Cả Hàn Quốc yên lặng cùng… sĩ tử
Ngày 8/11, đất nước Hàn Quốc hạn chế tối đa mọi tiếng ồn. Cả xã hội cũng điều chỉnh hoạt động để tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi, một khoảnh khắc quan trọng liên quan tới cả sự nghiệp tương lai và hôn nhân sau này.
Hằng năm cứ vào đầu tháng 11, cùng những cơn gió lạnh cuối mùa thu, xứ sở kim chi trở nên thơ mộng hơn với những con đường rợp lá đủ màu đỏ vàng rực rỡ. Mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm ở Hàn Quốc. Nếu với du khách tháng 11 là lúc vội vàng để đi ngắm cảnh mùa thu và những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời, thì với người dân bản xứ Hàn đây là lúc ai cũng căng mình cùng những lo âu của các thí sinh cho một mùa thi đang chờ đón: mùa thi Suneung mà trong tiếng Hàn có nghĩa là kỳ thi đánh giá năng lực vào học đại học.
Ngày thi Suneung năm nay rơi vào ngày 8/11, và sẽ có hơn 668.000 thí sinh hồi hộp và căng thẳng chờ đợi những giây phút quyết định cho con đường tiến thân của chính mình.
Một thí sinh được cảnh sát dùng xe tuần tra đưa đến điểm thi – Ảnh: Yonhap
Tất cả vì thí sinh
Để con em mình được vào các trường đai học danh tiếng, các bậc phụ huynh không quản ngại bất kỳ khó khăn nào để hỗ trợ việc học của con. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ tham gia học thêm vào mức cao (theo thống kê năm 2011 có 71,1% học sinh tham gia học ngoại khóa) với mức chi phí trung bình mỗi học sinh là 240.000 won/tháng (tương đương 4,5 triệu đồng). Hàn Quốc hiện đứng hàng đầu trong các nước thuộc Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỉ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP (8%, trong đó có 4,9% từ chính phủ và 3,1% từ người dân).
Ngay từ những ngày đầu tiểu học, trẻ em đã bị “nhồi sọ” là phải học làm sao để trở thành một người thắng cuộc trong cuộc thi piano, một nhà vô địch taekwondo hay vô địch tại các cuộc thi tiếng Anh, Olympic toán. “Câu chuyện ăn thua dường như không có hồi kết này sẽ còn kéo dài mãi” – như nhà báo Oh Jung Hun bình luận trên báo Korea Times.
Báo chí Hàn Quốc mô tả cả nước tập trung đảm bảo tối đa mọi điều kiện thuận lợi cho kỳ thi. Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tiếng ồn và ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Các cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội cũng bị hoãn lại để giữ yên lặng. Khoảng 83 chuyến bay đã được điều chỉnh giờ bay để hạn chế tiếng ồn khi cất cánh và hạ cánh trong thời gian diễn ra các môn thi kỹ năng nghe hiểu ngôn ngữ. Cụ thể, các chuyến bay phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 13 phút vào buổi sáng khi các em thi môn nghe tiếng Hàn, 20 phút vào buổi chiều khi các em thi môn nghe hiểu tiếng Anh.
Video đang HOT
Khoảng 3.000 xe cảnh sát ở các thành phố trên khắp Hàn Quốc được đặt trong tình trạng ứng chiến để hỗ trợ thí sinh đi thi trễ. Những thí sinh này có thể gọi điện đến một tổng đài khẩn cấp để yêu cầu trợ giúp. Cảnh sát sẽ dùng chính xe hơi, xe máy tuần tra của mình để đưa thí sinh tới điểm thi kịp giờ. Theo Yonhap, khoảng 13.000 cảnh sát trên toàn quốc được triển khai để đảm bảo thuận tiện, an toàn cho các thí sinh trong ngày thi. Tàu điện, xe buýt hoạt động với tần suất cao hơn vào giờ cao điểm buổi sáng. Xe cộ cũng bị cấm hoạt động trong bán kính 200m từ điểm thi.
Thị trường chứng khoán mở cửa và đóng cửa trễ một giờ trong khi nhiều cơ quan chính phủ và công ty tư nhân mở cửa trễ lúc 10h sáng để giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Không khí mùa thi đã bắt đầu từ sớm trước ngày 8/11. Giống như mọi năm, càng đến gần những ngày thi, ở các ngôi chùa, nhà thờ đều có một không khí vừa uy nghiêm vừa rộn ràng đến lạ. Các bậc phụ huynh có con em sắp thi đến xếp hàng nối đuôi nhau, mang theo một quyển sổ nhỏ có dán ảnh và những thông tin của con em mình để cầu nguyện, khấn vái cho một mùa thi may mắn, đỗ đạt. Các bà mẹ thường không quản ngại trời lạnh hay quãng đường xa để đến những ngôi chùa được xem là linh thiêng hay những nhà thờ nổi tiếng để thành tâm cầu nguyện.
