Cả hai Nhật Kim Anh trong “Cạm bẫy” vất vả lừa khán giả vào lưới
Phim 18 “ Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ” muốn giăng một cái bẫy nguy hiểm lên tâm trí khán giả với nhiều tình tiết bạo lực, nặng nề, cùng hai nhân vật khó mà Nhật Kim Anh đảm nhận, nhưng chiếc bẫy kia có đủ để khán giả “sa lưới”?
Cạm Bẫy – Hơi thở của quỷ là một trong hai phim điện ảnh Việt ra mắt đầu tiên năm 2018. Bộ phim lấy đề tài tâm lý tội phạm, đậm không khí rượt đuổi căng thẳng và màu sắc của một phim trinh thám, với những cảnh nóng và bạo lực nên được dán nhãn 18 .
Chuyện phim xoay quanh nhân vật Mai Hoa (Nhật Kim Anh) – một nữ doanh nhân thành đạt, mắc bệnh đãng trí, sống cùng chồng là Tùng (Đông Dương) và hai con. Trong một lần đi xem đua chó cùng cả gia đình, Hoa bị băng đảng của Hải “đen” ( Xuân Phúc) bắt giữ, đánh đập, hành hạ thậm chí là cưỡng hiếp vì cho rằng cô đã giúp Tuấn “chó” ( Quang Hòa) lấy cắp một món đồ của mình.
Sau những màn tra tấn dã man mà không đem lại bất kì kết quả nào, Hải “đen” ném Mai Hoa xuống biển, những tưởng cô đã chết không ngờ Mai Hoa được chính Tuấn “chó” cứu. Khi tỉnh lại, cô không nhớ bản thân là ai và buộc phải sống cùng một thân phận khác mà không hề biết rất nhiều những hiểm họa luôn rình rập. Trong khi đó, một cô gái với thân phận bí ẩn cùng gương mặt giống hệt Hoa – Linh Chi đã đến ở cùng Tùng, thay thế nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ của cô.
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, Hoa liên tục bị giằng xé giữa hai luồng tư tưởng, nửa bị Tuấn thuyết phục về thân phận mới, nửa lại nhớ về cuộc sống thật của mình. Trong khi đó, Linh Chi lại gây ra những sóng gió trong gia đình bởi tính cách đối lập, sự ngang tàng của mình. Nửa sau của bộ phim là hành trình Hoa tìm lại bản thân, hạnh phúc cùng những bi kịch về con người, gia đình chồng chéo lên nhau.
Kịch bản gay cấn, kể chuyện lắt léo nhưng chưa thuyết phục
Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ được mở đầu bằng màn rượt đuổi khá hồi hộp, đủ sức khiến khán giả tò mò về câu chuyện mà bộ phim muốn kể. Chuyện phim được dẫn dắt và kết nối bởi nhiều chi tiết gay cấn, nhiều nút thắt mở bất ngờ, có lúc khiến khán giả tưởng chừng đã đoán được những bí ẩn đằng sau nhân vật nhưng những sự thật khác lại liên tục được mở ra.
Ở mười phút đầu, khán giả đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra như mối liên hệ giữa hai cô gái giống hệt nhau là gì, nguồn gốc hận thù của Hải “đen” và Tuấn “chó” ra sao. Suốt chặng đường tìm lại bản thân của Hoa, khán giả không khỏi hoài nghi cùng hàng tá những khúc mắc, những câu hỏi mà chỉ cần lơi là rời mắt khỏi màn hình một phút là bạn hoàn toàn có thể đánh mất nội dung câu chuyện.
Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến sử dụng cách kể chuyện song tuyến, cung cấp mảng miếng theo mắt xích liên kết chặt chẽ, buộc người xem phải tuyệt đối tập trung, nếu không sẽ khó lòng đuổi kịp câu chuyện. Những cú lật ngửa liên tục được tung ra nhằm khiến khán giả bất ngờ. Nói một cách khách quan thì kịch bản của phim khá khó đoán, vậy là đồng nghĩa hoàn thành nhiệm vụ gây ngạc nhiên.
Tuy nhiên, cách xây dựng và xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật còn nhiều chỗ khiên cưỡng. Ví dụ rõ nhất chính là việc Tuấn “chó” vô tình cứu được Hoa khi cô bị sóng đánh trôi dạt vào bờ. Vì nội dung bộ phim quá rắc rối nên cũng khó trách sự lúng túng của đạo diễn.
Hai vai diễn của Nhật Kim Anh thuyết phục cách mấy cũng “không làm nên mùa xuân”
Có thể nói về mặt công thức, Cạm bẫy là một bộ phim tâm lý tội phạm đúng chuẩn khi đã để kịch bản tập trung nhiều hơn trong việc khắc họa rõ nét tâm lý cũng như quá trình thay đổi của từng nhân vật khiến cho người xem tin vào câu chuyện mà nhân vật đang trải qua. Tính cách từng nhân vật không được giới thiệu rõ nét ngay từ đầu phim, tâm lý của cả tuyến nhân vật chính diện lẫn phản diện đều thay đổi và phát triển qua từng nút thắt câu chuyện.
