Ca ghép toàn bộ mắt đầu tiên trên thế giới: Bước đột phá gieo hạnh phúc
Đó là khoảnh khắc mà Meagan James khó tin rằng cô có thể được chứng kiến. Một nhóm phẫu thuật tại bệnh viện NYU Langone Health ở New York (Mỹ) đã thực hiện ca ghép toàn bộ mắt thành công đầu tiên trên thế giới cho một người sống: chồng cô – Aaron James.
Aaron James, 46 tuổi, cùng bác sĩ phẫu thuật – Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, người đã dẫn đầu ca ghép toàn bộ mắt và một phần khuôn mặt cho anh. Ảnh: NYU Langone Health
Sau một tai nạn tại nơi làm việc dẫn đến mất mắt trái và một phần khuôn mặt, Aaron đã được trao cho một cửa sổ tâm hồn mới cũng như được ghép một phần khuôn mặt.
Khi Meagan nhìn vào con mắt mới của chồng lần đầu tiên, cô nhận thấy vết sưng tấy sau phẫu thuật và thấy con mắt đó có màu nâu. Mắt bẩm sinh của Aaron có màu xanh nước biển. Cô cũng nhìn thấy chiếc mũi, đôi môi và chiếc má mới của anh, nơi đã có vài sợi râu mọc lên. Cô nhìn thấy một khuôn mặt tràn đầy sự biết ơn và đó là lúc cảm xúc dâng trào.
Cô mừng cho người chồng gắn bó 20 năm của mình. “Đó là một cảm giác như điên rồ, tuyệt vời, kỳ lạ, ngây ngất và hạnh phúc. Tôi rất vui vì anh ấy đã vượt qua được và mọi thứ đều tốt đẹp vào lúc này”, Meagan nói.
Vào cuối tháng 5, một nhóm gồm hơn 140 bác sĩ phẫu thuật tại NYU Langone Health đã hoàn thành ca cấy ghép cho Aaron, kéo dài khoảng 21 giờ. Cuộc phẫu thuật bao gồm cả cấy ghép toàn bộ mắt trái và các bộ phận trên khuôn mặt từ một người hiến tặng duy nhất. Đó là ca ghép đầu tiên như vậy trong lịch sử y khoa thế giới.
Theo nhóm y tế, mắt của Aaron hiện đang có những dấu hiệu sức khỏe “ấn tượng”. Mặc dù chưa thể nhìn bằng mắt mới, nhưng Aaron vẫn hy vọng rằng theo thời gian, anh sẽ có thể nhìn thấy được – và ca phẫu thuật đầu tiên của anh có thể mở ra một lĩnh vực mới trong y học cấy ghép.
“Đó thực sự là hy vọng lớn nhất của tôi”, Aaron nói. “Nếu tôi có thể nhìn được, điều đó thật tuyệt. Và nếu nó còn khởi đầu cho con đường tiếp theo trong lĩnh vực y tế thì tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Meagan nói rằng việc nhìn thấy con mắt và khuôn mặt mới của Aaron “không phải là một cú sốc lớn” như việc nhìn thấy anh vào đêm xảy ra tai nạn.
Aaron, một cựu quân nhân 46 tuổi sống ở Arkansas, làm công nhân đường điện cao thế. Vào một đêm tháng 6/2021, anh đang làm việc với các đồng nghiệp ở Mississippi thì mặt anh vô tình chạm vào một sợi dây điện.
Dòng điện 7.200 volt chết người đã khiến khuôn mặt của Aaron bị chấn thương nặng, phá huỷ mắt trái, toàn bộ mũi và môi, vùng má trái và cằm cũng như cánh tay trái.
Hôm ấy ở Arkansas, Meagan và con gái của họ, Allie, một nữ sinh trung học, đang lái xe từ cửa hàng tạp hóa về nhà thì điện thoại của Meagan đổ chuông. Những từ rời rạc khủng khiếp mà cô nghe thấy là “Aaron”, “tai nạn” và “nghiêm trọng”.
