Cả gia đình vướng lao lý vì “nồi da nấu thịt”
Cho rằng bản án sơ thẩm còn quá nhẹ, người anh đã làm đơn kháng cáo khiến vợ chồng người em cùng con gái, con rể của em trai mình thêm lần nữa phải ra trước vành móng ngựa để nhận phán quyết của pháp luật.
Ngày 21/4, vợ chồng ông Lê Ngọc Bốn (SN 1957, ở Thanh Oai, Hà Nội) cùng ba con ra toà lần hai tại TAND Hà Nội. Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt và mức bồi thường của anh trai ông Bốn là ông Lê Ngọc Mỹ.
Trước vành móng ngựa, gia đình ông Bốn cùng vợ là bà Đỗ Thị Thiệu, hai con đẻ Lê Ngọc Tùng, Lê Thị Hoan và con rể ông Bốn là anh Nguyễn Văn Cường ngậm ngùi trình bầy về mâu thuẫn khiến “nồi da nấu thịt”.
Các bị cáo tại tòa.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2009, gia đình ông Mỹ và gia đình em trai là Lê Ngọc Bốn xảy ra tranh chấp đất đai. Nguyên nhân do ông Bốn cho rằng, bà Nguyễn Thị Phóng, mẹ đẻ ông Mỹ và ông Bốn có di chúc cho ông Bốn 2 thước đất ruộng 5% trong thửa đất của gia đình ông Mỹ.
Cùng năm này, ông Mỹ cho xây một căn nhà cấp bốn rộng hơn 15m2 để “giữ đất”.
Cũng từ đây, giữa hai người trong cùng gia đình xảy ra mâu thuẫn, dù chính quyền xã đã có thông báo: “Di chúc của mẹ đẻ hai ông Bốn và Mỹ không có căn cứ”.
5 năm tranh chấp đất đai, giữa hai anh em đã không ít lần xảy ra xô xát. Chính quyền địa phương đã phải nhiều lần can thiệp giải quyết xô xát giữa hai anh em ông Bốn.
Mâu thuẫn đỉnh điểm xảy ra vào tối một ngày cuối tháng 5/2014, khi ông Mỹ thuê thợ đến đóng cọc sắt, hàn tôn quây quanh khu đất tranh chấp rộng hơn 15m2 trên. Khi đó, ông Mỹ bị gia đình người em đến ngăn cản không cho thi công.
Thấy anh trai cho xây dựng trên mảnh đất đang tranh chấp, ông Bốn họp bàn các thành viên trong gia đình và quyết định sáng hôm sau sẽ dỡ căn nhà cấp bốn khỏi mảnh đất “mẹ để lại”.
6h30 ngày 26/5/2014, ông Bốn chỉ đạo vợ, con trai, vợ chồng con gái nhổ cọc đinh, kéo tấm proximăng, húc đổ tường ông Mỹ xây bao quanh căn nhà trước đó.
Sau khi sự việc xảy ra, 5 người trong gia đình ông Bốn bị cáo buộc tội “Hủy hoại tài sản” là hơn 2 triệu đồng.
Video đang HOT
TAND huyện Thanh Oai, Hà Nội đã tuyên phạt Tùng 3 tháng tù giam, ông Bốn, bà Thiệu, Hoan và Cương từ 6 tháng đến 12 tháng, nhưng cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS cho rằng, việc đưa các bị cáo ra xét xử là đúng người, đúng tội, tuy nhiên, để giữ hòa khí trong gia đình, tránh việc gây mâu thuẫn trầm trọng thêm giữa các bị cáo, VKS đề nghị giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo bởi tài sản bị thiệt hại có giá trị không lớn, các bị cáo cũng đã biết sai, đã tự nguyện khắc phục hậu quả, phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng…
Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, người anh trai đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt và mức bồi thường đối với vợ chồng người em và các cháu.
Mất tình huynh đệ
Phiên tòa phúc thẩm, ông Mỹ thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Luật sư của ông Mỹ cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhẹ tay đối với các bị cáo.