Trailer “Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ”
Ở đầu phim, Hoa hiện lên với vai trò nhân vật chính diện, đáng thương, tội nghiệp, bỗng dưng bị cuốn vào một cạm bẫy với những tai họa trên trời rơi xuống khiến người xem cảm thấy thương cảm thậm chí là bất bình cho cô. Trong khi đó, Linh Chi, Hải “đen” và Tuấn “chó” lại đóng đinh với hình tượng nhân vật phản diện quái đản, xấu xa, vì lợi ích của bản thân mà đánh mất cả nhân tính.
Trái lại, Tùng – chồng của Hoa được khắc họa với những nét tính cách khá mờ nhạt, đến mức khiến người xem nghĩ rằng y sẽ không có ảnh hưởng quá nhiều đến mạch phim. Tuy nhiên, xuyên suốt bộ phim, những góc khuất trong cuộc sống của Linh Chi cùng Tuấn lại khiến cho khán giả thương cảm nhiều hơn ghét.
Ở đoạn Tuấn dùng tính mạng của mình để bảo vệ Hoa dù khiến người xem hoài nghi vì Tuấn không cần thiết phải làm như vậy nhưng lại khiến khán giả thấy một góc khuất khác trong con người đó, nhân văn và tốt đẹp. Với Linh Chi, dù ít xuất hiện hơn Hoa nhưng diễn biến tâm lý khá phức tạp của nhân vật này lại khiến khán giả có thể thương cảm cho một nhân vật phản diện. Ở đoạn kết của bộ phim, cú “twist” khiến khán giả ngỡ ngàng khi nhận ra Linh Chi mới là người đáng thương, Tùng là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất còn Hoa mới chính là nguyên nhân đẩy người thân của mình vào tội lỗi.
Tùng là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong phim
Có thể nói trong dàn diễn viên, Nhật Kim Anh là người có vai diễn nặng kí nhất khi cùng lúc thể hiện hai nhân vật bị chuốc “độc tố”, khiến cả hai đều có xu hướng mắc bệnh tâm thần. Cách cô thể hiện linh hoạt hai vai Hoa và Chi qua những phân cảnh đan xen, lúc tội nghiệp lúc hung ác khá thuyết phục. Tuy nhiên, một mình Nhật Kim Anh cũng chưa đủ “cân” cả phim khi mà nhân vật Tùng của Đông Dương chỉ có vài phút toả sáng ở cuối nhưng lại có biểu hiện hơi… quá đà. Còn Quang Hoà và Xuân Phúc thì lại là hai nhân vật “đầu voi đuôi chuột”, xuất hiện nguy hiểm nhưng biến mất khá… trớt quớt.
Dán nhãn C18 vì bạo lực, tăm tối thay vì cảnh nóng
Tuy là một dự án về tâm lý tội phạm nhưng phần hành động lại là một điểm cộng khi đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến đã dùng để đẩy cảm xúc của người xem. Trường đoạn Hoa bị tra tấn treo ngược, bị cưỡng hiếp sẽ ít nhiều khiến khán giả hồi hộp theo vì không khí khá tốt. Tuy nhiên, bộ phim bị dán nhãn C18 là vì nội dung nặng nề, u ám chứ không phải vì quá “nóng” như khán giả tưởng tượng.
Là phim tâm lý tội phạm, có chiều sâu nhưng cũng đầy “sạn”
Một thành công của Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ là việc khai thác tận sâu đề tài gia đình cùng bi kịch xã hội của con người hiện đại và ân oán giang hồ dù được giới thiệu là phim về đề tài người bị tâm thần phân liệt.
Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến chiếm được sự đồng cảm của khán giả khi mang câu chuyện làm sao để cân đối giữa bản thân, công việc và gia đình vào phim.
Cạm bẫy – Hơi thở của quỷ truyền tải thông điệp về gia đình
Những góc khuất trong cuộc sống hôn nhân, sự trục trặc mối quan hệ kinh tế giữa vợ chồng, những bi kịch tình thân dần được lật mở trong phim và là điểm sáng của phim, một phần còn đến từ diễn xuất của đôi nam nữ chính.
Nhật Kim Anh nỗ lực khi đảm nhận 2 vai diễn đối lập
Dừ đầu tư một kịch bản có chiều sâu, thông điệp rõ ràng, nhưng phim vẫn còn rất nhiều “sạn” khiến những khán giả ruột của dòng phim này không thoả mãn. Bẫy sẽ sập được những khán giả vốn quen với phim hài, tình cảm của Việt Nam, kể cả thế, chất lượng cái bẫy vẫn khá nông, nếu bình tĩnh thì vẫn có thể không bị bắt gọn.