Video đang HOT
Meagan lập tức khăn gói, lái xe khoảng 4 tiếng rưỡi đến Mississippi, nơi Aaron đang được chăm sóc tại một bệnh viện địa phương. Đang lái xe, điện thoại của cô lại reo lên. Lần này là bác sĩ. Bác sĩ mô tả tình trạng của Aaron và giải thích rằng anh đã bị điện giật.
“Anh ấy ổn chứ? Anh ấy sẽ ổn chứ?”, Meagan hỏi. Cô nhớ lại câu trả lời của bác sĩ: “Điều duy nhất tôi có thể hứa với cô là anh ấy sẽ không chết trước khi cô đến đây”.
Meagan nhớ rằng cô ấy thường dặn Aaron “hãy bảo trọng” vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Cô vẫn nhớ lại buổi sáng xảy ra tai nạn của anh và tự hỏi liệu ngày hôm đó cô có nhắc anh “hãy bảo trọng” hay không.
“Ôi Chúa ơi, mặt anh ấy biến mất rồi”
Meagan luôn ở bên Aaron khi anh được chuyển đến các trung tâm y tế khác nhau để được chăm sóc đặc biệt hơn, để phẫu thuật tái tạo và cắt cụt cánh tay trái.
Người vợ kể lại: “Khi nhìn thấy anh ấy, xương cằm của anh lộ ra ngoài. Tôi có thể nhìn thấy hốc mắt của anh và mọi thứ. Tôi nhìn thấy hộp sọ. Tôi đã nghĩ. Ôi Chúa ơi, khuôn mặt của anh ấy biến mất rồi’”. “Nhưng hầu hết những lo lắng của tôi chỉ là anh ấy sẽ ra sao khi tỉnh táo và nhận thức được”, cô chia sẻ.
Bác sĩ phẫu thuật Eduardo Rodriguez cùng Aaron James trước khi ghép toàn bộ mắt và một phần khuôn mặt. Ảnh: NYU Langone Health
Aaron cho biết anh không nhớ gì về vụ tai nạn cả. “Tôi thức dậy, đi làm và thức dậy sáu tuần sau đó ở Dallas, Texas. Đúng là một cảm giác kỳ lạ khi bạn đột nhiên tỉnh dậy trong bệnh viện.”
Lần đầu tiên Aaron nhìn thấy chính mình sau vụ tai nạn là trên giường bệnh ở Dallas. Anh yêu cầu Meagan chụp ảnh nhưng cô do dự. “Anh có chắc muốn chụp không”. Aaron trả lời: “Ừ, sẽ ổn thôi”.
“Cô ấy chụp một bức ảnh và xoay chiếc điện thoại lại, còn tôi thì nói: ‘Ôi Chúa ơi, đây là một ca tồi tệ đây”, anh nhớ lại. “Ý tôi là, tôi cảm thấy ổn, tôi biết mình sẽ ổn. Chúng tôi chỉ còn một chặng đường dài phía trước mà thôi.”
Đội ngũ chăm sóc y tế của Aaron đã đề cập đến phương án ghép mặt cho Meagan.
“Ngay khi việc cấy ghép khuôn mặt được nhắc đến, đó là lúc tôi nghĩ, ‘Trời ạ, đây là một vấn đề lớn’ bởi vì họ không làm những việc như vậy hàng ngày”, anh nói.
Tại New York, Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, giám đốc Chương trình Cấy ghép Mặt tại NYU Langone Health – người đã thực hiện bốn ca ghép mặt trước đây – và các đồng nghiệp của ông, đã được các chuyên gia ở Texas giới thiệu về trường hợp của Aaron. Sau khi tìm hiểu thêm về vụ tai nạn giật điện và những vết thương sau đó, Rodriguez nói rằng việc Aaron có thể sống sót đã là điều rất ấn tượng.
Các cuộc thảo luận xung quanh khả năng cấy ghép vẫn tiếp tục ngay cả sau khi đội ngũ y tế ở Texas đã cắt bỏ mắt trái của Aaron do anh bị đau dữ dội. Rodriguez và các đồng nghiệp ở New York đã yêu cầu nhóm Texas bảo tồn càng nhiều dây thần kinh thị giác càng tốt với hy vọng có thể ghép mắt.