Trước HĐXX phúc thẩm, ông Bốn trình bày, nhiều năm trời vợ chồng ông phải nuôi mẹ già bệnh tật, còn người anh không ngó ngàng gì đến mẹ.
Bị cáo nói: “Mảnh đất ông Mỹ xây căn nhà cấp 4 không thuộc sở hữu của anh ấy. Mẹ bị cáo đã di chúc lại cho bị cáo sở hữu toàn bộ”.
Vị chủ tọa giải thích, phần diện tích đó vẫn tồn tại tranh chấp giữa hai anh em, chưa có phán quyết cuối cùng, song bị cáo tự ý tháo dỡ tài sản của ông Mỹ là vi phạm pháp luật.
Chủ toạ cũng chia sẻ với ông Bốn: “Là người trụ cột trong gia đình, bị cáo cần có những cách làm khôn khéo hơn, để không vướng lao lý.”
Về phần người anh, được chủ tọa hỏi nhiều lần nhưng ông Mỹ vẫn nhất định không chịu rút kháng cáo. Ông Mỹ cho rằng, cần phải có bản án nghiêm khắc với hành vi “côn đồ” của gia đình em trai, bởi đã có lần người em đánh ông phải nhập viện gần nửa tháng điều trị.
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của ông Mỹ, giữ nguyên mức án mà TAND cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo.
T.Nhung
Theo_VietNamNet
Người cha tuyệt tình và bi kịch từ nạn bạo hành gia đình
Vừa được dẫn vào tòa án, Nghĩa quỳ xuống nói lời xin lỗi cha. Người đàn ông dửng dưng nhìn núm ruột của mình. Trong suốt phiên tòa, ông chỉ chăm chăm đề nghị tòa dành cho con mình án phạt thật nặng!
Ngô Quang Nghĩa phải lĩnh án 5 năm tù giam vì bênh mẹ mà đánh bố.
Cậu thanh niên đứng trước vành móng ngựa không ít lần bật khóc khi tòa yêu cầu trình bày lại nguồn cơn sự việc. Cả một quãng thời gian đầu đời của Ngô Quang Nghĩa (SN 1993, trú xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã phải sống như địa ngục khi trong nhà có người bố thích bạo hành và đánh vợ như cơm bữa. Đó cũng là nguyên nhân khiến Nghĩa phải đứng đây để chịu sự trừng phạt của pháp luật cho hành động của một đứa con bất hiếu.
Dưới hàng ghế dành cho người bị hại là ông Ngô Quang Đại - bố Nghĩa. Phiên tòa phúc thẩm này được mở bởi lá đơn kháng cáo của ông Đại. Với người đàn ông này, mức án 5 năm tù mà TAND huyện Nghĩa Đàn tuyên phạt cho con trai ông là quá nhẹ. Ông muốn nó phải ngồi tù lâu hơn. Và có thể, yêu cầu tòa án xem xét "tội trạng" của mẹ nó - tức vợ ông về hành vi bao che cho con.
Vậy nhưng, những gì diễn ra trong suốt phiên tòa qua những lời khai của những người liên quan lại khiến cho những người dự khán phiên tòa không khỏi day dứt. Day dứt vì lỗi lầm của đứa con và phẫn nộ bởi hành động của người cha.
Mẹ và bà ngoại Nghĩa tới tham dự phiên tòa. Người đàn bà bất hạnh bị chồng bạo hành suốt hơn chục năm trời nay lại phải đau đớn nhìn con vướng vào vòng tù tội.
Ngô Quang Đại và chị Lý Thị Thủy sống với nhau và có 2 mặt con. Với bản tính vũ phu, hung hãn, Đại thường xuyên xuống tay với vợ. Nghe lời bố chồng khuyên, chị Thủy quyết định vào miền Nam làm thuê, vừa kiếm tiền gửi về nuôi con, vừa "lánh nạn". Lâu lâu chị Thủy về thăm nhà một lần nhưng mỗi lần về chị phải nhanh chóng khăn gói ra đi bởi chồng rượt đuổi, dọa chém.
