, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã xác minh và cử một số nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bảo vệ đàn cá heo.
“Theo ghi nhận của chúng tôi, đàn cá khoảng 100 con, đơn vị đã cử lực lượng túc trực bảo vệ đàn cá, tránh tình trạng tàu cá hay ca nô trong lúc di chuyển có thể gây tổn hại”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cũng cho hay trước đây tại vùng biển Cửa Đại cũng xuất hiện cá heo tuy nhiên với số lượng ít. Đây là lần đầu ghi nhận số lượng cá nhiều như vậy tại vùng biển Cửa Đại.
Cá heo là loài động vật thông minh, thường sống theo đàn khoảng vài chục tới vài trăm con. Điều này giúp chúng bảo vệ lẫn nhau và chăm sóc con non, con bị thương hay ốm yếu.
Chuyên gia bảo tồn biển, Thạc sĩ Lê Xuân Ái – cố vấn kỹ thuật Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – cho biết, sự xuất hiện của đàn cá heo lên đến cả trăm con trên vùng biển Cửa Đại vào ngày 4/10 là một tín hiệu tích cực.
Bởi khi cá heo xuất hiện ở một vùng biển nào đó chứng tỏ môi trường biển ở đây rất tốt, các hệ sinh thái biển rất khỏe mạnh, đa dạng. Thuộc tính cá heo thường di chuyển theo nguồn thức ăn của chúng là những loại cá nhỏ. Mới đây, vào ngày 22-9 mới đây đàn cá heo hàng chục con cũng xuất hiện ở vùng biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, bây giờ xuất hiện ở vùng biển gần Cù Lao Chàm.
Chuyên gia bảo tồn biển Lê Xuân Ái nói thông qua hình ảnh trong clip, có thể thấy đàn cá heo này thuộc họ Delphinidae. Đây là loài lớn thứ 3 của họ cá heo đại dương với chiều dài khoảng 1m, cân nặng dao động từ 40 – 50kg.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – cho biết ngay sau khi nhận thông tin có đàn cá heo xuất hiện ở vùng biển địa phương, chính quyền đã yêu cầu ban quản lý và bảo tồn biển theo dõi, bảo vệ đàn cá heo để tránh tàu thuyền, ca-nô va chạm với chúng. Vị trí đàn cá heo xuất hiện cách bờ biển Hội An khoảng 3 – 4 hải lý.
Cá heo chết, không phải do ô nhiễm
Trở lại với những lần xuất hiện cá heo, cá voi chết, dạt vào bờ biển, có phải do nước ô nhiễm? TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng ở Việt Nam thi thoảng xuất hiện những con cá heo, cá voi chết, nặng hàng tấn, dạt vào bờ.
Điều này mới đáng lo vì cá heo già yếu trôi dạt từ xứ lạnh về vùng biển Việt Nam xứ nóng thiếu thức ăn dẫn đến chết.
Loài cá heo sống các vùng biển xứ lạnh Bắc Băng Dương, bắc Thái Bình Dương… có thức ăn dồi dào. Khi sức khỏe “có vấn đề”, cá voi già yếu bị sóng biển cuốn trôi dạt từ vùng biển lạnh đến vùng biển nóng, lại thiếu thức ăn nên chết nhanh hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến chúng dạt vào bờ.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho rằng, cũng có thể có khả năng do con cá voi này đi kiếm thức ăn, nhưng do thủy triều rút quá nhanh nên không kịp bơi về biển.
Hoặc cũng có thể nguyên nhân là do sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng vào bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần, do những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ.
Cũng theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, khả năng cá voi dạt vào bờ do nguồn nước ô nhiễm là không có cơ sở, bởi cá voi thường sống ở vùng biển sâu, nước lạnh. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì các loài cá có sức sống thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng trước.