Khi Rodriguez nói chuyện với Aaron về khả năng thực hiện không chỉ ghép một phần khuôn mặt mà còn ghép toàn bộ mắt, ông có cảnh báo rằng mắt của người hiến tặng có thể không phục hồi được thị lực. Để có được thị giác, sẽ phải có sự giao tiếp nào đó giữa mắt được cấy ghép và não.
Aaron nói: “Nhưng tôi đã nói ‘ngay cả khi nó không hoạt động, tôi sẽ có một con mắt và ít nhất nó sẽ trông bình thường, và sau đó tất cả các ông có thể rút được bài học gì đó từ việc này. Ông phải có bệnh nhân số 0.”
Aaron được liệt vào danh sách người nhận tiềm năng vào tháng 2/2023. Cơ hội thực hiện ca ghép toàn bộ mắt và một phần khuôn mặt đến chỉ vài tháng sau đó, vào tháng 5.
Đó là một ca “mạo hiểm” đối với Rodriguez và các đồng nghiệp của ông. Trước đây, chưa có đội ngũ y tế nào trên thế giới thực hiện thành công ca ghép mắt người cho một bệnh nhân còn sống.
“Đó là một lĩnh vực hoàn toàn chưa được khám phá”, bác sĩ Rodriguez nói.
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez khi thực hiện ca phẫu thuật ghép toàn bộ mắt và một phần khuôn mặt cho bệnh nhân. Ảnh: NYU Langone Health
Ca phẫu thuật căng thẳng
Cuộc phẫu thuật liên quan đến hai phòng phẫu thuật. Aaron đang ở trong một căn phòng, nơi các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ những phần trên khuôn mặt của anh ấy để thay thế bằng mô của người hiến tặng. Rodriguez đang ở phòng khác, mổ xẻ khuôn mặt và nhãn cầu của người hiến tặng.
“Phần đó mất khoảng 12 giờ”, bác sĩ Rodriguez cho biết, “Lúc này tôi phải đảm bảo rằng phòng của Aaron đã sẵn sàng đón tiếp khuôn mặt mới. Chúng tôi cắt mạch máu, ngắt kết nối với người hiến và cuộc đua bắt đầu. Tại thời điểm này, mặt và mắt không nhận được bất kỳ nguồn cung cấp máu nào”.
Rodriguez và các đồng nghiệp sau đó bắt đầu kết nối khuôn mặt và nhãn cầu của người hiến tặng với Aaron. Để ghép mắt, nhóm nghiên cứu đã kết hợp mắt của người hiến tặng với tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương của người hiến bằng cách tiêm tế bào gốc trưởng thành vào dây thần kinh thị giác trong quá trình cấy ghép. Những tế bào gốc đó có thể giúp tăng cường tái tạo thần kinh.
“Chúng tôi có thể xác định một tế bào cụ thể, CD34, là tế bào gốc trưởng thành có một số lợi ích tiềm năng – không chỉ trong điều chế miễn dịch, vì đây là tế bào cấy ghép – mà còn trong tái tạo thần kinh”. Ông giải thích them: “Khi kết nối dây thần kinh thị giác từ người cho đến người nhận, ngay tại vị trí đó, chúng tôi đã tiêm những tế bào gốc CD34 đó vào.”
Tiến sĩ José-Alain Sahel, người phát ngôn lâm sàng của Học viện Nhãn khoa Mỹ cho biết, một bước quan trọng trong ca phẫu thuật ghép toàn bộ mắt là kết nối lại dây thần kinh thị giác của Aaron với mắt của người hiến. Ông không tham gia vào quá trình này nhưng đã tham gia vào nghiên cứu thực nghiệm liên quan.
Sahel, người đã theo dõi ca phẫu thuật của nhóm NYU Langone Health, cho biết: “Thật thông minh khi họ không cắt dây thần kinh thị giác quá xa nhãn cầu lúc loại bỏ mắt ở người nhận”.