"Có lần ông còn dùng dây thép chờ tôi ngủ rồi thắt cổ. Cũng may thằng Nghĩa, lúc đó mới 12 tuổi, biết được nên trèo lên mái nhà, tháo dây thép đi. Rồi nó khóc, bảo: "Mẹ chạy đi đi, đừng về nhà nữa, bố giết mẹ mất". Từ đó tôi không trở về nhà nữa", chị Lý Thị Thủy trình bày.
Vợ đi, Đại trút mọi bực dọc lên đầu 2 đứa con. Những bữa cơm dọn ra, Đại bê cả mâm hất ra sân rồi dùng dao chặt hết nồi niêu. Năm 2012, Ngô Quang Đại bị tai nạn, bên nội có lời nhờ chị Thủy về chăm sóc. Giận chồng, chị Thủy không đồng ý nhưng 2 đứa con nài nỉ, chị gác những tủi hờn lại, quyết định về quê chăm sóc chồng. 6 tháng ròng rã, chị dốc hết tiền bạc tích góp để chăm lo chữa chạy cho Đại.
Người đàn ông đánh vợ như cơm bữa giờ đây chỉ mong tòa dành cho con trai mình mức án cao hơn.
Cứ tưởng sau lần ấy Đại biết cái tình của vợ, của con mà thay đổi. Thế nhưng, ra viện Đại vẫn chứng nào tật nấy. "Anh vẫn đánh vợ như cơm bữa, dùng dao dọa đâm, chém tôi để đòi tièn ăn uống, nhậu nhẹt, lô đề. Không đưa tiền thì anh quay sang đập phá nhà cửa, mang đồ đạc trong nhà đi bán", chị Thủy kể tiếp.
Không chịu nổi ông chồng vũ phu, chị Thủy lại quyết định vào Nam. Giấu con về chuyện bị chồng đánh đập, chị chỉ bảo túng thiếu nên phải đi làm ăn nhưng hai đứa con nhất quyết không cho. Chúng bảo, chúng lớn rồi, đi làm rồi, chịu khó chắt bóp gửi về cho bố mẹ. Chị lại nấn ná ở nhà.
Rồi chị quyết định vay mượn cho con đi xuất khẩu lao động. Trong khi chờ con hoàn thiện thủ tục thì chiều 19/8/2013, Đại yêu cầu chị phải đưa số tiền 140 triệu cho mình. Đó là tiền lo công việc cho con nên chị Thủy không đồng ý. Đại dùng gốc tre đánh vợ, bắt phải đưa tiền. Uất ức, chị Thủy dọa sẽ đi luôn, không trở về nhà nữa. Đại vẫn tiếp tục lao vào đánh. Thấy thế, Nghĩa lao vào can ngăn và bảo mẹ chạy đi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - cán bộ trợ giúp pháp lý, người bào chữa cho Nghĩa tai phiên tòa tâm sự: "Tôi đã từng bào chữa cho nhiều bị cáo nhưng đây là vụ án khiến tôi phải day dứt rất nhiều. Bị cáo không phải là đứa con hư, càng không phải là đứa con bất hiếu. Chính nạn bạo hành gia đình từ người bố đã đẩy Nghĩa vào hậu quả này. 5 năm tù, nghĩa là em đã mất đi cả một tuổi thanh xuân tươi đẹp, một phần tương lai khi cuộc đời của em chỉ mới bắt đầu".