Còn nhiều tình tiết chưa được gọn gàng, mượt mà, nhiều phân đoạn thiên về đối thoại, phần nhạc phim được lồng ghép không mượt mà, một số hình ảnh được dùng đi dùng lại. Mặc khác, khách quan mà nói, đây là phim “khá” nhất trong tổng 3 phim đã ra mắt của Nguyễn Quang Tuyến, sau Cầu vồng không sắc, Điệp vụ chân dài. Nếu biên kịch trau chuốt hơn, dụng công nhiều hơn về một số chi tiết để thuyết phục hơn thì phim đã hay hơn rất nhiều.
Cạm bẫy đang khởi chiếu trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Phim 18+ của Nhật Kim Anh được làm chỉn chu dù chưa hoàn hảo
Tác phẩm có khá nhiều cảnh bạo lực và thuộc thể loại phim mới lạ, kén người xem.
Cạm Bẫy: Hơi thở của quỷ là bộ phim thứ 3 của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến - người từng biết đến qua bộ phim Điệp vụ chân dài và tác phẩm về đề tài đồng tính Cầu vồng không sắc. Lựa chọn thể loại khá kén người xem là phân tâm học, giật gân, bộ phim bị gắn nhãn 18 và là một trong số những bộ phim Việt hiếm hoi của thể loại này.
Sự khởi đầu của dòng phim Việt phân tâm học?
Phân tâm học (psychological) là một trong những dòng phim đặc biệt bậc nhất trong thế giới điện ảnh. Những tác phẩm có yếu tố phân tâm học thường được gắn với thể loại thriller (sát nhân) hoặc horror (kinh dị), khai thác những yếu tố sâu thẳm bên trong tâm lý con người như bạo lực, tình dục hoặc những vấn đề tâm lý dị thường. Trên thế giới, thể loại phim này được đánh giá là kén người xem và kén cả người làm, bởi việc làm được một phim phân tâm học đúng nghĩa và hấp dẫn là điều không hề dễ dàng.
Những tượng đài của dòng phim này có thể điểm mặt là bộ phim Psycho (1960) của bậc thầy phim giật gân Alfred Hitchcock, A Clockwork Orange (1971) của đạo diễn kinh điển Stanley Kubrick hay ở thời kỳ phim hiện đại là Sự im lặng của bầy cừu (1991). Đặc điểm nổi trội của dòng phim này là yếu tố bí ẩn, giật gân, màu sắc của câu chuyện thường u ám, cách thể hiện thô ráp và trực diện, và trên tất cả, phim đem đến cho khán giả những nỗi ám ảnh có thể kéo dài trong nhiều ngày sau đó.
Cạm Bẫy là cố gắng của đạo diễn trong việc làm phim ở một thể loại mới lạ với khán giả Việt
Với Cạm Bẫy của Nguyễn Quang Tuyến, điều đáng khen của đạo diễn là anh đã liều lĩnh lựa chọn một đề tài mới lạ, thậm chí kén khán giả để làm thử thách cho chính mình. Với tác phẩm này, khán giả ít nhiều đã nhìn thấy một sự chỉn chu, cẩn thận trong cách mà đạo diễn sắp xếp các tình tiết, sắp xếp những mối quan hệ của các nhân vật, dù rằng tông màu của phân tâm học vẫn chưa thực sự đậm nét. Ở một vài phân đoạn trong phim, khán giả sẽ giật mình nhận ra rằng phim bị "lây" thể loại drama (tâm lý) và hơi bi lụy quá, ví dụ như phân đoạn nhân vật của Nhật Kim Anh chia tay một trong hai con trai của mình, hay trường đoạn khá dài mà hai nhân vật nữ chính dần quen với người chồng mới.
Trailer Cạm Bẫy: Hơi thở của quỷ
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, bộ phim này đã đáp ứng được phần nào yêu cầu về một bộ phim được gọi là phân tâm học, dù rằng yếu tố bạo lực trong các nhân vật mới chỉ được khai thác trên bề nổi. Phải chăng nếu đạo diễn bớt đi một vài nhân vật, đẩy mạnh vai trò của những nhân vật đó lên, cho họ đất diễn và đất để bộc lộ ký ức, thì bộ phim sẽ đưa tới cho khán giả được góc nhìn sâu sắc và logic hơn về những hành động bạo lực của nhân vật.