“Tôi nghĩ những gì còn phải làm – một công việc quan trọng – sẽ là làm thế nào để tái tạo lại dây thần kinh thị giác, dẫn các sợi hoặc sợi trục của nó đến các mục tiêu thích hợp, cũng như đảm bảo rằng các dây thần kinh giác mạc được bảo quản tốt”, ông Sahel nói. “Điều chúng tôi học được từ ca này là phẫu thuật có khả năng thành công và sau đó chúng tôi nên thúc đẩy nghiên cứu nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu về tái tạo giác mạc và thần kinh thị giác.”
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez khi thực hiện ca phẫu thuật ghép toàn bộ mắt và một phần khuôn mặt cho bệnh nhân. Ảnh: NYU Langone Health
Biết ơn và hy vọng
Rodriguez cho biết, khi ca phẫu thuật hoàn tất và Aaron nhìn khuôn mặt mới của mình trong gương lần đầu tiên, anh đã rất vui mừng. Aaron tiếp tục được theo dõi chặt chẽ và phải tiếp tục dùng thuốc để giảm nguy cơ cơ thể đào thải bộ phận cấy ghép. Đội ngũ y tế lưu ý rằng mắt đã có dấu hiệu khỏe mạnh, chẳng hạn như có lưu lượng máu trực tiếp đến võng mạc, lớp mô ở phía sau nhãn cầu có liên quan đến quá trình xử lý hình ảnh.
Sắp tới, Aaron, Meagan và con gái Allie của họ chuẩn bị cùng nhau tổ chức Lễ Tạ ơn. Giờ đây Aaron đã có thể ngửi và nếm – và rất mong chờ bữa ăn trong Ngày Gà tây.
Anh cũng vẫn hy vọng rằng vào một ngày kỳ diệu nào đó, anh có thể nhìn thấy được bằng con mắt của người hiến tặng.
Bác sĩ Rodriguez cho biết: “Về việc anh ấy có nhìn được hay không, đó là câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Nhưng tôi rất hy vọng”.
Tiến sĩ Oren Tepper, bác sĩ phẫu thuật tạo hình và tái tạo, đồng thời là giám đốc Chương trình Phẫu thuật Sọ mặt tại Hệ thống Y tế Montefiore, cho biết quy trình này đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực y học cấy ghép.
Ông Tepper viết: “Ca phẫu thuật phức tạp và kỹ thuật cao này thể hiện một tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực ghép mặt. Cuối cùng, nếu việc cấy ghép mắt chứng tỏ thành công trong việc khôi phục bất kỳ dạng chức năng thần kinh hoặc tín hiệu thị giác nào thì đây sẽ là một bước đột phá to lớn trong y học đối với những bệnh nhân bị mất mắt do chấn thương hoặc ung thư”.
Campuchia ghi nhận 1 bé gái tử vong do cúm gia cầm H5N1
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà Youk Sambath ngày 22/2 thông báo, nước này vừa ghi nhận trường hợp bé gái 11 tuổi tử vong do cúm gia cầm H5N1.
Thông tin trên cũng được Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Campuchia xác nhận vào tối 22/2. Bé gái sinh sống tại làng Roleang, xã Romlech, huyện Sitho Kandal thuộc tỉnh Prey Veng.
Theo Quốc vụ khanh Youk Sambath, bé gái bắt đầu khởi phát triệu chứng sốt 39 độ C, ho và đau họng từ hôm 16/2. Tình hình sức khỏe không cải thiện sau khi được điều trị tại địa phương, bé gái đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi quốc gia tại thủ đô Phnom Penh.
Ngày 21/2, đội ngũ y tế đã gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tới Viện Y tế công cộng quốc gia và nhận được kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1 trong ngày 22/2. Sau đó, bệnh nhân đã tử vong.
Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết, dù là gia cầm nuôi hay hoang dã. Nếu người dân nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám.
Tranh cãi trọng tài rút thẻ Thẻ trắng đầu tiên trong lịch sử bóng đá đã được trọng tài rút ra trong một trận đấu tại Bồ Đào Nha. Vậy khác với thẻ vàng và thẻ đỏ, thẻ trắng có ý nghĩa gì? Những người hâm mộ bóng đá đã bối rối sau khi một trọng tài ở Bồ Đào Nha rút thẻ trắng đầu tiên trong lịch sử...