Bà Thủy đi rồi, hai cha con Nghĩa xảy ra xô xát. Trong lúc xô xát, Nghĩa giành được cây gậy tre trong tay bố và dùng nó đánh liên tiếp vào người cha đến khi ông Đại nằm im. Thấy bố bị thương, Nghĩa gọi người đưa đi cấp cứu. Trong khi bà Thủy gọi người đến đưa ông Đại đi cấp cứu thì Nghĩa dùng chăn trùm người bố, tiếp tục dùng gậy đánh. Một người hành xóm sang can ngăn, Nghĩa đáp: "Ông làm khổ mẹ con cháu nhiều rồi. Lần này phải đánh cho ông một trận". Ông Đại sau đó được đưa đi cấp cứu và kết luận tỷ lệ thương tật 36%.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 21/3/2014, TAND huyện Nghĩa Đàn đã tuyên phạt Ngô Quang Nghĩa 5 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Cho rằng mức án mà tòa tuyên cho con trai mình quá nhẹ, Ngô Quang Đại đã có đơn kháng cáo xin tăng án phạt tù cho Nghĩa.
Bước vào phiên tòa phúc thẩm, vừa nhìn thấy cha, Nghĩa đã quỳ thụp xuống xin cha tha thứ. Người cha dửng dưng nhìn con trai mình rồi quay mặt sang phía khác. Đứng trước vành móng ngựa, Nghĩa thuật lại quá trình phạm tội của mình trong nước mắt. "Bị cáo không có chủ ý tước đoạt mạng sống của bố. Bị cáo chỉ nghĩ đánh bố một trận để bố không hành hung, làm khổ mẹ con bị cáo. Con sai rồi, con xin lỗi bố", nước mắt nhòe nhoẹt khuôn mặt của kẻ làm con mang tội bất hiếu. Trong suốt phiên xử, không ít lần Nghĩa quay lại nhìn bố nhưng đáp lại chỉ là ánh mắt dửng dưng đến lạnh lùng của người cha.
Đứa con mang tội bất hiếu đã không ít lần bật khóc cầu xin sự tha thứ nhưng đáp lại chỉ là sự dửng dưng đến lạnh lùng từ người cha.
Khi được tòa hỏi, ông Đại đứng lên hùng hổ kể tội vợ con. Ông cho rằng thằng con ông muốn đánh bố đến chết, vợ ông muốn bao che cho con nên đã tiêu hủy chiếc điện thoại cùng toàn bộ giấy tờ liên quan tới việc chữa trị của ông. Ngoài việc yêu cầu tòa dành cho con trai mình mức án cao hơn, ông còn đề nghị HĐXX xem xét hành vi bao che của vợ mình.
Trước việc người cha cứ chăm chăm đổ lỗi và buộc tội con trai mình, một vị hội thẩm nhân dân đã thốt lên: "Sống trong một gia đình mà cả vợ và con đều mâu thuẫn với ông thì chính ông phải hiểu hơn ai hết chuyện đã xảy ra có căn nguyên từ đâu. Là người chồng, người cha trong gia đình, ông phải là người có trách nhiệm dung hòa, liên kết các thành viên trong gia đình với nhau chứ không phải suốt ngày đánh đập, hành hạ vợ con. Xưa nay việc con đánh cha là hiếm. Đó là hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Nhưng chính ông cũng cần phải xem lại bản thân mình".
Tuy nhiên những lời rút ruột rút gan của những người xét xử dường như chẳng có ý nghĩa gì với Đại. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo tới cùng.
Sau khi xem xét lại toàn bộ chứng cứ, HĐXX tuyên bố bác đơn kháng cáo của ông Ngô Quang Đại, giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với Ngô Quang Nghĩa. Trong khi chị Thủy và những anh em họ ngoại chạy theo Nghĩa ra xe đặc chủng thì ông Đại và một số anh em họ nội nhanh chóng rời phiên tòa với khuôn mặt lộ vẻ bực tức khi "nguyện vọng" đẩy con vào tù lâu hơn không được đáp ứng.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Xử phúc thẩm vụ mua bán 12 tấn heroin với 30 án tử hình Trong 89 bị cáo đứng trước vành móng ngựa ở phiên sơ thẩm, 40 bị cáo kháng cáo để xin giảm hình phạt, chỉ có một bị cáo xin xem xét lại tội danh, một bị cáo kêu oan. Ngày 12/6, TAND tối cao tại Hà Nội đã có lịch xét xử phúc thẩm vụ án mua bán 12 tấn heroin, do Nguyễn...