Các kênh truyền hình đưa tin thường xuyên những chuyên đề về sức khỏe mùa thi, những nội dung động viên tinh thần cho các sĩ tử sắp vào cổng trường thi.
Thị trường quà tặng, ẩm thực cũng rộn ràng. Các món ăn được xem là hỗ trợ tốt cho trí nhớ, các loại ngũ cốc được bày bán riêng biệt với những hình thức quà tặng bắt mắt trong khắp các siêu thị, cửa hiệu quanh trường học hay trung tâm luyện thi. Một số món ăn có ý nghĩa như món bánh gạo nếp, món kẹo mạch nha (dính, dẻo = thi đâu dính đó), hay thậm chí những thứ tưởng chừng không liên quan đến thi cử như cái nĩa (ghim vào là được = chọn đúng câu trắc nghiệm) hay cuộn giấy (dễ dàng bung ra khi nắm kéo một đầu = ý tưởng tuôn ra mau chóng, trả lời câu hỏi mau lẹ) cũng được chọn làm những món quà độc đáo trong mùa thi.
Phụ huynh cầu nguyện trong mùa thi – Ảnh: T.Sử – N.Lan
Từ áp lực đến tự tử
Kỳ thi đại học căng thẳng chẳng khác gì đi đánh trận. Báo Dong-A Ilbo dẫn lời một bà mẹ nói: “Cha mẹ còn căng thẳng gấp mấy lần con. Con cái lo một, cha mẹ lo mười”. Nhiều học sinh mất ngủ hằng đêm vì lo lắng cho kỳ thi, dẫn đến những kết cục thảm họa!
Mới hôm 7/11, một thí sinh 21 tuổi ở thành phố đông nam Daegu đã nhảy lầu tự tử. Theo AFP, sức ép từ việc phải có một kết quả tốt trong kỳ thi được cho là nguyên nhân dẫn đến hàng chục vụ tự tử của thanh thiếu niên hằng năm. Số vụ tự tử thường tăng cao trong thời gian thi cử.
Theo tờ Hankyoreh, trong 10 tháng qua đã có 11 học sinh tự tử ở thành phố Daegu. Thủ đô Seoul cũng không khá hơn với 110 em tự tử trong năm năm qua. Nhiều trường phải che chắn cửa sổ, khóa các lối lên mái hoặc sân thượng để đề phòng học sinh nhảy lầu.
Nhiều nhà hoạt động giáo dục đang yêu cầu cải tổ hệ thống giáo dục và thi cử để giảm áp lực cho học sinh.
Theo 24h
Đường trên cao: Ác mộng bụi - tiếng ồn
Tiếng ồn và bụi đang là ác mộng với người dân hai bên đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô từ Mai Dịch đến Linh Đàm mặc dù mới được thông xe.
Tiếng ồn, bụi tấn công
Từ khi đưa vào sử dụng tuyến đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô dài 9km từ Linh Đàm đến Mai Dịch, người dân sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng bị "tra tấn" bởi tiếng ồn và bụi. Làm việc trong tòa nhà Vinaconex trên đường Phạm Hùng, anh Đặng Thìn Giang phàn nàn, những giờ cao điểm nhiều phương tiện giao thông tham gia trên tuyến đường gây tiếng ồn lớn. Anh Giang phải luôn đóng kín các cửa kính tòa nhà, thậm chí nghĩ thêm nhiều cách để cách âm.
Sống trong tòa nhà chung cư Linh Đàm, chị anh Nguyễn Văn Ngôn cho biết, ngay từ khi cầu cạn chạy qua Linh Đàm khu đô thị mất hẳn mỹ quan. Bụi bặm nhiều hơn, âm thanh đủ loại tạp âm, ầm ĩ suốt ngày. Anh Ngôn phàn nàn, nhà mặt đường nhưng cửa kính đóng, không lúc nào dám mở ra. Anh Nguyễn Văn mạnh, cư dân tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, Hà Nội cũng không dám ra ban công ngắm đường phố vì "ồn ào nhức đầu".
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc làm cầu cạn chẳng qua là bất đắc dĩ, buộc phải làm. Ưu điểm lớn nhất của đường trên cao là biện pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông. Các địa điểm xây dựng đường trên cao thường là những điểm đen ùn tắc, khó về quỹ đất giải phóng mặt bằng. Các phương tiện lưu thông được bảo đảm tốc độ đi nhanh, không có các đường ngang cắt qua, không phải dùng đèn xanh đèn đỏ.
Tuy nhiên, đã xây đường trên cao cũng có nhiều hạn chế như mất mỹ quan đô thị, tốn kém tiền của và nhất là ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, việc tham gia giao thông ở các tầng sẽ gây ồn cho các công trình kiến trúc ở hai bên đường. Do vậy những người dân hai bên đường sẽ bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm âm thanh và bụi. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến sự riêng tư của nhà dân. Thông thường, nhà dân bên đường, tầng 1 làm kinh doanh, tầng 2 để sinh hoạt. "Nếu đi trên cầu cạn, có thể nhìn vào tầng 2, tầng 3 của nhà người ta, làm mất sự riêng tư", ông Liêm phân tích.