Cá voi là loài có sức sống rất mãnh liệt, hơn nữa nếu nguồn nước ô nhiễm thì chúng có thể di chuyển môi trường sống sang vùng biển khác, nên không thể kết luận vùng biển cá voi mắc cạn là vùng nước ô nhiễm.
Ở các vùng biển Việt Nam, ngoài cá voi, cá mập cũng thường xuất hiện, nhưng đa phần là cá mập trắng – một loài hiền lành, ít tấn công người. Trước đây ở Quy Nhơn có trường hợp người tắm biển bị cá mập tấn công là vì khu vực biển này lắp đặt nhiều chà cá, bẫy lồng, chà tôm hùm, rạn nhân tạo… thu hút các loài cá mập vào kiếm ăn.
Đối với người dân tắm biển, để tránh các rủi ro cá voi, cá mập tưởng nhầm người tắm biển là con mồi thì không nên tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù. Không bơi ra xa một mình hoặc không tắm ở những bãi biển quá vắng người. Không mặc những đồ có màu sắc và hình dạng lấp lánh giống như vảy cá vì loại trang phục này sẽ thu hút sự chú ý của cá.
Khi trên người có vết xước hoặc chảy máu thì không tắm biển, hoặc chỉ tắm ở gần bờ. Không tắm biển vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc và lúc chiều tối khi mặt trời đã tắt.
Cụ thể là trước 6 giờ sáng và sau 6 giờ chiều là không nên tắm do đây là thời điểm tìm kiếm thức ăn mạnh nhất của cá. Nếu chẳng may gặp cá mập thì đầu tiên là nên giữ bình tĩnh. Tim đập mạnh sẽ làm cho cá mập tiếp nhận được sóng âm và nghĩ rằng đó là con mồi để lao tới.
Theo các nhà nghiên cứu, loài cá voi phong phú gồm cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám trắng, cá voi hổ kình… Trong đó, cá voi xanh (còn gọi là cá voi nhà táng) thuộc bộ mysticeti (cá voi tấm sừng hàm) con lớn nhất có thể dài 30m, nặng đến 180 tấn.
Cơ thể cá voi xanh dài và thon, có thể có màu hơi xanh – xám ở mặt lưng và sáng màu hơn ở mặt bụng sống ở vùng biển bắc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Nam Băng Dương…
Phong Lâm
Theo giaoducthoidai.vn
Ấn tượng khoảnh khắc cá voi 'phun ra' cầu vồng
Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng cá voi "phun" ra cầu vồng.
Ảnh minh họa
Mới đây, các du khách trong công viên ở tiểu bang Maine, Mỹ đã ghi lại được cảnh tượng một con cá voi lưng xám "phun" ra cầu vồng tuyệt đẹp.
Theo một số người chứng kiến, thời điểm con cá voi xuất hiện, xung quanh nó à những con chim biển đang chờ đợi để "nhặt" được những con cá nhỏ thừa từ màn "phun" cầu vồng của cá voi.
Cá voi lưng xám hay cá voi vây, là loài cá voi lớn thứ hai trên thế giới sau cá voi xanh, có thể dài từ 18-22m và nặng từ 40-60 tấn.
Hiện tại, những con cá voi lưng xám đang bị đẩy đến nguy cơ tuyệt chủng cao do những hoạt động săn bắt cá voi trên khắp thế giới. Chúng cũng bị tổn thương do va chạm với tàu thuyền và các tiếng ồn quá mức của các loại máy móc hoạt động trên biển.
Sina, Newsflare
Theo Tiền Phong
10 loài động vật nặng nhất thế giới Ngoài cá voi nặng tới 200 tấn, nhiều loài động vật có trọng lượng lớn đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. G ấu Kodiak (816 kg): Gấu Kodiak là loài đặc hữu ở quần đảo Kodiak, Alaska, Mỹ. Trung bình gấu Kodiak đực trưởng thành cao hơn 3 m và nặng từ 680-816 kg. Gấu cái có kích thước nhỏ hơn...