Dàn diễn viên chưa đồng đều
Có thể nói, ngoài Nhật Kim Anh, dàn diễn viên còn lại của Cạm Bẫy đều không quen mặt với phần đông khán giả, thậm chí chính nữ diễn viên Nhật Kim Anh cũng không phải một gương mặt thường xuất hiện trên màn ảnh rộng. Nói về điều này, đạo diễn của phim đã bày tỏ rằng anh không muốn người xem bị ảnh hưởng khi xem một ngôi sao hóa thân vào nhân vật, anh muốn khán giả thấy nhân vật của mình chứ không phải thấy người này người kia đang diễn. Tuy nhiên, điều đáng nói là những diễn viên trong bộ phim lần này của anh lại có diễn xuất khá gồng trong nhiều phân đoạn, khiến người xem cảm thấy họ bị "kịch".
Xuân Phúc diễn còn quá "kịch" và cần nhiều trải nghiệm để diễn xuất mềm mại hơn
Nam diễn viên trẻ Xuân Phúc là trường hợp điển hình của việc này. Vai diễn Hải "đen" là một tay anh chị chuyên tổ chức cá độ đen trong trường đua chó, cũng là người đã bắt cóc, tra tấn nhân vật Hoa của Nhật Kim Anh. Với một tính cách lạnh lùng, tàn độc, Xuân Phúc dành phần lớn đất diễn của mình để gồng và dùng kỹ thuật để diễn. Điều đó đã khiến cho khán giả nhìn rõ được những kỹ thuật biểu diễn của anh chàng này, chứ không phải là anh ta hóa thân thành nhân vật rồi tâm lý tự phát tiết ra. Nôm na, Xuân Phúc chỉ diễn trên bề nổi. Điều mà chàng diễn viên trẻ này cần, có lẽ không gì hơn là thời gian và trải nghiệm.
Đông Dương gây bất ngờ ở cuối phim
Nhật Kim Anh có sự bứt phá khi diễn xuất ở hai vai trò với tính cách đối lập, nhiều phân đoạn đòi hỏi sự tập trung cao độ và cả sự hy sinh cho diễn xuất. Dù vậy, ở không ít phân đoạn có tính "đời thường", cô vẫn bị "over". Trong khi đó, nam diễn viên Đông Dương trong vai Tùng - chồng của Hoa, lại có màn trình diễn khá ấn tượng ở cuối phim. Đông Dương dù không phải một gương mặt "soái ca", càng không ấn tượng trong dàn diễn viên "toàn trai đẹp", thậm chí trong nhiều phân đoạn ở đầu phim anh khá "đơ", nhưng càng về sau nam diễn viên này càng bắt được nhịp của câu chuyện hơn, và phải khẳng định là anh đã làm tốt trách nhiệm của mình trong phân đoạn đinh ở cuối phim.
Một bộ phim chấp nhận được
Trước hết, đây là một sản phẩm nghệ thuật được bỏ công sức ra làm, và khán giả hoàn toàn có thể nhận biết được nếu như một bộ phim có được làm với tâm huyết hay không. Thứ hai, chuyện phim được viết ra có ý đồ, và đạo diễn biết cách thể hiện ý đồ đó của mình. Chưa kể tới một số chi tiết khá mới lạ mà người viết đánh giá là thông minh, ví dụ như chi tiết nhỏ khi nhân vật Tuấn và Hải đuổi nhau bằng ô tô, bất ngờ xe của Tuấn hết xăng. Đây là một chi tiết "ăn tiền", một chìa khóa đầy logic để Tuấn phải ra khỏi xe và đối mặt với Hải, cũng là chi tiết thể hiện sự "có suy nghĩ" của người làm phim.
Nhật Kim Anh chia sẻ cô đã dành hết tâm huyết cho vai diễn này
Công bằng mà nói, nếu để xếp vào hàng phân tâm học, Cạm Bẫy chưa "đủ đô". Nhưng ở một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam và những nguyên tắc kiểm duyệt ngặt nghèo, thiết nghĩ nhà làm phim nào cũng cần biết tiết chế, đặc biệt là khi phim có những yếu tố bạo lực. Hơn nữa, phim là sản phẩm được làm ra để đến với khán giả đại chúng, chính vì vậy nên chuyện phim cũng cần hướng đến số đông, nếu một bộ phim quá bạo lực và quá kén người xem thì chẳng khác nào đạo diễn đã tự lọc khán giả của mình. Chính vì lý do này nên một số chi tiết hay phân đoạn được làm chưa tới trong phim có thể châm chước.
Phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 12.1.2018.
Theo Danviet
Lộ diện "hậu cung" toàn trai đẹp sáu múi của Nhật Kim Anh ở phim điện ảnh 18+ Các diễn viên nam trong phim "Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ" có nhiều cảnh nóng với Nhật Kim Anh đã được bật mí danh tính: Xuân Phúc, Quang Hoà, Đông Dương, Hoàng Tiến Dũng... Gây sốc với khán giả với những cảnh nóng hãm hiếp nude 100% cùng những cảnh quay hành động rượt đuổi ngộp thở trong teaser và trailer,...