Đường vành đai 3 trên cao cần có biện pháp chống ồn (Ảnh: Hồng Phú)
Cùng quan điểm, kỹ sư xây dựng cầu đường Nguyễn Ngọc Dũng, làm việc tại một công ty xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho rằng, vấn đề tiếng ồn và bụi là điều chắc chắn sẽ xảy ra với những nơi có đường trên cao đi qua. Đặc biệt, ở những nơi có nhiều tòa cao ốc, sự dội âm, va đập sóng âm là cho con người có cảm giác chóng mặt, ù tai, buồn nôn. Thậm chí, người dân còn có cảm giác rung động nhẹ như một số người ở đường Phạm Hùng, Hà Nội phản ánh.
Cần xây dựng "tường chắn âm"
Việc xây dựng đường trên cao sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nhưng vẫn phải bảo đảm cuộc sống người dân bên đường không bị ảnh hưởng. "Đã không xây thì thôi, xây dựng là phải xác định bị ảnh hưởng ít nhiều. Ở nước ta, đường trên cao thường được xây như một giải pháp chứ không phải quy hoạch ban đầu. Nhà dân, chung cư mọc trước, đường trên cao mọc lên sau do vậy, nhà dân khó tránh bị ảnh hưởng", ông Liêm cho biết.
Khi xây dựng đường trên cao, có hai hạn chế sẽ nảy sinh là cảnh quan đô thị và tiếng ồn. Do vậy, về vấn đề cảnh quan, cần có tính toán giữa hai phương án, nên xây dựng đường trên cao hay đi ngầm. Ở đường vành đai phía ngoại thành có thể xây đường trên cao, nhưng nếu đường đi qua phố cổ Hà Nội nên xây ngầm.
Vấn đề giảm tiếng ồn, thông thường khi xây dựng đường trên cao, chủ đầu tư phải xem xét đến giải pháp chống ồn. Khoảng cách từ nguồn phát ra tiếng ồn đến đầu hồi của các công trình cao tầng cần có tính toán hợp lý theo quy định chống ồn. Tuy nhiên, chúng ta thường không có sự quan tâm cần thiết cho vấn đề này. Việc đánh giá tác hại của tiếng ồn cho con người rất khó khăn vì phản ứng của con người đối với tiếng ồn rất khác nhau. Có người chịu được âm thanh to, có người sợ sự ồn ào... Tuy nhiên, người dân phải sống và làm việc trong môi trường có tiếng ồn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất giải pháp, đường trên cao vừa khánh thành đoạn Mai Dịch - Linh Đàm, cần thiết xây dựng tường chắn âm. Tường này là những tấm kim loại có thể hút âm thanh, ngăn chặn âm thanh xây dựng hai bên đường. Những con đường trên cao ở Pháp, Trung Quốc... đoạn đi qua khu dân cư họ đều làm tường chống ồn.
Về phía người dân, theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Dũng, có thể dùng thêm những biện pháp như lắp cửa chống ồn làm từ vật liệu cách âm tốt, luôn đóng kín khít cửa để tạp âm không lọt vào trong tòa nhà. Lưu ý cửa kính 2 hoặc 3 lớp cách nhau bằng lớp khí trơ, cửa gỗ dày hoặc nhiều lớp, bọc vật liệu xốp. Người dân cũng nên có thêm một lớp tường bao, có khoảng không cách âm sẽ giảm được rung động âm thanh truyền qua kết cấu tòa nhà.
Theo kỹ sư Dũng, sống trong chung cư, khó tránh được tiếng ồn. Nhất là những chung cư gần với con đường lớn, nhiều xe qua lại. Với người dân mới đến sống và làm việc ở chung cư sẽ khó khăn hòa nhập nhưng sẽ quen hơn theo thời gian.
Ông Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm, thực ra Hà Nội không phải bây giờ mới có đường trên cao. Đường đê Yên Phụ cũng có thể coi là đường trên cao. Bởi mặt đường đê Yên Phụ, Hà Nội cao bằng tầng 3, tầng 4 nhà dân hai bên. Vậy nhưng, lâu nay người dân không kêu ồn. Đó là bởi người dân đã quen với cuộc sống đó. Ông Liêm cũng cho biết, nhà người thân gia đình ông gần đường sắt Long Biên, Hà Nội. Tàu đi qua, giường rung bần bật, đang đêm đang ngủ tưởng động đất. Ban đầu rất khó chịu, hưng lâu dần thành quen.
Theo 24h
Hàn Quốc nín thở vì kỳ thi đại học Các cuộc tập trận bị hoãn, nhiều chuyến bay được đổi lịch còn các cuộc gọi khẩn cấp được dành riêng cho những người tới muộn, khi hàng trăm nghìn sĩ tử Hàn Quốc hôm nay tham gia kỳ thi đại học rất được coi trọng ở nước này. Đến hẹn lại lên, cả nước Hàn Quốc lại nín thở trong kỳ thi...